Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

NHÀ THƠ LƯU TRỌNG LƯ






Nhà thơ Lưu Trọng Lư sinh 19 tháng 6 năm 1912 , tại Cao La Hạ, huyện Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Bình trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của Phong trào Thơ mới trước 1945. Từ cách mạng 8- 1945 trở đi ông liên tục hoạt động văn hoá văn nghệ ở chiến khu và Hà Nội.
Người ta gọi ông là nghệ sĩ đa tài là chưa đủ phải nói ông là người có phong cách nghệ thuật đa dạng, một người đa tình, đa duyên nợ với đời và văn nghiệp.

Khi nói về Thơ mới, phải nói tới Lưu Trọng Lư vì ông là người mở đầu chứ không phải Phan Khôi. Hồi đó nhiều người viết thơ theo dạng từ khúc nhưng phải xét cái mới của tình cảm và điệu thức thơ. Lưu Trọng Lư làm Thơ mới từ năm 1931, Ông và Nguyễn Thị Manh Manh ở Paris về , hai người chủ chốt tham gia vào cuộc tranh luận bảo vệ cho thơ mới.

Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam nhận xét: "Tình già, Trên đường đời và Vắng khách thơ là ba bài mang tên Thơ mới được đăng báo trước nhất. Trong ba bài thì bài thứ ba đã là một bài có giá trị". Bài Xuân về mà Hoài Thanh nói đến là bài thơ của Lưu Trọng Lư.

Một thời gian khá dài ,Tự lực văn đoàn làm chủ văn đàn. Lưu Trọng Lư đánh giá đúng mức những đóng góp của văn đoàn. Ông cũng viết văn xuôi với những trang văn đẹp, nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, ông luôn khiêm tốn: "Tôi thích một số tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn như Đôi bạn, Đời mưa gió, Nửa chừng xuân hơn là những cuốn tiểu thuyết của tôi. Tâm trạng của tôi có lúc rất chán nản trong tiểu thuyết, thơ lại cứu tôi".

Lưu Trọng Lư nổi bật lên ở thời kỳ đầu và chỉ một tập Tiếng thu, Ông đã ghi lại dấu ấn không phai mờ trong phong trào Thơ mới. Bài thơ Tiếng thu là những tiếng thơ của sự lắng nghe "Em không nghe mùa thu" và trong âm thanh là tiếng thầm, là những rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ? Vẫn là câu hỏi từ sự lắng nghe để mở ra những hình ảnh đẹp đến nao lòng của mùa thu qua bước nhỏ của con nai vàng trên lá vàng khô.

Thơ tình của Lưu Trọng Lư có nhiều dư vị của đời thi nhân. Niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước và sự thất vọng đều như chất chứa từ bên trong và trôi chảy theo dòng thời gian, theo năm tháng, bốn mùa. Một mùa đông bên nhau đã đi qua "Qua rồi mùa ân ái - Đàn sếu đã sang sông". Mùa xuân về lại cảm nhận "Rồi ngày lại ngày. Sắc màu phai. Lá cành rụng. Ba gian trống. Xuân đi. Chàng cũng đi". Cũng vì thế mà thơ Lưu Trọng Lư đượm buồn, buồn vì sự trôi chảy, vì sự tiếc nuối.

Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái.

Tuổi càng cao Lưu Trọng Lư càng thấy cái đẹp của đời, lại càng tiếc nuối như đi ngược với dòng thời gian. Trong văn chương và đặc biệt là thi ca, Lưu Trọng Lư có nhiều duyên nợ với người con gái.
Ông từng tâm sự: "Trong những tác phẩm của tôi, tôi chỉ có một sự cộng tác rất tầm thường, rất dung dị, rất lương thiện... ấy là sự cộng tác của những người đàn bà. Đôi mắt họ vẫn trong trẻo hiền lành như một bến thu. Tiếng nói của họ vẫn là nhạc điệu của những nhạc điệu. Những con vật xinh xinh ấy biết tỉa lông mày, đánh móng tay nhưng cũng biết nuôi tằm quay tơ và dệt những tấm áo cho thể chất và cho linh hồn của nhân loại". Trong tập Tiếng thu nổi lên vẫn là hình ảnh và tiếng lòng của người con gái đang yêu thương, chờ đợi, nhớ mong.

Ngoài hình ảnh người mẹ kính yêu là những cô gái đang ở tuổi yêu đương dệt mộng tình trong đời và trong thơ. Lưu Trọng Lư hay nhắc đến những người con gái trong mộng, trong khung cửi, bên guồng sợi xe, cô em nhí nhảnh bên giậu mồng tơi, rồi cô gái giang hồ... Và sau cách mạng cũng vẫn là hình ảnh những người con gái trong cuộc đời mới, gánh vác việc chung không kém sức trai như cô gái ở hậu phương bên Ngò cải đơm hoa, O tiếp tế, rồi Người con gái sông Gianh, Em thời gian. Họ rất khác nhau nhưng có một điểm chung là giàu nữ tính và tình cảm yêu thích cái đẹp.

Khi đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp, trong một lần gặp gỡ với những người bạn Lưu ( Hoàng Trọng Miên, Lê Minh , Lê Văn Lan ) Lưu Trọng Lư nói: "Tôi muốn viết về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh như kiểu khúc ngâm chinh phụ. Người phụ nữ không chỉ buồn và thụ động như cô chinh phụ xưa mà năng động, hiện đại nhưng vẫn nặng tâm tư đợi chờ trong xa cách".

Thơ Lưu Trọng Lư như ru trong mộng và mộng chính là một phẩm chất của thơ, nhất là thơ xưa. Nói như tác giả "Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên khung cửi. Đời đẻ ra mộng và mộng dệt nên đời".
Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết: "Những bài thơ của anh không sầu thì mộng, không mộng thì say và đã say thì Giang hồ cõi ấy trọn đời phiêu linh".
Trần Thanh Mại cũng gọi Lưu Trọng Lư là thi sĩ giang hồ.

Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên những đổi thay cơ bản. Lưu Trọng Lư đã từ mộng ảo trở về với cuộc đời thực rất đẹp, hào hùng. Cuộc đời mới, mùa thu lớn của cách mạng đã lôi cuốn ông, nhất là thời kỳ ở chiến khu Thừa Thiên vào năm 1948.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Lưu Trọng Lư có những đổi thay cơ bản, lăn vào công việc say sưa, năng nổ. Thật khó nhận ra một Lưu Trọng Lư mơ mộng thuở nào. Khi đã giác ngộ Ông đi vào cuộc chiến đấu không chỉ bằng tấm lòng mà còn bằng những hành động cụ thể, bằng bất cứ công việc gì miễn được góp phần vào thắng lợi của dân tộc"...

Ông từng là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2.

Ông mất ngày 10 tháng 8 năm 1991 năm tại Hà Nội

Tiếng thu

Em không nghe mùa thu
Tiếng trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?

Trăng lên

Vừng trăng lên mái tóc mây,
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

Tình điên

Mười bẩy xuân, em chửa biết sầu
Mối tình đưa lại tự đâu đâu...
Em xinh, em đẹp, lòng anh trẻ,
Dan díu cùng nhau giấc mộng đầu.
Tình trong như nước biển trong xanh.
Huyền ảo như giăng lọt kẽ mành,
Phơi phới như hoa đùa nắng sớm,
Rạt rào như sóng vỗ đêm thanh...
Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu,
Em cười em nói suốt canh thâu;
Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi,
Tình đến muôn năm chửa bạc đầu...
Ngày tháng trôi xuôi với ái ân...
Bên cầu lá rụng đã bao lần!
Tình ái hay đâu mộng cuối giời...
Nhầm nhau giây lát hận muôn đời
Kẻ ra: non nước, người thành thị,
Đôi ngả tình đi, người mỗi nơi.
Hôm nay ngồi ngóng ở bên song
Ta được tin ai mới lấy chồng
Cười chửa dứt câu, tình đã vội...
Nàng điên trên "gối mộng" người thương.
Ta mơ trong đời hay trong mộng ?
Vùng cúc bên ngoài, động dưới sương.
Ta dí đôi tay vào miếng kính,
Giật mình quên hết nỗi đau thương...
Ta hát dăm câu vô nghĩa lý:
Lá vàng bay lả vào buồng ta
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý
Người điên xem đến hiểu lòng ta.

Khi thu rụng lá


Em có bao giờ nói với anh,
Những câu tình tứ, thuở ngày xanh,
Khi thu rụng lá, bên hè vắng,
Tiếng sáo ngân nga, vẳng trước mành.

Em có bao giờ nghĩ tới anh,
Khi tay vịn rủ lá trên cành ?
Cười chim, cợt gió, nào đâu biết:
Chua chát lòng anh biết mấy tình ?

Lòng anh như nước hồ thu lạnh,
Quạnh quẽ đêm soi bóng nguyệt tà...
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại,
Hững hờ em mặc tháng ngày qua...

Mùa đông đến đón ở bên sông,
Vội vã cô em đi lấy chồng,
Em có nhớ chăng ngày hạ thắm:
Tình anh lưu luyến một bên lòng ?

Một chút tình

Chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng,
Mà sầu trong dạ đã mang mang.
Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh
Lạnh lẽo đêm trường, giãi gió sương.

Ta chỉ xin em một chút tình
Cho lòng thắm lại với ngày xanh.
Sao em quên cả khi chào đón
Tình ái, chiều xuân, đến trước mành?

Rộn rã cười vang một góc lầu,
Ngây thơ em đã biết gì đâu!
Đêm khuya trăng động trong hoa lá,
Vò võ ta xe mấy đoạn sầu.

Lác đác ngày xuân rụng trước thềm,
Lạnh lùng ta dõi bước chân em.
Âm thầm ấp mối xa xa...vọng;
Đường thế đâu tìm bóng áo xiêm?

Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắt lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhé!
Em hái, đưa anh..., đóa mộng đầu

Thú đau thương

Tình đã len trong màu nắng mới ,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi !
Niềm yêu run động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi .

Đã héo lắm nụ cười trong mộng ,
Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu ,
Đã lam tím cả cảnh chiều ,
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn .

Để chăn gối im nằm chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương ,
Giờ đây ta đốt nén hương ,
Trên tay ta buộc giải tang cho tình .

Ba Đứa Mình

Cho em bài thơ tình ko đứt đoạn
Viết trong đêm những giọt quỳnh nồng uống hạt trăng rơi
Viết cho em trong hương sớm hoa lài
Trong nắng chiều: ngo ngoe con bọ ngựa
Em với cuộc đời:
Như đôi bóng sinh đôi
Trong gương nhỏ mỗi ngày!
Và cả ba đứa mình
Em, anh và cuộc sống
Trong một vòng tay nóng bỏng
Ôi! ba giọt nắng vàng
Trên mái tóc thời gian
Em, anh và cuộc sống.

Còn Chi Nữa

Giờ đây hoa hoang dại
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng,
Đừng vỗ nữa, tình ơi !
Lòng anh đã rời rụng
Trên sông ngày tàn rơi.
Tình anh đà xế bóng,
Còn chi nữa, em ơi ?
Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối ?
Chân nâng trên đường sỏi,
Sương lá đổ rộn ràng.
Trăng nội vẫn mơ màng
Trên những vòng tóc rối ?
Đêm ấy xuân vừa sang
Em vừa hai mươi tuổi
Còn đâu những giờ nhung lụa:
Mộng trùm trên bông
Tình ấp trong gối
Rượu tân hôn không uống cũng say nồng ?
Còn đâu mùi cỏ lạ
Ướp trong mớ tóc mây ?
Một chút tình thơ ngây
Không còn trên đôi má.

Hôm qua

Hôm qua bạn ạ ! Ta chiêm bao:
Gò ngựa bên sông, dưới gốc đào
Sớm ấy, đông qua đào chín ửng
Ta trèo vin hái trên cành cao.
Đàng xa bỗng thấy đò em lại
Sông lặng em bơi nhẹ mái chèo.
Lộng lẫy trong màu xiêm áo biếc
Như nàng tiên nữ động Quỳnh Diêu
Em ca theo điệu người sơn nữ
Cắt cỏ bên đồi, giọng líu lo
Vùn vụt gió lên: tà áo nhẩy
Sóng xô, vỗ nhẹ dưới khoang đò.
Thấy ta ngừng hát, em cười lả
Ta thưởng vất em một quả đào
Ta ngỏ nhờ em đưa quá bến
Em cười, ta vội xuống cây mau.
Than ôi ! ngoảnh lại, biến đâu rồi !
Còn vẳng bên đồi giọng hát thôi.
Sao chẳng em ôi ! chầm chậm lại
Cho duyên tình ấy gửi đôi lời...
Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh:
Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi !
Muốn gọi tên nàng nhưng ái ngại
Ngoài thềm lác đác bóng hoa rơi.
Nàng còn lưu lại chút hương xa
Tạ lòng, ta tặng mấy vần thơ
Thơ ta cũng giống tình nàng vậy
Mộng, mộng mà thôi ! mộng hão hờ.

Một mùa đông - Bài 1

Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.

Giời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi;
Qua rồi muà ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau và lệ ứa
Một ngày một cách xa.

Đây là giải Ngân hà
Anh là chim Ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.

Để mặc anh đau khổ
Ái ân, giờ tận số
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng.

Một mùa đông - Bài 2
Tặng D.C.

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi\.
Em vẫn nằm trong nhung lụa\.

Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng cuả muôn đời
Tình em như tuyết dăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời\.

Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vương víu nợ thi nhân ?

Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân ?
Cho tình tràn trước ngõ,
Cho mộng tràn gối chăn ?

Một mùa đông - Bài 3

Ngày một ngày hai cách biệt nhau
Chẳng được cùng em kê gối sầu,
Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo,
Cùng cười những chuyện thế gian đau
Ngày hôm tiễn biệt buồn say dắm
Em vẫn đuà nô uống rượu say
Em có biết đâu đời vắng lạnh
Lạnh buồn như ngọn gió heo may
Môi em đượm sặc mùi nho tươi
Đôi má hồng em chúm nụ cười
Đôi mắt em say mầu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc lơi.
Tuy môi em uống lòng anh say
Lời em càng nói, càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay

Một mùa đông - Bài 4


Hãy xếp lại muôn vàn ân aí
Đừng trách nhau đừng aí ngại nhau
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.
Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.
[/FONT]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét