Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

CHỢ ĐÌNH


Từ hồi UBND huyện Ứng Hòa về đóng ở làng, chợ thôn Hoàng Xá dường như bị biến mất. Người ta xây dựng chợ mới ở một khu đất cách ngã tư Thị trấn Vân Đình khoảng 200 m trên con đường hướng ra sông Đào. Người dân có nhu cầu mua bán đều bị dồn vào chợ đó. Chợ có quy hoạch hẳn hoi nhưng hàng quán thưa thớt, người đi chợ dạt ngay trên con đường dẫn vào chợ.

                     ( Chợ tiến dần về cổng UBND huyện )
Nền kinh tế thị trường bắt đầu thâm nhập vào Việt nam, như một quy luật tất yếu chợ thôn Hoàng xá chầm chậm hình thành trở lại. Bắt đầu chợ chỉ họp vào buổi chiều trên đoạn đường từ cổng chùa Chè ra tới đường 21b, rồi chợ tồn tại cả ngày phục vụ cho nhu cầu bán mua của người trong thôn và những làng lân cận…
Thời gian gần đây cùng với sự sầm uất của hàng hóa, chợ thôn Hoàng Xá họp nhích dần lên theo hướng Đình, tiên phong luôn là các hàng bán ngô mới bẻ. châm chạp nhất vẫn là hàng cá hàng tôm. Cho đến hôm nay chợ đã cận kề cổng UBND Huyện, chắc chắn chợ không vượt được ngưỡng này và còn rất xa mới tới Đình Hoàng Xá.





Chắc chắn mãi mãi không thể tìm lại được cái hình hài gốc của Chợ Đình ngày xa xưa,  cái chợ của thôn mang một phần tên gốc “ Trang Hoa Đình” , họp xung quanh một ngôi đình làng nổi tiếng.
Thời còn tỉnh Hà Đông, chợ Đình chỉ nhỏ hơn chợ Đơ của Thị xã Hà Đông. Chợ họp một tháng 18 phiên.
Ngày 1 ngày 6 chuyên bán nông sản. ( 1,6,11,16,21,26)
Chợ còn có tên riêng là chợ gạo, chợ họp kéo dài từ cổng UBND huyện bây giờ qua cổng chùa Chè đến cống thông từ ao Đình xang ao Chùa nên còn một tên rất bình dị - chợ Cống.
Ngày phiên, thóc, gạo, ngô, khoai… đậu lạc từ khắp nơi kìn kìn chở về…tấp nập mua bán,  đóng gói rồi lại ùn ùn đưa lên xe ô tô, xe bagac chở ngược chở suôi. 

                                  ( Nơi họp chợ Trâu xưa)

Ngày 2 ngày 7 chuyên bán trâu bò . ( 2,7,12,17,22,27). Chợ họp ở khu vực đài truyền thanh huyện bây giờ. Trâu bò khắp nơi đưa về buộc xung quanh gốc bàng, gốc sấu. Những ông lái lượn quanh chợ, ngắm nghía, sờ nắn, trả giá nói oang oang.
Người có nhu cầu chọn trâu cầy ruộng tỉ mẩn tìm cho được con trâu hội tụ đủ nết. “ Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn” hay nhưng con “ Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu
Sau khi chọn được con trâu, bò ưng ý các ông chủ luôn tự thưởng cho mình bữa RTC( Rượu thịt chó) cũng chính vì vậy chợ trâu luôn ồn ào.
Ngày 3 ngày 8 ( 3,8,13,18,23,28) là phiên chợ chính. Trừ trâu bò, mọi thứ hàng hóa đều có, mỗi chủng loại được bán ở nơi quy định, trật tự, ngăn nắp trong cầu chợ. Cầu chợ, chín mười gian hàng đơn, hàng đôi toàn lợp ngói chạy san sát. Các hàng hóa không có cầu chợ thì dựa thềm đình, cổng tam quan hay nhà dân kế chợ.
Chợ đông đúc, tấp nập kẻ bán người mua.
Trừ phiên tết, chợ thường họp từ sáng tới ngang chiều
Người bán cũng như người mua luôn có ý thức giữ gìn môi trường, không ai nỡ sả rác bừa bãi. Sau buổi chợ, đội ngũ quyét dọn vào việc, đường làng lại sạch bong để đón phiên mới.
Làng còn giành riêng một bãi hoang bên kia đường cái quan (21b) để mai táng những kẻ ăn mày ăn xin xấu số, gọi là bãi mả chợ (Nay thuộc sân vận động huyện)

Chợ Đình làng Hoàng Xá xa xưa là vậy đáng tự hào lắm chứ? Thế hệ người già Hoàng Xá hiện nay vẫn còn được chứng kiến những cây bàng cổ thụ buộc trâu thủa nào, chứng kiến sự phát triển của xã hội, nhưng mỗi khi nhớ lại ngôi đình làng một thời sừng sững giữa khoảng không gian riêng, nay bị quây kín bởi những bức tường sao không khỏi chạnh lòng.

Nguồn : Có sử dụng tư liệu của nhà giáo Đặng Đình Thiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét