Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Làm gì nếu Trung Quốc trả đũa về kinh tế

 
Lê Hữu Đức

Tình hình căng thẳng trên biển Đông khiến nhiều doanh nhân băn khoăn hỏi tôi rằng, nếu Trung Quốc trả đũa chúng ta bằng biện pháp “cấm vận kinh tế” thì chuyện gì sẽ xảy ra với kinh tế Việt Nam?
Hành động Trung Quốc trên biển Đông đi ngược lại với quyền lợi hầu hết các nước cho nên nếu có một biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam thì đó chỉ có thể là đơn phương. Qua bài viết này, tôi muốn đánh giá những nguy cơ và cơ hội của hành động đơn phương này ở góc độ thương mại (xuất, nhập khẩu) và đầu tư giữa hai quốc gia.

Việc Trung Quốc dùng các biện pháp kinh tế đối với Việt Nam có thể sẽ gây những khó khăn, thiệt hại đối với nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều cơ hội.
Thứ nhất về nhập khẩu, chỉ tính rêng năm 2013, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 36,9 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Với nguồn nhập khẩu các nguyên vật liệu phụ thuộc lớn từ Trung Quốc như vậy, nếu hành động cấm nhập khẩu được thực hiện sẽ khiến trong ngắn hạn giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trong nước tạm thời phải cắt giảm sản lượng làm tổng cung ngắn hạn của nền kinh tế giảm đi. Những tác động có thể thấy lúc đó là trên thị trường giá cả hàng hóa tăng lên, sản lượng và tăng trưởng kinh tế tạm thời giảm sút. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện sau đó (nhanh hay chậm tùy khả năng linh động của nền kinh tế Việt Nam) khi các doanh nghiệp Việt Nam thay thế được nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác. Cũng có thể các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu qua một nước thứ ba như Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam, đặc biệt là sản xuất trong nước phát triển sẽ thay thế dần được những nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Những phản ứng này của thị trường sẽ từ từ vô hiệu hóa chính sách cấm vận thương mại từ Trung Quốc. Sản lượng sẽ tăng ngược trở lại, giá cả hàng hóa sẽ giảm trở lại bình thường và quan trọng hơn nữa là nếu Trung Quốc làm điều này một cách lâu dài sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam sản xuất ra những loại nguyên vật liệu thay thế hàng hóa Trung Quốc và là cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Theo tôi một biện pháp cấm vận kinh tế từ Trung Quốc (nếu có) ít hay nhiều cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế trong ngắn hạn do vậy, doanh nghiệp nên chủ động các phương án đối phó nhằm giảm thiểu sự tổn thương; thậm chí chuẩn bị cho cả những cơ hội kinh doanh mới, thị trường có thể mở ra sau đó.

Với con số xuất khẩu sang Việt Nam 36,9 tỷ USD mỗi năm (2013), số tiền bán hàng của Trung Quốc cho Việt Nam đủ để mua được gần 37 cái giàn khoan Hải Dương 981. Như vậy, nếu có sự cấm vận kinh tế từ Trung Quốc ở khía cạnh nhập khẩu thì bên thiệt thòi hơn ở đây là Trung Quốc chứ không phải là Việt Nam.

Thứ hai, về xuất khẩu, nếu Trung Quốc cấm Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc thì đó là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sản xuất sang một cấp độ cao hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,2 tỷ USD chủ yếu là nguyên vật liệu, nông sản thô. Chúng ta biết rằng, Việt Nam xuất khẩu than rẻ sang cho Trung Quốc sau đó họ dùng than để sản xuất ra điện và bán điện lại cho chúng ta với giá cao hơn rất nhiều. Chúng ta bán quặng sắt thô rẻ tiền cho Trung Quốc, Trung Quốc luyện ra phôi thép, thép và bán lại cho chúng ta đắt hơn gấp bội. Chúng ta bán bôxít cho Trung Quốc, Trung Quốc sản xuất ra nhôm bán lại cho chúng ta với giá đắt hơn nhiều lần… Vậy liệu chúng ta có nên bán những nguyên vật liệu và hàng nông sản thô cho Trung Quốc không?

Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là căn bệnh Hà Lan, ở đó những nhà kinh tế đã chỉ ra cả về lý thuyết và tìm thấy vô số bằng chứng thực tế cho mặt trái của “lời nguyền tài nguyên”. Lý thuyết kinh tế và nhiều bằng chứng thực tiễn cho thấy, quốc gia nào càng giàu có về tài nguyên và khai thác tài nguyên thô đó đi bán thì kết quả cuối cùng là quốc gia đó sẽ càng trở nên nghèo hơn. Các quốc gia khác chúng ta thấy rất rõ ở các nước như châu Phi, Mỹ La Tinh… bán rất nhiều tài nguyên và kết quả là họ rất nghèo. Ngược lại Nhật Bản là nước vô cùng khan hiếm về tài nguyên nhưng lại rất giàu có. Có thể ít người biết rằng Mỹ là một nước giàu tài nguyên bậc nhất thế giới nhưng họ đóng cửa không khai thác tài nguyên và họ là nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Vậy nhân cơ hội này tại sao chúng ta không thử một lần dũng cảm như người Nhật, người Mỹ đóng cửa hết tài nguyên và tự phát triển bằng năng lực sáng tạo của dân tộc mình?

Thứ ba, về khía cạnh đầu tư, việc các nhà đầu tư Trung Quốc rút vốn khỏi Việt Nam cũng không phải là vấn đề lớn với kinh tế Việt Nam nhưng mang lại cơ hội rất lớn để chúng ta loại bỏ các dự án không hiệu quả, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5/2014, tổng giá trị vốn điều lệ lỹ kế các dự án còn hiệu lực của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chỉ chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (tính theo vốn đăng ký là 3,3%) chỉ đứng thứ 8 trong các quốc gia. Với một tỷ trọng vốn đầu tư ở Việt Nam tương đối khiêm tốn như vậy thì việc Trung Quốc có chấm dứt đầu tư với Việt Nam sẽ khó có một ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trong nước. Khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà đầu tư rút vốn về nước thì biện pháp này cũng trực tiếp gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư Trung Quốc nên các nhà đầu tư của họ sẽ có nhiều động cơ vô hiệu hóa các quy định từ chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn đầu tư là dạng đầu tư trực tiếp (FDI) thì không phải cứ muốn rút vốn về là được vì họ còn phải có thời gian để tìm được nhà đầu tư nhận mua lại khoản đầu tư của họ ở dưới dạng các nhà máy, xí nghiệp... nên sẽ khó tạo thành cú sốc lớn cho nền kinh tế trong tức thì.

Trong khi đó, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết phải đánh giá lại. Ví dụ dự án bôxit Tây Nguyên sau nhiều năm hoạt động đã công bố bị lỗ; những tác hại về mặt môi trường, xã hội thực tế đã vượt quá những tính toán ban đầu. Liệu có bao nhiêu chuyên gia đã tính toán được những tổn hại do bệnh tật trong 15-20 năm sau mà những cư dân ở hạ nguồn sông Đồng Nai sẽ phải hứng chịu khi mà nguồn nước thải từ bôxit ngấm xuống mạch nước ngầm? Đây sẽ là cơ hội vô cùng tốt để loại bỏ đi các dự án không hiệu quả, tiềm ẩn những rủi ro môi trường, xã hội và an ninh quốc phòng mà trong đánh giá trước khi triển khai dự án chúng ta có thể đã chưa thể lường trước được.

Một dự án được thực hiện phải đảm bảo được ba yếu tố: Dự án đó phải thực sự hiệu quả về mặt kinh tế tránh bị các nhóm lợi ích bơm số lên để hiệu quả trên giấy. Về quá trình đấu thầu phải công bằng, minh bạch nhằm lựa chọn ra nhà đầu tư tốt nhất, tránh trường hợp một số nhà đầu tư “đi cửa sau” để trúng thầu rồi sau đó đội giá lên.( 400 tỉ cho tuyến đường sắt trên cao từ Ba La đến Cát Linh là một ví dụ) Ngoài ra, chúng ta phải xem xét các khía cạnh phi kinh tế khác, trong đó phải tuyệt đối tránh các dự án có Chính phủ nước ngoài đứng sau vì những mục đích phi kinh tế.

Những giải pháp thương mại và đầu tư với Trung Quốc sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu vắng sự góp sức của nhân dân. Tuy nhiên, sức dân sẽ giúp được Chính phủ phát huy hiệu quả nếu nó được đặt trong một cơ chế minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Mỗi người dân là một giọt nước, triệu nhân dân là cả đại dương.
Nguồn : Lê Hữu Đức
 

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ thắng!


 Tiến sĩ vật lý Dương Danh Huy sống tại Anh. Ông có nhiều năm nghiên cứu về tranh chấp biển Đông và hiện là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Nhiều bài báo về chủ đề này của ông đã được đăng tải trong và ngoài nước.

Việt Nam là một dân tộc trọng tình nghĩa. Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Những nỗ lực ngoại giao yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép này ra khỏi vùng chủ quyền của Việt Nam đã không phát huy tác dụng. Giờ là lúc phải sử dụng tới pháp lý. PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Danh Huy về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. 

Kiện Trung Quốc, Việt Nam thắng chắc!
Nếu kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, thì chúng ta có nhiều cơ hội chiến thắng

PetroTimes: Ông đánh giá thế nào về hành động Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rồi còn chủ động dùng vũ lực với lực lượng của Việt Nam ra bảo vệ chủ quyền, dưới góc nhìn của một chuyên gia về luật biển quốc tế?
TS Dương Danh Huy: Về luật quốc tế, chúng ta cần tính đến 3 khía cạnh: quan điểm của Việt Nam, quan điểm của các chuyên gia quốc tế, và các tòa án hay trọng tài quốc tế có thẩm quyền để phân xử những vấn đề gì.
Theo quan điểm của Việt Nam, Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và hành động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế vì đó là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế thì có người ủng hộ quan điểm của Việt Nam, nhưng có người ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Nếu chúng ta nghĩ đến việc ra tòa thì khía cạnh thứ ba rất quan trọng. Nếu chúng ta đúng về một vấn đề nào đó mà tòa không có thẩm quyền để phân xử thì họ cũng không thể tuyên bố rằng chúng ta đúng.

PetroTimes: Trước hành động vi phạm chủ quyền rõ ràng của Trung Quốc với giàn khoan Hải Dương 981, liệu Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa trọng tài quốc tế? Bây giờ có phải là thời điểm tốt nhất để chúng ta làm việc này không hay là phải chờ kết quả vụ kiện Trung Quốc của Philippines?
TS Dương Danh Huy: Hiện nay, Trung Quốc chưa chấp nhận trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ tòa nào thẩm quyền để công nhận Hoàng Sa là của nước nào. Điều này có nghĩa chúng ta không kiện về chủ quyền đảo được. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã dùng Điều 298 của UNCLOS để tránh không cho trọng tài UNCLOS thẩm quyền để phân xử một số loại tranh chấp biển. Điều này làm cho trọng tài UNCLOS không có thẩm quyền để công nhận giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào. Hai điều này làm cho khó đơn phương kiện Trung Quốc.
Nhưng chúng tôi cho rằng Việt Nam vẫn có thể đơn phương kiện rằng hành động của Trung Quốc liên quan đến giàn khoan Hải Dương-981, việc họ đàn áp ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế lân cận Hoàng Sa và chính sách ứng xử đơn phương, không đàm phán của họ đã vi phạm UNCLOS, và chúng ta có thể dùng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS để kiện, trọng tài sẽ thụ lý, và sẽ công nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS.
Đây là thời điểm tốt nhất để khởi kiện. Hơn nữa, đây là cơ hội để dùng thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS để kiện mà chúng ta không nên bỏ phí.
Kiện về Hải Dương-981 là không liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines, cho nên chúng ta không phải chờ, mà cũng không nên chờ, vì sẽ lỡ thời cơ.

PetroTimes: Chúng ta nên kiện Trung Quốc riêng trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 hay là toàn bộ những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông? Chúng ta có những cơ sở pháp lý gì và cần phản chuẩn bị những gì?
TS Dương Danh Huy: Trong vụ kiện này chỉ nên kiện về giàn khoan Hải Dương-981 và tối đa là việc Trung Quốc dùng vũ lực chống ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế lân cân Hoàng Sa. Trong toàn bộ các tranh chấp, có nhiều vấn đề khác mà tòa không có thẩm quyền để phân xử.
Cơ sở pháp lý của chúng ta là:
(a) Theo Điều 57 của UNCLOS thì vùng đặc quyền khinh tế có bề rộng tối đa là 200 hải lý.
(b) Theo Điều 279,
"Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các phương pháp hòa bình theo đúng Điều 2, khoản 3 của Hiến chương liên hợp quốc và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương."
(c) Chính sách hành xử đơn phương, không giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, hành đông đơn phương và sử dụng vũ lực, của Trung Quốc vi phạm Điều 279.
(d) Ngoài ra, chúng ta có thể nghiên cứu về kiện họ về quyền tự do hàng hải tối thiểu mà Việt Nam có trong khu vực hữu quan bất kể tòa không thể nói đó là vùng EEZ của nước nào. Hiện nay, không có gì để nói là các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát Biển Việt Nam sẽ dùng vũ lực để chống lại giàn khoan Hải Dương-981, cho nên sự cản trở của Trung Quốc đã vi phạm quyền quyền tự do hàng hải đó.
Nhưng điểm (c) quan trọng hơn điểm (d).
Ỏ đây chúng tôi xin nói thêm rằng mặc dù Trung Quốc đã vi phạm Điều 74, nhưng đáng tiếc là trọng tài UNCLOS sẽ không có thẩm quyền để diễn giải và áp dụng Điều này, vì Trung Quốc đã tuyên bố né tránh nó theo Điều 298. Nếu không có tuyên bố tránh né đó, khả năng là tòa sẽ công nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm.

PetroTimes: Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì đâu là sự giống và khác nhau trong hồ sơ kiện của ta với Philippines? Philippines đã chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc trong bao lâu và như thế nào?
TS Dương Danh Huy: Giống nhau ở chỗ trong cả hai trường hợp đều có đảo trong tình trạng tranh chấp chủ quyền cách bờ dưới 200 hải lý. Khác nhau ở nhiều điểm:
Đảo Phú Lâm lớn hơn đảo lớn nhất ở Trường Sa (đảo Ba Bình) và có ít khả năng hơn là trong tài sẽ cho đó là đảo đá theo UNCLOS 121, không có vùng đặc quyền kinh tế.
Khu vực Philippines kiện Trung Quốc không có chồng lấn với EEZ của Hải Nam. Địa điểm của Hải Dương-981 có chồng lấn EEZ với EEZ của đảo Hải Nam.
Hai điều trên có nghĩa Philippines có khả năng được trọng tài công nhận rằng một số địa điểm trong đơn kiện của họ là thuộc EEZ của Palawan hay Louzon, nhưng trọng tài không có thẩm quyền để công nhận rằng địa điểm của Hải Dương-981 là thuộc EEZ của Lý Sơn và đất liền Việt Nam. Trong trường hợp Hải Dương-981, trọng tài chỉ có thẩm quyền để công nhận đó nằm trong vùng chồng lấn EEZ.
Ngoài ra, khu vực Philippines kiện Trung Quốc có tranh chấp đa phương. Vấn đề Hải Dương-981 là tranh chấp song phương.
Sau việc tàu hải giám Trung Quốc dọa đâm tàu khảo sát dầu khí cho Philippines tại bãi Cỏ Rong khoảng đầu năm 2011, vào giữa năm đó, Philippines tuyên bố rằng sẽ kiện Trung Quốc. Đầu năm 2013 họ chính thức nộp tuyên bố khởi kiện. Và khoảng cuối tháng 3/2014 họ nộp hồ sơ kiện.

PetroTimes: Được biết nếu muốn tòa xét xử thì các bên tranh tụng phải thừa nhận thẩm quyền của tòa. Việt Nam đã thừa nhận Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa trọng tài quốc tế chưa? Và vì sao Trung Quốc luôn muốn né tranh việc quốc tế hóa các tranh chấp trên Biển Đông?
TS Dương Danh Huy: Chưa. Nhưng việc Việt Nam tham gia UNCLOS có nghĩa Việt Nam chấp nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS. Trong việc tham gia, Việt Nam đã không tuyên bố bảo lưu theo Điều 298.
Trung Quốc né tránh quốc tê hóa là vì họ muốn dung sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để áp đặt yêu sách của họ lên Việt Nam và các nước khác.

PetroTimes: Liệu chúng ta có thể đơn phương kiện Trung Quốc hay không? Và bản án trong trường hợp này có giá trị không?
TS Dương Danh Huy: Như đã trình bày trên, chúng ta có thể dung thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS để đơn phương kiện. Bản án sẽ hoàn tòa có giá trị pháp lý.

PetroTimes: Theo ông, liệu Việt Nam có thể thắng nếu kiện Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 không? Trong trường hợp đó, liệu Trung Quốc có tôn trọng phán quyết của tòa?
TS Dương Danh Huy: Như đã trình bày trên, chúng ta có nhiều khả năng thắng. Từ khi Trung Quốc bắt đầu đòi Hoàng Sa năm 1909 cho đến nay, chưa bao giờ họ bị tòa cho rằng đã vi phạm luật quốc tế trong tranh chấp. Nếu chúng ta ra tòa về Hải Dương-981 và thắng, đó sẽ là một bước đột phá. Chúng ta không biết Trung Quốc có sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa không, nhưng nếu họ không tôn trọng thì giá họ phải trả trong lãnh vực ngoại giao và dư luận sẽ là lớn nhất từ trước đến nay.

PetroTimes: Tác động quốc tế của đơn kiện Việt Nam ra tòa án quốc tế chống Trung Quốc?
TS Dương Danh Huy: Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì trước nhất thế giới sẽ thấy Việt Nam không sợ công lý. Nếu Trung Quốc dựa vào tuyên bố của họ theo Điều 298 để không cho tòa áp dụng Điêu 74 thì thế giới sẽ thấy rằng Trung Quốc sợ công lý. Nếu Việt Nam vẫn thắng vì tòa công nhận Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS thì điều đó sẽ tác động rất nhiều đến quốc tế. Và nếu tòa công nhận rằng Trung Quốc đã vi phạn những điều khác của UNCLOS, thí dụ như Điều 279, thì sẽ có lợi rất nhiều cho Việt Nam. Như vậy, tất cả những điều này đều có lợi cho Việt Nam.

Nguồn : Tại đây

Kịch bản chiến tranh Việt-Trung

 
Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ khác với cuộc chiến biên giới năm 1979.
  Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22/5, ông cho rằng cuộc chiến sẽ 'kết thúc rất nhanh', với nhiều bất lợi nghiêng về phía Việt Nam.

BBC: Theo ông thì căng thẳng hiện nay có leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang hay không, và nếu điều đó xảy ra, hai bên sẽ triển khai những lực lượng gì cho cuộc chiến?

Giáo sư Carl Thayer: Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc đối đầu trên biển được cả hai phía tính toán rất kỹ.
Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn tàu của Việt Nam tiếp cận giàn khoan, trong lúc Việt Nam tiếp tục duy trì sự hiện diện và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ để yêu cầu Trung Quốc rút lui.
Các chuyên gia mà tôi gặp gần đây cho rằng những cuộc đối đầu liên trên biển hiện nay có thể dẫn đến thiệt hại về nhân mạng hoặc khiến tàu của một bên nào đó bị chìm.
Một cuộc giao tranh theo tôi là khó xảy ra, nhưng nếu có, thì cuộc chiến đó sẽ không chỉ diễn ra trên một mặt trận như 1979.
Năm 1979, Trung Quốc đã chủ trương không sử dụng không quân vì e ngại trước hệ thống phòng không rất mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc giao tranh trong năm 2014 sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận, với sự tham gia của không quân, hải quân, bộ binh cho đến tàu ngầm và sẽ kết thúc rất nhanh.
Hải quân Việt Nam chủ yếu tập trung ở Nha Trang và Đà Nẵng.
Trung Quốc có thể tấn công các cứ điểm này rất nhanh chóng bằng thủy lôi, bằng không quân hoặc tên lửa hành trình từ chiến hạm và tiêu diệt hoàn toàn các hạm đội cũng như các cơ sở hậu cần của Việt Nam.
Đây là một yếu tố rất quan trọng. Vì nếu bị hư hại, tàu của Việt Nam có thể lui về cảng, thế nhưng nếu mất cảng, các chiến hạm sẽ không thể được tiếp nhiên liệu và sẽ trở thành vô giá trị.
Bên cạnh đó, một cuộc chiến kéo dài cũng khiến Việt Nam phải đứng trước câu hỏi là lấy nguồn tiếp tế vũ khí ở đâu? Việt Nam hiện có bao nhiêu nước sẵn sàng cung cấp những khí tài hiện đại cho họ?
Khó có khả năng Nga sẽ đứng ra để tiếp tế vũ khí và phụ tùng cho Việt Nam vì không muốn gây hấn với Trung Quốc. Thậm chí nếu Nga muốn giúp thì cũng đã quá trễ.

BBC: Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào nếu một cuộc chiến xảy ra, thưa ông?
Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam đang sở hữu hệ thống tên lửa hành trình rất mạnh, có thể bắn đến tận đảo Hải Nam hoặc đảo Phú Lâm.
Nếu một cuộc giao tranh xảy ra, trên lý thuyết, các nước có thể lập một phòng tuyến nhằm cô lập đường hàng hải của Trung Quốc với mục tiêu ngăn Trung Quốc tiếp tục tấn công.
Trừ khi Trung Quốc muốn phải đối đầu với cả hải quân của Nhật và Hoa Kỳ, các đường cung cấp dầu khí trên biển của họ sẽ bị chặn. Và đây là điểm yếu mà các học giả Trung Quốc gọi là "thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca". Không chỉ riêng eo biển Malacca mà cả eo biển Hormuz cũng là một điểm yếu của Trung Quốc.
Tuy nhiên để duy trì một vùng cách ly như vậy sẽ rất khó khăn và cần đến sự tham gia của hải quân từ nhiều nước.
Nhật Bản cũng có thể sử dụng hải quân để khống chế không cho các hạm đội của Trung Quốc tiếp tục tấn công Việt Nam.
Tất nhiên, đây chỉ hoàn toàn là giả thiết vì đến nay hải quân Nhật Bản vẫn chỉ được sử dụng cho mục đích tự vệ. Tôi vẫn cho rằng Nhật Bản sẽ rất thận trọng trước các động thái gây hấn của Trung Quốc.

BBC: Hiện Trung Quốc đang phải chi rất nhiều tiền để giữ cho giàn khoan hoạt động ở vị trí hiện nay, một số tin nói là hàng trăm nghìn đôla một ngày, có tin nói là cả triệu đôla một ngày. Nhưng Việt Nam nói những hoạt động thăm dò trước đây của họ cho thấy không có dầu ở đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga vừa ký với nhau một thỏa thuận khí đốt. Theo ông vì sao Trung Quốc lại chọn đặt giàn khoan ở vị trí hiện nay?
Giáo sư Carl Thayer: Trước hết thỏa thuận khí đốt Nga-Trung là vấn đề dài hạn. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu ngày một nghiêm trọng.
Khi có mặt ở Hà Nội vào thời điểm tranh chấp xung quanh giàn khoan mới bắt đầu, tôi đã nói chuyện với một số nhà ngoại giao nước ngoài và họ nói rằng các đồng nghiệp của họ ở Bắc Kinh cho biết Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ban đầu được yêu cầu tiến vào khu vực lô 142 - 143 và CNOOC đã từ chối với lý do quá tốn kém.
Tuy nhiên cuối cùng họ vẫn nhận được lệnh phải tiến vào đó và được cho biết nhiệm vụ thăm dò dầu khí không phải là vấn đề ưu tiên.
Trung Quốc đã dự phòng phương án tháo gỡ căng thẳng bằng cách tuyên bố sẽ chỉ đặt giàn khoan ở vị trí này từ ngày 2/5 đến ngày 15/8.
Tuy nhiên điều mà chúng ta chưa nghĩ đến là khi giàn khoan này thôi hoạt động và rời đi, Trung Quốc có thể đưa một giàn khác nhỏ hơn để thế chỗ dưới sự canh gác chặt chẽ.
Bên cạnh đó, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố sẽ rút lui giàn khoan vào tháng Tám có thể chỉ đơn thuần là do để tránh mùa bão thường xảy ra từ tháng Chín - Mười trong khu vực.
Trung Quốc rõ ràng là đang phải chi rất nhiều, không chỉ cho giàn khoan đắt tiền của họ, mà còn cho cả hơn một trăm tàu đang hoạt động quanh đó - quy mô chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Điều này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thăm dò dầu khí.
Một nhà phân tích nói với tôi rằng dầu khí tập trung chủ yếu ở phía nam của Biển Đông. Tuy nhiên với nhu cầu hiện nay của Trung Quốc, những mỏ này sẽ cạn rất nhanh.
Trung Quốc đã phải trải qua bao nhiêu phiền phức như hiện nay, chỉ để khai thác những nguồn nhiên liệu rất có hạn như thế, rõ ràng không phải là một cách huy động vốn hiệu quả. Từ đó có thể thấy điều này là nhằm một mục đích khác.
Tôi nghĩ là chúng ta đã không thấy hết được tính nghiêm trọng của việc thành lập Thành phố Tam Sa và đồn trú quân ở đó, cũng như ban hành luật đánh bắt trên các vùng biển quanh đảo Hoàng Sa và Phú Lâm.
Trung Quốc đang muốn có một điểm tựa vững chắc ở phía bắc Biển Đông để từ đó tiếp tục tiến về phía nam. Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam.
Có thể nói rằng hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông là để đánh dấu chủ quyền.

BBC:Trung Quốc nói sẽ chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí vào tháng Tám. Tuy nhiên ông có cho rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi kế hoạch vì ngại Việt Nam sẽ nhân đó để tuyên bố chiến thắng trong tranh chấp lần này không?
Giáo sư Carl Thayer: Hiện chúng ta đang chứng kiến một sự đối đầu được tính toán rất kỹ lưỡng. Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền của mình và Việt Nam vẫn kiên quyết phản đối.
Từ khi tranh chấp xung quanh vấn đề giàn khoan xảy ra, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối.
Phía Việt Nam cũng đã hai lần đề nghị Bắc Kinh cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, nhưng cũng bị từ chối.
Các cuộc bạo động nhằm vào Trung Quốc lại càng làm cho vấn đề thêm rắc rối.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau khi Việt Nam đã giải quyết xong hậu quả của các cuộc bạo động, bồi thường cho Trung Quốc và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc quay trở lại sản xuất, Bắc Kinh sẽ sớm đón tiếp các phái đoàn cấp cao của Việt Nam.
Trong 4 năm qua, đã có hai phái đoàn đặc biệt như vậy được cử sang Trung Quốc để giải quyết xung đột trên Biển Đông và mỗi lần như vậy, căng thẳng đều được tháo ngòi.
Có thể là ngày 15/8 tới đây, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan, tuyên bố là đã hoàn tất mục tiêu, trong khi Việt Nam tuyên bố đã giữ vững lập trường chống đối của mình.
Tuy nhiên câu hỏi ở đây là Trung Quốc có mang một giàn khoan nhỏ hơn tới để thay thế cho giàn khoan hiện nay hay không? Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình, và Việt Nam sẽ khó thay đổi điều đó vì mỗi lần họ tìm cách tiếp cận, tàu của Trung Quốc sẽ quay trở lại.
Thế nhưng quan hệ giữa hai nước đã rất tốt và việc tìm một lối ra cho căng thẳng hiện nay sẽ phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.
Trung Quốc đang muốn xây dựng đường nối miền nam nước này với các nước ASEAN, và tuyến đường đó sé đi xuyên qua Việt Nam. Đó là chưa kể những quan hệ hợp tác của hai nước trong nhiều lĩnh vực khác.
Trung Quốc cũng sẽ không muốn đẩy Việt Nam về phía Hoa Kỳ hoặc tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Philippines và ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở đó.

BBC: Ông nghĩ như thế nào về chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Philippines vừa qua? Ông có nghĩ là Việt Nam đang muốn sử dụng các đồng minh của Hoa Kỳ làm trung gian để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ hay không?
Giáo sư Carl Thayer: Đó là một câu hỏi thú vị. Trước chuyến thăm của ông Dũng thì quan hệ Việt Nam - Philippines vẫn đang tiến triển khá tốt. Tuy nhiên cả hai nước, đặc biệt là Philippines, đều là những nước yếu trong khu vực.
Cả hai đã lên kế hoạch cho hải quân diễn tập chung, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ trước sự phản đối của Trung Quốc.
Tuy nhiên bây giờ cả hai đang đối mặt với cuộc chơi hoàn toàn khác. Hành động của Trung Quốc hiện nay là chưa có tiền lệ và rất đáng lo ngại.
Việt Nam đã làm việc với ASEAN và việc tăng cường quan hệ với Philippines giữa lúc nước này đang thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ có thể sẽ giúp cả hai nước củng cố về an ninh.
Việt Nam có thể khuyến khích Hoa Kỳ tăng cường hiện diện và sử dụng Philippines làm trung gian với Hoa Kỳ nếu cảm thấy một mối quan hệ trực tiếp là quá khó.
Chính sách của Việt Nam có ba không, đó là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự và không cùng với một nước chống lại nước thứ ba. Chính sách đó vẫn không thay đổi.
Vấn đề ở đây là không có tàu nào của Hoa Kỳ, dù mạnh đến đâu, có thể đẩy lùi giàn khoan của Trung Quốc và vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, Việt Nam cần cùng với Philippines mở ra một mặt trận mới để Philippines có thể cùng Hoa Kỳ có hành động chống lại Trung Quốc.
Hiện cũng có tin nói rằng Việt Nam có thể áp dụng hành động pháp lý với Trung Quốc, theo như thông tin mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra, dù không rõ chi tiết. Điều này có thể sẽ củng cố cho lập trường pháp lý của Philippines hiện nay trong đơn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nếu Trung Quốc thua kiện thì đường chín đoạn của họ sẽ bị tuyên là bất hợp pháp. Luật pháp quốc tế quy định phán quyết của tòa phải được thi hành ngay lập tức, không được kháng lại.
Trung Quốc có thể sẽ phản đối nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ bị cô lập vì đó là một quyết định của quốc tế.
Một quyết định như vậy cũng sẽ giúp các bên có yêu sách khẳng định chủ quyền của mình trên biển, ở những nơi mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, nhưng luật pháp quốc tế lại không xem như vậy.

BBC: Lập trường của Washington là Hà Nội cần có một quan điểm chính trị cởi mở hơn và tôn trọng nhân quyền. Thế nhưng đối với Hoa Kỳ, căng thẳng hiện nay cũng là mối đe dọa đến ổn định trong khu vực và tự do hàng hải. Liệu Washington có chủ động thỏa hiệp hay không? Hay họ sẽ đợi sự thỏa hiệp từ Hà Nội?
Giáo sư Carl Thayer: Hoa Kỳ không chỉ là một, mà chúng ta có chính quyền Obama và Quốc hội. Và theo ý kiến của tôi, chính quyền Obama đã thỏa hiệp với Hà Nội rồi.
Chúng ta còn nhớ trước khi Chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ, các chính trị gia cao cấp của Hoa Kỳ đã đề nghị Hà Nội phải có tiến triển về nhân quyền.
Bất chấp những lời kêu gọi này, Việt Nam lại thực hiện thêm nhiều vụ bắt giữ khác.
Ông Sang sau đó vẫn sang Hoa Kỳ và mang về hiệp định đối tác toàn diện.
Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền, mặc dù nhận định rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang tiến triển một cách không đồng đều, nhưng cũng ghi nhận ngày càng có nhiều nhà thờ được phép hoạt động hơn.
Các nhà ngoại giao tôi gặp ở Hà Nội cũng cho rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiến triển và Hà Nội đang từng bước đáp ứng các chỉ tiêu do Hoa Kỳ đề ra.
Như vậy, chúng ta thấy là chính quyền Obama thì cho rằng Việt Nam đang đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khi Quốc hội lại dựa trên hàng loạt vụ bắt bớ các blogger và nhà bất đồng chính kiến gần đây để bác bỏ điều đó.
Tuy nhiên tôi cho rằng cuối cùng thì những lợi ích mang tính chiến lược vẫn sẽ được đặt lên trên nhân quyền.
Hành động của Trung Quốc, mặc dù ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng cũng đe dọa đến sự ổn định trong khu vực.
Điều này buộc Hoa Kỳ phải lựa chọn và tôi nghĩ rằng nhân quyền sẽ bị xem là phụ.

Nguồn : Trần Hữu Dũng

MỘT BÀI BÁO NÊN ĐĂNG VÀO NGÀY CÁ THÁNG TƯ ( 1/4 )


“Tiến công Việt Nam theo kế hoạch A:
đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”

Bài này đăng trên một số blog bên Trung Quốc. Bản dịch này được tìm thấy trên vài blog Việt Nam. Cần kiểm chứng độ chính xác. Đọc chơi cho thấy ảo tưởng của người bạn 4 tốt 16 chữ vàng.
(Lưu ý: Chữ "ta" trong bài là của dân Tàu nói với nhau)


Điều nghiên chiến lược
Từ trước đến nay Việt Nam và Đông Nam Á đều thuộc phạm vi thế lực truyền thống của Trung Quốc. Trong phần lớn thời gian của lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu hảo. Nhưng từ sau thập kỷ 70 của thế kỷ trước, do thực lực của nước ta suy yếu nên đã dần dần mất đi quyền kiểm soát đối với khu vực này. Việt Nam nhân cơ hội này đã xâm chiếm lãnh thổ của nước ta, đưa tới hai nước thù địch, giao chiến với nhau.
Hiện nay, Việt Nam là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ khác cho thấy Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía Nam.
Việt Nam là nước có thực lực quân sự mạnh nhất ở Đông Nam Á, lại có kinh nghiệm chiến tranh phong phú, đặc biệt là kinh nghiệm tác chiến với các nước lớn quân sự. Cho nên nhìn từ góc độ nào thì Việt Nam đều là “khúc xương khó nhằn”. Dựa theo câu nói của Mao Chủ tịch thì về chiến lược chúng ta cần coi thường địch, nhưng về chiến thuật phải coi trọng đối thủ. Cho nên hành động quân sự đối với Việt Nam cần phải có một kế hoạch tác chiến tỷ mỉ khoa học.
Địa hình Việt Nam rất đặc thù, ví von một cách thông tục thì Việt Nam giống như một con rắn nước kỳ quái nằm ở cực Đông của bán đảo Trung Nam. Hướng Bắc-Nam thì dài, hướng Đông - Tây thì hẹp. Chiều dài Bắc-Nam khoảng 1600km, chỗ hẹp nhất hướng Đông-Tây chỉ có 50km. Địa thế Việt Nam phía Tây cao, phía Đông thấp, địa hình ba phần tư là núi và cao nguyên.
Phía Bắc Việt Nam nhiều dãy núi liên tiếp nhau bị ngăn cách bởi những khe núi vực sâu, cao 300-1500m so với mặt nước biển. Phía Nam là cao nguyên và đồi núi, cao 500-1500m so với mặt nước biển. Trên núi sông suối nước chảy xiết, mùa mưa nước lũ tràn lan, rừng rậm nhiệt đới bao phủ 40% diện tích toàn lãnh thổ. Cho nên phần lớn các khu vực ở Việt Nam không thích hợp với tác chiến cơ động với quy mô lớn.
Theo bài học thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm thành công của chúng ta trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ, việc sử dụng lực lượng sơn cước và máy bay trực thăng vũ trang là biện pháp tốt nhất tiến hành chiến tranh sơn địa và chiến tranh rừng núi. Chỉ cần đột phá được tuyến phòng ngự ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, một khi tiến vào đồng bằng sông Hồng thì lực lượng thiết giáp sẽ lại phát huy uy lực lớn.
Còn việc đưa lực lượng thiết giáp theo cách tiến công cũ như trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ đã chứng minh không thành công. Như vậy chỉ có thể mở một chiến trường mới, tập kết nhanh chóng và hiệu quả với quy mô lớn lực lượng thiết giáp. Việc thực hiện đòn đột kích mang tính hủy diệt đối với khu vực trung tâm của địch là điều then chốt để giành chiến thắng trên mặt đất.
Làm thế nào chế phục được Việt Nam "con rắn kỳ quái này?" Điều chủ yếu quyết định bởi việc làm thế nào nhanh chóng chặt đứt đầu rắn. Tục ngữ Trung Quốc có câu “đánh rắn đánh phải đánh vào đốt thứ 7, vị trí đốt thứ 7 là chỗ hiểm của rắn”.
Chúng ta chú ý thấy rằng khu vực ven biển miền Trung Việt Nam có một địa phương gọi là Thanh Hoá. Khu vực này là mũi cực Nam của đồng bằng sông Hồng, là cửa đi ra biển của sông Mã. Từ Thanh Hoá hướng về phía Nam và Đông Tây, địa hình đột nhiên thu hẹp lại giống như cổ con rắn, chia cắt Việt Nam thành 2 phần Nam-Bắc hoàn toàn khác nhau.
Toàn bộ tuyến đường sắt và đường bộ huyết mạch chủ yếu nối liền hai miền Bắc - Nam đều đi qua Thanh Hoá --- mảnh đất nhỏ hẹp này. Vị trí địa lý của Thanh Hoá rất giống tuyến đường độc đạo chiến lược Cẩm Châu của nước ta. Cho nên, Thanh Hoá chính là yết hầu khống chế đầu rắn phía Bắc của Việt Nam. Bóp nghẹt yết hầu này, cũng có nghĩa là bóp nghẹt đốt thứ 7 của con rắn.
Thanh Hoá có địa thế thấp, đồng thời cũng là bình nguyên rộng bằng phẳng, rất thích hợp với việc tiến hành đổ bộ với quy mô lớn. Nếu vận dụng phương pháp đổ bộ, thì có thể nhanh chóng đưa nhiều lực lượng thiết giáp vào chiến trường. Như vậy xe tăng một khi đổ bộ lên bờ sẽ tránh gặp phải địa hình núi non, tận dụng ưu thế địa hình đồng bằng, nhanh chóng tiến về Hà Nội. Nếu việc tác chiến đổ bộ ở Thanh Hoá diễn ra thuận lợi, sẽ khiến cục diện toàn bộ chiến trường nẩy sinh thay đổi cơ bản, khiến việc quân ta nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam có thể trở thành khả năng. Điều kiện đổ bộ thuận lợi như vậy, vì sao quân Mỹ trước đây không lợi dụng. Điều này chủ yếu là do trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ cấm vượt qua vĩ tuyến 17. Mỹ luôn nhớ đến thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, cho nên lời cảnh cáo của Trung Quốc đã có tác dụng răn đe nhất định. Còn Thanh Hoá nằm ở gần vĩ tuyến 20. Đến ngay vĩ tuyến 17 quân Mỹ không dám vượt qua, thì việc đổ bộ lên Thanh Hoá càng không dám nghĩ đến.
Tổng hợp những xem xét trên, chế định ra kế hoạch tác chiến tiến công Việt Nam dưới đây:
1- Bố trí binh lực:
Việc tác chiến với Việt Nam quyết định đột kích theo 3 hướng, chiến pháp là “hướng tâm hợp vây” và thực hiện phương châm chiến lược Bắc trước Nam sau. Dựa vào phương châm chiến lược này chia lực lượng tiến công thành 3 tập đoàn chiến dịch Bắc, Đông và Nam.
Hướng Vân Nam: lấy tập đoàn quân 14 thuộc lục quân làm chủ lực đảm nhận nhiệm vụ tiến công của tập đoàn Bắc. Đồng thời để thích ứng với nhu cầu trong giai đoạn đầu khai chiến tiến hành tác chiến ở vùng núi, sẽ rút 1 lữ đoàn sơn cước và 1 đại đội vận tải đường không của tập đoàn quân 13 tăng cường cho tập đoàn quân 14. Hướng Vân Nam tổng cộng có khoảng 60 nghìn quân.
Hướng Quảng Tây: lấy tập đoàn quân 42 làm chính, đảm nhận nhiệm vụ tiến công của tập đoàn Đông; rút 1 lữ đoàn thiết giáp và 1 trung đoàn vận tải đường không của tập đoàn quân 41 tăng cường cho tập đoàn quân 42. Sư đoàn không quân số 2 thuộc lực lượng không quân phụ trách chi viện trên không cho tập đoàn Đông. Hướng Quảng Tây tổng cộng có 100 nghìn quân.
Hướng đổ bộ từ biển của tập đoàn Nam, tập đoàn quân số 1 của lục quân và 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến đảm nhận nhiệm vụ tiến công chủ yếu. Sư đoàn cơ giới 127 thuộc tập đoàn quân 54 của lục quân là lực lượng thê đội 2, đảm nhận là mũi đột kích bằng xe tăng chủ yếu tiến công Hà Nội. Đồng thời chủ lực hạm đội Nam Hải và lực lượng không quân thuộc hải quân phụ trách chuyên chở quân đổ bộ và chi viện yểm trợ trên không ở khu vực tác chiến này. Sư đoàn không quân số 9 thuộc lực lượng không quân thì phụ trách kiểm soát không phận khu vực miền Trung Việt Nam. Tập đoàn Nam tổng cộng khoảng 150 nghìn quân, trong đó lực lượng đổ bộ khoảng 100 nghìn quân.
Tập đoàn quân 24 và quân đoàn lính dù số 15 thuộc quân khu Tế Nam là lực lượng dự bị.
Cho đến nay, tổng số binh lực tham chiến của quân ta khoảng 520 nghìn quân (không tính lực lượng tên lửa và không quân chiến lược), tác chiến tại tuyến 1 có 310 nghìn quân. Dự tính đưa 1200 xe tăng, 3000 xe thiết giáp, 3200 máy bay chiến đấu các loại vào tham gia tác chiến.
2 - Thực hiện tác chiến:
Dự kiến thời gian tác chiến là 31 ngày: 

a - Giai đoạn tiến công chiến lược:
* Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt 1 bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. Sẽ phóng vào lãnh thổ địch 500 tên lửa chiến thuật tầm ngắn, 100 tên lửa chiến thuật hành trình, hải quân sẽ phóng 200 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền và 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên biển. Lực lượng kỹ thuật điện từ tiến hành gây nhiễu điện từ mạnh đối với trung tâm chỉ huy, hệ thống thông tin và rađa của địch. Máy bay oanh tạc chiến lược tiến hành oanh tạc chiến lược có trọng điểm đối với các nhà máy phát điện và cơ sở công nghiệp cỡ lớn của địch.
* Ngày thứ hai: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1000 lượt máy bay tiến hành tiến công hoả lực chính xác đợt 2 đối với các mục tiêu quân sự quan trọng của địch và tiến hành đánh giá hiệu quả của cuộc tiến công bằng tên lửa đợt 1. Lực lượng tên lửa tiếp tục phóng 300 tên lửa chiến thuật về phía địch.
* Ngày thứ ba: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1500 lượt máy bay tiến hành không tập với quy mô lớn hơn các mục tiêu quân sự quan trọng của địch. Tiêu diệt triệt để lực lượng không quân và hải quân còn lại của quân đội Việt Nam. Hải quân tiếp tục phóng 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền, tiến hành phá huỷ các điểm đã xác định.

b - Giai đoạn tiến công chiến thuật:
* Ngày thứ tư: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1000 lượt máy bay tiến hành tiến công hoả lực lần thứ 3 đối với các mục tiêu quân sự chủ yếu của địch. Đồng thời các tập đoàn quân tiến công sử dụng Katusha tầm xa và pháo cỡ lớn tiến hành đột kích đối với các mục tiêu quan trọng của địch. Hạm đội Nam Hải hoàn thành nhiệm vụ phong toả toàn bộ khu vực biển vịnh Bắc Bộ và tuyến đường phía cực Nam của Nam Hải (biển Đông). Hạm đội Đông Hải thực hiện cảnh giới vòng ngoài, thực hiện vu hồi từ xa.
* Ngày thứ năm: lực lượng không quân và lực lượng không quân của hải quân xuất kích 500 lượt máy bay tiến hành oach tạc chính xác có trọng điểm đối với các mục tiêu quân sự quan trọng của địch. Đập tan khả năng phản kích của địch. Máy bay trực thăng tiến công của lục quân phối hợp với pháo binh mặt đất tiến hành đột kích các mục tiêu nằm sâu trong chiến tuyến của địch. Đồng thời các lực lượng tham gia tiến công tiến vào vị trí tập kết, 10 tàu đổ bộ cỡ lớn và 100 tàu đổ bộ cỡ vừa chuyên chở quân đổ bộ xuất phát từ các quân cảng. Lực lượng không quân của hải quân và lực lượng tàu ngầm chịu trách nhiệm bảo vệ việc đổ bộ cũng như không phận có liên quan. 

c - Giai đoạn tác chiến trên mặt đất:
* Sáng sớm ngày thứ sáu: các lực lượng tiến công tiến hành chuẩn bị hoả lực trong 1 tiếng đồng hồ cuối cùng, sau đó từ 3 hướng Bắc, Đông và Nam nhanh chóng tiến vào bên trong lãnh thổ Việt Nam. Hướng tiến công của tập đoàn Bắc và tập đoàn Đông vẫn đi theo hướng mà trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ năm 1979 đã vận dụng. 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến thuộc thê đội đổ bộ thứ nhất của tập đoàn Nam lần lượt mở hướng đổ bộ ở hai khu vực Tịnh Gia và Lặc Trường, sau đó hoà nhập vào nhau.
* Ngày thứ bảy và thứ tám: lực lượng đổ bộ củng cố trận địa trên các bãi đổ bộ. Chủ lực của tập đoàn quân số 1 tiếp tục đổ bộ lên bờ mở rộng khu vực đổ bộ. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 trung đoàn nhanh chóng tiến về phía Nam, dựa vào địa hình có lợi, ngăn cản quân đội Việt Nam tiến về chi viện cho phía Bắc.
* Ngày thứ chín và thứ mười: chủ lực tập đoàn quân số 1 công chiếm Thanh Hoá, cắt đứt sự liên hệ giữa chủ lực quân Việt Nam ở phía Bắc với các lực lượng ở phía Nam, hoàn thành việc bao vây chiến lược đối với Hà Nội. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 sư đoàn công chiếm Nghĩa Đàn và dựa vào địa hình và tuyến ven biển thực hiện phòng ngự đối với hướng Nam, ngăn cản quân đội Việt Nam chi viện cho phía Bắc.
* Ngày thứ mười một: tập đoàn Bắc và tập đoàn Đông lần lượt tiến công đột phá Yên Bái và Lạng Sơn, hình thành thế tiến công gọng kìm đối với Hà Nội. Sư đoàn cơ giới 127 của tập đoàn quân 54 của lục quân hoàn thành việc đổ bộ.
* Ngày thứ mười hai và mười ba: sư đoàn 127 tiến về Hà Nội, nhanh chóng công chiếm Ninh Bình. Như vậy 3 tập đoàn đột kích chiến dịch Bắc, Đông và Nam của ta sẽ lần lượt tiến vào khu vực dự định, hoàn thành việc bao vây Hà Nội.
* Ngày thứ mười bốn và mười lăm: các đơn vị đóng nguyên vị trí đợi lệnh, nghỉ ngơi chỉnh đốn đội ngũ, củng cố các khu vực đã chiếm. Lực lượng không quân và pháo tầm xa của ta tiến hành chuẩn bị tiến công hoả lực trước khi tổng tiến công. Đồng thời tập đoàn quân 24 tiếp tục đưa vào chiến trường Việt Nam .
* Ngày thứ mười sáu: bắt đầu tổng tiến công Hà Nội, dự kiến trong 3 ngày hoàn thành việc công chiếm Hà Nội.
* Ngày thứ mười chín, hai mươi: các lực lượng nghỉ ngơi 2 ngày.
* Ngày thứ hai mốt: chủ lực của tập đoàn quân 24 và tập đoàn quân số 1 bắt đầu tác chiến tiến đánh miền Nam Việt Nam
* Đến ngày thứ ba mươi mốt: công chiếm toàn bộ Việt Nam .
Mấy điểm thuyết minh về kế hoạch tác chiến này:
Thứ nhất, vì sao chỉ tiến hành 5 ngày không tập đã đưa lực lượng mặt đất vào?
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong tình hình có nhiều vũ khí chính xác và ưu thế hải quân tuyệt đối, nhưng Mỹ vẫn tiến hành chuẩn bị không tập kéo dài 1 tháng, sau đó mới đưa lực lượng mặt đất vào. Chúng ta sở dĩ nhanh chóng đưa lực lượng mặt đất vào, chủ yếu là do giữa Việt Nam và Irắc có sự khác biệt nhau.
Trước hết tính chất phức tạp của môi trường địa lý Việt Nam đã quyết định hiệu quả cao nhất của không tập chỉ trong giai đoạn bắt đầu chiến tranh, lợi dụng tính bất ngờ, gây sát thương lớn cho phía địch. Sau đó quân địch sẽ nhanh chóng điều chỉnh bố trí binh lực, lợi dụng địa hình nhiều núi và rừng tiến hành ẩn nấp có hiệu quả. Mà Việt Nam cả năm có độ ẩm rất cao, mây mù bao trùm, khiến việc trinh sát trên không của chúng ta rất khó khăn.
Cho nên nếu không dựa vào sự phối hợp chính xác của lực lượng mặt đất, hiệu qủa cuộc việc tiếp tục không tập sẽ không cao. Ngoài ra, Việt Nam không có lực lượng thiết giáp với quy mô lớn, chủ yếu lấy lực lượng bộ binh nhẹ và lực lượng sơn cước làm chính. Những lực lượng này khiến quân đội Việt Nam dễ phân tán và lẩn tránh. Như vậy chỉ có thể dựa vào lực lượng lục quân để tiến công theo địa điểm chỉ định.
Còn một điểm nữa là Mỹ luôn nhòm ngó vào Việt Nam. Chỉ cần chúng ta tiến hành chiến tranh với Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ tìm cách ngăn cản. Chỉ cần nhanh chóng đưa lực lượng mặt đất vào, biến Việt Nam thành một chiến trường thực sự, hình thành cục diện hỗn chiến, thì mới có thể triệt để ngăn chặn Mỹ thọc tay vào.
Thứ hai, kế hoạch tác chiến này thực hiện 3 hướng đột kích, theo chiến pháp “hướng tâm hợp vây”
Trong đó tập đoàn đổ bộ hướng Nam là hướng chủ công và trọng điểm tiến công của quân đội ta. Vì vậy lực lượng thiết giáp mạnh nhất và tinh nhuệ nhất cần được tập trung sử dụng tại hướng này. Tập đoàn đột kích hướng Đông là hướng tiến công bổ trợ. Tập đoàn Bắc hướng thực hiện kiềm chế chiến lược.
Thứ ba, do cuộc chiến tranh đối với Việt Nam là cuộc chiến tranh chính quy lấy địa hình rừng núi làm chính, cho nên các cuộc tiến công của máy bay trực thăng sẽ phát huy tác dụng tương đối quan trọng.
Lực lượng không quân thuộc lục quân của quân đội ta hiện nay còn thiếu nghiêm trọng. Để thích ứng với nhu cầu tác chiến với Việt Nam trong tương lai, các quân đoàn cần tăng cường xây dựng lực lượng không quân, nên trên cơ sở các trung đoàn không quân thuộc các tập đoàn quân hiện nay, mở rộng biên chế thành các lữ đoàn. Nâng cao mạnh mẽ khả năng tiến công phòng thủ lập thể và khả năng điều hành trên chiến trường.

Nguồn : 14-9-2008

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM




Dòng họ Nguyễn Khoa ở Huế bắt đầu từ một người lính theo Chúa Nguyễn Hoàng vào miền Trung thuở "Thùng thùng trống đánh ngũ liên..." và đã lập nhiều công trạng.Cha Nguyễn Khoa Điềm là nhà cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, hậu duệ quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, người gốc An Dương (Hải Dương cũ), từng được đồng chí Nguyễn Phong Sắc cử vào Tỉnh uỷ Thừa Thiên, rồi tham gia Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn từ tháng 8/1930.

Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15 tháng 4 năm 1943, tại thôn U Điềm, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tuổi thơ Nguyễn Khoa Điềm sống ở Huế, học 10 năm ở miền Bắc, năm 1964 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm trở lại quê hương tham gia kháng chiến.
Khi những cuộc đấu tranh của phong trào học sinh sinh viên liên tục diễn ra tại các đô thị miền Nam, Nguyễn Khoa Điềm được đưa vào Huế hoạt động trong giới sinh viên. Nguyễn Khoa Điềm ghi danh vào đại học văn khoa Huế.

Năm 1967 khi đang làm công tác xây dựng cơ sở ở Quảng Điền (Thừa Thiên) thì đã bị địch bắt trong một trận càn ông bị giam ở lao Thừa Phủ. Dịp tết Mậu Thân, ta tấn công vào Huế giải phóng trại giam ông được cứu thoát, trở lại hoạt động thuộc Thành uỷ Huế ( Nguyễn Khoa Điềm không bị đưa đi Côn Đảo như những thanh niên, sinh viên học sinh có liên hệ với Mặt Trận giải Phóng như Vịnh, Cổn, Long, Tòng, Kiệt tại Sài Gòn)

Sau năm 1968 Nguyễn Khoa Điềm được Tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên triệu tập lên rừng mở trại sáng tác, có cả Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao... Cho đến năm 1975 ông đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam . Hai mươi năm sau ,năm 1995, được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.
Năm 1996, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Trong giới văn nghệ sĩ cũng có nhiều lời bàn ra tán vào về con đường công danh của ông nhưng đó là chuyện “ Của hội nhà văn với nhau “ nhưng chắc chắn là ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”

Một trong những bài thơ hay của Nguyễn Khoa Điềm là bài “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” sáng tác thời đánh Mỹ, đã in nhiều lần trong các tuyển tập thơ Việt Nam, càng nổi tiếng hơn khi nhạc sĩ Trần Hoàn đem phổ thành bài hát.

“ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồi hôi mẹ rơi trên má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời :

- Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân…

***

- Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi
Mẹ thương a kay mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do…”

Cả bài thơ, đặc biệt là câu kết, từng làm nức lòng bao người chiến đấu thời ấy.

Lâu rồi ,trên báo mạng có hai bài thơ cũng viết về đề tài “ Cu Tai “
Đây Cu Tai - ký tên tác giả là Chiêu Hải Tần và bài Đấy cũng Cu Tai - ký tên tác giả là Tân Hải Triều Hai bài thơ này đã có nhiều khẳng định về tác giả .

Bài thứ nhất của nhà thơ Bùi Minh Quốc ( Dương Hương Ly )

Đây Cu Tai

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
…Mai sau con lớn làm người tự do”
( Thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhạc Trần Hoàn)


Tự Do ! Tự Do !
Tiếng hát vang rừng đất đá cũng thơm tho

Điềm ơi Hoàn ơi
Ta hát ta hát
Lòng say ngất trời

Điềm ơi Hoàn ơi
Ta đây Cu Tai
Vươn vai bước dài
Đường quang gió lộng

Nhưng kìa gió xoay
Đường quang bước khựng

Đầy đường mặt dầy
Xe phóng veo veo
Đè phăng khát vọng
Tự Do lăn queo
Nhạc Thơ đắng họng

Bản thảo thì cướp
Sách vừa ráo mực
Quăng ngay máy nghiền
Ơi Hoàn ơi Điềm
Câu hát ngày xưa
Hát xạo hát lừa
Quả tim nắng hạ
Đen quánh bùn nhơ

Cu Tai bảo mẹ :
-Nó thì láu thế
Mẹ con mình khờ !
Mẹ cười nhỏ nhẹ :
-Con chớ làm ngơ !

Bài thứ hai của thi nhân Hà Sĩ Phu :

Đấy cũng Cu Tai

(Lời ru trên lưng)

Ông Cu Tai ngự trên lưng Nhân Dân
Ông ngồi cho oai không chịu rời lưng Mẹ
Lưng ghế thì to mà lưng Mẹ nhỏ
Ông ru Mẹ ngủ, để các ông yên
Sông núi ngả nghiêng
Giấc ngủ Mẹ nghiêng

Giặc Mỹ rót đô la vào như con suối
Các ông bỏ túi
Các ông cầm còng
Ai mà thức dậy
Vung chày là xong

Từ trong đói khổ
Ông ra chiến trường
Từ trong đại thắng
Ông vào trung ương
Quan văn hoá và quan tư tưởng
Tay ông hốt bạc
Miệng ông lập trường

* * *

Mẹ nuôi a cay vừa cay vừa đắng
Cu Tai thành tai vạ tai ương
Con mơ cho con
Cho bè cho đảng
Mẹ vẫn lưng còng
Một nắng hai sương

“Ngủ cho ngoan Mẹ ơi
Ngủ cho ngoan Mẹ hỡi !”
Ngự trên lưng Mẹ
Con vô Thiên Đường
Mẹ mà thức dậy
Con cho “lên…Phường !”

Nghe nói hai bài thơ này đã photo tán phát rộng rãi lại còn gửi cho cả văn phòng Ban Văn hoá tư tưởng nữa và cũng chẳng khó khăn để xác minh Tân Hải Triều, Chiêu Hải Tần là ai. Có điều hai cái tên ấy đều lấy từ gốc ở chữ Hải Triều tên bố của Nguyễn Khoa Điềm.

Lại nghe hơi nồi chõ chuyện ông Điềm không phải là đảng viên, thế mà leo lên tới bộ trưởng văn hoá, rồi ủy viên bộ chính trị trưởng ban văn hoá tư tưởng nghiền tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000 ” của Bùi Ngọc Tấn thành bột giấy , mà người tố cáo vụ gian lận đảng tịch của Nguyễn Khoa Điềm lại Là ông Nguyễn Đức Đạo, cậu vợ của Nguyễn Khoa Điềm .
Nguyễn Khoa Điềm đã giữ khá nhiều chức vụ: Tuyên huấn, Thành đoàn, Hội văn nghệ, Tỉnh uỷ, Hội Nhà văn, Bộ Văn hoá, Tư tưởng... nhưng chung quy lại thì chủ yếu vẫn là Tuyên huấn, Báo chí và Văn nghệ , nhưng thơ anh vẫn có nhưng câu độc đáo và cảm động:

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
.....
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?

Tâm sự của anh về thơ thật khúc chiết:

"Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất cuả văn chương, đó là: Lời (lời văn, cách viết) - Hành động (ý tưởng văn chương thúc giục người ta hành động) - Tấm lòng (là tâm hồn tác giả trên từng trang sách). Có lời văn hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ, nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì chưa thể có văn hay.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X bế mạc ngày đầu tuần, cuối tuần người Huế đã thấy ông dọn sách vở, tư trang về ngôi nhà xưa ở Thôn Vỹ.
Việc ông rời Hà Nội về lại Huế không có gì là bất ngờ. Chỉ có điều lẹ quá. Và, “thời kỳ quá độ” từ “quan” chuyển sang “dân” của ông sao mà nhanh đến thế!
Nhớ lại hồi Đại hội IX vừa kết thúc (2001), mới xem danh sách trúng cử ủy viên Bộ Chính trị trên mặt báo, nhà thơ Thanh Thảo đã đặt cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm biệt danh “Người khổng lồ thứ 15”. Từ “Người khổng lồ” nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trở lại làm một người dân thường với một cuộc sống giản dị mà không hề phải… tập ngày nào. Không giống như một ông Chủ tịch một tỉnh miền Trung nào đó, cũng được chính Thanh Thảo xếp vào loại “Người đàn ông yêu nước mình”.
“Người khổng lồ” của Thanh Thảo thì ngược lại, ông đã bàn giao công việc ngay sau Đại hội X và chuyển sinh hoạt Đảng về Đảng bộ phường Vỹ Dạ, nơi ông “qui khứ lai hề”. Ông đã thực sự “chia tay với điện thoại bàn”.

Điện thoại di động vẫn còn nhưng ông đã không sử dụng đến nó nữa kể từ ngày trở về với nơi “sương khói mờ nhân ảnh”, với chốn thanh thản của tâm hồn. Bây giờ ông chỉ sử dụng điện thoại cố định dùng chung với cả gia đình, liên lạc với bạn bè bằng email. Thu thập thông tin thì từ trên báo và trên mạng chứ không phải từ công văn, báo cáo và giao ban hàng ngày.
Ngày mỗi ngày, sau giờ đi bộ, tập thể dục buổi sáng ông lại trở về với thói quen cũ ngày nào: Đi bộ qua Cồn Hến ăn cơm hến, đi ăn bún bò, bánh canh, uống cà phê dọc hè phố, đến sạp báo, hiệu sách. Chỉ có khác xưa là buổi trưa thì phải ăn cơm hộp, do vợ ông đang công tác và ở với các con tại ngôi nhà phố Vạn Bảo ngoài Hà Nội.

Hàng ngày ông lại đi xe đạp như thuở hàn vi, như hồi mới về lại Huế sau ngày giải phóng lên phố, đi thăm bạn bè, về các làng quê ven đô hít thở không khí trong lành Chỉ có khác “ngày xửa ngày xưa” là bây giờ ông đi chiếc xe đạp Nhật chứ không phải loại xe đạp cà tàng, có khi không chuông, không phanh như ta vừa mới gặp lại ở triển lãm thời bao cấp do Bảo tàng Dân tộc học tổ chức.

Cũng không phải lập dị. Ông nói, đi xe đạp là để vừa đi vừa tập thể dục. Cũng nhờ đi xe đạp mà ông gặp được nhiều người quen biết cũ, được thấy “cây đời xanh tươi” và cuộc sống sinh động hơn, được nghe dân nói nhiều hơn và chân thật hơn. Nhưng vì đi xe đạp nên đôi khi cũng gặp rắc rối! Lần ấy ông đến thăm anh em ở Văn phòng Tỉnh ủy, nơi trước khi chuyển ra Hà Nội công tác ông đã làm Trưởng ban Tuyên giáo, rồi làm Phó Bí thư thường trực. Anh chiến sĩ cảnh sát bảo vệ hỏi: “Bác đi đâu”; “Bác là ai”? Ông trả lời: Tôi là Nguyễn Khoa Điềm. Anh ta lại hỏi: “Bác vào gặp ai, bác có giấy tờ gì không”? May thay, trong túi ông có tấm thẻ Đảng vì đêm hôm qua mới đi sinh hoạt chi bộ. Ông đang thò tay vào túi thì anh bảo vệ lại bảo: “Mà bác phải dắt xe lên vỉa hè để tránh đường cho xe vào ra”. Ông lại “líu ríu” dắt xe đạp lên rồi xuất trình thẻ Đảng. Anh bảo vệ điện vào bên trong hỏi: Có ông đảng viên Nguyễn Khoa Điềm muốn vào gặp… có cho vào không”? Câu chuyện thật trăm phần trăm nhưng rất nhiều người không tin, cứ cho đó là chuyện bịa!

Từ giã chức tước công danh về làm người dân lương thiện Nguyễn Khoa Điềm nói với lòng mình :

Bây giờ lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, các vi-dit, nắm đấm mi-cro
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba-lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà-vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình…



Có một ngày

Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa
Và mặc chiếc áo
Anh chưa từng thấy bao giờ
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
Có nỗi buồn
Bằng màu mưa khác
Những nỗi buồn vui anh không có được bao giờ...
Có một ngày
Em tràn đầy hạnh phúc
Ngày em không yêu anh
Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy
Và chiếc áo sờn vai ấy
Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày
Em xoá mình đi
Bằng chiếc khăn màu thơm ngát
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Anh, một chàng trai
Với màu tóc khác

Riêng năm tháng cuộc đời
Thì vẫn như xưa...


Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Em ru Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
"Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoai a Kay hỡi
Mẹ thương a Kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sau"..
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka Lưi
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoan a Kay hỡi
Mẹ thương a Kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi..
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để đánh trận cuối
Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn
Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoan a Kay hỡi
Mẹ thương a Kay mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do..


Tình ca


Ðừng yêu ai, em nhé
Chỉ yêu mình anh thôi
Dẫu tất cả con trai
Bên em đều tốt đẹp

Ðừng thương ai, em nhé
Chỉ thương về anh thôi
Dẫu anh không còn trẻ
Không có chi hơn người

Ðừng nhớ ai, em nghe
Ngoài anh, người bạn cũ
Dẫu ngàn ngày quyến rũ
Là ngàn ngày chưa qua

Chỉ một lần thiết tha
Chỉ một điều mơ mộng
Như chỉ một bài ca
Hãy vì Anh đồng vọng

Yêu anh từ nước mắt
Rơi trong ngày biết yêu
Yêu anh từ tiếng hát
Khi sao xanh những chiều

Yêu anh không lỗi hẹn
Một bông hoa đợi chờ
Nở trong lòng thầm kín
Mặc tháng ngày vụt qua

Yêu anh từ rất xa
Chiến trường anh gối ngủ
Tóc em cùng suối đổ
Trong giấc mơ nhớ thương

Yêu hơn mọi yêu thương
Mà cuộc đời dã có
Nhớ trước mọi nẻo đường
Ðã thổi từng trận gió

Từ tháng ngày chiến đấu
Ta chọn tình yêu ta
Em ơi em- đồng chí
Ngọn cờ và tình ca

Những gì ta đã có
Là em hay cánh đồng
Là mây trên Thành Phố
Hay trăng treo cuối rừng
Ðều cũng là lửa máu
Của đồng đội, đồng bào
Những gì ta phải đổi
Ðến tận cùng gian lao...

Nên vì sao em ơi
Môi anh đau tiếng nói
Lòng Anh vò tiếng gọi
Anh muốn nói một lời
Yêu anh luôn em ơi
Ví không ai có được
Như anh, một tấm lòng

Càng đi vào mặt trận
Càng sáng bừng thủy chung
Càng lao lên lửa bỏng
Càng yêu em tận lòng
Trên ngọn nguồn sông núi
Biết yêu thành mênh mông...


Đất nước

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Khôgn gian mệnh mông
Đất Nước là nơi dân mình đàon tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuát
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...
*
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Những em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Khogn ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết " yêu em từ thuở trong nôi"
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Khôgn hề kừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hành phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng co Tấm cũng làm về hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!...
*
Ta lớn lên khao khát những chân trời
Những mảnh đất chân mình chưa bén được
Những biển khới chứa mặt trời đỏ rực
Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh
Ôi có cách gì ta được ngắm những bình minh
Buổi vũ trụ chớp bùng nên sự sống
Và ánh sáng trên chiếc xe vàng chuyển động
Bỗng một ngày ấm áp kể ta nghe
Về những con ngươi của thiên thể xa xôi
Muốn bầu bạn với con người Trái đất
Ôi phút đó ta vùng lên ngây ngất
Muốn ôm choàng hết tất cả trời mây
Trái tim tay nặng trĩu những mê say
Sẽ gieo xuống làm âm vang mặt đất...

Nhưng em ơi, cái điều trông đợi nhất
Vẫn những gì có thể có hôm nay
Từ hôm nay, trên mảnh đất ta đây
Ta nắm nó như sợi mây vững chãi
Rồi rút dần từ cánh rừng vĩ đại
Của cuộc đời hằng nuôi dưỡng chúng ta
Và diệu kỳ thay! Ta bỗng lóa bất ngờ
Ta đã thấy cuộc đời vô hạn
Giữa đất đai, nhân dân, bè bạn
Ta tìm ra ánh sáng của Con Người
Những Con Người làm sông núi sáng tươi...
*
Những địa danh trôi từ thuở xa xôi
Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt
Đã đọng lại thành tên ngươi, tên đất
Bao năm rồi suốt mặt pha, triền sông
Nhưng không có con người nào đã trôi hết sâu nông

Bằng những người dân miền Tây nghèo khổ
Đây khôgn biển thì rừng làm biển cả
Một biển xanh với cồn sóng ngút trời
Họ bám mình vào tấm rẫy nổi trôi
Rồi gục chết dưới màu xanh vĩnh viễn
Cuộc đời họ mênh mang bất định
Chỉ đó nghèo bám riết lấy màu da
Ôi mây trắng ngang đầu, gió dưới rừng xa
Đất Nước ở đâu? Đâu là Đất Nước?
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Tiếng suối hay tiếng chim?
Tiếng người hay tiếng chiêng?
Tiếng đá lăn, cây đổ?
Thác gào hay đá nổ?
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Đất Nước !Đất Nước !
Đất Nước trên miệng ta rồi
Trong tim ta mang
Trên chân ta bước
Đất Nước !Đất Nước !
Cả núi rừng thét lên đồng loạt!
Đó là năm dưới thời giặc Pháp
Chúng hất hàng chục chòi Ta-ôi ra khỏi bản đồ
Đẩy họ vào những cánh rừng xanh không Tổ quốc
Chính lúc đó
Lửa đã cháy lên!
Lửa ngàn đời từ mỗi bếp cháy lên!
Đốt nhà! Ta đốt hết nhà!
Địu con lên lưng vác giáo lên vai
Đánh trăm chiếc cồng xuyên thủng núi
Mắt người già quắc lên cho đàn trẻ theo
Ta đạp rừng nhằm phía Đông bươn tới!
Ôi ta về nguồn! Về nguồn!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Đất Nước !Đất Nước!
Ôi ta về theo Đất Nước
Ta khôgn chịu làm người dân không Đất Nước

Không Việt Nam
Biển rừng gào lên như muốn níu chân ta
Biển rừng không cuốn ta vào vô định nữa
Ta làm con suối rừng biết tìm sông mà tới
Ta làm con nai biết tìm lối mà về
Mặt trời mọc, mặt trời chỉ hướng
Ôi lòng ta có mặt trời soi sáng
Ta trở về Đất Nước Tôt tiên ơi!...
Và hôm nay
Khi bom thằng Mỹ tới
Cắt ngang những nói nhọn nhà làng
Chôn những nhà mồ vào đất bụi
Ta đánh lên tiếng cồng
Ta gọi vang rừng vangn úi

Đất Nước!
Ta đánh lên tiếng chiêng cho cả Bắc Nam cùng nghe được!
Nghe tấm lòng người Tà-ôi, Pa-kô, Cà-tu
Thuỷ chung Đất Nước
Rồi ta quăng cồng dưới suối
Rồi ta chủ chiếng dưới cây

Ta đi
Trong âm vang yêu nước
Ta đi với rựa và tên
Rựa ta mài vào gỗ thành nương
Tên ta gài xuống đất thành bẫy
Thằng Mỹ vào thì xác mà để đấy!
Thằng nguỵ vào thì xác nó đừng chôn!
Cho cháu con ta, ai sau nữa, được nhìn!
Ôi Đất Nước đầu mũi dao
Đất Nước đầu mũi tên
Đất Nước đầu tiếng chiêng
Đất Nước là ngọn lửa
Đất Nước tràn lên từng đỉnh núi
Đất Nước thiêng liêng...

*

Đêm nay ta lên hết mặt sông Hồng!
Nước đánh động dưới chân ta rồi
Đất Nước
Đang gọi ta từng hồi trống thúc
Đất Nước xoáy nhào tim ta
Ký ức
Đất Nước muôn đời đang vặn mình, đang sôi...

Chúng ta là người dân miền Nam
Nhung tôi biết anh gốc gác họ Hoàng Kinh Bắc
Còn tôi họ Nguyễn tỉnh Đông
Huyết thống ta trôi trên bán đảo âm thầm
Hôm nay bỗng réo sôi từng hồi từng trận
Khi cơn lũ đang lao qua châu thổ sông Hồng!

Ta lên hết mặt đê sông Hồng!
Dẫu chỉ bằng tâm tưởng
Ở đâu đó ta không còn nhớ nữa
Sao tổ tiên ta cầm cuốc, cầm cày
Cầm giáo, cầm khiên và cất tiếng hát lưu đày
Để xa châu thổ từ độ ấy...

Ôi những gốc tre tổ tiên ta từng thấy
Vẫn còn nguyên trên bờ bãi sông Hồng
Lúa lên xanh trên những cánh đồng
Cũng có tay cha ông in vào trong lúa
Sâu thẳm quá cho đến từng mái rạ
Cũng có dáng một ngày cha ông khăn gói bước ra

Ôi những gì Người đã ước mơ
Thì bây giờ cũng thơm lá thơm hoa
Nên hôm nay chúng ta
Phải lên hết đê sông Hồng mà giữ lấy!

Đất Nước
Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy!
Đất Nước
Đất Nước không thể trôi được!
Máu xương, mồ mả tổ tiên đã trôi đi
Những dòng họ đã trôi đi
Nhưng hôm nay không thể nào trôi được!

Đất Nước
Đang gầm lên trong sóng gió ngất trời
Hàng chục triệu thước khối nước đang lao vào mặt đất
Cuộc xáp trận của vật chất muốn đè vật chất
Của thiên nhiên đè xuống con người
Ta vươn mình gánh lấy đất đai
Ta ném máu xương ta vào làm vật cản
Tất cả ý chí và sinh mạng
Phải được vai dựa vào vai, đùi gối lên đùi
Đẩy con đê sông Hồng tiến lên phía trước
Thắng giặc Mỹ hay thắng giặc nước
Đều nhất tề xung phong!

Sơn Tinh đang nhìn ta lo lắng đăm đăm
Cả nhân loại đang nhìn ta cổ vũ
Con cháu ta mai sau hối hả lật từng trang lịch sử
Ngợp trước con đê sông Hồng lên cao, lên cao...
Chào 4000 năm! Con đê như một cánh tay cao
Của thế trận những người làm chủ
Làm chủ cuộc đời và lướt từng đỉnh lũ
Bảo vệ miến Bắc, chi viện miền Nam!

Mẹ Việt Nam ơi!
Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của Mẹ
Ôi cánh tay rắn rỏi, dịu hiền
Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin
Đó là hai cánh đê sông Hồng của Mẹ
Mẹ phả vào mặt con nồng nàn mùi sữa
Của những đồng xa nguyên vẹn như mùa
Con đã đi xa từ thuở ấy đến giờ
Nay bọn Mỹ còn cắt chia Đất Nước
Nhưng đêm đêm con trở về thân thuộc
Ngủ trêncánh tay Mẹ hiền từ cay đắng nuôi con
Trong tháng năm chớp bể mưa nguồn
Ru con lớn và làm người thương Mẹ...

*

Đã có một thời
Ai muốn vào châu Mỹ La-Tinh
Đến trước vịnh Ca-ra-ip
Sẽ không cần dùng địa bàn
Cứ nhìn những xác da đen
Trôi bập bềnh trên biển
Những xác da đen chỉ hướng
Đưa anh vào "mảnh vườn sau"của chủ nghĩa thực dân
Đã có một thời
Ai muốn đến Việt Nam
Cứ hteo gót những đàn ngựa phương Bắc
Hay chữ thập trên tàu buôn nước Pháp
Các bạn sẽ tìm ra Việt Nam
Bởi vì ngày ấy
Nước chúng tôi chưa có trên bản đồ thế giới
Ngôn ngữ loài người chưa biết hai chữ "Việt Nam"
Và dẫu bạn đến đây
Chỉ có những tên đô hộ phủ toàn quyền
Đứng ra tiếp bạn
Nhưng hôm nay
Bạn hãy đi theo những đoàn đi bộ tuần hành
Mang những lá cờ sao vàng
Ở Pa-ri, ở Mát-xcơ-va hay Xtốc-khôn
Bạn sẽ đến được Việt Nam tôi đó

Bởi vì Việt Nam hôm nay
Nằm giữa lòng thế giới
Nằm trong tim nhân loại
Nằm trên con đường dẫn ta tới giá trị Con Người...
Bởi vì Việt Nam hôm nay
Là Việt Nam chống Mỹ
Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ
Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa Tự do...

Bạn đến đây
Đã có Bác Hồ
Và Nhân dân tôi sẵn sàng đón bạn
Dẫu Người đi vắng
Bạn có thể đến nhà Người thăm một khóm hoa
Rồi cùng nhân dân tôi trò chuyện
Nhân dân tôi đẩy tình yêu mến
Đã được Người dặn dò trước phút đi xa...

Bạn hỏi vì sao cúng tôi yêu quý Bác Hồ
Bởi vì Người là Người đầu tiên
Về với Đất Nước chúng tôi
Mang chủ nghĩa Mác-Lê nin
Chứa trong trái tim yêu nước nhất
Khi Người đặt tay lên
Hòn đất Việt Nam đầu biên giới
Thì từ đó
Đất không phải là đất nữa
Đất là chiến hào
Đất là cạm bẫy
Đất là hoa trái
Nuôi chúng tôi, che chúng tôi cầm súng lên đường!

Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương
Có lại dáng búp sen nghìn năm của chùa Một Cột
Và những búp sen miền Nam tận bùn lầy Đồng Tháp
Có Người, cũng đã thành thơ
Có Người, mỗi mũi tên đồng Cổ Loa
Không chịu vùi dưới đất
Không nằm yên trong viên bảo tàng
Chúng bay lên xé gió thời gian
Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử
Để cắm vào đầu giặc Mỹ!
Có Người, pho Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt
Biết toả hào quang từ hàng chục cánh tay
Có Người, pho Bồ Tát triều Lý chỉ còn đầu
Vẫn nguyên vẹn trong lòng chúng tôi nhờ búi tóc thời vua Hùng để lại
Và pho Kim Cương trên đôi chân vững chãi
Dẫu mất đầu vẫn giữ một dáng đứng Việt Nam
Đấy, Đất Nước chúng tôi đổ vỡ biết bao lần
(cả những pho từ bi cũng không ngoài hoạn nạn
Nhưng có Người, những cái mất đi phải trả về hình dáng)
Quá khứ được nhìn từ đôi mắt Hôm Nay
Và Hôm Nay từ đôi mắt Ngày Mai
Chúng tôi sống bằng Tương lai một nửa
Bằng tình yêu vô hạn những con người
Như Hôm Nay nhìn Đất Nước cắt đôi
Chúng tôi đã thấy ngày hàn gắn...

Bởi vì Người là người đầu tiên
Yêu miền Nam trong trái tim mình
Yêu tuổi trẻ miền Nam 25 năm
Chưa có được ngày hạnh phúc

Mà Người dạy chúng tôi
Hãy bền gan đánh giặc
Dẫu phải chết cũng không khuất phục:
"Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!"

Chúng tôi là con cháu Bác Hồ
Có nghĩa là chúng tôi giống Bác
Những gì còn non nớt
Chúng tôi học tập để sống, chiến đấu như Người

Bởi vì Người là đất nước của chúng tôi
Mỗi sợi tóc trắng của Người đều ghi ngày gian khổ nhất
Của Đất Nước, những năm dài đánh giặc
Đôi dép của Người mòn vẹt gót
Người đã đi những ngả đường Đất Nước hành quân

Trái cà Người ăn
Cũng là trái cà nuôi người anh hùng đầu tiên-thánh gióng
Cây gậy Người cầm
Cũng có thể tìm trong trăm ngàn gậy vượt Trường Sơn
Ý chí của Người
Ý chí toàn dân tộc
Lý tưởng của Người
Sự sống chúng tôi mang...
Hồ Chí Minh - Việt Nam
Bạn và tôi cùng gọi
Hồ Chí Minh - Việt Nam

*

Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay Người
Trái không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay Người ao ước
Khi trái chạm vào tay Người và Người ấp ủ
Thì lừng hương tay Người và Người ấp ủ
Thì Lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do...
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay Người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam

Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay Nhân dân, hỡi sắc vàng cảu nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..

Hãy ngã vào tay Nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng tự do, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu Nhân dân và nghe Người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!

- Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đây tiếng hát chúng con:
Tiếng hát xuống đường!

ST- BS & GT