Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

VĂN CHỈ - NGÀY XƯA


Cụ Nguyễn Phúc Tăng ( 1934-2002) có để lại một bản sao chép BIA HIẾN ĐIỀN * . Bia được khắc vào tháng 5 năm Ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị thứ V ( 1845). Bia ghi rõ ràng các địa phương, tập thể và các cá nhân trong toàn phủ cúng tiens được 43 mẫu một sào 4 thước năm tấc. Bia cũng ghi rõ cấp cho người giữ từ 2 mẫu 12 thước, trả công người làm bia 1 sào 12 thước đất.
Trong “ Văn chỉ tự điền bi ký, chi tiến tự điền bi ký”  nói rõ: ” Miếu hóa lưu cập hạ phủ trú các hữu văn chỉ sùng tự” có nghĩa là “ Miếu đường xưa lưu truyền đến phủ ta đóng và mọi người có văn chỉ để cúng tế”. Điều này khẳng định văn chỉ có từ trước năm 1845 và đây cũng là một trung tâm văn hóa của phủ Ứng Thiên xa xưa.


( Bên phải là trường chuyên Nguyễn Thượng Hiền,
nằm trên một phần đất Văn Chỉ xưa)

( Bên trái là sân vận động của trường chuyên,
nằm trên một phần đất Văn Chỉ xưa)
Những năm đầu thập kỷ 60, văn chỉ vẫn còn hình hài cũ. Toàn bộ khuôn viên khoảng 1000m2 hình chữ nhật vuông vức, xung quanh có tường bao ghép gạch hoa.
Cửa chính ở phía nam dựng theo lối nghi môn truyền thống có bốn trụ biểu vuông trên có lồng đèn, hai cột chính có đôi nghe chầu nhau, hai cột con có hoa lá uốn ngược “ Hóa long” cách điệu.
Nét đặc biệt là cửa có 5 bậc lên, và 5 bậc xuống, ở giữa dựng bia đá lớn ghi danh các bậc khoa bảng. Hai bên cũng dựng bia ghi danh người góp công xây dựng văn chỉ.
Lối ra vào bằng cổng phụ mái cong hình thuyền thường đóng cửa.
Toàn bộ khu vực của chính “ Nghi môn”  chỉ tôn vẻ uy nghi của công trình.

Qua hai cổng là hai lối ra vào lát gạch qua sân cỏ rộng thẳng tới hồi tả hữu mạc. Giữa sân có bể xây, thành thấp, hình chữ nhật.
Tả hữu mạc là hai căn nhà ba gian đối diện nhau qua sân gạch rộng khoảng 72m2. Sát vách tả hữu là những bảng sơn son ghi chữ vàng. Tả hữu mạc cũng là nơi chuẩn bị cho việc té lễ.
Trước sân gạch nhìn thảng nghi môn là đại bái năm gian xây thông thoáng hai mặt, đầu hồi bít đốc, phía trên có dựng đấu vuông. Mái đại bái phẳng, nóc thẳng đắp vuông chạy suốt không trang trí, cuối bờ rải mái trước và sau đắp lá bảng hai bậc tạo những góc vuông thẳng đứng.
Ở gian giữa xây một sập vuông, luôn trải chiếu hoa. Phía sau sập là hương án gỗ sơn son thiếp vàng, phía trên đặt bát hương bằng đá hình vuông.
Bốn gian còn lại lát gạch bát trống trơn.
Đại bái là nơi dùng để thi hương, thi hội và là nơi các bậc danh nho truyền dậy.

Cách một sân gạch nhỏ sau bái đường là hậu cung. Hậu cung gồm ba gian, tường hậu bịt kín. Ứng với 3 gian bên trong là ba ban bệ thờ, ba bát hương sứ vuông, các bát đều đặt giữa hai cây đèn gỗ sơn màu gụ. Bệ thờ giữa có bài vị Khổng Tử. Hai bệ bên thờ bài vị các vị  hiền triets của trung Hoa và Việt Nam. Cả ba gian đều được che mành hoa vẽ rồng vẽ phượng.
Trước mặt hậu cung có xây bệ cao ngoài trời dùng để đặt các đồ cúng lễ Khổng Tử theo lệ nho giáo.

Văn chỉ của Phủ Ứng Hòa xưa được xem như phiên bản của “ Quốc Tử Giám” được xây dựng trên đất làng Hoàng Xá. Cùng với Đình, Chùa, Quán, Văn chỉ đã từng là niềm tự hào của người Hoàng Xá.....
Tiếc thay từ năm 1964 do nhu cầu quân sự ( Bộ đội pháo bảo vệ cầu Thanh Ấm) đã dùng nơi đây làm trận địa. Công trình ( Đã xuống cấp) bị dỡ bỏ. Bia khoa bảng nghe nói được kê làm cầu rửa ở ao Quán. Bia hiến điền đâu như làm bàn uống nước trong vườn cây các cụ, nay vẫn còn ở trụ sở HTX nông nghiệp chữ mòn gần hết ….
Một phần khu đất này sau đó được người ta xây dựng trường đảng rồi thành trường chuyên “ Nguyễn Thượng Hiền ” âu cũng còn chút ý nghĩa.

Chép lại di tích Văn Chỉ của ngày xưa với niềm tự hào về Hoa Đình xưa và Hoàng Xá nay luôn là trung tâm văn hóa của Phủ Ứng Hòa vậy.


Nguồn : Biên tập từ cuốn “ Địa chí văn hóa Hoàng Xá “ 
của Nhà giáo Đặng Đình Thiêm
            


1 nhận xét: