Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Làm gì nếu Trung Quốc trả đũa về kinh tế

 
Lê Hữu Đức

Tình hình căng thẳng trên biển Đông khiến nhiều doanh nhân băn khoăn hỏi tôi rằng, nếu Trung Quốc trả đũa chúng ta bằng biện pháp “cấm vận kinh tế” thì chuyện gì sẽ xảy ra với kinh tế Việt Nam?
Hành động Trung Quốc trên biển Đông đi ngược lại với quyền lợi hầu hết các nước cho nên nếu có một biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam thì đó chỉ có thể là đơn phương. Qua bài viết này, tôi muốn đánh giá những nguy cơ và cơ hội của hành động đơn phương này ở góc độ thương mại (xuất, nhập khẩu) và đầu tư giữa hai quốc gia.

Việc Trung Quốc dùng các biện pháp kinh tế đối với Việt Nam có thể sẽ gây những khó khăn, thiệt hại đối với nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều cơ hội.
Thứ nhất về nhập khẩu, chỉ tính rêng năm 2013, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 36,9 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Với nguồn nhập khẩu các nguyên vật liệu phụ thuộc lớn từ Trung Quốc như vậy, nếu hành động cấm nhập khẩu được thực hiện sẽ khiến trong ngắn hạn giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trong nước tạm thời phải cắt giảm sản lượng làm tổng cung ngắn hạn của nền kinh tế giảm đi. Những tác động có thể thấy lúc đó là trên thị trường giá cả hàng hóa tăng lên, sản lượng và tăng trưởng kinh tế tạm thời giảm sút. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện sau đó (nhanh hay chậm tùy khả năng linh động của nền kinh tế Việt Nam) khi các doanh nghiệp Việt Nam thay thế được nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác. Cũng có thể các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu qua một nước thứ ba như Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam, đặc biệt là sản xuất trong nước phát triển sẽ thay thế dần được những nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Những phản ứng này của thị trường sẽ từ từ vô hiệu hóa chính sách cấm vận thương mại từ Trung Quốc. Sản lượng sẽ tăng ngược trở lại, giá cả hàng hóa sẽ giảm trở lại bình thường và quan trọng hơn nữa là nếu Trung Quốc làm điều này một cách lâu dài sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam sản xuất ra những loại nguyên vật liệu thay thế hàng hóa Trung Quốc và là cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Theo tôi một biện pháp cấm vận kinh tế từ Trung Quốc (nếu có) ít hay nhiều cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế trong ngắn hạn do vậy, doanh nghiệp nên chủ động các phương án đối phó nhằm giảm thiểu sự tổn thương; thậm chí chuẩn bị cho cả những cơ hội kinh doanh mới, thị trường có thể mở ra sau đó.

Với con số xuất khẩu sang Việt Nam 36,9 tỷ USD mỗi năm (2013), số tiền bán hàng của Trung Quốc cho Việt Nam đủ để mua được gần 37 cái giàn khoan Hải Dương 981. Như vậy, nếu có sự cấm vận kinh tế từ Trung Quốc ở khía cạnh nhập khẩu thì bên thiệt thòi hơn ở đây là Trung Quốc chứ không phải là Việt Nam.

Thứ hai, về xuất khẩu, nếu Trung Quốc cấm Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc thì đó là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sản xuất sang một cấp độ cao hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,2 tỷ USD chủ yếu là nguyên vật liệu, nông sản thô. Chúng ta biết rằng, Việt Nam xuất khẩu than rẻ sang cho Trung Quốc sau đó họ dùng than để sản xuất ra điện và bán điện lại cho chúng ta với giá cao hơn rất nhiều. Chúng ta bán quặng sắt thô rẻ tiền cho Trung Quốc, Trung Quốc luyện ra phôi thép, thép và bán lại cho chúng ta đắt hơn gấp bội. Chúng ta bán bôxít cho Trung Quốc, Trung Quốc sản xuất ra nhôm bán lại cho chúng ta với giá đắt hơn nhiều lần… Vậy liệu chúng ta có nên bán những nguyên vật liệu và hàng nông sản thô cho Trung Quốc không?

Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là căn bệnh Hà Lan, ở đó những nhà kinh tế đã chỉ ra cả về lý thuyết và tìm thấy vô số bằng chứng thực tế cho mặt trái của “lời nguyền tài nguyên”. Lý thuyết kinh tế và nhiều bằng chứng thực tiễn cho thấy, quốc gia nào càng giàu có về tài nguyên và khai thác tài nguyên thô đó đi bán thì kết quả cuối cùng là quốc gia đó sẽ càng trở nên nghèo hơn. Các quốc gia khác chúng ta thấy rất rõ ở các nước như châu Phi, Mỹ La Tinh… bán rất nhiều tài nguyên và kết quả là họ rất nghèo. Ngược lại Nhật Bản là nước vô cùng khan hiếm về tài nguyên nhưng lại rất giàu có. Có thể ít người biết rằng Mỹ là một nước giàu tài nguyên bậc nhất thế giới nhưng họ đóng cửa không khai thác tài nguyên và họ là nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Vậy nhân cơ hội này tại sao chúng ta không thử một lần dũng cảm như người Nhật, người Mỹ đóng cửa hết tài nguyên và tự phát triển bằng năng lực sáng tạo của dân tộc mình?

Thứ ba, về khía cạnh đầu tư, việc các nhà đầu tư Trung Quốc rút vốn khỏi Việt Nam cũng không phải là vấn đề lớn với kinh tế Việt Nam nhưng mang lại cơ hội rất lớn để chúng ta loại bỏ các dự án không hiệu quả, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5/2014, tổng giá trị vốn điều lệ lỹ kế các dự án còn hiệu lực của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chỉ chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (tính theo vốn đăng ký là 3,3%) chỉ đứng thứ 8 trong các quốc gia. Với một tỷ trọng vốn đầu tư ở Việt Nam tương đối khiêm tốn như vậy thì việc Trung Quốc có chấm dứt đầu tư với Việt Nam sẽ khó có một ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trong nước. Khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà đầu tư rút vốn về nước thì biện pháp này cũng trực tiếp gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư Trung Quốc nên các nhà đầu tư của họ sẽ có nhiều động cơ vô hiệu hóa các quy định từ chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn đầu tư là dạng đầu tư trực tiếp (FDI) thì không phải cứ muốn rút vốn về là được vì họ còn phải có thời gian để tìm được nhà đầu tư nhận mua lại khoản đầu tư của họ ở dưới dạng các nhà máy, xí nghiệp... nên sẽ khó tạo thành cú sốc lớn cho nền kinh tế trong tức thì.

Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết phải đánh giá lại. Ví dụ dự án bôxit Tây Nguyên sau nhiều năm hoạt động đã công bố bị lỗ; những tác hại về mặt môi trường, xã hội thực tế đã vượt quá những tính toán ban đầu. Liệu có bao nhiêu chuyên gia đã tính toán được những tổn hại do bệnh tật trong 15-20 năm sau mà những cư dân ở hạ nguồn sông Đồng Nai sẽ phải hứng chịu khi mà nguồn nước thải từ bôxit ngấm xuống mạch nước ngầm? Đây sẽ là cơ hội vô cùng tốt để loại bỏ đi các dự án không hiệu quả, tiềm ẩn những rủi ro môi trường, xã hội và an ninh quốc phòng mà trong đánh giá trước khi triển khai dự án chúng ta có thể đã chưa thể lường trước được.

Một dự án được thực hiện phải đảm bảo được ba yếu tố: Dự án đó phải thực sự hiệu quả về mặt kinh tế tránh bị các nhóm lợi ích bơm số lên để hiệu quả trên giấy. Về quá trình đấu thầu phải công bằng, minh bạch nhằm lựa chọn ra nhà đầu tư tốt nhất, tránh trường hợp một số nhà đầu tư “đi cửa sau” để trúng thầu rồi sau đó đội giá lên.( 400 tỉ cho tuyến đường sắt trên cao từ Ba La đến Cát Linh là một ví dụ) Ngoài ra, chúng ta phải xem xét các khía cạnh phi kinh tế khác, trong đó phải tuyệt đối tránh các dự án có Chính phủ nước ngoài đứng sau vì những mục đích phi kinh tế.

Những giải pháp thương mại và đầu tư với Trung Quốc sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu vắng sự góp sức của nhân dân. Tuy nhiên, sức dân sẽ giúp được Chính phủ phát huy hiệu quả nếu nó được đặt trong một cơ chế minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Mỗi người dân là một giọt nước, triệu nhân dân là cả đại dương.
Nguồn : Lê Hữu Đức
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét