Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

NHÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN






Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/1/1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị.
Tập thơ Điêu tàn, xuất bản năm ông 17 tuổi, đã sớm đưa ông vào hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Thời kỳ ấy ông đã cùng với Hàn Mặc Tử, Bích Khê... khởi xướng Trường thơ loạn mang nhiều yếu tố tượng trưng, siêu thực.

Năm 1945, Chế Lan Viên có mặt trong đội ngũ những nhà thơ tham gia cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp là những năm ông đổi thay đời, đổi thay thơ. Ông đã chuyển ngòi bút sầu đau, điên cuồng, hư vô, siêu hình trong Điêu tàn sang những vần thơ giàu tư tưởng, triết lý sâu sắc, mới mẻ, khoẻ mạnh.
Từ siêu thực ông trở về hiện thực, từ tâm sự cô đơn ông đến với tâm trạng của toàn dân tộc và phải mất một thời gian dài Chế Lan Viên mới thật sự chín trong khuynh hướng mới. Có thể coi Ánh sáng và phù sa ( 1960 ) là thành tựu đánh dấu bước trưởng thành của cả nền thơ cách mạng nước ta.

Sau Ánh sáng và phù sa liên tiếp ba thập niên, sức bút của Chế Lan Viên ngày một tung hoành, mang rất nhiều yếu tố mới lạ trong cách lập ý, cấu tứ, mở rộng dung lượng của thơ, sáng tạo nhiều hình thức biểu hiện, góp phần hiện đại hóa câu thơ Việt Nam.

Những điều Nghĩ về nghề của ông sâu sắc, mới mẻ, thấu đáo, lại viết bằng thơ rất tài hoa đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành diện mạo của cả nền thơ. Nhiều nhà thơ trẻ hình thành trong chiến tranh chống xâm lược Mỹ đã chịu ảnh hưởng từ tài năng ông.
Ông là nhà thơ phong phú bậc nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Phong phú về nội dung ,biên độ cảm xúc ở ông rất rộng, đề tài thơ ông là muôn mặt cuộc đời. Ông nghe được những biến động nhỏ bé của tâm hồn con người trong những tình cảm riêng tư, rất riêng tư

Cầm tay em vuốt ve
Hồn im... cho tay nghe...

Ông lại cũng chia sẻ kịp thời những tình cảm rộng lớn của toàn dân tộc khi

Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp bể
Một rặng núi Kỳ Sơn từng lắm lúc mưa nguồn bị kẻ thù xâm phạm.

Ông xao xuyến với tiếng chim vít vịt kêu mưa, với hình con sông Cầu hư ảo chảy trong ký ức. Ông thâm trầm triết lý với gió lật lá sen hồ, với tiếng chim tu hú giục mùa vải đỏ và ông ứa nước mắt nghe nhịp sênh tiền mộc mạc:

Chẳng phải đàn tranh hay tì bà
Chỉ là nhịp gõ ấy sao mà
Em xoay tà áo thì ta khóc
Khi thoảng ngang lòng tiếng í a

Ông áp đảo, ông tấn công trong những bài thơ đánh giặc. Ông nghẹn ngào thương mến trước những nỗi niềm sinh ly tử biệt của chiến tranh:

Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc
Nước mắt nhỏ, sau câu hò, em lấy tay che.
Hay phấn chấn nội tâm
Nở chùm hoa trên đá
Mùa xuân không chịu lùi.

Và ông nhìn thẳng tới cái chung cục của mỗi đời người, cái chung cục chả ưng ý gì mà người ta phải trải, lúc lũ nhặng xanh bay sán đến thi hài.
Thơ Chế Lan Viên giàu triết lý, không phải là thứ triết lý sách vở, nói cho sang, mà là thứ triết lý ông vịn vào để sống, để giải quyết việc đời, để ứng xử với đồng loại, nó là kinh nghiệm sống của đời, nó ấm như hơi thở của ông.

Chế Lan Viên phong phú về giọng điệu .Lúc thì ông thầm thì trò chuyện, gói tiếng thở dài vào trong câu thơ ngắn, lúc thì ông sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng kiểu ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận dữ trong hơi đả kích, khi lại thâm trầm ung dung như người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen...

Chế Lan Viên cũng rất phong phú hình thức biểu hiện. Ông là người tích cực vào bậc nhất trong việc tìm tòi đổi mới dáng vẻ câu thơ, bài thơ Việt Nam ở thế kỷ 20 này. Bạn đọc rất ít gặp câu thơ non lép, bài thơ dễ dãi trong thi phẩm của ông. Ông hàm súc trong tứ tuyệt và ông cạnh tranh ôm chứa hiện thực với văn xuôi trong các bài thơ dài, rộng khổ.
Ông sáng tạo nhiều cách ngắt nhịp, nhiều kiểu qua hàng, nhiều lối buông vần phù hợp với tiết tấu nội tại của cảm xúc.
Chế Lan Viên là một tài năng chín sớm nhưng ông lại học hỏi không ngừng. Ông biết cách phát hiện để kế thừa những tinh hoa của thơ ca nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ điển Đường Tống đến lãng mạn, siêu thực hiện đại.
Suốt cuộc đời gắn bó với thơ Chế Lan Viên luôn tin vào sứ mệnh cao cả của thơ ca:

Thơ đong từng ngao nhưng tát bể
Là cái cân tí xíu lại cân đời

Hay :

Trái đất rộng thêm ra một phần bởi các trang thơ,
Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ

Chính niềm tin ấy là một động lực giúp Chế Lan Viên đi trọn một hành trình sáng tạo trên nửa thế kỷ của mình.Con đường thơ của Chế Lan Viên là một hành trình tìm kiếm không ngừng với nhiều bước ngoặt, có cả sự tự phủ định để vượt lên chính mình.

Chế Lan Viên ý thức sâu sắc vai trò nhà thơ trong đời sống xã hội. Khi đất nước có giặc, ông coi thơ như vũ khí và Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Lúc đất nước yên hàn có lần ông tự hỏi: Ông đã viết câu thơ đêm ấy cổ vũ 2000 người ra trận, chỉ 30 người về và một trong 30 người ấy bây giờ ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ:

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ... Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

Vào lúc cuối đời, khi nhìn lại đời thơ mình, Chế Lan Viên vẫn thấy: "Cái trang mơ ước một đời chưa với tới" và "một nghìn câu thơ thì chín trăm câu dang dở". Nhưng những gì Chế Lan Viên đã làm được và để lại cho cuộc đời và cho nền thơ là rất đáng kể. Ông xứng đáng là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Là người đi đầu trong khuynh hướng tăng cường chất trí tuệ, suy tưởng, triết lý Chế Lan Viên có ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều nhà thơ thuộc các thế hệ sau và đem đến những tác động tích cực đối với sự tiếp nhận của công chúng.
Chế Lan Viên chính luận, Chế Lan Viên triết lý, Chế Lan Viên trữ tình... tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc chân thành ấy, cảm xúc trách nhiệm với cộng đồng.

Đúng như nhà thơ Tế Hanh đã nhận xét: "Nói chung thơ Chế Lan Viên trên 50 năm luôn luôn là một giọng thơ gây nhiều sự chú ý của dư luận, có thể nói "Chế Lan Viên là một nhà thơ không yên ổn, anh không yên ổn trong trăn trở sáng tác của mình. Và cũng mang đến sự không yên ổn trong tình hình thơ của chúng ta"
Nhà thơ Vũ Quần Phương, người đã dày công nghiên cứu các tác phẩm của Chế Lan Viên nói về điều này như sau: "Có lúc thơ ông thầm thì trò chuyện, nói tiếng thở dài trong một câu thơ ngắn, lúc ông sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng trong kiểu thơ ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận giữ trong hơi thơ đả kích, khi thâm trầm ung dung như người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen. Cái phong phú ấy trong thơ hiện đại chưa ai bằng Chế Lan Viên".

Ngoài bút danh nổi tiếng Chế Lan Viên ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông ) .Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo "Văn học", phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn Trong mục "Nụ cười xuân" trên báo "Văn học", Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là "Ngô bói Kiều" và "Lý luận Đờ Gôn" ký tên Oah (tức Hoan )
Chế Lan Viên từng giữ những chức vụ quan trọng :Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam,( 1963 ) Ủy viên Ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V, VI; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội

Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Đợi người Chiêm nữ


Tồi hôm nay chị Hằng nghiêm nghị quá
Dãy cây vàng đợi mộng, đứng im hơi
Không một mối trăng ngà rung muôn lá
Không một lần mây bạc vẫn chân trời.
Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo, lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mỏ
Tàn dần trong im Lặng của đồng quê
Bên cửa Tháp ngóng trông người Chiêm Nữ
Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng:
Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở
Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng!
Nàng không lại, và nàng không lại nữa
Cả thân ta dần tan trong hơi thở
Một đêm nay, lòng hỡi, biết bao sầu!
Kìa trời cao, tràn mãi chín từng cao
Hồn ta bay trong làn khói tỏa,
Chẳng biết rồi lưu lạc đàn nơi nao ?

Đêm tàn

Ta cùng Nàng nhìn nhau không tiếng nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu,
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối,
Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu.
Chiêm nương ơi, cười lên đi, em hỡi!
Cho lòng anh quên một phút buồn lo!
Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi
Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta ?
Này, em trông một vì sao đang rụng;
Hãy nghiêng mình mà tránh đi, nghe em!
Chắc có lẽ linh hồn ta lay động
Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm.
Lời chưa dứt bóng đêm đà vụt biến!
Tình chưa nồng, đã sắp phải phôi pha!
Tình trần gian vừng ô kia đã đến
Gỡ hồn Nàng ra khỏi mảnh hồn ta!

Hồn trôi


Cô em ơi! đằng xa cây toả bóng,
Sao cô không ngồi đợi giấc mơ nồng ?
Đến chi đây, cho thân cô rung động
Lớp hồn tôi êm rải khắp trời trong ?
Đừng hát nữa! Tiếng cô trong trẻo quá
Khiến hồn tôi tê liệt khó bay cao,
Này, im đi, nhìn xem, trong kẽ lá,
Một mặt trời giả dáng một vì sao.
Ngoài xa xa, không, ngoài xa xa nữa,
Thấy không cô, ánh nắng kéo hồn tôi ?
Đến những chốn êm đềm như hơi thở,
Nồng tươi như suối máu lúc ban mai.
Cô bảo: Hồn có hay không trở lại
Một khi trôi vào giữa giấc mơ cuồng ?
- Có, cô ơi, hồn tôi rồi trở lại
Với lòng điên, ý chết, với tình thương

Những sợi tơ lòng

Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa,
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi.
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi lại não lòng tôi!
Quả đất chuyển đây lòng tôi rung động,
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư Vô!
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng,
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!

Lửa hè đến! Nỗi căm hờn vang dậy!
Gió thu sang thấu lạnh cả hồn thơ!
Chiều đông tàn, như mai xuân lộng lẫy,
Chỉ nói thêm sầu khổ với ưu tư!

Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm Quốc!
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt!
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn!

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!

Thu

Chao ôi! Thu đã tới rồi sao ?
Thu trước vừa qua mới độ nào!
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ,
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.
Cũng mới độ nào trong gió lộng,
Nến lau bừng sáng núi lau xanh.
Bướm vàng nhẹ nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành.
Thu đến đây! Chừ, mới nói răng ?
Chừ đây, buồn giận biết sao ngăn ?
Tìm cho những cánh hoa đang rụng,
Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn!
Trời ơi! Chán Nản đương vây phủ.
Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!

Trăng điên

Khoan đã em! Nép mình vào bóng lá,
Riết lấy anh cho chặt kẻo hồn bay.
Ô kìa nhìn, em ơi, trăng lả tả,
Rơi trên đầu chưa bạc những hàng cây!
Kẻo giùm anh đi, em, hai vạt áo.
Kìa bóng đêm kinh khủng chạy vào ta.
Nhạc đầu vang ? Không, không, hai tiếng sáo,
Đang đuổi nhau như đuổi những hồn ma.
Thôi hết rồi, bây giời đầy ánh sáng,
Đã tràn lan, hể hả, chảy mênh mang!
À cũng còn vài vũng đêm u ám
Đang điên cuồng dãy dụa giữa vùng trăng.
Mà mảnh trăng cũng điên rồi em ạ
Bỗng dưng sao rơi xuống đáy hố sâu ?
Chớ nói cười, hãy lắng nghe xem đã
Có rơi chăng trong đáy của hồn đau!
Đứng đấy nhé. cho anh lên cung Quảng
Bảo cô Hằng: Điện ngọc rộng không cùng
Sao không đi, vào chỉ trong mây trắng
Cho ánh mờ bao phủ cả không trung ?
Em ghen à? Thôi anh không đi nữa đi,
Hãy lau ngay ngần lệ đọng trong mi,
Đưa môi đây, này môi anh chan chứa
Rượu yêu đương bừng nóng của tình si

Xuân

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước ?
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng,
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang.
Ai biết hồn tôi say mộng ảo ?
Ý thu góp lại cản tình xuân.
Có một người nghèo không biết Tết,
Mang lì chiếc áo độ thu tàn.
Có đứa trẻ thơ không biết khóc,
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran.
Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ,
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn!

Hai câu hỏi

Ta là ai ?" như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
"Ta vì ai ?" khẽ xoay chiều gió bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Tình ca ban mai

Em đi, như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh tre
Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết
Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít
Mai, hoa em lại về...

Chùm nhỏ Thơ Yêu

Anh cách em như đất liền xa cách bể
Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em
Em thân thuộc sao thành xa lạ thế
Sắp gặp em rồi, sóng lại đẩy xa thêm
Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ
Một trời sao rực cháy giữa đôi ta
Em nhắm mắt cho lòng anh lộng gió
Cho trời sao yên rụng một đêm hoa.

Rét đầu mùa nhớ người đi về phía biển

Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể
Nửa đắp cho mình ở phía không em
Nghĩ về thơ
Nhân đọc Eluard và Poèmes pour tous
Sau câu thơ hồi hộp những tâm tình
Những vui buồn đời ký thác cho anh.
Câu thơ đập như quả tim còn trẻ
Mừng vui quá bỗng rưng rưng giọt lệ
Nhưng sáng mai xuân mà sương ướt trên cành.
Tôi viết cho ai ? Cho cả mọi người.
Nhưng rất gần - cho những đứa em tôi,
Ngày đau khổ khép tay trong tủi cực
Nay mở tay ra, bến rộng sông dài.
Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo
Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi.

Nghĩ về thơ

Ghi từ 1962 đến 1965)
I

...Mỗi ngày gặp một người họ là một mảnh của thiên tài nhân loại
Máu và mồ hôi của người đúc nên bao hình ảnh ngữ ngôn.
Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi
Tất cả mỗi người dù lạ hay quen đều viết cho thơ anh một chữ
Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang.
II
... Những năm Cách mạng chưa về, vườn ta có hoa mà không đậu quả
Rặng liễu tâm hồn chưa xanh tơ mà đã úa vàng
Nhiều chim bằng chưa bay mà đã hoá cu nhà, chim sâu ăn đất
Chưa gặp trời mà đã gẫy cánh giữa lồng nan
Bàn tay muốn gieo đã nắm nhầm hạt giống
Lẽ ra cầm tờ truyền đơn thì khoe văn tự bán hồn
Cờ chiến đấu ướp trong mùi hương phấn
Trong khói hương chùa lẫn với dấu môi son...
... Vết thương xa, nhưng chỗ sẹo đang còn
Hãy nhớ chỗ tâm hồn ta phỉ máu
Cái đã qua có khi trở lại đón đường
Chớ bảo rằng: dĩ vãng ở sau lưng và bặt dấu.
III
... Đời cần thơ như cần hồn chiến trận
Cần tiếng sáo thổi lòng thời đại
Cần giao liên dắt dẫn qua đường
Nếu nhà thơ không cao, không lý tưởng,
Không như vầng trăng nhìn ngắm bởi trăm nhà
Mà chỉ là ngọn khói phất phơ trên mái xám
Thì thơ ơi! ai cần anh nữa ?
Khách qua đường sẽ bỏ đi qua.
IV
... Nhiều hòn đảo gọi, mà anh không nghe thấy sóng
Nhiều biên thuỳ chờ, mà anh chẳng thấy mây
Nhiều mặt trận đòi, nhưng anh lạc giữa trận địa của bàn và tủ
Anh thám hiểm mặt gối và lòng người muôn thuở
Không hay mùa đổi chín trên đầu cây.
Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể, anh ơi!
Tâm hồn anh là của đời một nửa
Một nửa kia lại cũng của đời.
V
... Nhìn mây Mục Nam Quan
Chẳng chút buồn quan ải
Dù tả một làn mây
Cũng là mây thời đại.
VI
... Bài thơ mặt bể gọi đi xa
Phải hiểu màu mây và sắc nắng
Ngàn sao thời cuộc chói trên đầu
Vĩ độ mù sương, kinh độ sóng
Sao ta chỉ biết có thuyền ta
Giương chiếc buồm con như chiếc bóng ?
Thôi đi! chú vịt quẫy ao nhà
Rúc đầu vào cánh ngủ trong mưa
Không hiểu cầu vồng, không hiểu sấm!

VII
... Có thể mùa xuân đang còn mà lòng hái hoa của anh đã hết
Ngược lại có khi xuân đến rồi mà anh tụt lại sau
Làm sao cho thơ anh và đời ăn khớp
Đừng có như hai người yêu ngồi dưới gốc đào rồi còn lại cãi nhau.

VIII
... Chớ hư danh!
Cho đến sao Bắc đẩu vạn năm sau rồi cũng méo
Hãy nghĩ phục vụ đêm nay cho bánh lái một con thuyền
Chớ đèo mảnh gỗ thửa sơn son làm thần tượng
Máu người đẻ ra thơ, mà thơ lại hòng quên
Phải đặt kẻ trông hoa sau người trồng lúa
Đặt tất cả "những bài thơ thiên tài về Điện Biên" sau "những Điện Biên"

IX
... Các anh đã xa dần chiến đấu
Quên đi bao khẩu lệnh gọn gàng
(Viên đạn vụt ra liền tới đích)
Để yêu tơ vò mớ tóc rối bòng bong
Yêu qúa nhiều nét gẫy đường cong
Dao quân thù chém ta bằng đường cộc lốc!
Chớ lấy cớ giếng sâu, quên cả lòng đang khát
Là mây xa, quên phất lúa ra đòng
Trăng cũng có phần được thua một đêm du kích
Chớ lấy cớ lộc nõn mùa xuân mà không làm lá nguỵ trang.

X
... Ta mải mê chạm cái vẩy sau đuôi con cá
Mà lắm khi quên quẫy mình theo ngọn sóng triều
Cuộc đời lớn mà trang thơ thì lại bé
Con mèo nhà đòi át tiếng hổ kêu
Như cụ lang vườn không hái lá trên rừng làm thuốc
Tôi bốc cho người quanh quẩn sau vườn dăm vị tía tô
Hãy hái những sắc trời xa viễn vọng
Những biển cồn, hãy đem đến trong thơ

XI
... Xưa thơ chỉ hay than mà ít hỏi
Đảng dạy ta: Thơ phải trả lời
Phải cầm lấy ván bài nhân loại
Không để dòng nước chảy trôi xuôi
Thế hệ ta nhân loại sẽ "ù"
Ta đã trộn bài, chia trở lại
Lấy đá mới tạc nên thần mới
Mang nụ cười chưa có nghìn xưa.

XII
... Hãy suy nghĩ
Không phải từ lò phản ứng hạt nhân mà từ nông nghiệp ba sào
Không phải từ cột vô tuyến truyền hình mà từ con sông giới tuyến
Đấy là chỗ đi
Còn chỗ đến vẫn là nơi thời đại đến
Dẫu từ những ngọn đèn, phải đến những vì sao
Đất nước nghèo, mỗi sự vung phí tâm tình phải nên tiết kiệm
Đốt một ngọn lửa lên là phải thắp sáng một cái gì
Mỗi viên đạn một quân thù, chớ nên chệch đường bay trong gió
Đến tình yêu cũng phải là hoa bên đường không lạc lối
Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi.
Dù hình tháp hay hình thoi, mỗi hạt gạo phải làm nên máu thịt
Dù cành thấp hay cành cao, mỗi chùm hoa đều phải gọi ong về
Thơ cần có ích
Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi.

XIII
... Hình thức cũng là vũ khí
Sắc đẹp như câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lý
Anh nghe cái mặn của đời đang độ kết tinh
Nó chưa thành hình, anh cho nó có hình
Chưa thành hạt, anh làm cho nên hạt
Rồi trả tận tay người cùng với máu anh...

Xâu kim


Cái trò chơi quái quỉ
Tay cầm kim, tay cầm sợi chỉ
Vừa chạy vừa xâu không một phút dừng
Chạy một đời rụng hết cả thanh xuân.
Kim run run và chỉ rung rung
Có lúc chính là kim ngọ nguậy
Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy
Xâu vừa xong, gió tuột nửa chừng.
Lỗ kim... lỗ kim trước mắt
Oan khiên oan khuất
Ta chạy một đời không dứt
Vẫn toi công!
Cây kim Mozart xâu một cách bất thần,
Lý Bạch xâu bằng thiên tài hoang dại,
Nguyễn Du xâu trên đầu mái tóc hoa râm,
Holderlin điên không xâu mà chỉ lọt...
Toàn là cách xâu của những thánh thần!
Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt
Có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực
Sao chỉ ấy, kim kia tôi vẫn phải cầm ?

Tổ Quốc - Có bao giờ đẹp như thế này chăng ?

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và Đời im im khoa
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn?
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút giây bây giờ
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng,
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ,
Thịt xương ta, giặc phơi ngoài bãi bắn
Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ...
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng.
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng...
Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
Ta tựa vào ngươi, kéo pháo lên đồi,
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát,
Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ-cát,
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất,
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác
Chim cu gần, chim cu gáy xa xa...
Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt,
Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt,
Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta.
Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê...
Đảng làm nên công nghiệp.
Điện trời ta là sóng nước sông Hồng
An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép,
Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?
Ong bay nhà khu Tỉnh ủy Hưng Yên
Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em
Cây xanh ngắt đất bạc mầu Vĩnh Phúc...
Ôi! Cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên?
Ôi, cái buổi sinh thành và tái tạo
Khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo
Nhung phù sa đẻ ra những Cà Mau thịnh vượng mai sau.
Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu,
Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau?
Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!
Ôi! Thương thay những thế kỷ vắng anh hùng,
Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận,
Nhà thơ sinh đồng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn,
Cả xứ sở trắng một màu mây trắng,
Ai biết mây trên trời buồn hơn hay thơ mặt đất buồn hơn?
Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ?
- Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời,
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể,
Ta với mẻ thép gang đầu là lứa trẻ sinh đôi,
Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười...
Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ,
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi

Sổ tay thơ

Chớ lấy cớ thơ mà viết những chữ thùng thình như áo rộng, rộng hơn đời.
Chỗ này sâu ư ? - Không chỉ là nước đục ngầu
Chỗ này cạn ư ? - Không, chính nhờ nước cạn nên ta nhìn thấy đáy.
Cái sâu cạn trong thơ là thế đấy.
Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi các trang thơ
Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ
Họ chỉ trồng một hàng dương đã mở lối cho ta về bể
Thơ dở không dịch được
Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng.
Đừng làm những bài thơ "lớn",suông mà không ai thèm đọc
Vì không lo cho việc nhỏ của đời.
Những tiếng gió quá dài nên nhân loại bỏ ngoài tai!
Bài thơ là con của trận đánh,của các vụ mùa,của các giọt mồ hôi.
Thơ đâu chỉ là con của trang giấy hồng hay
trang giấy trắng
Nếu loài vượn biết sau này sẽ đẻ ra ta
Thì triệu năm xưa hái quả rừng già
Chúng đã luyện bàn tay vít những cành vượt mắt.
Ta hãy rèn khối óc
Để xúc tiến việc xuất hiện hàng loạt những nhân tài cho
nghìn vạn năm sau.
Đừng làm nhà thơ đi tìm kiếm sao Kim,
Thứ vàng ấy, loài người chưa biết đến
Đi tìm quỹ đạo các trời xa, hay lắm!
Nhưng cần giải phóng ta ra khỏi quỹ đạo những
xích sắt xe tăng và những trận càn.

Chớ thêm nhiều lời ở nơi người ta chỉ cần ít chữ
Người ta hỏi đường, sao anh "tả cảnh tả cảnh" làm chi ?
Đời một thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa,
Nhan sắc của một viên ngọc ư ? Có khi là nhiệm vụ nó đấy rồi.
Giữa đời và anh chớ lấy tác phẩm cổ kim ra che mắt
Những cái bể văn chương án ngữ phía bên này không
cho thấy phía bên kia.
Thơ chỉ cho người thấy rằng đôi cánh của mình
Chính là đôi cánh tay nghìn năm chậm chạp.
Rằng đôi tay người thực ra là đôi cánh để bay.
Dù cho là Phật
Thì trước khi ngồi lên toà sen hư ảo
Câu thơ cũng phải xuất gia đi ra bốn cửa ô có thực của đời.
Vay ngoài đời và trả trên trang giấy
Cái vốn đời cho và cái lãi phải làm ra
Mà lãi ư ? Đâu chỉ là phù phép văn chương nước bọt ngôn từ
Xưa tôi hát và bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời.
Bao giờ thuộc hết tiếng của đời, ta xin hát lại.
Khúc hát hay, đâu có lắm lời.
Người gieo là anh và người gặt cũng là anh,
Chỉ gieo những cơn gió và gặt về mùa đào sao được ?
Anh muốn gặt trang phì nhiêu sao anh lại cầm thóc lép để mà gieo ?
Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức
Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc
Chứ phải đâu cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu trời
Khi tất cả mọi người đọc anh đã bỏ ra đi
Còn một độc giả yêu anh và ở lại,
Anh có gì cho người kiên nhẫn ấy ?
Có còn chăng một vì sao dành lại giữa đêm khuya
Người ấy tìm ra ngôi sao mà anh hằng ngắm đấy
Chính ngôi sao kia sẽ gọi trăm người đọc lại quay về
Nếu cho người đọc kiên nhẫn ấy, ngôi sao kia anh cũng không có nốt
Thì anh chớ than phiền khi trăm người đọc khép sách bỏ anh đi.
Vị trí mỗi ngày, định tự bình minh
Đừng để sự việc mỗi ngày, con bóng mỗi ngày lôi anh đi vụn vặt
Chớ cắt anh ra thành hàng xén vụn vằn.
Đừng, đừng bóp cây đa thành củ thuỷ tiên,
Cô đúc bản trường ca thành bài tứ tuyệt
Ngày thường anh tập cử tạ nghìn cân
Để lúc thí võ nghìn cân, anh xách Thái Sơn nhẹ tựa
chiếc lông hồng
Bài thơ sáng viết ở Việt Nam, chiều đọc ở Mạc-tư-khoa,
Sáng hôm sau đốt cháy lên những cuộc biểu tình ở Pari, Nửu Ước...
Nó viết ở kinh tuyến này và rung động trào sôi ở
kinh tuyến khác.
Trong dân tộc và ngoài dân tộc
Anh phải bơi trong nước ngọt sông mình lại phải ra
thử thách mình giữa bể mặn trùng khơi.

Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm
Như những cây quả thẳng chim không về.
Anh chỉ là một giọt nước thôi như các giọt
Chỉ vì ở trong bể thôi, nên anh đã mặn như đời.
Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá.
Nó không là anh, nhưng nó là mùa.
Những khối lửa cháy đỏ rực trên vòm trời kia
Từ đó triệu năm sau sẽ hiện lên cây xanh và suối ngọt.
Cái chuyển vần từ ý đến thành thơ
Chớ ngại thơ phải đi qua con đường cằn khô sa mạc,
Những suối thơ không chảy sẵn bên nhà.
Bốn nghìn năm chưa phải là ta đã cày sâu vào trang giấy lắm đâu
Gié lúa nhiều thế kỉ cầm lên còn lép hạt
Đảng bảo ta thay giống lúa xưa và thay cả những luống cày.
Em nhắn về: sao anh chẳng làm thơ ?
Anh đang bận,
Bận gì ? Bận làm thi sĩ.
Bận dời lòng anh đến những trời sao, ra cạnh bể,
Nơi những ngã tư đời, nơi những ngã ba.
Em không yêu những bài thơ anh trọng đại thích cân đời như cân đá.
Không bao giờ nói được sức nặng mùi hương trên lá.
Nhưng ai cần anh viết một vần trăng, viết mấy vần trăng,
Mà không bao giờ dẹp trang thơ sang bên để đón một đêm rằm
Nếu như vậy, thà anh cứ làm thơ cho em về đá
Tối thiểu người ta có thể dùng thơ anh để mà cử tạ,
Chứ người ta biết làm gì với những suông trăng với những suông rằm ?

Lấy tinh binh thắng đa binh
Lấy hạt muối có khối có hình, thắng mặt bể to,
không kết tụ kết tinh.
Phi mình đi trong sóng
Nhưng cũng đừng tham hạt muối con mà vứt bể
Vứt cả cái sóng gió xôn xao rất đỗi bể trời
Câu thơ nằm ở giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời
Giữa hai mặt độc lập và thống nhất kia, chếnh choáng
câu thơ nằm ở giữa.
Con gà không đối thủ
Để giương oai diễu võ
Tự đá mình trong gương
Thảm thương nhà thơ ấy
Bản ngã vờn bản ngã
Lấy mình làm văn chương
Tự đá mình trên giấy!
Dù anh không làm xiếc
Cũng phải căng thẳng dây tâm hồn anh lên mà đi qua
trên vực ngôn từ
Căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn ngang qua vực
tâm hồn sâu thẳm.
Cho mỗi bước, mỗi bước của anh đều thận trọng
Không bao giờ anh ở độ chùng dây.
Chớ đau những cái đau vụn vằn, không đủ kích tấc
cho người anh hùng đau khổ.
Cái đau tẩm mẩn như hạt kê con, mà những con
chim đại ngàn chẳng muốn ăn cho.
Nghe cha ông và nghe con cái nữa
Truyền thống là giống Lý - Trần và giống nhiều
những thế hệ mai sau.
Giống những năm tháng sẽ khai hoang, những chân trời sẽ vỡ.
Chớ chỉ tìm dân tộc phía đằng sau.
Ta nối liền ta trong bể dọc thời gian, câu thơ thế kỉ
hai mươi liền hơi với hồn cha ông trong truyện Kiều, Chinh phụ...
Nhưng dân tộc cũng là ta cùng nhịp đập với tim ta
trong bể ngang không gian trước đã
Cách làm thơ năm 72 giống với cách trồng rau năm 72, đánh Mỹ năm 72
Dân tộc chung một phong cách năm 72 khi yêu và khi tìm từ ngữ
Anh không thể yêu bộ răng đen "dân tộc" của mình, vì nó rất... ngoại lai.

Ta là ai ?

"Ta là ai ?" như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
"Ta vì ai ?" khẽ xoay chiều gió bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Bánh vẽ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...

Ai ? - Tôi !

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính là tôi !
Người lính cần một câu thơ
giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười 


ST - BS & Giới thiệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét