Đầu xuân chớm hạ
sang thu, gió se sắt
nhớ
thẫm
mù đông sương. Chợt vang khúc hát xuôi đường, giòng mơ âm nhạc ngàn thương
lặng
chờ.
Thời
gian lướt
phím dây tơ, bên hiên kỷ niệm vỗ
bờ
ngàn sao. Ngàn sao bừng
sáng, giòng thánh nhạc
âm vang:
Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần. Chung
nhau đàn ca thánh thót nỉ non. Trên thiên cung vang xuống cõi dương trần. Ngân
nga hòa câu kính chúc hiển vang. Đem tin vui Con Chúa đã ra đời. Sinh nơi lều
tranh nên Đấng cứu dân. Cho nhân gian cảm mến bao ơn Người. Chung nhau hòa âm
những khúc ái ân. Nương thân trên rơm rác giữa hang lừa. Ôi thân Hài Nhi giá
rét khổ thay. Đây Vua ta quản xuất cõi sơn hà. Mau vui cùng nhau kính bái Ngôi
Hai.Glo...oo oo o...oooo o...ooo oo...ri..a! In-Exelsis-Deo!
Cùng trời cuối đất thăng hoa, tuyết
giăng mắc trắng ngấn tòa thiên cung. Lạnh run hang đá nếp chùng, nửa đêm sao lạ
sáng bừng trên cao. Ánh sao lạ bừng sáng trên không trung khiến ngày-tháng-năm
rộn ràng khơi niềm nhớ, khiến ngày-tháng-năm quấn quýt ấp ủ lòng tin. Trên khắp
các nẻo đường những vòng hoa trạng nguyên rạng ngời hy vọng, như muốn đem sắc
đỏ huy hoàng sưởi ấm cả trần gian. Trong vườn của muôn nhà, hàng vạn ánh đèn
màu lấp lánh, mơ hồ có tiếng ríu rít bình yên của đàn chim làm tổ dưới từng hốc
cạnh bí ẩn của những mái hiên. Vạn vật đồng ca bài hát mùa đông...Jingle
bells, jingle bells, jingle all the way. Chuông vang vang chuông vang vang,
chuông báo mừng đêm thánh… Đã từ rất lâu, ngày 25 tháng 12 không chỉ là lễ
hội vui mừng của người Kitô Giáo, mà còn là thời gian cõi người ta mở lòng ra
cho yêu thương thấm vào đến tận linh hồn của chính mình, của những người rất
thân, của tất cả những ai đang hiện diện trên trái đất này. Hình ảnh ông già
Noel, cây Giáng Sinh và hang đá được trưng bày ở khắp mọi nơi. Trong tiếng
chuông mênh mông, trong ánh sáng tỏa lan của ngôi sao lạ lấp lánh trên hang đá,
trong từng dây kim tuyến lung linh huyền ảo dưới ánh đèn màu, cõi người ta
thinh lặng nhìn lại nguồn gốc của những biểu tượng rất thân quen này.
Lễ Giáng Sinh hay
"Christmas" viết theo tiếng Anh thời Trung Cổ là "Cristes
Maesse" mang ý nghĩa "Ngày Lễ Của Chúa Kitô" xuất hiện năm 1038.
"Cristes" bắt nguồn từ chữ Hy Lạp "Christos"[Chúa Kitô] và
"Maesse" bắt nguồn từ chữ La Tinh "Missa" [Thánh Lễ]. Tại
Hy Lạp và La Mã, chữ X là mẫu tự đầu tiên được sử dụng như từ viết tắt của Chúa
Kitô từ giữa thế kỷ 16, do đó mà có chữ "X-mas" bây giờ. Từ đầu thế
kỷ 18, các học giả bắt đầu đưa ra những lập luận khác nhau về thời gian cử hành
Lễ Giáng Sinh. Nhà bác học Isaac Newton cho rằng ngày Lễ Giáng Sinh được chọn
phù hợp với tiết đông chí, người La Mã gọi là "bruma" tổ chức vào
ngày 25 tháng 12. Năm 1743, nhà thần học cải cách Tin Lành Paul Ernst Jablonski
lại nói: Ngày Lễ Giáng Sinh chính là ngày nghỉ mừng Năng Lượng Mặt Trời [Dies
Natalis Solis Inviti] của người La Mã .v.v…
Ngày 25 tháng 12 được Giáo Hội La Mã
chọn để cử hành Lễ Giáng Sinh, từ đầu thế kỷ IV. Lịch Công Giáo cũng đặt ra
những ngày lễ khác, dựa trên vầng sáng của Thái Dương. Theo nhận định của ông
SE Hijimans, một học giả hiện đại:
"… bởi vì mặt trời là biểu tượng của vũ trụ,
là nguồn cảm hứng để những nhà lãnh đạo Giáo Hội La Mã chọn ngày đông chí 25
tháng 12 là ngày Chúa Giáng Sinh, và ngày hạ chí thuộc về Thánh Gioan Tẩy Giả
[John the Baptist]; sự bổ sung phân kỳ này [đông chí/ hạ chí]tương ứng với thời
gian các Ngài [Chúa Giêsu và Thánh Gioan] thụ thai trong lòng mẹ. Giáo Hội biết
rõ những cộng đồng dân ngoại gọi ngày 25 tháng 12 là Sinh Nhật của "Sol
Invictus"; điều này không khiến Giáo Hội bận tâm, cũng chẳng hề hấn gì khi
Giáo Hội chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày Lễ Giáng Sinh."
Ngoại trừ sự khẳng định ngày 25
tháng 12 không phải là ngày Chúa Giêsu chào đời, chưa có một tài liệu nào cho
biết về ngày sinh chính thức của Ngôi Hai Thiên Chúa. Giờ đây, bốn con số 25-12
có phải hay không phải là sinh nhật của Chúa Giêsu thành Nazareth, không còn là
vấn đề quan trọng đối với những giáo phái chính thống thuộc về Thiên Chúa; điều
quan trọng nhất của các tín hữu là Niềm Tin Chúa Giêsu đã vào đời, mang thân
phận làm người để chuộc tội cho nhân loại. Lễ Giáng Sinh vừa là một ngày lễ tôn
giáo thiêng liêng, vừa là một hiện tượng văn hóa và thương mại của toàn thế
giới. Trong suốt hai thiên niên kỷ, cư dân của trái đất đã chứng kiến nghi thức
tôn giáo truyền thống, và sinh hoạt văn hóa của Lễ Giáng Sinh. Những phong tục,
tập quán đã trở thành thông dụng như trao đổi quà tặng, trang hoàng hang đá cây
thông, và dĩ nhiên không thể quên giây phút chờ đón ông già Noel của các trẻ
em. Tại Hoa Kỳ, Lễ Giáng Sinh được công nhận là ngày nghỉ của toàn quốc, từ năm
1870.
Nhìn ngắm những hang đá được trang
hoàng cẩn thận, cõi người ta tự hỏi: Hang đá bắt nguồn từ đâu, do ai khởi
xướng? Xin thưa: Thánh Phanxicô Khó Khăn [Saint Francis D’Assisi 1181-1226] đã
nghĩ ra việc làm một máng cỏ, để tôn kính Chúa Hài Đồng và Gia Đình Thánh. Theo
tác giả Omer Englebert, thánh nhân đã cùng với các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn
[Ordre des Frères mineurs = OFM] tái tạo một hang đá khiêm cung có tượng Thánh
Cả Giuse, tượng Đức Mẹ Maria, tượng Chúa Hài Đồng, có cỏ khô, có bò và lừa vào
mùa Giáng Sinh năm 1223. Sách Hạnh Các Thánh ghi lại, tại hang đá máng cỏ đầu
tiên này, tượng Chúa Hài Đồng đã mỉm cười với Thánh Phanxicô Khó Khăn. Từ đó,
hang đá bắt đầu hiện diện trong Lễ Giáng Sinh.
Bên cạnh hang đá là Cây Giáng Sinh
[Christmas Tree], một loại cây có lá kim thường xanh còn gọi là cây thông - cây
thật hay cây nhân tạo - được để trong nhà hoặc ngoài trời. Thuở ban đầu, người
ta trang trí cây thông bằng những ngọn nến, sau này thay bằng những dây có bóng
điện nhiều màu lấp lánh thật đẹp. Trên cây choàng giải kim tuyến ngũ sắc, treo
các món đồ chơi xinh đẹp, và những vòng hoa. Một thiên thần hoặc ngôi sao được
đặt ngay trên đỉnh ngọn cây, đại diện cho các thiên thần hoặc Ngôi Sao
Bethlehem đã xuất hiện tại hang đá, nơi Chúa Hài Đồng giáng sinh. Truyền thống
trang trí Cây Giáng Sinh bắt đầu tại đất nước Livonia và Đức Quốc từ thế kỷ
XVI.
Nguồn gốc của Cây Giáng Sinh bị bao
phủ bởi nhiều huyền thoại truyền khẩu, trước khi nền văn hóa Âu Châu được ghi
lại bằng chữ viết. Thí dụ như theo truyền thuyết Kitô Giáo, Cây Giáng Sinh luôn
đi kèm với hình ảnh Thánh Boniface và thị trấn Geismar của nước Đức. Thỉnh
thoảng, trong suốt cuộc đời của Thánh Boniface [khoảng năm 672-754], ngài từng
chặt cây của thần sấm sét - một vị thần trong tín ngưỡng dân gian của người
ngoại đạo thuộc vùng Bắc Âu - hay trong các bộ lạc của người Đức. Rồi Thánh
Boniface trông thấy một cây linh sam, mọc lên từ cội rễ của cây sồi cổ thụ cằn
cỗi. Đón nhận sự kiện này như dấu chỉ của đức tin Kitô Giáo, ngài nói: "...Hãy
để Chúa Kitô tại trung tâm điểm trong nhà các con ... Hãy dùng cây linh sam như
là biểu tượng của Kitô Giáo." Hiện nay, truyền thống về một Cây Giáng
Sinh-biểu tượng của Cây Đời Sống trong Vườn Địa Đàng [Tree of Life in the
Garden of Eden] - là một truyền thống còn rất mới. Biểu tượng này do Mục Sư
Martin Luther King thiết lập.
Không thể không nhắc đến Ông Già
Noel, người mà tất cả trẻ em trên toàn thế giới đều muốn được ông viếng thăm và
tặng quà trong đêm Lễ Giáng Sinh. Thuở ban đầu ông già Noel được gọi là Saint
Nicholas. Theo truyền thuyết Hy Lạp, ông chính là Đức Giám Mục Nicholas của
Myra [ngày nay là nước Thổ Nhĩ Kỳ], vào khoảng thế kỷ thứ IV. Xuất thân trong
một gia đình giàu sang, nhưng Đức Giám Mục Nicholas đã mang tài sản tặng người
nghèo. Ngài đặc biệt yêu thích trẻ em, hay mang quà bánh cho chúng. Khi qua đời
Đúc Giám Mục Nicholas được phong thánh, được tôn xưng là Thánh Nicholas, đã làm
những phép lạ đặc biệt như: Cưú trẻ em thoát khỏi những thảm họa, cứu các thủy
thủ đắm tàu chết đuối giữa biển cả, hiện ra trong giấc mơ của vua Constantine
Đại Đế, để xin nhà vua xóa án tử hình cho 3 sĩ quan vô tội...v.v...Thật khó có
thể xác định những sự kiện và đời sống xa xưa của Thánh Nicholas, qua các tài
liệu lịch sử. Cõi người ta thinh lặng bái phục danh thánh của Đức Giám Mục
Nicholas, công nhận ngài là hình ảnh của ông già Noel, cho dù hình ảnh ông già
Noel sinh động thật khác lạ, nếu so với chân dung uy nghiêm của một vị giám mục
hiển thánh.
Nước Pháp gọi Thánh Nicholas là Papa
Noel. Sang nước Anh, thánh nhân mang tên Santa Claus, dịch từ tiếng Đức Sinter
Klaes. Người Mỹ cũng gọi là Santa Claus, hay ngắn gọn hơn là Santa. Một ông già
Noel khuôn mặt phúc hậu vui vẻ, đeo cặp kính tròn, râu tóc trắng bạc, nụ cười
tươi tắn, dáng người đầy đặn nhanh nhẹn, mặc y phục màu đỏ, cổ áo-tay áo-ống
quần viền trắng, thắt lưng da màu đen, vai còng xuống vì mang một túi đựng đầy
đồ chơi và bánh kẹo, đi trên chiếc xe được kéo bằng những con tuần lộc..., là
hình ảnh thân quen của thiếu nhi. Một huyền thoại nổi tiếng khác kể thêm rằng
ông già Noel sống tại Bắc Cực, nơi bốn mùa chỉ có băng-tuyết-sương-gió. Ông làm
một danh sách tất cả các trẻ em hiện diện trên địa cầu, phân chia chúng thành
từng nhóm ngoan-giỏi-tốt, hay bướng bỉnh-khó bảo-lười biếng thật rõ ràng. Những
em ngoan ông tặng kẹo, bánh, đồ chơi. Những em còn chưa ngoan ông để lại các
mẩu than đá. Ống khói là nơi đến và đi của ông già Noel, và ông chỉ tặng quà
trong đêm Lễ Giáng Sinh, một lần duy nhất trong năm. Chính vì thế, trẻ em luôn
treo vớ có đề tên ở cạnh lò sưởi, để ông Noel dễ dàng nhìn thấy.
Thời gian lướt phím dây tơ, bên hiên
kỷ niệm vỗ bờ ngàn sao. Giòng thánh nhạc âm vang:
"Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần.
Chung nhau đàn ca thánh thót nỉ non. Trên thiên cung vang xuống cõi dương trần.
Ngân nga hòa câu kính chúc hiển vang...
Đem tin vui Con Chúa đã ra đời, sinh nơi lều tranh
nên Đấng cứu dân. Cho nhân gian cảm mến bao ơn người. Chung nhau hòa âm những
khúc tri ân.
Nương thân trên rơm rác giữa hang lừa. Ôi thân Hài
Nhi giá rét khổ thay! Đây Vua ta quản xuất cõi sơn hà, mong vui cùng nhau kính
bái Ngôi Hai.
Đưa tay ra để tỏ cho muôn người. Bao nhiêu tình
thương đối với thế gian. Sao ta chưa kíp đến lễ dâng Người, dâng tâm hồn ta
tiếng hát hỷ hoan.
Noi theo gương sốt sắng của Thiên Thần. Con xin từ
đây mến Chúa chẳng khuây. Đem ca ngâm trìu mến để thông phần, khong khen ngàn
ơn Chúa xuống xưa nay.
Glo...oo oo o...oooo o...ooo oo...ri..a!
In-Exelsis-Deo!
Cùng với các thiên thần, cõi người
ta thì thầm cầu nguyện: Vinh Danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho
người thiện tâm.
Hoàng Nhất Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét