Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

THÁNG NGÂU VÀ NHỮNG SỰ TÍCH





Tháng 7 âm lịch, người Việt có một ngày lễ mà giới tăng ni Phật tử thường gọi là ngày lễ Vu Lan. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang - Chức Nữ.

Xuất xứ lễ Vu Lan Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Sự tích ngày xá tội vong nhân hay Sự tích lễ cúng cô hồn
Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên".
 A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".
Nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng. 

Sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ Thuở xưa, có vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng thượng đế giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông. Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hoá thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu(thông thường vào tháng Bảy âm lịch) và gọi họ là ông Ngâu bà Ngâu. Su tich ngay ram thang Bay Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Các phường thợ mộc mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai. Kẻ muốn làm kiểu này, người muốn làm kiểu kia, cãi nhau chí chóe. Đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Bị hoá làm quạ, các phường thợ mộc lại càng giận nhau hơn. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.

ST & BS

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

NHÀ THƠ XUÂN DIỆU





Xuân Diệu thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha sinh tại Gò Bồ xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (quê ngoại của Xuân Diệu). Quê nội làng Trảo Nha, Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh

Xuân Diệu lớn lên ở Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới", "ông hoàng của thơ tình".

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.

Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).

Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985.

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới. Xuân Diệu mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca. Thơ Xuân Diệu là "vườn mơn trớn", ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị trong Thơ Thơ, pha lẫn chút vị đắng cay trong Gửi Hương Cho Gió.
Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một tôn chỉ: sống để yêu và phụng sự cho Tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc hăm hở làm thơ tình! Xuân Diệu ví mình như một con chim bay hay hát.

Tôi réo rắt, chẳng qua Trời bắt vậy.

Trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở hữu tình này để ca hát về tình yêu - cái đề tài mà từ ngàn xưa người Việt Nam chúng ta đã say mê . Xuân Diệu sống hết mình cho tình yêu cộng với tài thơ thiên phú, lại gặp buổi "gió Âu mưa Mĩ", những khát vọng yêu đương của trai gái được tháo cũi sổ lồng, cho nên trong thơ tình của Xuân Diệu có tiếng máu dồn mạnh trong huyết quản, có dòng nhựa sống tràn trề mãnh liệt của cả thế hệ đang vươn dậy.
Có những vần thơ được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ mà đến nay vẫn còn khiến chúng ta bàng hoàng vì sự mới mẻ và táo bạo của nó:

Với trăm ma, tôi hẹn những mười nguyền
Những Tây Thi, Lộng Ngọc, những Điêu Thuyền.
...
Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc?
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau...


Cái "nhân bản yêu đương" trong thơ tình Xuân Diệu thật là nồng cháy và bền bỉ cho đến tận lúc nhà thơ của chúng ta nhắm mắt xuôi tay!

Nửa thể kỉ thơ tình Xuân Diệu là một quá trình khám phá không ngừng vào cái thế giới kì diệu của tình yêu.

Thuở ban đầu thường tình yêu thực ít mộng nhiều:
Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ
Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ...


Thế rồi, mộng như sương sớm, tan dần dưới ánh nắng ban ngày, và khoảng giữa trưa thì chỉ còn lại cuộc đời thực! Xuân Diệu, với trái tim yêu như điên dại, tiếp tục khám phá cái thế giới tình yêu "thực" ấy. Té ra chẳng cần phải là thứ tình yêu đầy bão táp, đầy kịch tính hoặc đầy nước mắt, mà thứ tình yêu chồng vợ rất mực "đời thường" nhưng son sắt, đạt tới sự hoà hợp vô cùng du dương. Xuân Diệu chứng minh cho chúng ta thấy rằng đó chính là một thế giới vô cùng đẹp đẽ, vô cùng thánh thiện, vô cùng mê li nếu ta biết nhìn nhận và thưởng thức nó!

Xuân Diệu đã yêu như chưa tùng được yêu :

Ôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa: vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riệt giữa đôi tay thất vọng


Bằng sự cuồng nhiệt:

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay! hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên đôi mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
.

Cùng với yêu thương trìu mến:

Anh quạt cho đôi tay
Anh hằng ngày yêu mến
Anh quạt đôi lông mày
Sáu năm nay quyến luyến.


Đến tôn thờ sùng bái:

Từ lúc yêu em ngay sau buổi gặp đầu tiên
Anh đã tạc hình ảnh của em trên nền thương nhớ
Ở đâu có nhớ thương, anh đã đặt tượng em vào đó.


Thậm chí lo âu :

Nếu ngày nào em hết ở cùng anh
Nếu đến khi anh không còn em nữa
Anh biết tạc đâu ra một người như thế?


Và cả nỗi đớn đau :

Tại em cố chấp,
Tại anh đã mất
Con đường đi tới trái tim em!
Anh đã giết em rồi, anh vẫn ngày đêm yêu mến
Em đã giết anh rồi, em vứt xác anh đâu?


Phát hiện đắt nhất của xuân Diệu chính là sự khẳng định rằng: cây tình yêu giữa cuộc đời thực, sẽ mãi mãi xanh tươi, còn những thứ "tình" được nặn ra từ lí trí khô cứng hoặc từ mộng mị sẽ tàn lụi, xám xịt!
Xuân Diệu không còn nữa nhưng cây tình yêu trên mảnh đất này có hư hao đi chút nào màu xanh muôn thuở? Trong khi nhà thơ, ở một cõi khác, có thể đang ôm ấp những hồn ma xinh đẹp nào đó, thì ở trên thế giới này, những chàng trai, những cô gái, những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng vẫn đang sống, đang cảm xúc, và hưởng thụ tình yêu sống động và bất tuyệt!

Vội vàng

(Tặng Vũ Đình Liên)

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đị
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoaì xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói lam` chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt ....
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi ! chẳng bao giờ nữạ..
Mau đi thôi ! mùa chưa ngả chiều hôm

Hẹn Hò

Anh đã nói, từ khi vừa gặp gỡ :
"Anh rất ngoan, anh không dám mong nhiều .
Em bằng lòng cho anh được phép yêu;
Anh sung sướng với chút tình vụn ấy".
Em đáp lại : "Nói gì đau đớn vậy !
Vừa gặp anh em cũng đã mến rồi .
Em phải đâu là ngọn nước trôi xui;
Chưa hy vọng sao anh liền thất vọng ?"

Lời nói ấy về sau đem gió sóng
Cho lòng anh đã định chỉ yêu thôi;
Anh tưởng em là của của anh rồi,
Em mắc nợ, anh đòi em cho được

Đấy, ai bảo em làm anh mơ ước !
Lúc đầu tiên anh có mộng gì đâu !
Tưởng có nhau ai ngờ vẫn xa nhau,
Em ác quá ! Lòng anh như tự xé...

Đa tình

Nghìn buổi sáng, bình minh xe chỉ thắm
Đem lòng tôi ràng rịt với xuân tươi.
Thuở xưa kia là con của mặt trời,
Tôi có lửa ở trong mình nắng đọng.
Đời muốn chữa cho tôi lành bệnh sống,
Đem tuyết sương lời lẽ buốt vào gan;
Tuyết sương mòn, băng giá phải trôi tan,
Tôi là lửa chẳng bao giờ biết nguội.

Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi
Lúc chưa sinh, vơ vẩn giữa vòng đời ;
Tôi đã yêu khi đã hết tuổi rồi,
Không xương vóc, chỉ huyền hồ bóng dáng.

Vào đêm tối tôi sẽ làm đuốc sáng
Rọi u minh tỏ rạng ánh hồn sâu;
Đến ru thơ bao kẻ hãy buồn đau;
Tìm ấp mộng những hồn sầu rã mục.

Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc!
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau.
Chuyện yêu đương bấy giờ đã hết đâu,
Niềm tâm sự vẫn còn như thuở sống.
Trong cõi lòng lan đi bao ấm nóng,
Giữa hồn thường thắm thiết một ma thơ
Đem nhớ nhung an ủi dưới trăng mờ,
Và trong gió phất phơ đi có bạn...

Kẻ đa tình không cần đủ thịt da;
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.

Yêu

Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
- Yêu, là chết trong lòng một ít.

Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu chân yêu.
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.

Xa cách

Tặng Đỗ Đức Thu

Có một bận em ngồi xa anh quá
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn,
Em xích gần hơn một chút anh hờn,
Em ngoan ngoãn xích gần hơn chút nữa.

Anh sắp giận, em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: "Em đây"
Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay.
Vì anh nghĩ, thế vẫn còn xa lắm.

Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.

Dầu tin tưởng: Chung một đời, một mộng,
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lí trường thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
Quá khứ anh, anh không nhắc cùng em.
- Linh hồn ta còn u ẩn hơn đêm,
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.

Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,
Anh muốn vào dò xét giấc em mơ,
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu những điều quá thực...

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!

Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
"Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!"

Vì sao

Bữa trước, riêng hai dưới nắng đào,
Nhìn tôi cô muốn hỏi "vì sao ?"
Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp
Một thoáng cười yêu thỏa khát khao
-- Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên,
Tôi đã đày thân giữa xứ phiền,
Không thể vô tình qua trước cửa,
Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên ?
Ai đem phân-chất một mùi hương
Hay bản cầm ca ! Tôi chỉ thương,
Chỉ lặng chuồi theo giòng cảm xúc,
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu ...
Cô hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước, đứng say sưa,
Cho tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay; -- thế cũng vừa
Rồi một ngày mai, tôi sẽ đị
Vì sao, ai nỡ hỏi làm chi !
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá,
Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì

Chiều

Xuân Diệu tặng Nguyễn Khắc Hiếu

Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Lá hồng rơi lặng ngỏ thuôn
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạt còn vương má hồng.
Nghe chừng gió ý qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn

Bài thơ tuổi nhỏ


Giơ tay muốn ôm cả trái đất
Ghì trước trái tim , ghì trước ngực
Cho đầy trước mắt khoảng cô đơn
Bao la muôn trời , sâu vạn vực .

Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào ...
-- Hãy đốt đời ta trăm thứ lửa
Cho bừng tia mắt đọ tia sao

Tương Tư chiều

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm ,
Anh nhớ em , em hỡi ! Anh nhớ em .
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm ,
Mà ánh sáng nhoàdần cùng bóng tối .
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối ;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành ;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ .
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ .
Thôi hết rồi ! Còn chi nữa đâu em !
Thôi hết rồi , gió gác với trăng thềm ,
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi .
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi .
(Được giận hờn nhau ! Sung sướng bao nhiêu !)
Anh một mình , nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh .
Anh nhớ tiếng . Anh nhớ hình . Anh nhớ ảnh .
Anh nhớ em , anh nhớ lắm ! Em ơi !
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi ,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời ,
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm .
Em ! xích lại ! và đưa tay anh nắm !
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi,
-- Mà kỷ niệm ôi, còn gọi ta chi ...

Thơ Duyên

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến -- nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiềụ
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêụ
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần,
Vô tâm -- nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.
Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Ai hay tuy lặng bước thu êm,
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm,
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
-- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Cảm xúc

Làm thi sĩ , nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây,
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.

Đây là quán tha hồ muôn khách đến;
Đây là bình thu hợp trí muôn hương;
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương,
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc....

Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc;
Đôi bờ tai nào ngăn cản thanh âm :
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm ...
Của xanh thắm thấy luôn màu nói sẽ ...

Tay ấp ngực dò xem triều máu lệ,
Nghìn trái tim mang trong một trái tim
Để hiểu vào giọng suối với lời chim,
Tiếng mưa khóc, lời reo tia nắng động.

Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng;
Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời :
Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi ;
Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ ...

-- Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ,
Mà vạn vật là muôn đá nam châm;
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm,
Sao lại trách người thơ tình lơi lả

Gửi Hương cho Gió

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gửi hương cho gió phũ phàng!
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang!

Hoa ngỡ đem hương gửi gió Kiều,
Là truyền tin thắm gọi tình yêu.
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hương nhạt với chiều.

Tản mác phương ngàn lạc gió câm,
Dưới rừng hương đẹp chẳng tri âm;
Tên rừng hoa đẹp rơi trên đá,
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm.

Tình yêu muôn thuở vẫn là hương;
Biết mấy dòng thơm mở giữa đường
Đã mất tình yêu trong gió rủi
Không người thấu rõ đến nguồn hương!

Thiên hạ vô tình nhận ước mơ
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ...
Người si muôn kiếp là hoa núi,
Uổng nhuỵ lòng tươi tặng khách hờ.

Cứ phải là Em

Cứ phải là em; chẳng phải ai
Là em, em nữa, chỉ em thôi
Sao người anh quí anh yêu thế
Mà chẳng cùng anh ở suốt đời ?

Khác chi cây sống mà đem chặt
Chặt giữa ngang lưng sự sống còn,
Chặt giữa đang hoa, ngang giữa lá
Khác chi hoa nở phải vùi chôn!

Em có bao giờ tưởng tượng xem
Một mình anh sẽ sống không em,
Bơ vơ như đã muôn lần chết,
Đã chết nhưng còn phải sống thêm!

Lời ước cùng nhau thuở sánh đôi
Anh còn vẹn vẻ giữ y lời
Rằng không ai thể thay em được
Em vắng, yêu em vẫn suốt đời.

Duy có lòng em, vẫn hẹn hò,
Ấy là ân huệ của em trao
Cho anh một đoá hoa tinh tuý
Một đoá hoa lòng chẳng héo khô.

Dại khờ

Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người,
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.

Đường êm quá ai đi mà nhớ ngó,
Đến khi hay gai nhọn đã vào xương,
Vì thả lòng không kìm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.

Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa,
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy,
Muôn nghìn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.

Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thứ độc.

Biển

Anh không xứng làm biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...

Bờ đẹp đẽ cát vàng
-Thoai thoải hàng thông đứng-
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng...

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ,thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Ðã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Ðến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...

Cũng có khi ào ạt
Như nghiền nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm biển biếc
Ðể hát mãi bên gành
Một tình chung không hết,

Ðể những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa,
Bởi yêu bờ lắm lắm em ơì

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

LỄ RƯỚC TỔ HỌ TRẦN VỀ NHÀ THỜ MỚI






Ngày 25/6 năm Ất Mùi, trên 200 con cháu họ Trần thôn Hoàng Xá, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ rước cụ Thủy Tổ Trần Phúc Nhân về nhà thờ mới – một nhà thờ to, đẹp, đàng hoàng ở vị trí trung tâm của làng.






Từ sáng sớm, ông Trưởng họ, các thành viên Hội đồng Gia tộc cùng các cụ, các ông bà các con cháu đã hội đông đủ để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của dòng họ. Nét mặt ai nấy đều vui sướng, rạng ngời.






Các cụ trong trang phục lễ hội áo dài và khăn xếp màu vàng, ông Trưởng họ với áo dài và khăn xếp màu đen. Các nam thanh, nữ tú con cháu Trần tộc rước kiệu, mang cờ, đánh trống đều trong trang phục lễ hội. Ba kiệu rước đã sẵn sàng. Kiệu hoa và mâm ngũ quả. Kiệu rước ngai và bài vị cụ Thủy Tổ Trần Phúc Nhân cụ Thứ tổ Trần Phúc Lương. Kiệu rước cụ Tổ chi Giáp và các cụ nhà Trưởng họ đã quá cố. Cả ba kiệu đều được trang trí rất trang trọng: kiệu đỏ, hoa tươi khoe sắc muôn màu, ngai, bài vị các bậc tiên tổ đều được phủ vải đỏ.



Đúng 7h30 sáng, sau ba hồi chiêng trống, lễ rước bắt đầu. Đi đầu đoàn rước là đội kèn, trống rồi hai lá cờ ngũ sắc, tiếp sau là kiệu hoa quả, kiệu rước cụ Thủy Tổ, cụ Thứ Tổ, kiệu rước cụ Tổ chi Giáp và các cụ nhà Trưởng họ đã quá cố. Tiếp sau là các cụ, các ông bà, con cháu Trần tộc. Hộ tống kiệu cụ Thủy Tổ là ông Trưởng họ, Cụ Chủ tịch Hội đồng gia tộc, cụ Phó chủ tịch HĐGT và bốn chàng trai khỏe mạnh, sơ mi trắng, calavat đỏ. Đoàn đã rước cụ Thủy Tổ Trần tộc tới gần đình làng để báo cáo với Thành Hoàng làng rồi mới rước Tổ về nhà thờ mới.





Sau khi Ngai và Bài vị cụ Thủy Tổ, cụ Thứ Tổ, cụ Tổ Chi Giáp được yên vị trên các Ban thờ mới, Thầy Lễ đã cùng các cụ trong Ban tổ chức và con cháu đã thành tâm tiến hành lễ Trời, Phật, báo cáo với các vị quan thần linh, thổ công, thổ thần, lễ bốc bát nhang và định vị bát nhang, lễ hoàn long mạch, lễ chúng sanh. Không gian tĩnh lặng, khói hương lan tỏa, tiếng mõ, tiếng chập cheng, tiếng của Thầy lễ vang lên. Mọi người đều thành kính, dâng lên cụ Thủy Tổ tấm lòng biết ơn trời biển, cầu mong các bậc Tiên Tổ phù hộ cho con cháu Trần tộc được an khang thịnh vượng, dòng họ Trần được trường tồn, phát triển.





Vào 11h30, buổi rước, lễ đã hoàn thành tốt đẹp.
Sau buổi rước, lễ, đông đảo con cháu Trần tộc đã cùng chung vui liên hoan, thụ lộc. Bậc Tiên Tổ đã yên vị trong nhà thờ mới to đẹp, đàng hoàng, ai cũng đều tự hào, hạnh phúc. Hình ảnh buổi rước, lễ Tổ Trần tộc về nhà thờ mới sẽ đọng mãi trong lòng con cháu Trần tộc, và đây sẽ là một sự kiện lớn của làng Hoàng xá, Vân Đình. Chúng ta – con cháu Trần tộc sẽ cùng chờ đón ngày 08/8 Ất Mùi – ngày Khánh thành nhà thờ - ngày Hội của Trần tộc Hoàng Xá, vân Đình.

Trần Phúc Thành