Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

NHÂN NGÀY 27/7










Mây bay Đồng Lộc trắng trờ

i
Khói mây thấp thoáng bóng người hiện lên
Cô Giêng Hai tóc xanh mềm
Sớm ra đứng ngẩn bên thềm tiếng chim

Có gì thổn thức con tim

Trong chiêm bao cứ lặng im cất lời


Cô Tháng Ba hay trông trời

Hễ mưa là nhắc áo tơi mẹ già

Bao lần ngó bóng mây xa

Sau bom nổ giở thư nhà chuyền tay


Cô Tháng Tư hay giãi bày

Nhớ mùa chớm hạ nắng đầy sân rêu

Qua rằm vào tuổi đang yêu

Mỗi trang gấp mở bao nhiêu thẹn thùng


Cô Tháng Năm hay ngượng ngùng

Mà qua bao trận bão bùng lạ chưa

Lớn thầm trong nắng trong mưa

Biết thương từng luống cày bừa nhà nông


Cô Tháng Sáu cặp má hồng

Tóc bồ kết gội gió nồng nã thơm

Nhớ vàng sợi nắng trong rơm

Trận mưa đầu vụ bát cơm cuối mùa


Cô Tháng Bảy thích thêu thùa

Tấm khăn gửi kín bốn mùa đấy thô

iMưa ngâu trời đất sụt sùi

Lại thương hai phía hai người xa nhau


Cô Tháng Tám mắt dao cau

Bao đêm ngồi hát sông Cầu trao duyên

Nhớ về từng trận lũ lên

Sông quê neo bóng con thuyền và ai


Cô Tháng Chín dáng mảnh ma

iCâu thơ lén gửicho người chưa quen

Bao giờ... ai hẹn mà lên

Đêm đêm trăng sáng bình yên lạ thường


Cô Tháng Mười mắt như gương

Se se nắng gió bụi đường bao năm

Cứ vời trông phía xa xăm

Gặp ai cũng gửi lời thăm quê người


Cô Một Chạp miệng hay cười

Hồn nhiên chẳng sợ gió trời buốt đêm

Nhớ ai tay hái tay liềm

Chợ quê cái lạt buộc mềm mớ rau



Các cô đấy các cô đâu

Nén nhang cháy đỏ xuống màu cỏ non. 

Tác giả : Bình Nguyên



Những vầng trăng Đồng Lộc” của nhà thơ Bình Nguyên đăng trên số 5-2006 Văn nghệ Ninh Bình là bài thơ mang hương vị ca dao dân ca. Bài thơ viết về mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh vì độc lập dân tộc ở Ngã ba Đồng Lộc - một địa danh mà người dân cả nước và không ít bạn bè quốc tế biết đến như một tượng đài chiến thắng của nhân dân Nghệ Tĩnh và cả nước. Bài thơ mang cảm hứng bi tráng, thương nhớ và lòng thành kính biết ơn những người đồng đội, người em, người chị đại diện cho phụ nữ Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình cho quê hương đất nước. Với lòng cảm phục, thương nhớ các cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, tác giả Bình Nguyên viết nên bài thơ “Những vầng trăng Đồng Lộc” để góp thêm hoa tươi, hương thơm vào quần thể di tích mười cô gái thanh niên xung phong. Những cáitên Dương Thị Xuân, Phạm Thị Tần, Hồ Thị Cúc…mãi mãi khắc vào bia đá, đi vào nhiều tác phẩm văn thơ, trường tồn cùng thời gian và lịch sử dân tộc. Tôi thích “Những vầng trăng Đồng Lộc” vì “Trăng” trong bài thơ đâu chỉ đơn thuần là một vệ tinh phát sáng huyền ảo cho địa cầu, trăng chính là mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh xuân sắc, tình yêu lứa đôi, là tri âmđể làm dịu nỗi đau và mất mát chiến tranh. Mười vầng trăng đã chủ động lặng lẽ hạ giới làm bừng sáng cảnh vật, soi tỏ những cánh hoa lấp lánh hương sắc khiến mọi người tự tin hơn vào thế viên mãn của đất nước sau chiến tranh. Bài thơ nói về những người đã khuất - tập thể đồng đội đã hy sinh trong cùng một thời khắc của chiến tranh mà âm hưởng không bi ai, nghe lạc quan sảng khoái. Các cô đã mất nhưng lại hóa thân vào đất trời, vào thời gian, hiển hiện dưới những cái tên Giêng Hai, Tháng Ba, Tháng Tư, … Một Chạp - nghe mới gần gũi, thân thương làm sao. Mấy ai trong đời làm thơ không lấy quê hương đất nước làm điểm tựa, lấy lời ru ca dao, dân ca thuở nằm nôi chắp cánh ước mơ như những vần thơ xao xuyến, thơ thổn thức về quê hương xứ sở, về tuổi thơ, hình ảnh mẹ tần tảo sớm hôm, hai sương một nắng với ruộng đồng như tác giả Bình Nguyên. Trong lịch sử văn học nước ta đã có nhiều bài thơ của các nhà thơ khác nhau ca ngợi hình ảnh người mẹ, người chị, người em - người phụ nữ; từ những ký ức xa xưa, người mẹ trong thơ văn được tác thành những hình tượng gắn với những kỷ niệm khó phai. Từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt, một thế hệ nhà thơ chiến sĩ trong đó có Bình Nguyên được trưởng thành và hình như trên mỗi bước đường hành quân gian lao vất vả, các anh đã được sưởi ấm bới tấm lòng nhân hậu, cao cả và bao dung của các mẹ, các chị, các em ở bất cứ nơi nào họ đi qua. Tôi thích bài thơ “Những vầng trăng Đồng Lộc” cũng là thích những tìm tòi của tác giả với một đề tài vốn có nhiều người viết và viết hay, nhưng cái khác của tác giả Bình Nguyên là, những bài thơ trước đó, mười cô gái thanh niên xung phong được nhìn như những anh hùng liệt nữ, nay họ hóa thân vào vũ trụ, thiên nhiên, gió, mây, thời gian năm tháng bốn mùa, núi sông, đất đai, cánh đồng, vào những trăn trở lo toan của cuộc sống thường nhật không ngừng đổi mới, đi lên… Mạn phép tác giả bài thơ “Những vầng trăng Đồng Lộc”, xin được mượn hai câu kết của bài thơ để kết thúc bài bình, xem như nén tâm hương để mượn gió gửi về bảo tàng văn hóa lồng lộng giữa đất trời Nghệ Tĩnh, nơi lưu giữ những chứng tích hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả nước ta:

Các cô đấy các cô đâu

Nén nhang chảy đỏ xuống màu cỏ non”.


Ảnh : Đ.Đ. Biên

Thơ và lời bình : ST&BS