Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

NHÀ THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG




Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định. Nguyên quán làng Phù Ủng tỉnh Hưng Yên. Thủa nhỏ ông theo hoc Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào trường Luật nhưng chỉ được một năm thì lại bỏ đi làm Phó kiểm soát sở hoả xa Đông Dương. Năm 1941 ông bỏ sở hoả xa đi học toán tại Hà Nội, rồi bỏ dở để đi dậy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng viết thơ, viết kịch.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn,cùng Đinh Hùng ( Vũ Hoàng Chương lấy chị ruột Đinh Hùng là bà Đinh Thị Thục Oanh) . Cả hai là những nhà thơ nổi tiếng từ hồi “phong trào thơ mới”. Họ đều là những “đại gia” trong làng thơ nhưng cả hai, không ai tự tạo được cho mình một mái nhà mà suốt đời toàn đi ở nhà thuê.

Khi vào Sài Gòn, hai người thuê một căn nhà lợp tôn, vách ván tại xóm Hòa Hưng. Vũ Hoàng Chương cùng vợ ở trên gác, dưới nhà là tổ ấm của gia đình Đinh Hùng.
Quen với cảnh “miếu nguyệt, vườn sương”, “cách tường hoa ảnh động” nay phải giam mình trong căn gác gỗ nóng hầm hập, hơi nóng từ mái tôn phả xuống như muốn luộc chín người, dường như nguồn thơ của Vũ Hoàng Chương bị nắng Sài Gòn làm cho khô cạn.

Vũ Hoàng Chương dạy học tại trường Văn Lang. Đinh Hùng viết báo và bình thơ tại Đài phát thanh. Cả hai kiếm tiền không đến nỗi chật vật nhưng cả hai đều không tậu được cho mình một mái ấm là vì họ trót dính đến nàng tiên nâu nên kiếm tiền bao nhiêu đều tan thành mây khói.
Để kiếm một chỗ ở thoải mái hơn tác giả “Thơ Say” dọn về chợ Vườn Chuối (đường Nguyễn Đình Chiểu ). Ở Vườn Chuối chưa lâu Vũ Hoàng Chương lại chuyển nhà thuê ở đường Nguyễn Khắc Nhu.

Vào các năm 1973 - 1975, vợ chồng anh được nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội mời về cho ở một căn gác tại toà biệt thự đồ sộ của bà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển. Vũ đặt tên chỗ ở mới này là “Gác Mây”. Chính nơi đây có lần uống rượu Vũ Hoàng Chương đọc thơ Tuy Lý Vương và phát hiện ra cái thôn Vỹ Dạ ở Huế đã đi vào thơ Hàn Mạc Tử không phải là Vỹ Dạ mà là Vỹ Dã (cánh đồng lau).
Nhưng rồi Vũ Hoàng Chương cũng không an trú lại “Gác Mây” được bao lâu. Sài Gòn giải phóng, bạn bè cách mạng của chủ nhân Mộng Tuyết vào ra thăm bà tấp nập; có lẽ thấy sự hiện diện của Vũ Hoàng Chương ở tại nhà mình có sự không tiện nên bà đánh tiếng để họ Vũ dọn đi.

Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh


Phải đi thôi nhưng phải đi đâu? Thời buổi khó khăn, tiền đâu để đặt cọc, thuê nhà? Không chốn nương thân ,Vũ đành dắt díu vợ con về tá túc tại căn nhà bé bằng bàn tay của bà quả phụ Đinh Hùng bên khu Khánh Hội, nơi đây, Vũ Hoàng Chương đã cùng vợ con sống tạm bợ những ngày cuối đời của anh trước khi “được” đưa đến ở một toà nhà to lớn, kiên cố, có lính gác ngày đêm, đó là… khám Chí Hoà!
Vũ Hoàng Chương suy sụp rất nhanh nên ít lâu sau khi được thả ra, anh lặng lẽ ra đi nhằm ngày 13 tháng 8 năm Bình Thìn, lúc 23 giờ. Đám tang anh cũng cử hành trong lặng lẽ, nghèo nàn, hiu hắt.
Mười năm sau, 1986 mộ Vũ Hoàng Chương được cải táng về chôn tại nghĩa địa của chùa Giác Minh tại Gò Vấp. Suốt một đời lận đận vì nỗi không nhà, giờ đây hai con người tài hoa kia đã có một chỗ ở trang trọng, miên viễn đó là chỗ ngồi lâu bền trong văn học sử và điều an ủi lớn nhất là họ còn sống mãi trong tâm hồn những khách yêu thơ.

Có bằng tú-tài tây. Đã theo học trường Luật, nhưng lại bỏ để làm phó thanh-tra sở Hỏa-xa miền Bắc hơn một năm. Dạy học tư một độ, sau đó có theo học ban cử-nhân toán-học .
Có thể nói Vũ là người tài thật sự vậy mà Vũ nối cái nghiệp những thi-hào xưa của Đông Á - cái nghiệp say. Vũ say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa, llại còn "hơn" cổ-nhân những thứ say mới nhập-cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn là say thơ. Trong đó có cá dụng ý muốn say để làm thơ.
Một lần kia, bước chân vào tiệm nhảy, Vũ bỏ quên dụng ý làm thơ ngoài cửa, và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt hay bằng những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng theo điệu kèn khiêu vũ:
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường gương điên đảo bóng giai-nhân.
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...


Cái say-sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say-sưa có chừng mực, say-sưa mà không hẳn là trụy-lạc, mặc đầu từ say-sưa đến trụy-lạc chỉ là gang tấc . Nhưng trụy-lạc hay say-sưa của Vũ đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao-ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua-chát, hằn-học, và bi đát riêng. Mỗi lần nói đến hôn-nhân, Vũ Hoàng Chương có giọng khinh-bỉ vô cùng. Người thấy hôn-nhân chỉ là sự chung-chạ của hai xác-thịt, một sự bẩn thỉu đã làm dơ dáy bao mộng đẹp của tuổi hoa-niên:

Hai xác-thịt lần vào nhau mê mải,
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn.
Khi tỉnh dậy, bùn nhơ nơi Hạ-giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh-hồn.


Khốn nỗi! Thoát-ly được hôn-nhân cùng mọi trói buộc khác, nào người có tìm được hạnh-phúc, người chỉ thấy bơ-vơ:

Mênh mông đâu đó ngoài vô tận
Một cánh thuyền say lạc hướng đêm.

......

Nếu như các Thi nhân cùng thời với Vũ Hoàng Chương có nỗi niềm riêng nhưng chí ít họ cũng có nơi mà gửi nỗi nhớ mong còn Vũ thì thiếu quá nhiều . Mới ở cái tuổi tưởng như “ Máu đang sôi “ vậy mà với Vũ :

Xuân đời chưa kịp hưởng
Mây mùa thu đã sang ?


Nhà thơ tâm sự

Xuân có sang mà hoa không tươi
Ý ngát hoài chăng hề tuổi chớm ba mươi
Nằm say ngõ lạnh
Buồn nghe mưa rơi
Tuôn châu oà bật lên cười
Ta có là ta chăng hề Ai chớ là Ngươi
Chậu sành tiếng đập ngàn năm cũ
Hoạ điệu chiều nay xác rã rời.


Việc hồi cư năm 1954, với Vũ Hoàng Chương không mang ý nghĩa một chọn lựa chính trị, mà chỉ do một nhu đầu một tình cảm riêng tư - phần nào đó hoang tưởng và khi chợt nhận ra là :

Lũ chúng ta lạc loài, dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ.
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
……………..

Là một Vũ Hoàng Chương kẻ sĩ, tâm hồn ông luôn luồn gắn bó với vận hưng suy của đất nước – cho dù ông có là nạn nhân của nhiều ngộ nhận .Cuối năm 1972, hoà hội Paris bế tắc, chiến trường miền Nam ác liệt và Mỹ dùng pháo đài bay B 52 oanh tạc Hà Nội suốt 12 ngày đêm cuối năm.Vũ Hoàng Chương gửi tâm trạng qua bài " Ðón Xuân Mười Chín "

Bấm đốt từ di cư đến nay
Ðón xuân vừa vặn hết bàn tay,
Sang sông Ngựa đã hai lần hí
Vạch đất Trâu thêm một luống cày
Lửa ném tràn lan đầu gió Bắc
Vàng rung thăm thẳm đáy hồ Tây
Bút toan chạy ngược đau lòng chữ
Núi vẫn nằm ngang bạc tóc mây
Dăm kẻ tri giao toàn kiết xác
Nửa đêm trừ tịch cũng vờ say
Hằng nga bỏ địa cầu đi mãi
Tết đến buồn không chịu vẽ mày
Xưa rồi lửa phóng tên bay
Giờ chơi nhạc sống nào đây hỡi giàn
Bóng ai trên đá ngồi gan
Có nghe rung một giây đàn lẻ loi
Trời xuân chẳng én đưa thoi
Mà như gấm đẩy bức Hồi Văn qua
Nghé kêu đầy bến vàng hoa


Với ngụ ý : lửa thử vàng, Vàng Mười không sợ lửa, chế độ miền Bắc không khuất phục trước vũ lực thô bạo. Ðây là một câu thơ nặng tình dân tộc, nhưng không mấy người để ý, nó chỉ như một thứ cung đàn lẻ loi trong bản hợp xướng chuẩn bị cho mùa xuan đại thắng 1975.
Sau đó, hiệp định Paris ký ngày 27.1.1973 Vũ có thơ kịp thời ghi dấu

Ma là Người ... kiếp khác
Người là Trời ... đêm nay
Nghe chừng lửa đã tắt
Hai bờ Con-Sông này
ờ nhỉ ! đâu còn Vết Cắt
Sao lòng ai vẫn chưa hay ?
Nằm kia, người nín bặt
Vòng luân hồi đã ngược chiều quay
Ma thôi vất vưởng, trời thôi lưu đày


Vũ Hoàng Chương đã thành người thiên cổ , thương tiếc một con người tài hoa, không làm sao sống thích nghi với xã hội mới , nhưng phải thừa nhận Vũ khác với nhiều người ,sự nghiệp lớn lao của Anh được hình thành trên mất mát nhưng thật cao quý . Thơ Ông hoài cổ giàu chất nhạc, với nhiều sắc nét Đông Phương dù ông lớn lên giữa cao trào thơ mới nhưng thơ của ông được đánh giá là tiếng thở dài của Phương Đông trầm mặc
Rất có thể Vũ Hoàng Chương hiện đang lang thang đâu đó trên chặng đường luân hồi, và đang phanh dần ra lời giải đáp cho ẩn số vũ trụ :

Đăng trình

Bao nhiêu hạt cát bến sông này
Đã bấy nhiêu ngàn thế kỷ nay
Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng
Tự ngoài Vô Tận đến nơi đây

Trái Đất mừng ta nhạc vút cao
Băng sơn gầm thét, hỏa sơn gào
Bóng ta in xuống chân trời mới
Nhật Nguyệt hai phương ngửa mặt chào

Muôn màu chen dự lễ đăng quang
Biển nước xanh lơ, biển cát vàng
Hoa tím buông lơi sườn cỏ biếc
Ôi rừng trinh bạch, đảo hồng hoang

Nhưng vẻ thiên nhiên tự buổi đầu
Với thời gian đã mất về đâu
Níu sông mòn mỏi bao hưng phế
Hiện nét già nua mặt Địa Cầu

Đại lục buồn soi bóng đại dương
Cỏ hoa rừng đảo úa dần hương
Cũng như trái đất khô dần nhựa
Còn, chỉ còn dư vị chán chường.

Đêm đêm ta dõi mấy tầng cao
Tìm một không gian mới lạ nào
Lấp lánh Quê Trời thơ hẹn bến
Giam mình Quê Đất mãi hay sao.

Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảnh phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trình một hóa thân.

Này lúc vèo qua hệ Thái Dương
Ném sau ngàn đốm lửa kim cương
Mạn thuyền cháy lên rừng rực
Ta gõ mà ca: Thiên nhất phương

Đào Nguyên Lạc Lối

Chiều đã tím ở lưng chừng dẫy núi
Sắc thu mờ lơ đãng dáng hoàng hôn
Lặng nằm nghe bốc tự đáy linh hồn
Nỗi thương mến xa khơi tình kiếp trước
Sóng ngủ dưới chân thuyền im gió nước
Đã ai say lạc bước tới Vô Cùng
Sương đầy khoang nghe thấp thoáng hoa dung
Mà lối cũ Đào Nguyên chừng hé mở

Trời cũ với hồn nay còn bỡ ngỡ
Thuyền đã nghiêng và nghiêng hẳn giòng sông
Trên dốc say vùn vụt hướng về Đông
Ta nghe rõ con thuyền trôi phất phới
Non động hoang mang tình xưa bạn mới
Hoa chờ -- tươi -- mây đợi -- thắm lưng đèo
Suối quanh co bờ đá dựng cheo leo
Sườn bích lập nâng cao trần thạch nhũ
Vòm nho nhỏ còn ghi thương nhớ cũ
Lệ chia phôi ngàn thủa đọng lưng chừng
Lối vào sâu mây khóa nẻo sau lưng

Khe nước hẹp khép dần sau bánh lái
Đôi bờ gấm chập chờn xê xích lại
Nóc rêu nhung buông rủ sát ngang đầu
Hồn phiêu dao tưởng cỡi chiếc thuyền câu
Lách hang đá bay về non nước Tấn
Sương khói bâng khuâng sông cùng núi tận
Thời xa xôi dìu dặt áng hương mơ
Đất Vũ Lăng chàng đánh cá năm xưa
Mê sắc thắm tơi bời khe suối rụng
Ven giải Đào Nguyên buộc thuyền cửa động
Dấn bước xem trời mở cuối hang sâu
Ôi thời gian sông núi vẫn tươi màu

Thuở Tần loạn xưa kia tìm trốn tránh
Dắt dìu nhau lạc vào nơi tuyệt cảnh
Mươi lăm nhà riêng chiếm một Thiên Thai
Nỗi hưng vong chỉ xá việc bên ngoài

Khát cô đơn chập chờn đôi cánh mộng
Tưởng đâu đây xóm làng xưa vẫn sống

Ôi lòng ta khao khát tới Đào Nguyên
Hỡi xứ thanh tao thế giới hư huyền
Xin thu lấy một linh hồn trốn xác
Trong da thịt sẵn gieo mầm Tội Ác
Chiều nay nghe vang gọi tiếng Quê Hương
Chút thiêng liêng sót lại của thiêng đường
Gỡ dây trói sơ sinh cùng thể phách
Trên nẻo Hư Vô mơ hồ chiếc bách
Khói dìu đi men đẩy phía sau khoang
Dần chơi vơi trong huyễn mộng huy hoàng
Tưởng bay tới nơi dân Tần trốn giặc
Hỡi người xưa Ngư Phủ hỡi Đào Nguyên
Ta đêm nay say cũng lạc con thuyền

Tiếc Vườn Cam Bố Hạ

Chờ ai Bến Mỏi nghiêng nằm
Thương ai lưu lạc sông trầm tiếng reo
Nhà ai khói biếc lưng đèo
Vườn ai cam ngủ bóng chiều thảnh thơi
Tằm ai nón lá dâu mời
Trâu ai kéo mật nghe trời bình yên ? ...
Đất : quê thơm ! Bạn : người hiền !
Nhựa say tâm sự đêm huyền hoặc nâu.
Ngắm hoa đèn, hiểu ý nhau :
Quên ngày quên tháng quên sầu nhân sinh.
Ra đi lòng nặng cảm tình
Trông về gió bụi riêng mình ngẩn ngơ.
Mong ai ngọt mía vàng tơ
Vườn cam đỏ trĩu giấc mơ vẹn tuyền.
Trao tay nét bút làm duyên,
Năm sau quả chín đừng quên Vũ Hoàng !

Có gì ở trong

Phật rằng : trong Lửa có hoa sen.
Lửa mách người : trong Nước có tiên.
Nước réo : trong Cây đều có quỷ
Làm yêu làm quái ... để tìm quên.
Lời yêu: quên được đã quên rồi !
Thánh vẫn than trong Vàng đấy thôi.
Uổng có miệng thêu lòng nở gấm,
Dao vung lên cũng đứt làm đôi.
- Còn trong Đất, chẳng có gì sao ?
Nghe hỏi, Cây-trên-bến nghẹn ngào.
Cuội chợt khóc vang ... người chợt tỉnh:
Có mầm Đau rắc tự trời cao!

Ðời vắng em rồi

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu
Lênh đênh thương nhớ giạt trời Âu
Thôi rồi - tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.
Trai lỡ phong vân gái lỡ tình
Này đêm tri ngộ xót điêu linh
Niềm quê sực thức lòng quan ải
Giây phút dừng chân cuộc viễn trình
Tóc xõa tơ vàng nệm gối nhung
Ðây chiều hương ngát lả hoa dung
Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo
Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.
Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay
Buồn mưa trăng lạnh nắng hoa gầy
Nắng mưa đã trải tình nhân thế
Lưu lạc sầu chung một hướng say
Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai
Ra đi chẳng hứa một ngày mai
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai
Phương Âu mờ mịt lối quê nàng
Trăng nước âm thầm vạn dặm tang
Ghé bến nào đây người hải ngoại
Chiều sương mặt bể có mơ màng.
Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi
Thoảng gió trà mi động mấy bông.

Một phút ngừng say

Bấc trĩu hoa đèn nhựa úa nâu
Phai say nằm khóc mộng ban đầu
Bước chân song sóng vòng tay mở
Dạo ấy người ơi xa lắm đâu
Chớm nụ tiếc cho tình quá ngát
Mà thương trời bể quá cao sâu
Tiếc thương lẻn khói vào tâm trí
Mưa gió tàn đêm lộng quán sầu.


Chờ đợi hoài công


Ta đợi em từ ba mươi năm
Uống hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Heo may chớm đã lên mùa gió
Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm
Cúc tả tơi vàng mộng xác xơ
Hiên sương ngõ lá vẫn trông chờ
Ðêm dài quạnh hé đôi song lớn
Nguyệt đọng vòng tay úa giấc mơ
Ngai trống vàng son lợt sắc rồi
Lòng ta Hoàng hậu chẳng về ngôi
Hồ ly không hiện người không đến
Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi
Hiu hắt tình trai một kiếp suông
Mênh mông nệm gối rét căn buồng
Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng
Thơ vút sầu say rượu nhập cuồng
Ðã mấy canh khuya nụ ngát nhài
Kết chưa thành mộng ý Liêu Trai
Lung linh nguyệt thấm vàng trang sách
Ðợi chẳng bừng sen nhịp gót ai
Thôi thế hoài thơm tuổi dịu hiền
Cánh khô mầm lụi trót hoa niên
Chương đài, ca quán, ôi hồng liễu
Nửa cuộc trần gian lợm yến diên
Khắp đã nghe tìm mỏi núi sông
Ðâu vương vó ngựa, gió mui hồng?
Gió sương giờ vẫn buồng đây lạnh?
Em hỡi! Phương nào em có không?

Nguyện Cầu


Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.

Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.

Ðể ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.

Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.

Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.

Lửa Từ Bi,


Lửa! lửa cháy ngất tòa sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Ðông Tây nhòa lệ ngọc
chắp tay đón một Mặt-trời-mới-mọc
ánh Ðạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên.

Ôi! Ðích thực hôm nay trời có mặt;
giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga!
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
nhìn nhau: tình Huynh đệ bao la.

Nam mô Ðức Phật Di Ðà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày
bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây;
gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ,
Phật Pháp chẳng rời tay.

Sáu ngả Luân hồi đâu đó
mang mang cùng nín thở,
tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay.
Không khí vặn mình theo
khóc òa lên nổi gió;
NGƯỜI siêu thăng
giông bão lắng từ đây.
Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây,
nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Ðề.

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi;
chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
với Thời gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! Còn Trái-Tim-Bồ-Tát
gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.

Ôi ngọn lửa huyền vi!
thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
từ cõi Vô minh
hướng về Cực lạc;
vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác
và chỉ nguyện được là rơm rác,
THƠ cháy lên theo với lời Kinh
tụng cho Nhân loại hòa bình
trước sau bền vững tình Huynh đệ này.

Thổn thức nghe lòng trái Ðất
mong thành quả Phúc về cây;
nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;
đồng loại chúng con
nắm tay nhau tràn nước mắt,
tình thương hiện Tháp-Chín-Tầng xây.

Bài Ca Sông Dịch:

Ai tráng sĩ bao năm mài gươm dưới nguyệt
Còn tưởng nghe hồn thép múa sông sâu
Kinh Kha hề Kinh Kha!
Vinh cho ngươi hề ba nghìn tân khách
Tiễn ngươi đi, tiếng trúc nhịp lời ca.
Biên thùy trống giục,
Nẻo Tần sương sa,
Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà.

Tám phương trời khói lửa,
Một mũi dao sang Tần.
Ai trách Kinh Kha rằng việc người để lỡ
Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân.
Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu
Mà thương cho cánh tay thần.
Ta chỉ thấy
Tơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bên.
Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng.
Áo rách thân run hề ghê hồn bạo chúa,
Hùng khí nuốt sao ngưu hề nộ khí xung thiên.
Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ,
Hiệp sĩ Kinh Kha hề ngươi thác đã nên!...


Mười Hai Tháng Sáu

Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương.

Là thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyện ước
Tố của Hoàng ơi Tố của Anh.

Tháng sáu mười hai - từ đấy nhé
Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi.
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa Tố của tôi.

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai.
Tình ta ta tiếc - cuồng - ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của Ai.

Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi.
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.

Kiều Thu hề Tố em ơi
Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây
Hàm Ca nhịp gõ khói bay
Hồ Xừ Xang Xế... bàn tay điên cuồng.

Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô.
Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên.

Kiều Thu hề Tố hỡi em
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng.
Xế Hồ Xang... khói mờ rung
Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.


Nét Ðau Mặt Chữ


Chẳng dùng chi được văn tài
Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ
Phút giây chết điếng hồn thơ
Nét đau mặt chữ đến giờ còn đau.

Chắc gì ba trăm năm sau
Ðã ai vào nổi cơn sầu nằm đây
Nếu không cơm áo đọa đầy
Nhủ thân nào thịt xương nầy bỗng dưng.

Chết theo vào đến lưng chừng
Say từng mảnh rớt mê từng khúc rơi
Nửa chiều say ngất mê tơi
Khúc đâu lơ láo một đời Thi Vương.

Quên

Đã hẹn với Em rồi, không tưởng tiếc
Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu.
Đêm nay lạnh tìm em trên gác tối,
Trong tay em dâng cả tháng năm thừa,
Có lẽ đâu tâm linh còn còn trọn lối,
Để đi về Cay Đắng những thu xưa.
Trên nẻo ấy tơi bời, - em đã biết
Những tình phai duyên úa, mộng tan tành.
Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt,
Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh.
Không em ạ, không còn can đảm nữa,
Không! nguồn yêu, suối lệ cũng khô rồi,
Em hãy đốt dùm anh trong mắt lửa,
Chút ưu tư còn sót ở đôi môi...
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời Quên.

Động phòng hoa trúc

Lìa cõi Mộng, dong thuyền qua bến Tục,
Đoái hoài chi băng tuyết sẽ vùi chôn
Em khao khát dìu Anh tìm hạnh phúc,
Ở men nồng chăn ấm tối tân hôn.
Đuốc hoa toả, xiêm y càng rực rỡ
Khói trầm dâng, son phấn ngát lây hương .
Da thịt cháy, nhưng còn hơi bỡ ngỡ,
Nấp sau rèm tơ lụa mỏng hơn sương.
Vàng di gót, đầy tay chân với ngọc,
Cổ long lanh loà chói những kim cương
Nhưng đã biến, trên mầu nâu mái tóc
Vong linh quang phơn phớt của Thiên Đường
Rượu hợp cẩn đem theo từ Nguyệt điệu
Mấy vò thơm chuốc mãi tận sông Ngân.
Nhưng đến lúc kề môi trên miệng chén,
Chỉ than ôi nồng cháy những men trần.
Kìa, nệm gối đường chờ ta xô lệch,
Thầm bên tai nhắc gọi phút điên say.
Và đương rụng, giữa luồng giăng chênh chếch,
Cánh hoa tàn sau chót của Thơ Ngây.
Thôi hết nhé! Thoả đi, niềm rạo rực!
Từ cung trăng rơi ngã, xuống trần gian.
Ta sắp uống bùn nhơ, và sự thực
Sẽ mai đây dầy xéo giấc mơ tàn.

Tối tân hôn

Do dự mãi, đêm nay rời xứ mộng
Ta chiều em, bỏ cánh tại cung Trăng ,
Lên bước xuống thuyền mây chờ cửa động
Vội vàng đi, quên biệt giã cô Hằng
Gió đêm lồng lộng thổi
Thuyền mây vùn vụt trôi
Đang bâng khuâng, điện biếc đã xa rồi
Giữa lúc toả muôn hương đàn sáo nổi.
Ngực sát ngực, môi kề môi,
Ôm vai nhau cùng lắng tiếng xa xôi
Nguyệt chẳng phải,
Tỳ không, càng không Cầm với Sắt;
Tai dẫu quen mà lạ tiếng tre.
Cung Sế lẫn cung Hồ dìu dặt;
Mình tơ réo rắt
Hồn trúc đê mê
Những thanh âm nhạc điệu chửa từng nghe,
Như đưa vẳng tự vô cùng xanh ngắt,
Đầy nhớ thương gọi tha thiết ta về.
Gió bỗng đổi chiều, trên táp xuống.
Nặng chĩu hai vai, Nàng cố gượng
Thắt vòng tay ghì riết lưng ta.
Những luồng run chạy khắp thịt da ngà.
Run vì sợ hay vì ngây ngất?
Ta chẳng biết nhưng rời tay chóng mặt,
Toàn thân lạnh ngắt,
Thuyền chìm sâu sâu mãi bể hư vô.
Mà hương ngát đâu đây còn phảng phất.
Mà bên tai đàn sáo vẫn mơ hồ,
Ngửa trông lên cung quế tít mù xa
Dần dần khuất,
Dưới chân ta
Thuyền mây sóng lật,
Không gian vừa sụp đổ xung quanh,
Một trời đêm xiêu rụng tan tành
Dư hưởng yếu từng giây,
Dư hương dần loãng nhạt,
Trong tay níu đôi thân liền sát.
Nhè nhẹ rơi vào lớp sóng khinh thanh
Sao lìa ngôi, phương hướng ngã bên mình,
Cơn lốc nổi,
Đờn tiên thôi gọi.
Âm thầm xa bặt tiếng tiêu,
Nhưng mê man say uống miệng người yêu.
Ta cũng như Nàng,
Cảnh mộng chốn Bồng lai đâu nhớ tới.
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn.
Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi Hạ giới,
Đã dâng lên ngập qúa nửa linh hồn.

Say đi em

Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương,
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương.
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng chót nghiêng mà bước vẫn du dương.
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ.
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ.
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần...
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân,
Lui đôi vai, tiến đôi chân;
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trưon chập chừm như biển gió.
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa.
Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê ly, chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn,
Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên quên hết!
Ta quá say rồi!
Sắc ngã màu trôi...
Gian phòng không đứng vững,
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa,
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời,
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa,
Thành sầu không sụp đổ em ơi!

Phương xa

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
Xô về đông bay dạt tới phương đoài
Xa mặt đất, giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn, cay đắng hoạ dần vơi.
Lũ chúng ta lạc loài, dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ.
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan.
Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy cho ngoan
Yêu mà chẳng biết
Lâu rồi không nhớ bao nhiêu năm
Từ độ trông nhau hết lạ lùng
Từ hôm bên nhau thôi ngượng ngùng
Từ buổi xa nhau mà nhớ nhung
Em đã nao lòng anh mê man
Đuôi mắt đầu môi tình chứa chan
Đêm thường mơ đêm ngày đợi ngày
Nhưng không hề nói cho nhau hay.
Đôi bên cùng kiêu kỳ như nhau
E dè như nhau nên nghi ngờ
Không ai cho ai lời yêu đầu
Anh làm vô tình anh ngây thơ.
Kín tiếng nhưng lòng riêng xôn xao
Ai thấy phong ba nơi bể hồn!
Đâu hễ tim rung là tình trao
Đâu cứ xuân tươi vì hoa đào!
Nưng ngày theo ngày đêm sang đêm
Tháng năm dìu dịu trôi mơ màng
Tơ buộc sát hơn và liền thêm
Khăng khít ai chia nàng với nàng?
Một bên thi sĩ bên đa tình
Đôi tim đóng then mà hớ hênh
Cả hai sôi nổi lại si tình
Đôi hồn kín bưng mà trống trênh
Gần nhau làm dáng với làm duyên
Nhưng tuy say mê còn dối lòng
Giấu cả đêm thu lừa trăng trong
Có ai yêu đương không thề nguyền?
Cùng nín đau buồn khi chia phôi
Bình thản như quen vì chuyến đò
Bao phen thổn thức ngừng trên môi
Có ai yêu đương không hẹn hò?
Gặp nhau cười thoáng rồi quay đi
Mừng tủi chan chan mà hững hờ
Bao phen giọt lệ ngừng trong mi
Có ai yêu đương không đợi chờ?
Nắng ngả còn chưa tin là chiều
Lá đổ còn chưa là mùa thu!
Còn đợi trời phai chờ sương mù
Cõi lòng: lưu luyến chưa là yêu!

Mến kín thương thầm em với anh
Không hay yêu nhau từ bao giờ
Chập chờn bến thực hay nguồn mơ
Hay chính bâng khuâng là ái tình?
Yêu mà còn nghi lòng người yêu
Đến cả chưa tin mình đang yêu
Hương tình - ôi, dịu nhẹ bao nhiêu!

Con tàu say

Tặng Duy Linh

Khói tuôn mờ trắng đêm sâu,
Men rừng say một con tàu ngả nghiêng
Lắng tai, nhịp sắt liền liền;
Đường sương nổi dậy ưu phiền dưới chân,
Còi khuya vọng mãi tiếng ngân,
Lao đao, núi thẳm cây gần tương tư
Tha phương đã réo mong chờ,
Con tàu luân lạc đêm mờ còn say;
Rượu ngon chở mấy toa đầy,
Bánh xe muôn dặm còn ngây hương rừng.
Giữa đêm, cây núi chập chùng,
Non sông chếnh choáng biết dừng nơi nao

 ST - BS & GT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét