Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015
NHẬT KÝ CUỘC ĐỜI
Lòng tự hỏi lòng. Phải chăng mình đã già. Đã đến lúc thời gian dành nhiều hơn cho miền kí ức !.... Mỗi miền ta đến, mỗi miền ta qua đều để lại mảnh hồn ta ở đó." Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Gửi các bạn một phần " Nhật kí cuộc đời". Mong các bạn hiểu và yêu hơn nơi ta đã đi qua và ở lại.
Dĩ An, quê hương thứ hai của tôi!
Đất lành chim đậu ai ơi,
Dĩ An, mảnh đất tuyệt vời tôi yêu!
Quê tôi ở Hà Tây. Hà Tây! Hai tiếng thân thương nằm sâu trong tim , một đời tôi mắc nợ, một đời tôi không quên... Hà Tây, mảnh đất kiên cường, áo giáp chở che cho Thủ đô ngàn năm bền vững. Hà Tây, vang vọng hồn thơ Nguyễn Trãi dệt lụa thanh thiên, trong sáng, đời đời. Hà Tây,có bóng Chùa Hương cổ kính gắn liền với dòng Tích Giang thơ mộng, hiền hòa. Hà tây, có sông Đáy dịu dàng mà tiếng mưa trên sông rào rào như tiếng tằm ăn rỗi, thoảng trong mưa, tiếng lách cách đều đều của con thoi dệt vải, cần mẫn, tảo tần như một đời mẹ cha vất vả nuôi con mỗi sớm, mỗi chiều ... Hà Tây, Hà Tây, hình bóng quê hương mãi mãi chẳng phai nhòa...
Nhớ thuở còn thơ, mơ màng nhìn áng mây lững lờ, thường tự hỏi : không biết mây bay về chốn nào trên cao ấy ? Mơ màng dõi mắt về dãy núi cuối trời, lòng cũng tự hỏi lòng: không biết có gì bên kia núi ? ... Khao khát dõi theo áng mây bay, khao khát khám phá khoảng trời bên kia núi đã đẩy bước chân kẻ thích lãng du rời xa căn nhà xưa yên ấm; rời xa mảnh đất quê hương ăm ắp nghĩa tình...
Điểm đến đầu tiên cách xa quê hương gần 80 km. Đó là Hòa Bình, một tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Việt Nam, miền đất cư trú hàng vạn năm của người Việt cổ. Hòa Bình, nơi có nhiều thắng cảnh làm say lòng người. Đó là những tác phẩm hội họa trên đá tại hang Đồng Nội; đó là động Cô Tiên; động Thác Bờ; suối khoáng Kim Bôi và lòng hồ Sông Đà mênh mang sóng nước...Hai năm Hòa Bình níu chân kẻ lãng du. Hai năm, cũng kịp lưu dấu trong tim tiếng cồng chiêng âm vang của vùng đất sử thi huyền thoại, vùng đất có những làn điệu dân ca “ngọt như mật ong, trong như dòng suối”; “ Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường Hòa Bình mãi thấm chất nhân văn...
Tạm biệt Hòa Bình, tạm biệt Sông Đà hùng vĩ, tạm biệt công trình thế kỉ của Việt Nam, tạm biệt những em bé người Mường, người Dao thường một mình đi học trong tiếng suối róc rách và tiếng chim rừng ríu rít hát ca. Tạm biệt, tạm biệt và gửi lại một mảnh tâm hồn tôi ở đó...
Đôi cánh lãng du tiếp tục vượt hơn hai ngàn cây số để đến với Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, ngàn thông, thành phố sương mù hay một Tiểu Paris tuyệt đẹp trên cao nguyên Lâm Viên kì bí. Hồ Xuân Hương, viên ngọc xanh giữa lòng thành phố; Đồi Cù thoai thoải, xoay tròn như con quay khổng lồ bên mặt hồ thơ mộng; Thung Lũng Tình Yêu; Hồ Đa Thiện, nơi quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ trên cao xuống thung lũng rợp bóng thông xanh; phảng phất mùi hoa cỏ...Những con đường đất đỏ uốn lượn vòng vèo lên đồi Vọng Cảnh tới vườn Địa Đàng hoặc đến tận đỉnh núi Langbiang thấp thoáng trong mây; Hồ Than Thở hay còn gọi là Hồ Sương Mai nằm trên đồi cao, giữa một rừng thông, mặt nước phẳng lặng, sương mù lãng đãng nhìn như bức tranh thủy mặc, tĩnh lặng, êm đềm…Còn nữa, còn nữa Tuyền Lâm , Trúc Lâm Thiền Viện; Dinh III; Đa Tang La; Pren, Trung tâm Đà Lạt… Mỗi cái tên, mỗi ngọn cỏ, gốc cây, mỗi màu hoa, hình lá, tất cả, tất cả đều có thể tuôn chảy trong cảm xúc để tạo nên suối nhạc, suối thơ trong lòng người du ngoạn… Cao đẳng sư phạm Đà Lạt , cái tên in đậm trong kí ức khi từ giã Đà Lạt mà đi. Trường nằm trên một ngọn đồi cao, cuối Hồ Xuân Hương, gần vườn hoa Bích Câu xinh đẹp. Được xây theo thiết kế và nguyên vật liệu của Pháp với dãy lớp học hình vòng cung. Đây cũng là điểm nhấn tạo nên sự độc đáo của trường kết hợp với tháp chuông cao ở một đầu.Đứng ở đâu tại Đà Lạt cũng có thể nhìn thấy tháp chuông của ngôi trường yêu dấu. Và cũng từ ô cửa của đỉnh tháp chuông mang hình ngòi bút viết mãi trên trang giấy thanh thiên, tôi đã thu gọn cả thành phố Đà Lạt trong trái tim mình, thu gọn kí ức của ba năm sống, học tập trên thành phố ngàn thông. Đó cũng là kí ức của một đời mà mãi sẽ chẳng quên.
Là một trong hai sinh viên của khóa 10 năm ấy xung phong đi vùng đất mới Cát Tiên. Điểm khám phá lại mở ra trong tâm hồn kẻ ưa phiêu lãng.Cát tiên, vùng đất phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, vùng thượng nguồn của con sông Đồng Nai hiền hòa. Đến với Cát Tiên vào năm học thứ 3 của huyện mới, năm học 1988 -1989. Thiếu thốn, khó khăn song vui và ấm áp. Đó là cảm giác mà rời Cát Tiên hơn hai mươi năm vẫn còn nguyên trong kí ức. Nhà ở, phòng học hầu hết là nứa, lá, tranh tre. Không đủ phòng học, không đủ giáo viên , không có điện, học sinh xách đèn đi học ban đêm. Ánh đèn tỏa rạng trang giáo án của cô trên bục giảng; ánh đèn như ánh sao tỏa rạng trang sách mở của học trò. Niềm tin từ ánh đèn lung linh như sao ngày ấy về một Cát Tiên tươi sáng trong tương lai... Đất chưa bén duyên người thì người lại vội từ biệt đất mà đi. Sau hai năm, người theo chồng về thành phố, bỏ lại Cát Tiên, bỏ lại bè bạn và bao nhiêu học sinh đang cần cô dạy dỗ... Nặng lòng và đáng trách song cũng đành nhắm mắt đưa chân...
Thành phố Hồ Chí Minh ồn ào, náo nhiệt. Bảy năm. Bảy năm lưu dấu chỉ là sự vội vã theo dòng chảy bất tận của cuộc sống. Miền đất mới lại thôi thúc lòng người.
Năm 1997, đến với Dĩ An như cơ trời đã định. Lặng nhìn thị trấn nhỏ trong ánh hoàng hôn , lắng nghe tiếng còi tàu tu tu mà tự nhiên xúc cảm, tự nhiên rưng rưng...
Dĩ An, thời ấy còn nghèo lắm. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, mặt người còn cơ cực in sâu...Xóm Nhang, Xóm Nghèo, Tân Bình, Bình Thung... lầm lụi với những con đường lầy lội,nhà cửa thưa thớt, hoang vu...Tới Dĩ An, nhiều người đã quay đi không trở lại. Còn tôi, đến với Dĩ An tôi chợt gặp hình bóng quê xa... Một chút phố thị, một chút thanh lịch, một chút lãng đãng mơ màng , một chút bình yên dịu nhẹ... Tất cả tôi đã cảm nhận được ở mảnh đất này, mảnh đất cửa ngõ Sài Gòn, mảnh đất thông thương với nhiều miền đất nước... Ở lại Dĩ An, từng ngày, từng ngày, chứng kiến sự chuyển mình kì diệu của Dĩ An mà yêu, mà thương và khâm phục con người nơi đây. Tất cả đều quyết tâm hướng tới một Dĩ An giàu, đẹp, văn minh. Điện, đường, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các trung tâm văn hóa, trung tâm thương mại,dịch vụ... tất cả đã hiện diện và đang ngày càng phát triển trên mảnh đất Dĩ An, một góc nhỏ của Bình Dương rộng lớn. Hội nhập và hiện đại song Dĩ An vẫn không mất đi vẻ thanh bình vốn có khi tiếng còi tàu âm vang mỗi sớm mỗi chiều; khi những cơn mưa chợt đến, chợt đi để lại nét tươi tắn cho hoa trong vườn nhà ai đó rung rinh vẫy chào... Đến với Dĩ An như cô con gái mỏi mòn chờ duyên nay đã bén; đến với Dĩ An sau những bước phiêu du qua nhiều miền đất nước nay đã gặp được điểm dừng...
Lòng tự nhủ lòng : Dĩ An- Quê hương thứ hai tôi quý, tôi thương!
Tác giả : Đặng Thị Chung
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét