Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN





Phùng Quán (1932-1995) là nhà văn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lịch sử văn học Cách mạng Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20. Anh là một nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở thiếu thời

Đi theo Vệ quốc đoàn chiến đấu vì Tổ quốc, nhân dân. Dù phải vượt qua vô vàn tai ương, đau khổ suốt 30 năm trời từ sau vụ "Nhân văn giai phẩm"; dù phải đi lao động cải tạo từ Thái Nguyên, Việt Trì, Thanh Hóa, Thái Bình, không nhà cửa, thậm chí lấy vợ , có hai con rồi mà không có chỗ trú thân. Tên không được in trên sách, phải "cá trộm, rượu chịu, văn chui".Thế mà anh không hề thù oán ai, vẫn cặm cụi viết và vẫn viết "dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối", luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng cách mạng, xưng tụng tình yêu bằng những tác phẩm văn chương cuốn hút bốc lửa và thiết tha, nhân bản.

Một Phùng Quán - Văn với tiểu thuyết "Vượt Côn Đảo". Cho đến bộ tiểu thuyết ngót ngàn trang "Tuổi thơ dữ dội", được tái bản lần thứ chín (lần tái bản gần đây nhât do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện năm 2005). Tuổi thơ dữ dội được đạo diễn Vinh Sơn dựng thành phim cùng tên làm xúc động hàng triệu khán giả Việt Nam trong và ngoài nước. Phim được giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam và Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. "Tuổi thơ dữ dội" xuất hiện 32 năm sau sự kiện "Nhân văn", được giải thướng Hội Nhà văn, chứng tỏ sự thủy chung, gan ruột trước sau như một của ngòi bút Phùng Quán đối với con đường mà anh đã chọn!

Một Phùng Quán - Thơ coi "thơ là lý lịch, là mạng sống đời tôi "; với những bài thơ gan ruột như bài thơ "Lời mẹ dặn" nổi tiếng một thời:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…


Và những bài thơ "Hôn", "Trăng Hoàng Cung", "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe"… đọc lên như nghe lời kinh cầu nguyện cho thân phận con người:

Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt?…


Ngoài tiểu thuyết, trường ca, thơ, Phùng Quán còn có hàng chục bài ký thấm đẫm chất nhân văn viết về những người thân, về đồng đội, đồng nghiệp nôỉ tiếng của mình như Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hồ Vi, Phùng Cung, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn…; viết về những chiến sĩ cách mạng Cuba; những hồi ức về những ngày đánh Pháp ở Huế, những ngày đi lao động cải tạo ở công trường Cổ Đam, Thái Bình.v.v… Một số bài viết đã được giới thiệu trên các báo, nhưng cũng có những bài viết chưa công bố bao giờ nằm trong lai cảo, do vợ nhà văn cung cấp.
Chuyện vô cùng cảm động về Người bạn lính cùng tiểu đội. Đó là thiên ký sự tài hoa viết về một quãng đời đầy tai ương, khốn khổ của nhà thơ Tuân Nguyễn - một người bạn cùng quê, cùng đơn vị chiến đấu thân thiết nhất của Phùng Quán.
Chuyện nhà thơ Tố Hữu đêm mưa rét vẫn nhiệt tình tiếp các cháu thiếu nhi viết văn ở ba miền; Cchuyện Bản hùng ca bị mối xông và 17 bộ hài cốt liệt sĩ là những trang viết hào hùng và cảm động về trung đội cảm tử Vệ Quốc Đoàn của Trung đoàn Trần Cao Vân đã hy sinh tập thể rất cao cả trong những ngày toàn quốc kháng chiến khốc liệt ở Huế.
Chuyện Ba phút sự thật kể về anh hùng dân tộc Cuba Ăngtôniô Êchxêvania đã vạch kế hoạch đánh chiếm đài phát thanh quốc gia để có 3 phút nói lên sự thật, vạch mặt chế độ độc tài Batista…

Từng câu chuyện dù rất ngắn của Phùng Quán bao giờ cũng toát lên triết lý nhân văn sâu sắc, găm vào trí nhớ người đọc. Trong Ba phút sự thật, anh viết: “Câu chuyện dạy tôi một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ. Cả những đề tài lớn nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây phút đồng hồ quý báu đó”…
( Để có được những tư liệu giá trị phải cám ơn chị Vũ Thị Bội Trâm, người mà khi yêu Phùng Quán, gia đình, cơ quan ngăn cản, đã khẳng khái: “Tôi tin anh ấy là người tốt, thời gian sẽ trả lời”. Chị Bội Trâm năm nay 74 tuổi, cách đây hơn 20 năm, chị bị ung thư vú, thế mà đêm đêm vẫn giương mục kỉnh, lục tìm, đọc và chép lại từng tờ di cảo của chồng giúp cho người làm sách )
Phùng Quán đã để lại trong lòng bạn bè đồng nghiệp một nhân cách cao cả, một lòng tin yêu đồng đội và nhân dân sâu sắc, một tấm gương lao động hết mình… với gần trăm tác phẩm thơ, trường ca, truyện thơ, tiểu thuyết, truyện tranh được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ.
Tất cả những áng văn ấy được Phùng Quán viết với một giọng văn tự sự pha hài rất chuyên nghiệp, lão luyện, kết cấu đầy kịch tính, dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đọc văn Phùng Quán - bạn đọc sẽ hiểu thêm số phận bi tráng mà cao thượng của những người trí thức; càng hiểu thêm sự nhân hậu của cây bút Phùng Quán một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ.

Phùng Quán qua đời, vào ngày 21 tháng 1, năm 1995. Sau khi đã nhắm mắt xuôi tay, ông được thiên hạ nhắc nhở đến thường hơn - với ít nhiều ưu ái. Bài báo mới nhất viết về nhà thơ này, ký tên Nguyễn Thị Minh Tâm, tựa là “Nhiều Nơi Cúng Giỗ Phùng Quán” - xuất hiện trên báo Tiền Phong Online, vào ngày 03 tháng 12 năm 2006 :
“Mỗi người về cõi âm để lại cho gia đình, người thân một ngày giỗ, như là ‘kỷ niệm’ cuối cùng! Thường thì ngày giỗ do người thân thiết nhất là bố mẹ, vợ, con nấu cúng. Riêng nhà văn Phùng Quán thì lại rất khác…”
“Ngày 21 tháng 12 âm lịch là ngày giỗ anh Quán, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đồng Hới… đều cúng…” “Nơi thì buổi sáng, nơi buổi chiều. ở Hà Nội thì chị Bội Trâm cùng các con cúng giỗ chồng, giỗ bố… Nhiều cuộc giỗ, dù bận việc, thế nào anh Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn cũng đến thắp hương cho anh Quán. Nếu không đến được hôm giỗ, thì thế nào hôm sau anh Thỉnh cũng đến thắp hương và thăm gia đình…”
“Còn ở các tỉnh thì ai cúng?… Họ không phải là bà con họ hàng gì với anh Quán cả, chỉ là bè bạn văn chương, hay anh em quen biết, thế mà Phùng Quán mất đi là nỗi đau của họ, nên ai cũng nhớ ngày cúng giỗ…” “Anh em lập một bàn thờ dưới một gốc mít cổ thụ ở vườn nhà, treo ảnh Phùng Quán, mua con gà giò đơm theo kiểu cúng và các món vàng mã, xôi, rượu…”
“Thắp nhang xong, chủ nhà khấn vái Phùng Quán: “Mong anh yên tâm nơi chín suối, vì bây giờ đất nước đã đổi mới, Đảng và nhân dân nhất định sẽ hiểu anh, thương anh hơn .... “

Lời Mẹ Dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Hôn

Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết !
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận !
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu !
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn !
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ !

Say

Rượu là bậc thiên tài tạo nên ảo tưởng
Tăm tăm tình bạn
Chếnh choáng tình đời
Líu lưỡi tình người
Nôn nao thân phận!...
Chiếu rách ta ngồi
Lắc lư thuyền sóng
Cái giường long mộng
Một giòng sông trăng...
Ta cũng Lý Bạch !
Vồ trăng đáy sông
Mạn thuyền vừa cúi
Râu tóc bỗng lừng
Mắm tôm, chanh, ớt...
Trăng ta vồ được
Một mảnh ni lông !
Ta hơn Lý Bạch
Ta vồ được trăng !
Trăng ta đem gói
Nào dồi nào lòng...
Bên ta mỹ nữ
Mặt hoa che đàn
Ta Bạch-Cư-Dị !
Khách bến Tầm Dương..
Tư mã Nghi Tàm
Lệ đầm áo rách
Câu thơ bị biếm
Mềm môi ngâm tràn
Giai nhân ! Giai nhân!
Mặt hoa ửng đỏ
Vì cảm thơ ta
Hay vì men lửa
Nghiêng đàn tỳ bà
Trăng rọi mặt hoa...
Ta nhìn xuống mâm
Lòng dồi như vét...
Vừng trăng nhoe nhoét
Một đống tỳ bà !
Ta nhìn giai nhân
Té mụ nạ giòng
Ta quen biết cũ
Nghiêng đàn tỳ bà
Té ra bát đũa
Tay gắp miệng và...
Ha ha, ha ha !
Cười đâu ta khóc...
Ta cười Lý Bạch
Cười giòng sông trăng
Cười Bạch Cư Dị
Cười bến Tầm Dương
Ta cười giai nhân
Mặt hoa che đàn...
Ta cười thân ta
Thiên sinh ngã tài...(1)
Mà ta vô ích
Vô ích ! vô ích !
Ta cười rượu xoàng
Uống hoài vẫn tỉnh!...

Tạ

Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm...
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ...
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao !
Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ trời
Tạ đất
Đã mưa thuận gió hoà đêm mẹ lên giường sinh
Con tạ bà mụ vườn
Tạ lưỡi liềm cùn cắt rốn
Đã đỡ con ra đời
Vẹn toàn, sung sức...
Con tạ
Manh chiếu rách con nằm
Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát....
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước...
Để hôm nay con được sống
Được lớn khôn...
Được chiến đấu hết mình
Vì tự do của Tổ Quốc
Được ca hát hết mình
Tổ Quốc thành thơ !

Cảm tạ

Như một triệu phú hoang toàng
Tôi đã bốc rời thơ tôi
Ném vung vãi tiêu xài không tiếc
Vàng-nén-thơ tôi đem làm đá lát đường
Cho những bàn chân lao lực
Với một lòng tin ngu dài ngây thơ
Thơ mình tiêu trọn đời không hết!...
Nhưng rồi một hôm
Cách đây đã nhiều năm
Tôi choáng người lục túi
Túi rỗng không!
Vàng-nén-thơ tôi đã tiêu đến vụn cuối cùng...
Nhà triệu phú phá sản
Túi rỗng không một đồng
Vẫn có thể sống
Bằng cách ngửa tay xin bố thí
Nhưng làm sao tôi có thể
Sống không thơ?...
Thơ tôi biết xin ai
Ai cho?
Thơ với tôi là nước trên sa mạc
Đã từ nhiều năm nay
Tôi sống mà như chết
Cơn khát thơ thiêu đốt trái tim tôi
Tôi đã đi rao cùng thiên hạ:
- Ai - đổi - thơ - lấy - máu!
Không ai đổi
Vì máu tôi không cùng nhóm máu họ (1)
Và thơ họ không cùng nhóm thơ tôi (2)
Giữa thành phố quê hương
Bất ngờ tôi gặp em
Rất thật mà như là ảo giác
Một ốc đảo bóng chà là xanh mát
Giếng sa mạc đầy tràn...
Tôi uống thơ tôi từ đôi mắt em nhìn
Tôi vục môi uống không kịp thở
Cảm tạ em tôi đã hồi sinh!...
Trong khoảnh khắc tôi lại trở thành triệu phú
Vàng - thơ em cho lại đầy ắp hồn tôi
Em cho hào phóng
Như suối nguồn nơi phát tích
Em cho đầy tràn
Như cơm trong nồi đất Thạch Sanh!
Cảm tạ em
Tôi đã hồi sinh...
Cây mận Vĩnh Linh
Lấp hố bom giữa nhà
Tôi ươm một trái mận
Trái mận tôi cạy ra
Từ bàn tay vợ nắm
Vợ tôi sắp làm mẹ
Thèm ăn rở của chua
Túi áo nàng không khế
Thì cũng mận, cũng mơ
Ôi trái mận, trái mận
Cắn giở còn vết răng
Nảy mầm trong xót thương
Đâm chồi trong thù hận
Vĩnh Linh im tiếng súng
Tôi trở lại ngôi nhà
Nơi vợ tôi nằm xưa
Xum xuê một cây mận
Ôi cây mận, cây mận
Trái chín trĩu cành cong
Trái nào tôi cũng thấy
Cắn giở có vết răng !

Cây xương rồng

Cây chi cây lạ lùng
Không cành cũng không lá
Toàn những thân với thân!
Mà thân thì dựng ngược
Như gậy gộc nghĩa quân
Toàn những góc với cạnh
Lại tua tủa gai chông!
Nhựa độc hơn bọ nẹt
Gai buốt nhọn hơn gươm
Người nghèo đem luộc kỹ
Ăn lại lành thay cơm!
Mọc lên từ cát lửa
Hồn vẫn xanh mát trong
Che chở người lương thiện
Trộm cướp đều ngại ngùng
Tên như một biểu tượng
Đời gọi cây xương rồng...
Xương Rồng ơi Xương Rồng!
Anh có thật xương rồng?
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hoá thân?...

Chiều hành quân

Chiều mưa hành quân
Nước đầm trấn thủ
Qua những ngôi nhà bé nhỏ
Như tổ chim mọc rải rác bên đường
Quanh bếp lửa hồng
Vợ chồng con cái
Ngồi so đũa bên nồi cơm mới xới
Trắng dẻo ngọt ngào thơm.
Chúng tôi quên mưa lạnh đường trơn.
Thấy lòng ấm lại.
Trong niềm vui no ấm của nhân dân.
Em bé bỏ bát ăn
Chạy ra cửa
Tranh nhau đếm bộ đội
Đếm ba lô
Đếm súng
Nhoẻn miệng cười, mắt sáng như trăng.
- Súng nớ của mi !
- Súng ni của tao !
- Súng tao to hơn !
- Súng tao dài hơn !
Chúng tôi cười :
- Súng của các em tất cả
Trao cho anh đi giành lại áo cơm.
Em cười như ngô rang.
Ấm cả chiều mưa lạnh.
Vành môi em lấp lánh
Cất tiếng hát tình tang:
- Hoan hô anh vệ quốc đoàn,
Ăn sương nằm đất đánh tan quân thù
Tính tình tang, tang tính tình.
Tiếng hát thanh thanh
Ngọt mùi sữa mẹ
Như nhắc chúng tôi
Giữ lấy hoà bình các anh nhé
Cho em vui hát mãi điệu tính tang.

Chống tham ô lãng phí

Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng
Bởi đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa...
Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ;
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau ra Tết !
Để được ăn no có thịt
Một ngày...một ngày...
Tôi đã đi giữa Hà Nội
Những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em công nhân đổ thùng
Run lẩy bẩy chui hầm xí tối
Vác những thùng phân...
Thuê một vạn một thùng
Mấy ai dám vác ?
Các chị suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con...
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng, thắt lưng để sống
Để dựng xây, kiến thiết nước nhà
Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm từ bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi Cách Mạng !
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả !
Các đồng chí ơi
Tôi không nói quá
Về Nam Đinh mà xem
" Đài xem lễ " họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng !
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ " Đài xem lễ " tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo...
Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu
Đảng đã phê bình trên báo
Còn bao tên chưa ai biết ai hay?
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy...
Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ !
Khắp đất nước đâu đâu chẳng có !
Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả
E phải nghìn số báo Nhân dân !
Tôi đã dự những phiên toà xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm khoét áo chúng ta
Ăn cắp máu dân đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, em gái...
Còng lưng rỏ mát lấn vành đai !
Trung ương Đảng ơi !
Lũ chuột mặt người chưa hết.
Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt
Có tôi !
Đi trong hàng ngũ tiên phong

Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe

Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích...
Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi...
Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan...
Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật !...
Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết...
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà...
Đọc lên trào nước mắt !
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.
Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói !...
Giật mình trên tay vợ
Bỗng nẩy một hạt sương
Hạt nửa rồi hạt nửa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.
Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi !...
Vụng về...tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương...
Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi !...
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt !
Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt
Em ơi, nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt...
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt !
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ Lão biệt...
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con...
Đắp mặt áo bông sờn.
Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm...ngàn năm

Hoa cứt lợn

Tôi ước thơ tôi được như hoa cứt lợn
Nở giữa hoang vu vẫn bẩy sắc cầu vồng
Đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ
Chẳng hệ luỵ gì miếng đỉnh chung...

Hoa Sen

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn "
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân !
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
....Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tất cả là trong cái chữ " gần "
Chỉ một chữ mà ta thất gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần ?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh...
Tất cả, tất cả, tất cả !...
Là do bùn hôi nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh !
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ...
Nhân danh bùn
Nhân danh sen
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian !

Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo

Bóng đêm trùm Côn Đảo
Sóng bể réo ầm ầm.
Gió hun hút đồi thông,
Trại giam nằm như chết.
Trập trùng lưới dây thép,
Trăng in bóng tháp canh.
Côn Đảo bỗng rùng mình.
Ai cất lên tiếng hát ?
Tiếng hát ngân cao vút.
Bay bổng giữa trời đêm.
Tiếng hát của chúng mình:
...Cờ pha máu chiến thắng...!
Trại giam đang yên lặng.
Tù nhân ngồi cả lên.
Nín thở ho thật êm.
Nghe tiếng hát dội thấm qua vách đá.
Bóng một lá cờ đỏ
Chói lọi như mặt trời.
Theo tiếng hát chơi vơi.
Mọc lên giữa địa ngục.
Tiếng người nào đang hát ?
- Một đồng chí của ta.
Giặc đem đến hôm qua.
Giam ở ngục đá xám,
Đợi ngày mai đem bắn.
Đảo càng khuya càng vắng,
Tiếng hát càng ngân cao.
Anh em khóc nghẹn ngào:
- Hát một đêm cuối cùng để mai chết.
Đồng chí ơi còn bài gì hát tiếp,
Hai ngàn chúng tôi thức suốt cả đêm nay !
Hàng ngàn bộ xương gầy,
Rít lên trong bóng tối.
Những người bị xiềng trói
Cựa mình xích kêu vang.
Muốn vùng dậy bẻ tan
Chạy đến người đang hát
Tên lính Phi đứng gác
Trước cửa ngục tử hình
Nghe tiếng hát lặng thinh,
Chống cằm lên mũi súng.
Người tù sắp xử bắn,
Vẫn hát mắt mở to.
Trong bóng tối sáng loà
Hai vì sao Bắc đẩu.
Người đang hát: chị Sáu,
Một cô gái miền Nam.
Năm nay mười bảy tuổi tròn
Hiền như bông lúa chín thơm giữa đồng.
Đêm hôm nay xích sắt cùm hai chân.
Ngồi trên đá như ngồi trên đống tuyết
Ngồi suốt đêm nay đợi ngày mai giặc giết,
Tóc chưa chấm vai, đời đẹp tựa trăng lên.
Nhưng mắt Sáu vẫn long lanh,
Vẫn thấy như mình sống giữa tự do.
Trên đường vào đảo hôm qua
Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung,
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê.
Bọn lính giặc như mê.
Trợn mắt nhìn cô gái,
Sắp chết mặt vẫn tươi roi rói,
Môi không tắt nụ cười:
- Trên cành chim hót chim ơi,
Ta làm cách mạng ta vui đến cùng,
Ngày mai chim đến mà ăn
Nhà tù Côn Đảo thành đồng lúa thơm.
Chim tìm bông lúa ngát hương,
Đặt lên nấm mộ đất vàng cho ta.
Nghe tiếng hát thiết tha
Của người tù sắp chết,
Tên chúa đảo quen ăn gan uống huyết,
Chiều hôm qua phải sởn ốc rùng mình.
Đêm hôm nay giữa lao tối vắng tanh,
Sáu hát mãi, căm thù chan chứa.
Hát bao nhiêu bài không nhớ nữa
Tiếng hát gợi lên những chuỗi ngày:
Sáu còn bé bỏng thơ ngây,
Một sớm nắng đẹp cờ bay đỏ làng.
Từ đó Sáu được đến trường,
Đêm thu trăng đẹp hát vang sân đình.
Rồi Tây đánh chiếm làng mình
Giếng trong đỏ máu, ruộng xanh cháy vàng,
Một đêm Sáu nằn nì xin me:
- Cho con làm liên lạc Công an.
Năm ấy mười bốn tuổi,
Mật thám chăng đầy lưới
Giữa thành phố Sài Gòn
Treo cờ đỏ sao vàng,
Giết Tây bằng lựu đạn
Ban ngày trong khách sạn
Tan xác bốn quan ba.
Lần cuối cùng sa cơ,
Sáu lọt vào tay giặc,
Đời trắng trong xanh ngắt,
Mới mười sáu tuổi đầu.
Chịu bao nhiêu thương đau.
Lê dương thay nhau hiếp,
Kìm gắp từng miếng thịt.
Cắt vú, đốt cửa mình.
Nghiến răng chịu nhục hình,
Sáu nhổ vào mặt chúng:
- Chúng tao làm cách mạng,
Không sợ chết sợ đau.
Thù chúng mày giết tao,
Đồng chí tao sẽ trả.
Ra toàn án áo đỏ
Chúng kết án tử hình,
Mắt Sáu vẫn long lanh
Thản nhiên nghe tuyên án
Có gan ném lựu đạn
Giết Tây giữa Sài Gòn,
Có gan đứng hiên ngang
Trưóc những giờ phút cuối.
Nhưng Sáu chưa đủ tuổi.
Chúng không thể giết càn.
Cắn răng nuốt bồ hòn,
Giam thêm hai năm nữa.
Sáu nghĩ: còn hơi thở,
Còn phục vụ nhân dân,
Mình còn sống hai năm,
Không thể xa cách mạng.
Giặc đẩy Sáu vào khám
Những tù nhân tử hình
Sống ở đây đinh ninh
Đếm từng ngày đợi chết.
Yêu Tổ quốc tha thiết,
Yêu Bác, yêu nhân dân.
Sáu không thể ngồi không,
Đợi ngày đưa đi bắn,
Ở đâu cũng có Đảng,
Ngay giữa tim kẻ thù,
Chi bộ của nhà tù,
Sáu được làm liên lạc.
Ngày nấu cơm đun nước,
Đem đến cho anh em,
Những người bị xiềng gông.
Cho đến giờ phút cuối.
Những đồng chí hấp hối,
Quằn quại kiết, ho lao,
Ngày hai buổi Sáu vào,
Nắm tay từng đồng chí,
Chuyền hơi ấm Đoàn thể,
Cho trái tim sắp ngừng,
Chuyền sức mạnh tinh thần
Cho những người, giặc sắp đưa đi bắn.
Một buổi trưa chúng vào khám
Bắt gặp Sáu đưa tin,
Chúng lồng lộn như điên,
Thét lên: Con khốn nạn,
Mày dám làm cách mạng
Đến chết vẫn không thôi !
Sáu bình thản mỉm cười:
- Lời chúng bay rất đúng !
Sáu chưa đến mười tám,
Chúng không dám để lâu,
Lén lút bỏ xuống tầu,
Đưa Sáu ra Côn Đảo
Hôm qua chúng nó bảo:
- Ngày mai sẽ giết mày.
Sáu kiêu hãnh khoanh tay:
- Ngày mai tao sẽ chết
Ngày ấy đã đến rồi !
Đêm nay qua gần hết.
Xa xa vọng vào tai
Tiếng chim rừng chiêm chiếp
Ánh sáng hiện lờ mờ,
Lọt vào ngục đá xám.
Ánh sáng báo đến giờ
Quân thù đưa đi bắn.
Sáu lấy đôi hoa tai
Của phụ nữ Nam Bộ
Tặng Sáu hôm xác Tây gục đổ
Giữa thành phố Sài Gòn,
Đeo vào vành tai nhỏ thon thon.
Tình đoàn thể dạt dào thấm thía.
Sáu vẫn hồn nhiên như đứa trẻ,
Nghiêng nghiêng đầu vuốt mái tóc rối tung.
Sáu nhớ lời mẹ bảo:
- Bao giờ tóc con chấm ngang lưng,
Mẹ mua cho chiếc khăn màu hoa thiên lý.
- Thôi mẹ đừng mua nữa !
Tóc con sẽ không bao giờ dài.
Còn mười lăm phút nữa thôi,
Tim con sẽ ngừng đập !
Tóc con, giặc nó sẽ chôn xuống đất.
Nó muốn chôn hết những gì mẹ quý mẹ thương.
Nhưng mẹ ơi đừng buồn !
Mẹ mất một mái tóc con,
Cho muôn mái tóc xanh hơn thế này.
Tóc con mục nát ở đây,
Tóc em con đẹp gió bay đến trường.
Ngoài đường xe rú vang,
Rít phanh cửa lao mở,
Sáu bước ra giữa hai hàng thú dữ.
Lên xe bình thản ngồi.
Nghe tiếng rú xe hơi
Ngàn người, hàng ngàn người
Đứng lên, đứng lên hết,
Đứng lên trong tiếng hát:
Bao chiến sĩ anh hùng...
Tiếng hát muốn lật tung
Tường đá xây song sắt.
Tiếng hát hoà nước mắt,
Đầm đìa như máu tươi.
Căm thù sùng sục sôi,
Tay chân cuồn cuộn máu
Chúng nó giết chị Sáu,
Người chị của chúng ta !
Trên địa ngục tha ma
Thêm nấm mồ đồng chí.
Chúng ta thương xót chị.
Căm thù quân dã man,
Cương quyết không đi làm.
Ngày hôm nay tuyệt thực !
- Đả đảo bọn đế quốc !
- Đả đảo quân giết người !
Trái đất còn mặt trời,
Lửa thù này chưa tắt.
Hai ngàn người cúi đầu răng nghiến chặt,
Tiễn biệt người đồng chí anh hùng.
Xa xa dưới đồi thông,
Nắng lấp lánh đầu lưỡi lê rờn rợn.
Sáu xuống xe đi giữa hai hàng súng,
Tiến thẳng ra đứng giữa hiên ngang,
Mắt sáng át lưỡi lê và thép súng.
Tên chúa đảo bắt đồng bào từ sớm,
Đến tập trung vây kín cả hai bên:
- Xem quan lớn hành hình Việt Minh,
Để chúng mày làm gương răn đe kẻ khác.
Đồng bào bưng mặt khóc,
Như xé ruột cắt lòng.
Trên trời dưới biển mênh mông
Xa Bác, xa Đảng, nhân dân đồng bào.
Thương chị nhưng biết làm sao,
Hai tay không súng không dao nhìn trời !
Sắp đến giờ bắn rồi,
Chúng nó hỏi:
- Muốn gì trước khi chết ?
Sáu nhìn đồng bào mến yêu tha thiết.
- Muốn nói với đồng bào
Cắn răng nuốt nghẹn ngào,
Nói từng lời rắn rỏi:
- Chúng nó giết tôi năm nay mười bảy tuổi,
Nghĩ đến Tổ quốc tôi không sợ kẻ thù.
Nhất định có ngày bộ đội của Bác Hồ,
Sẽ đến cứu chúng ta khỏi lao tù ngục tối
Cha đạo đến đọc kinh rửa tội
Cho ngày mai con được lên Thiên đàng.
Sáu gạt đi bảo rằng
- Tôi không làm gì có tội
Và chỉ bọn giặc xung quanh như hổ đói,
Chính lũ kia mới có tội tày trời,
Ăn xương, hút tuỷ, uống máu người,
Máu chúng tôi ngập cầu Ma Thiên Lãnh
Xác chúng tôi chất đầy lao đá lạnh,
Xương nối nhau phơi trắng rợn đồi thông.
Chính chúng nó, tội ác mới vô cùng,
Chúng nó chết đời đời ở địa nguc !
Lũ giặc thét: Bịt mắt !
Bắn chết nó đi thôi !
Đồng bào có người ngất,
Rú lên: Trời đất ơi !
Sáu dõng dạc: Tao không cần bịt mắt !
Tên chúa đảo xồ đến giật mái tóc,
Phủ trùm lên đôi mắt lóng lánh đen.
Sáu hất đầu tóc loã xoã bay lên,
Và giận dữ quát vào mặt chúng nó:
- Bắn tao di ! Tao không bao giờ sợ.
Tao mở mắt to để nhìn luồng đạn chúng mày
Bắn tao đi ! Mắt tao, ngực tao đây !
Bọn giặc rùng mình run tay súng.
Bốn phát chị vẫn sống.
Hai mắt vẫn mở to
Áo đỏ như mầu cờ,
Máu tuôn thành từng suói
Hai mắt vẫn sáng chói,
Nhìn cháy thịt kẻ thù.
Tiếng hô Đảng ! Bác Hồ !
Gió bể mang về đất liền Tổ quốc.
Tám phát chị mới gục,
Đầu nghiêng như ngủ say.
Mái tóc gió bay bay,
Xanh rờn mười bảy tuổi...

Tặng Xuân Quỳnh

Tôi gặp nàng thơ mặc áo xanh
Đang gọt khoai tây và thái hành
Tôi đã đọc thơ nàng
Về tình yêu...chia ly...và đau khổ
Về biển và thuyền và bão tố...
Tò mò tôi nhìn sâu đáy mắt nàng
Dò tìm cội nguồn những câu thơ não nề đó
Nhưng tôi chỉ thấy
Lấp lánh đáy mắt nàng
Sắc khoai tây vàng
Mầu lá hành xanh
Với niềm vui giản dị long lanh
Pha lẫn sắc trời xuân phố Huế
Tôi thật thà mừng rỡ
Khi tin rằng những chuyện tình yêu, bão tố
Chia ly...đau khổ...đó
Chỉ là chuyện thơ...
Những câu thơ
Trong những phút lòng tràn trề hạnh phúc
Nàng đã vui vẻ viết ra
Như khi người ta quá yêu nhau thích lau cho nhau nước mắt
Để tình yêu thêm đủ vị đắng cay...
Tôi là người trải quá nhiều đau khổ
Nên tôi ghét thù sâu sắc khổ đau
" Đau khổ làm cho con người thấp hèn "
Như một nhà thơ tự bắn vào tim mình đã nói
Nhất là khi cuộc đời quanh ta sống vui sôi nổi
Nhất là khi ta mới ngoài tuổi hai mươi
Tôi thèm sao những câu thơ tươi rói
Thơm tho hạnh phúc bình thường
Như chính cuộc đời nàng
Vợ làm biên tập báo Văn nghệ
Chồng nhạc công chơi Violon
Để ngon thêm suất cơm trưa tập thể
Một đĩa khoai tây vợ rán vàng
Nàng thơ mặc áo xanh ơi
Nếu chưa đủ sức làm những câu thơ gọi người đứng dậy đi tấn công
Tôi chúc nàng
Làm những câu thơ như đĩa khoai tây trưa nay nàng rán
Như mùi mỡ phi hành
Như mắt nàng giản dị long lanh
Pha sắc trời xuân phố Huế
Ai thấu hiểu chia ly
Bằng những người lính trẻ
Cưới vợ một hai tuần
Từ ngõ quê ra thẳng trận địa phòng không
Đạn lửa hai năm chưa nguôi đưọc mùi thơm tóc vợ
Ai hiểu thấu chia ly
Bằng những người vợ
Một nách bốn năm con
Chồng đi B đi C
Hai, ba, bốn năm không một lá thư về
Ôi những con người hiểu biết lớn lao gấp mười lần ta đó
Họ cần chăng là tiếng hát của niềm vui
Những câu hát làm nguôi bớt mùi nồng thơm tóc vợ
Làm ấm hơn chỗ giường trống vắng người
Những câu hát như chính cuộc đời nàng
Thơm tho hạnh phúc bình thường

Thơ viết cho con gái chưa đầy tuổi tôi

Con không là hoa
Mà con thơm ngát
Con không là ngọc
Mà con trắng trong
Con không là sông
Mà con dào dạt
Con không là nắng
Mà con ấm áp
Con không là trời
Mà con xanh ngát
Con không là thơ
Mà cha muốn hát
Nghìn bài về con

Xưng tụng cây chổi

( Tặng nam nữ công nhân vệ sinh trên khắp thế gian )

..." Tôi muốn làm những câu thơ
Cục cằn như cái chổi
Quét dọn sạch sành sanh rác rưởi "...
( Trích " Thi sĩ và công nhân " đăng trong " Giai phẩm mùa xuân " 1956 )


Không rõ nguyên cớ gì
Tôi có một nỗi ghê tởm mênh mông
Với mọi loài rác rưởi
- Rác rưởi làm tôi buồn nôn
- Rác rưởi làm tôi tức giận đến nổi khùng !
Có lẽ từ ngày còn trong bụng mẹ
Tôi đã nhiễm tính khí của Người
Sống sạch
Mẹ tôi sống sạch đến khó tin
Người sống sạch đến tột cùng của sự sạch
Ba mươi năm không gặp con
( Mà lại là con một )
Nhắm mắt, Người chỉ để lại một lời trăng trối :
" Hãy chôn mẹ trên một vùng đất sạch
Dù cho xa chót núi đầu nguồn..."
Tôi được nhiều địa phương mời đến đọc thơ
Hễ được bồi dưỡng chút tiền còm
Là tôi tìm ngay ra chợ
Chọn mua chổi
Như các cô gái đến tuổi lấy chồng
Chọn mua quần áo, phấn son...
Ba mươi năm qua đi xa về gần
Quà tôi tặng bạn hữu, người thân
Độc một món quà CHỔI !
Như những tỷ phú tích trữ vàng
Tôi tích trữ chổi !
Trong nỗi kinh khiếp mênh mang
Một ngày nào đó chợ búa thế gian
Không nơi nào bán CHỔI !
Như những tay sành ăn
Thuộc lòng các cửa hàng đặc sản
Tôi thuộc lòng đặc sản chổi các địa phương....
Miền Tây, miền Đông châu thổ sông Cửu Long
Chổi tàu cau, cọng dừa hình giẻ quạt
Quãng Ngãi, Quảng Nam: Chổi chít
Thừa Thiên, Quảng Trị: Chổi rành
Chổi xể: Quảng Bình
Phú Thọ, Tuyên Quang: Chổi cọ
Kinh Bắc, Thái Bình: Chổi lông, chổi rơm
Yên Bái, Cao Bằng: Chổi mây, chổi giang...
Nếu kiếp sau tôi được tái sinh
Tôi nguyện ước tái sinh làm cây chổi
Một cây chổi không cùn, không mòn
Một cây chổi quét dọn, bền gan...
Nếu đất nước thành lập Nhà - xuất - bản - Chổi
Tôi tình nguyện làm biên tập viên không lương
Tôi sẽ phấn đấu đạt chức trưởng phòng biên tập
Niềm mộng mơ ám ảnh đời tôi
( Nói ra xin các bạn đừng cười...)
Một ngày nào trên trang tư báo hàng ngày
Mục tin buồn:
" Nhà thơ Phùng Quán
Vừa được đề bạt " quyền " Phó Giám Đốc nhà xuất bản Chổi
Nhiễm độc hại môi trường công tác
Bạn hữu, gia đình tận tình cứu chữa
Nhưng đã từ trần
Ngày...tháng...năm
Tưởng lệ lòng trung thành với " Sự nghiệp chống rác rưởi"
Ban lãnh đạo cắt " quyền " cho nhà thơ
Đồng truy tặng huân chương cao quý:
Huân Chương " Cây Chổi hạng Ba."

Tự kiểm điểm

Tôi vào quân đội
Những năm chiến tranh trận mạc
Đảng giao tôi công tác:
Giao liên, trinh sát, đánh mìn...
Đất nước hoà bình
Đảng lại giao công tác:
Làm thơ.
Tôi căm ghét bọn lãng phí tham ô
Nguyền rủa chúng chẳng tiếc lời, tiếc chữ !
Nhưng rồi tôi cũng tham ô.
Thơ ca Đảng giao sản xuất ra
Tôi đã lấy đi dăm bảy bận
Gặp người yêu chút quà nhỏ tặng nàng...

Tôi Chỉ Viết Trên Giấy Có Kẻ Giòng

Từ ngày mới tập viết
Nay gần trọn đời văn
Số chữ tôi đã viết
Có thể phủ kín cồn Giã Viên...
Một niềm yêu tôi không đổi thay
Một niềm tin tôi không thay đổi
Viết trên giấy có kẻ giòng.
Là nhà văn
Tôi đã viết suốt ba mươi năm
Là chiến sĩ
Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn
Tôi có thể viết như bắn
Trên giấy không kẻ giòng
Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ giòng
Như cái thuở vỡ lòng tập viết
Với nhiều người
Giấy không kẻ giòng dễ viết đẹp
Nhưng với tôi
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng.
Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thủy chung
Của mỗi giòng chữ viết.
Nhưng là nhà văn và xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Giòng đầu thẳng ngay như giòng cuối
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội
Trang giấy có kẻ giòng
Giúp các bé vỡ lòng
Và nâng đỡ các nhà văn
Viết ngay và viết thẳng
Ngay thẳng thủy chung
Từ giòng đầu đến giòng cuối!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét