Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

LỄ HỘI TỨ XÃ



Hoàng Xá, Đình Tràng, Lương Xá và Vân Đình mỗi nơi đều thờ một Thành Hoàng riêng nhưng lại thống nhất lấy ngày sinh của Quý Minh Đại Vương – Thành Hoàng làng Hoàng Xá nhằm rằm  tháng giêng làm chính hội . Đó là lễ Hội Tứ Xã, mỗi năm một làng đăng cai, hội kéo dài suốt một tuần.
Ngày mồng 8 tháng Giêng là ngày mở hội. Làng đăng cai trồng cây nêu, tết hoa, cắm cờ xí dọc đường chính. Cả làng sạch tinh tươm, các sân chơi sẵn sàng

.
Hình minh họa từ NET


Năm giờ hai đội rước kiệu thần, cờ, biển, trống, chiêng, bát âm phụng nghi, bài vị, bát hương của Thành Hoàng làng đi mời khách. Lộ trình được vạch sẵn, các làng bạn sẵn sàng, khi kiệu tới hai bên giao bái, kiệu quay ba vòng trước đường, trống thúc , cờ chạy, hai đôi cứ soắn vào nhau, nhã nhạc vang lừng. Sau đó hai đoàn lại tùng dinh lên đường qua xã khác. Dân làng từ các ngõ yết bái và đi theo hộ giá.

Cả 8 kiệu cùng lên đường, hội thành đám rước lớn, Thỉnh thoảng kiệu sau xô ngang kiệu trước, cuộc đua cứ thế vui nhộn đường quê, không phân biệt làng trên xóm dưới, khách thập phương hay làng mở đám

Khi từng kiệu vào ngự sân đình, các vị chức sắc địa phương cung kính rước bài vị, bát hương các Ngài vào hậu cung. Đoàn hộ giá xếp kiệu vào 8 gian giải vũ.
Khi hồi trống vang động một vùng là cuộc lễ bắt đầu. Các vị bô lão trong đình, bậc đàn anh ngoài sân, dân bách tính, khách thập phương vòng ngoài… tất cả nghiêm trang theo dõi hành lễ.

Lễ phẩm ngoài hương, hoa, oản, quả thường là tam sinh: Lợn, trâu, dê
Văn Tế ca tụng công đức của 4 vị thành hoàng và cầu xin các ngài che chở ban phúc, lộc cho toàn dân tứ xã.

Kết thúc hành lễ, 4 sàn đình của tứ xã là nơi tiếp đại diện 4 làng thụ lộc.
Cùng ngay đầu giờ chiều là khai hội các cuộc chơi, Các cuộc chơi tự do cho tất cả mọi người, miễn là tuân thủ luật chơi. Mọi nơi đều tưng bừng náo nhiệt.

Hát trống quân là một nét văn hóa đặc sắc của lễ hội tứ xã. Người ta đào một hố sâu khoảng 40 phân, đổ vỏ ốc nhồi xuống, úp lên một cái thùng sắt tây (Ngày xưa nữa chắc là trống đồng). Một sợi dây mây to bằng ngón tay dài chừng 6m căng ngang đáy thùng (Mặt trống), nín chặt ở hai đầu, sau cùng là chống lên mặt thùng một bộ gác chéo nâng sợi dây mây lên khoảng 2-3 cm tạo thành cây đàn trống độc đáo.

Một bên nam, một bên nữ đứng hai đầu sợi dây đã được nín chặt. Bên nào hát trước cũng được. Hát xong một câu lục bát người hát gõ vào dây 3 tiếng tạo ra âm điệu “ Thỉnh, thùng, thỉnh”  mời bên đối phương hát đáp. Luật chơi là phải đối đáp ngay và hợp vần nhau, bên nào chậm khoặc không vần là bị thua.

 

Hình minh họa từ NET













Ví dụ : Bên nam hát: Nhẹ bước (i) du xuân (mà) đường trần nhẹ bước du xuân. Thế đây (mà) mở hội ( ơi a) trống quân anh vào ( Thì vào)


Bên nữ đáp ngay : Phải chăng(i) thắm mận tươi đào ( mà) cho người quaan tử lạc vào thiên thai ( ới a) lạc vào thiên thai

Hình minh họa từ NET
Hai bên đối đáp nhau, bên thua sẽ có nhóm khác thế chân đua tiếp. Người tham gia cốt lấy vui, thanh lịch làm đầu. Đây là nơi để dịp trổ tài vần vè, nhớ tích, nhớ truyện. Cuộc thi chỉ có một giải, người thắng cuộc là người không có đối thủ trong ngày cuối. Giải thưởng do làng đăng cai quy định, chỉ là một dải khăn điều hay chiếc gương soi, nhưng sau hội họ thành bạn của nhau thân thiết.


Hình minh họa từ NET

Một trò chơi được xem là thiêng liêng là trò bắt trạch trong chum. Chum nước đặt ngay trước cổng đình.Trong chum thả mọt con trạch to bằng ngón tay. Một nam một nữ sau khi lễ thần, ra,  cởi áo nam ở trần , nữ mặc yếm, mỗi người một tay đưa vào trong chum, tay kia quàng cổ nhau. Thời gian tính bằng dấu hương ( 15 phút cho mỗi cặp). người bắt được trạch vào trình làng lĩnh thưởng.

Nơi rộn rã tiếng cười nhất là dám bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, lội ao bắt vịt, đi cầu đốt pháo, leo cột mỡ, chọi gà và đánh đu… Những trò vui trên tùy theo làng đăng cai tổ chức.

Vân đình có nghề gốm thì không thể thiếu trò  bịt mắt đập niêu đất. Niêu đất đựng trong một chiếc quang nhỏ, treo trên sợi dây, trong niêu có thể à phần thưởng vật chất song có khi chỉ là giá trị tinh thần. Người chơi xuất phát từ vạch cách 6 m sau khi mắt bịt bởi giải khăn xanh, tay cầm đoản côn tiến  dến đập một đập, trúng ăn, trượt thôi. Không hạn chế lượt chơi, có anh đập đúng niêu đựng nước ướt cả đầu và giải thưởng là chuỗi tiếng cười ngặt nghẽo.

Bịt mắt bắt dê khá nguy hiểm vì con dê có thẻ húc người gây thương tích. Lội ao bắt vịt cũng chẳng dễ gì, ngày xuân rét cóng người nhưng cũng rất nhiều chàng trai tham gia, giải thưởng chính là chú vịt người chơi bắt được.


Hình minh họa từ NET
Trò leo cột mỡ xem ra khó hơn cả, thách thức người tài. Người ta trồng một cây cột gỗ bằng thân cau bào nhẵn, , láng bóng mỡ, cao khoảng 4 m, phía trên đặt giải. Cạnh cột là thùng nước, buộc người chơi phải rửa tay trước khi leo. Khó vậy mà giải bao giờ cũng hết.

Đi cầu đốt pháo cũng khó khăn không kém. Người ta dùng một cây tre to đóng con sỏ vào một đầu gim vào bờ. Đầu kia buộc dây thừng vào ba cây tre vít lại, trên các cây tre đó treo các quả pháo cối. Người chơi cầm cây hương sào đi trên cây tre lắc lư đó để đốt pháo, ai đốt được pháo có thưởng. Phần lớn là bị ngã xuống ao,  Năm nào hội đốt được 5 quả là Ngũ Phúc, bốn quả là Tứ Quý, Ba quả là Tam Đa, Hai quả là Song Hỉ, Một quả là Nhất Phúc.

Hình minh họa từ NET
Đánh đu là trò say của nam thanh nữ tú. Các cô gái Hoàng Xá rụt rè bao nhiêu thì các cô gái Hậu Xá lại mạnh mẽ bấy nhiêu, nước đu của họ bay bổng, phơi phới, mời gọi, thách thức…

Nét đặc sắc của Hội Tứ Xã phải kể đến là tổ tôm điếm.
Nói đến tổ tôm điếm là nói đến một trò chơi tài hoa của thôn Hoàng Xá. Sự tài hoa không chỉ ở người cầm chương ( Cụ Hai Nguyên, Hai Chuông, Hai Nhỡ…) các đào nương mặn mà duyên dáng ( Cô Hai, Cô Thơm, Cô Bắc…) mà còn là sự chuẩn bị công phu cho một cuộc chơi.
Bộ bài tổ tôm điếm 120 cây. Mỗi cây được làm bằng gỗ dày khoảng 4 ly, rộng khoảng 10 phân, dài chừng 40 phân, thường bằng gỗ vàng tâm để tránh cong vênh, nứt nẻ. Một mặt khắc chữ và hình chạm nổi như hình bài lá, mặt kia quang dầu bóng.
Trên khu đất chợ trâu xưa râm mát bởi cây cổ thu (Khu vực đài truyền thanh huyện bây giờ) người ta dựng 5 điếm tạo thành 5 cạnh hướng vào giữa. Mỗi điếm như một chòi cao cỡ 1,4 m, rộng đủ trải một chiếc chiếu, trên lợp lá gồi, ba mặt bưng kín như một nhà sàn nhỏ.
Trung tâm là một lầu ngũ giác, 5 mặt hướng ra 5 cửa điếm, trên đỉnh lầu cắm một chiếc cờ vàng. Nơi đây bày một bàn tròn lớn chia 5 múi, theo 5 của xếp quân bài nọc. Cạnh bàn đặt một ghế tựa hướng về phía bắc và một trống quân giành cho cụ trùm.
Cụ Trùm chít khăn nhiễu tím, mặc áo vóc thụng lam,đai lưng điều thắt múi bỏ cạnh, chân đi giầy mũi cong.
Anh Trung quân mặc thoải mái nhưng nhất thiết phải chít khăn điều múi ngang, chân đi guốc mộc.
Các cô gái thì mặc diêm dúa,  mớ bẩy mớ ba, bao xanh bao đỏ, khăn vấn tóc đuôi gà, chân depsquai ngang.
Quan viên cầm bài, lên điếm lịch sự áo the khưn xếp quần ống sớ đi giầy Gia Định đàng hoàng.
Giờ khai hội, cụ trùm gióng ba tiếng trống. Năm vị khách tề tựu. Anh Trung quân sẵn sàng. Tất cả vào lễ thánh sau đó về lầu ngũ giác bốc thăm nhận điếm. Thăm đặt trong hộp trên một chiếc khay sơn mài hủ khăn đỏ ghi tên điếm ” Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ “ hay “ Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh” do hai cô gái bưng mời với lời hát “ Gió đông tươi mận thắm đào, Đợi người tri kỷ rước chào chúa xuân”
Hình minh họa từ NET
Cụ Trùm mở khăn, từng người bốc thăm chọn điếm xong là bốc thăm chọn cái. Trung quân bưng bài đến tận nơi bắt đầu từ nhà cái theo chiều thuận. Trong khi làng nhận bài soạn quân thì các đào múa hát, khúc hát cốt sao hay vừa lòng quan khách để được thưởng. Ví dụ như đoạn Hương Sơn phong cảnh ca của cụ Chu Mạnh Trinh:  “Màu trời xuân sắc. Thú tiêu dao ao ước bấy lâu nay. Vạn sách, văn trăn hai mươi nước khéo vần xoay. Thanh lịch nhất hỏi rằng đây có phải?”. Sau lời hát là trống chùm, trống điểm ban thưởng. Trung quân nghe tiếng trống dồn mà lấy thưởng, mỗi tiếng ứng một đồng bỏ vào hòm công đức đặt ở lầu ngũ giác còn các ả đào thì đén các điếm nhận tiền cảm ơn mang bỏ vào hòm.

Hình minh họa từ NET

Cuộc chơi bắt đầu khi cả 5 điếm điểm trống báo xong. Nhà cái gõ cắc báo hiệu đánh bài. Trung quân bước tới nhận bài xướng lên, lời xướng lúc thẳng, lúc cong đôi khi bằng thơ lục bát ví dụ như: ” Một vai gánh vác sơn hà – Cửu vạn; “ Đại gàn – Bát sách hay “Cá buồn cá lội tung tăng, em buồn em biết dãi đằng cùng ai- Bát vạn rồi “ rồi “ Bát văn vào phỗng mất rồi, nhị đào xin gửi tới người tình chung”…
Người chơi nếu ăn quân thì đánh 1 tiếng. Người phỗng đánh hai tiếng. Trung quân đem bài tới xem ăn phu dọc hay phu ngang hay lưng rồi xướng cho làng cùng biết. Nếu cửa bên không ăn thì “ Cắc” còn ù thì đánh một hồi trống dồn. Người Trung quân và cụ Trùm đến xem bài và xướng kết quả, còn ca nữ thì hát mừng.

Buổi tối  là thời gian của ca hát. Riêng đêm đầu mở hội là đêm của chiếu ca trù thờ thánh. Mỗi làng cử một vị chức sắc cầm trống chầu. Làng đăng cai cử người giỏi, sành trống lớn để quyết định phát thẻ thưởng đào, kép khi đàn phách ăn nhịp, mỗi khi kép trổ tài đều được thưởng có khi hai ba thẻ. Tan hội làng tính thẻ trả công cho gánh hát.
Những đêm tiếp theo là chèo, tuồng do các chiếu chèo nơi khác xin đám.
Suốt tuần lễ hội người làng tha hồ tiếp khách, đón người thân về dự hội, trai gái làng có dịp kén bạn thiên hạ.
Ngày rã đám cũng thật đáng ghi nhớ. Sau lễ tạ thần, vào giờ mùi đoàn rước tiễn lên đường. Cả 4 đoàn đi về một phía, các Ngài không muốn ai ngược ai xuôi. Ngoại trừ đoàn đăng cai, đoàn nào cũng đi, về đoạn đường ngang nhau nhưng đoàn nào cũng dùng dằng, tiến ba bước, lùi một bước, trước khi về đình mình thường quay một vòng chào đội bạn. Thời gian rước tiễn lâu hơn nhiều rước đón.

Lễ hội tứ xã từ rất lâu không còn nữa, một thiệt thòi vô cùng cho thế hệ hôm nay đã mất đi một di sản phi vật thể của làng. Hy vọng thôi- Đành hy vọng, một ngày nào đó lễ hội Tứ Xã lại trở về với miền quê Hoàng Xá của chúng ta.

Biên soạn từ cuốn : Địa chí văn hóa Hoàng Xá của nhà giáo Đặng Đình Thiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét