Nhân ngày kỷ niệm đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đản sanh lần thứ
2541,để tưởng nhớ đến đức
Giáo Chủ của chúng ta, xin được nhắc lại vài nét về cuộc đời
và sự giáo hóa của đức Phật.
Thứ
nhất là về cuộc đời của đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Thứ hai là
những đạo lý mà Ngài đã chứng nghiệm được sau khi từ bỏ lợi dưỡng dục
lạc thế gian. Điểm sau cùng tôi muốn nêu lên là tinh thần tu hành của
người Phật tử đối với đạo lý Phật dạy qua con đường Thiền.
1. Cuộc đời của đức Phật:
Như
chúng ta đều biết, đức Phật xuất thân là một vị Đông cung Thái tử, sống
trong nhung lụa với tất cả những tiện nghi của một vị Hoàng đế. Nhưng
Ngài không đành lòng hưởng thụ riêng cho mình nên đã từ bỏ tất cả, vượt
thành xuất gia để tìm đường giải thoát cho bản thân và nhân loại.
Theo
lịch sử vào ngày trăng tròn tháng tư tính theo âm lịch của chúng ta,
nhưng theo Ấn Độ thì ngày trăng tròn tháng năm vào năm 543 trước Công
Nguyên, tại thành Ca Tỳ La Vệ, trong vườn Lâm Tỳ Ni, Thái tử Tất Đạt Đa
ra đời. Cha Ngài là vua Tịnh Phạn thuộc dòng quý tộc Thích Ca, mẹ là
Hoàng hậu Ma Da. Sau khi sanh Ngài được bảy ngày thì Hoàng hậu Ma Da qua
đời. Người em gái của bà là Ma Ha Ba Xà Ba Đề, tức bà Kiều Đàm Di nuôi
dưỡng Ngài. Thái tử được nuôi dưỡng cưng chiều với tất cả tiện nghi cao
nhất của một ông hoàng.
Một
hôm nhân ngày đầu vụ mùa, vua quan đến vùng nông thôn làm lễ, cày những
luống cày đầu tiên với ước nguyện nông dân được trúng vụ mùa, thu hoạch
nhiều, đem lại no ấm cho toàn dân. Ngày này gọi là ngày lễ hạ điền.
Thái tử Tất Đạt Đa cũng được theo vua cha đến dự lễ hạ điền. Lễ rất vui,
mọi người ăn mặc đẹp đẽ, sang trọng. Các nông dân theo nghi thức của
nhà nước đến đó dâng lễ đối với các bậc thần thánh tổ quốc và sau đó
chuẩn bị cày những luống cày đầu tiên dưới sự chứng kiến của vua, các vị
đại thần. Đây là ngày lễ hội rất lớn đối với toàn dân Ấn Độ thời bấy
giờ.
Trong
lúc mọi người đang nô đùa mừng lễ, Thái tử cũng rất vui nhưng khi thấy
từng luống cày, từng thớ đất lật lên có những con trùng, con dế bị đứt
làm hai làm ba, liền đó các loài chim ở rừng bay đến, giành nhau nuốt
những con vật nhỏ kia. Rồi người thợ săn rình rập đâu đó, lắp cung tên
sẵn sàng hạ thủ mấy con chim. Đồng thời trong khu rừng, những con hổ
chực chờ để vồ lấy gã thợ săn. Thấy cả một chuỗi tranh giành, cấu xé của
chúng sanh, Thái tử quá đau lòng nên sắc diện trở nên trầm tư buồn bã.
Thành ra, thay vì dự lễ vui tươi như bao người thì Thái tử lại tìm một
nơi yên lắng, ngồi suy tư bất động dưới bóng cây.
Đó
là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngay từ thời bé thơ, đức Phật đã có những
biểu hiện khác lạ so với mọi người bình thường ở thế gian. Năm 16 tuổi,
Ngài vâng lệnh Phụ hoàng và Hoàng tộc kết hôn cùng công chúa Da Du Đà
La và sau
đó
sanh ra một hoàng nam là La Hầu La. Theo sử của Phật giáo Đại thừa,
Ngài vượt thành xuất gia năm 19 tuổi cho đến 30 tuổi thì thành đạo. Theo
sử của Phật giáo Nguyên thủy, 29 tuổi Ngài mới xuất gia.
Thái
tử xuất gia không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hết cuộc
đời chán chường hay của người bần cùng nghèo đói, không còn gì để lại
phía sau. Đây là sự từ khước của một ông Hoàng, giữa thời niên thiếu
trong cảnh ấm no sung túc và thịnh vượng. Tại sao tôi nêu lên điều này?
Vì nhiều người cho rằng người đi tu là những kẻ chán thế gian hoặc già
nua không còn làm gì được nữa. Ở ngoài đời họ thua thiệt, thiếu thốn,
nghèo khó… nói chung là những trường hợp thất chí, thất tình, không còn
con đường nào để thoát thân ngoài con đường đi tu. Ở đây vị giáo chủ của
chúng ta bỏ thành đi tu vào lúc tuổi thanh xuân với tất cả quyền uy,
địa vị, lợi dưỡng, tiện nghi của bậc đế vương, chớ không như cái hiểu
thông thường của người đời.
Làm
ông hoàng chứng kiến tất cả những sự kiện hiện thực trong đời. Ngay từ
thời bé thơ mà Ngài đã có một cái nhìn rất thiết thực về cuộc đời. Mặc
dù vâng lệnh Phụ hoàng kế thừa và trưởng thành từ các nghi thức, nghi lễ
của thế gian nhưng trong lòng Ngài lúc nào cũng canh cánh những sự kiện
trước mắt mà Ngài chưa hài lòng. Ngài vẫn nhớ và thấy một cách tường
tận những hiện thực trong cuộc đời là như vậy. Do đó, cuối cùng Ngài cắt
đứt, từ giã Phụ hoàng, tất cả người thân để đi xuất gia. Với tấm lòng
bao la rộng rãi, Ngài quyết tìm lối thoát hay một chân lý để giải quyết
vấn đề sanh tử của kiếp người một cách rốt ráo.
Thái
tử cùng Xa Nặc vượt thành, đến nơi bìa rừng Ngài cắt tóc, cởi trả vàng
vòng châu báu trao lại cho người cận vệ với lời tự khắc, tự hứa: “Bao
giờ tìm được đạo, chứng đạo ta mới trở lại. Ngươi hãy đem tất cả những
vật này về trình với Phụ hoàng và thân quyến của ta”. Dứt khoát rồi Ngài
bắt đầu cuộc đời kẻ hành khất, trong tay không có vật gì, sống khổ hạnh
trong rừng trải dài sáu năm trường. Dưới cội Bồ-đề, Ngài tinh tấn siêng
năng tột bực và đã thệ nguyện cả quyết rằng: “Nếu không đạt được đạo Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác, dù thịt nát xương tan ta quyết không rời
khỏi chỗ ngồi này”. Với lời thệ nguyện quả cảm như vậy, Thế Tôn đã giác
ngộ hoàn toàn và thành tựu quả vị Phật.
Tôi
vừa điểm qua vài nét về cuộc đời của đức Phật. Ngài cũng là con người,
cũng có những ưu tư khoắc khoải, những nghi ngờ và cuối cùng Ngài đã tìm
ra lối thoát. Trong đạo Phật tuyệt đối không có sự thần khải nào mà tất
cả đều được thể nghiệm từ thực tế, với một ý chí mãnh liệt, kiên quyết
nhất định sẽ thành công.
2. Giáo lý của đức Phật:
Đức
Phật sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề, Ngài có đầy đủ tam minh: Một là
túc mạng minh. Hai là thiên nhãn minh. Ba là lậu tận minh. Chúng ta sẽ
lần lượt tìm hiểu qua ba minh này:
1. Túc mạng minh.
Trong
kinh nói rằng “Tư tưởng của Ngài trở nên lắng dịu, tinh khiết, trong
sạch, không còn tham ái và ô nhiễm, dễ điều phục, không lay chuyển và
luôn tỉnh giác”. Những điều này không lạ nếu chúng ta có nghiên cứu đạo
lý, có công phu tu
hành
thì sẽ thấy rõ việc điều phục vọng tưởng, làm chủ những niệm lăng xăng
là có thể thực hiện được. Bấy giờ tư tưởng hay những dấy niệm của chúng
ta sẽ yên lắng dần dần. Cho nên biết đạo lý của Phật dạy là những điều
hiện thực.
Tư
tưởng yên lắng rồi, những dấy niệm ô nhiễm sẽ yếu thế, nó không còn đủ
sức hấp dẫn, kéo lôi người tỉnh táo sáng suốt, làm chủ được mình. Lòng
chúng ta yên dịu, cái sáng sẽ lớn mạnh trùm khắp. Bây giờ vọng tưởng còn
là vấn đề, là đối tượng vì chúng ta chưa tỉnh, sơ hở từng phút giây nên
bị nó kéo lôi. Chúng ta dễ bị mắc mứu, dễ chạy theo cái giả mà bỏ quên
cái thật. Với người tu, từ những sự kiện, những lối mòn này mà chúng ta
tìm ra lối thoát. Vị giáo chủ của chúng ta cũng đi con đường như vậy.
Ngài là một con người, có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn như tất cả
chúng sanh. Ngài ưu tư nghi ngờ, khoắc khoải phấn đấu đến cùng, bao giờ
đạt đạo mới thôi. Chúng ta cũng có phấn đấu, có siêng năng nhưng sáng
siêng thì trưa lại biếng, sáng mạnh mẽ trưa lại yếu xìu, tối lại ngủ
quên rồi lãng quên cả một đời.
Muốn
điều phục được những lăng xăng điên loạn, bắt buộc chúng ta phải tỉnh.
Có tỉnh thì có tuệ, tỉnh tuệ không rời nhau. Nếu không có tỉnh thì không
làm sao có tuệ sáng suốt. Bản thân chúng ta đang hít thở, tất cả giác
quan đang tiếp xúc với mọi hiện tượng chung quanh rất bén nhạy, phải
ngay nơi đó tỉnh lấy thì không tan thân mất mạng, bằng ngược lại ba cõi
sáu đường mở ra cuốn hút chúng ta đi ngay. Kinh nghiệm tu thiền cho
thấy, việc làm này từ xưa tới giờ không khác. Người xưa làm được chúng
ta cũng làm được. Người xưa phấn đấu thành công, chúng ta phấn đấu tích
cực nhất định cũng sẽ thành công.
Đức
Phật hướng tâm vào tuệ giác, nhớ lại những kiếp quá khứ. Ngài đã tỉnh
thuần thục nên mới hướng tâm tuệ về niệm quá khứ. Nhớ lại một kiếp, hai
kiếp cho đến trăm ngàn kiếp. Trong số kiếp vô lượng đó Ngài tên gì, sinh
trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, vui thích và khổ đau như thế
nào, chết tái sinh ở đâu v.v.. Ngài nhớ lại tất cả. Đây là giai đoạn
Ngài đã phá tan lớp vô minh quá khứ, chứng được túc mạng minh.
Bây
giờ chúng ta tu hành, ngồi yên, dứt tất cả những nghĩ tưởng lăng xăng,
tỉnh và tuệ cụ thể, sáng suốt trùm khắp, hướng tâm tuệ này về những gì
đã qua thì nhất định sẽ biết. Những người ngoại đạo thời đức Phật, cũng
do công phu thiền định mà họ có thể nhớ lại mười kiếp hay hai mươi kiếp
của bản thân và những chúng sanh có liên quan đến họ. Ngoại đạo mà còn
có năng lực như vậy huống là chúng ta áp dụng đúng những kinh nghiệm
Phật dạy thì nhất định sẽ thành công. Nói thế không phải để chúng ta
chuộng thích thần thông, mà để biết rằng mình tu hành có thể thành công
và kết quả tất yếu là sẽ đạt được những năng lực như vậy. Việc ấy không
khó khăn, mà khó khăn là do chúng ta không siêng năng liên tục.
2. Thiên nhãn minh:
Ngài
hướng tâm thanh tịnh về tri giác hiện tượng sinh và diệt của muôn loài.
Chính ngay nơi đây Ngài chứng được thiên nhãn minh. Đây là trí tuệ siêu
phàm, thấy được tất cả chúng sinh chết từ nơi đây sẽ tái sinh vào đâu,
với bao nhiêu cảnh tượng sang hèn đẹp xấu, khổ vui… tùy thuộc vào hành
vi tạo tác của
mỗi người. Nếu tư tưởng hành động xấu ác, không chân chánh thì sau khi chết sẽ tái sinh vào những trạng thái khổ não.
Trong
đời sống nếu chúng ta hướng những hành vi, tạo tác hằng ngày theo hướng
tốt thì sẽ sống trong niệm chân chánh. Được như vậy, khi chết chúng ta
sẽ tái sinh vào thế giới an lạc. Bởi vì khổ vui được hình thành từ luật
nhân quả. Muốn được vui, muốn tương lai không khổ thì bây giờ phải đi
con đường chân chính, không xấu ác. Hành trì như vậy bảo đảm tương lai,
sau khi chết ta sẽ tái sinh vào thế giới không có khổ đau hay ít khổ
đau, được an vui. Học biết như vậy rồi Phật tử khỏi cầu nguyện. Quả thực
vui hay khổ là tự nơi hành động của mình ngay hiện đời thôi.
Nếu
muốn tương lai tốt đẹp thì bây giờ phải phấn đấu trong chánh niệm,
trong tinh thần tốt đẹp. Ngay bây giờ mình không làm chủ, hướng niệm
hành động theo con đường xấu ác, tạo nghiệp nhân không tốt thì dù có cầu
nguyện bao nhiêu đi nữa quả báo chắc chắn cũng sẽ khổ. Hiểu thế chúng
ta vững lòng tu, vững lòng làm những việc công đức, vì biết chắc rằng từ
những việc làm tốt ta sẽ có quả báo tương ưng.
Trên
đời này, ở đâu con người không tin nhân quả nữa thì sự khổ đau sẽ dẫy
đầy. Sở dĩ khổ đau giảm bớt, con người có thăng hoa, xã hội còn hướng
tốt đẹp là nhờ con người còn tin vào tương lai, tin vào khả năng của
chính mình. Dù hiện tại như thế nào nhưng với trí tuệ, năng lực và kinh
nghiệm sẵn có, chúng ta sẽ gầy dựng được tương lai tốt đẹp. Mặc dù hiện
tại khổ đau nhưng tin chắc tu hành như vậy ta sẽ được an lạc. Vững tâm
quyết chí tích cực tu thì nhất định là an lạc lớn lao, thành tựu tốt đẹp
sẽ đến với chúng ta.
Tư
tưởng, hành động tốt đẹp, chân chính là sống trong chánh kiến. Người
sống trong chánh kiến sẽ được hạnh phúc. Ngược lại nếu chúng ta không
hướng thiện, không sống nếp chánh kiến, bị va chạm nhiều rồi quên mình
đối với những hiện tượng chung quanh thì tương lai chắc chắn sẽ khổ đau.
Đây là điều mà Phật tử phải sợ. Sợ đây không phải sợ ma sợ quỷ, sợ hết
cơm, hết gạo, sợ mất người thương… những tâm trạng sợ hãi của người thế
gian. Sợ đây là sợ ta không đủ tỉnh lực, không quyết tâm, không tin vào
hành động của mình có thể chuyển hóa được khổ vui. Sợ là sợ như vậy. Tuy
sợ nhưng chúng ta không hoàn toàn bất lực. Càng sợ thì càng kiên tâm,
quả quyết thực hiện theo tinh thần của Phật dạy. Chúng ta quyết tâm hành
trì theo những phương thức ấy để khắc phục những gì hiện tại ta chưa
vừa lòng. Công đức đó, thành tựu đó là do ta mà thành, chính chúng ta
làm, chúng ta thực hiện chứ không nhờ vả ở đâu.
Khi
đức Phật mục kích rõ ràng sự phân tán, sự cấu hợp trở lại của chúng
sinh, thấy rõ chúng sanh chết đi và tái sinh trở lại nơi nào, Ngài phá
tan được lớp vô minh có liên quan đến tương lai, chứng được thiên nhãn
minh.
3. Lậu tận minh:
Hướng
tâm thanh tịnh về nguồn gốc và con đường chấm dứt các pháp trầm luân,
giai đoạn này Ngài chứng được lậu tận minh. Từ đây đức Phật phá sạch tất
cả sự tăm tối, thấu suốt tận căn để vì sao chúng sanh trầm luân trong
sanh tử và tìm ra con đường để giải thoát sanh tử. Lịch sử nói vào canh
ba đêm thứ 49, Bồ-tát
Tất
Đạt Đa hoàn toàn giải quyết được việc sinh tử, việc lớn của chính mình
và của chúng sanh. Ngài không còn nghi ngờ gì nữa, vì trí giác đã hoàn
toàn thông suốt. Thế Tôn giác ngộ viên mãn.
Chúng
ta và chúng sanh hiện diện trong thời điểm này, nhưng không biết mình
từ đâu lại và chết sẽ đi về đâu. Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Tại sao
chúng ta phải như vậy? Có vô lượng những vấn đề mình không làm sao biết
tường tận được. Có người vất vả cả đời mà không đạt được sở nguyện của
mình. Người đó sinh ra, lớn lên, lập gia đình với tất cả tâm nguyện là
muốn được nhà lầu, xe hơi v.v.. nhưng cả đời không thực hiện được. Trái
lại có những người mới sinh ra, lớn lên đã đầy đủ tiện nghi, thực hiện
công việc nào cũng thành tựu dễ dàng, dường như ở đâu sẵn dâng đến cho
họ vậy. Đây là những điều ngay trong cuộc sống, chúng ta đối diện mà
không biết không hay, không giải quyết được.
Bây
giờ qua đạo lý của Phật dạy, chúng ta học và hành trì sẽ là chìa khóa
hé mở cánh cửa giải quyết những vấn đề ấy. Nếu công phu mãnh liệt chúng
ta có thể phá vỡ những thành trì ấy, thấy rõ nguồn gốc mọi gút mắc và sẽ
giải quyết xong vấn đề lớn lao của con người. Cánh cửa, thành trì đó vị
giáo chủ của chúng ta và vô lượng bậc Đại thánh đã phá được.
Như
đã nói đức Phật chứng được thiên nhãn minh, thấy rõ sự chết đi và tái
sinh của các chúng sanh. Đây là một điều lý thú. Bởi vì đối với những
điều ta tăm tối, bây giờ mở ra được thì rõ ràng rất lý thú. Nhà Phật gọi
đây là tuệ giác thấy tột cùng nguyên nhân sanh tử. Người tu Phật với
tâm nguyện làm chủ được sanh tử, giải quyết sanh tử là vấn đề trọng yếu
nhất. Sở dĩ sanh làm khổ mình, tử làm khổ mình, cuộc sống này làm khổ
mình vì chúng ta chưa đủ trí tuệ, chưa làm chủ được mình. Nên tâm nguyện
duy nhất của người tu là giải quyết vấn đề sanh tử của chính mình.
Nếu
chúng ta giải quyết được việc sanh tử của mình thì cũng có thể thấy
được việc sanh tử của vô lượng chúng sanh, không lầm không nghi nữa.
Trong kinh có ghi: “Đây là phiền não, đây là nguyên nhân dẫn đến phiền
não, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt
phiền não”, đức Phật thấy rõ ràng như thế. Bao giờ chúng ta quay lại,
thấy được những gì như đức Phật đã thấy là mình hết phiền não.
Chúng
ta thật không có giây phút nào yên. Trong đời này có nhiều sự kiện ngộ
lắm, người ta cười mà ra nước mắt, khóc mà vui. Có những điều mình nghĩ
như vậy mà miệng phải nói khác đi. Thật lạ lùng! Là người tu chúng ta
phải làm sao thấy rõ “Đây là sự bất ổn trong tôi, đây là sự chấm dứt
những bất ổn trong tôi, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt những sự
bất ổn trong tôi” thấy rõ ràng như thấy một vật trong lòng bàn tay của
mình. Người thấy như vậy là người có trí tuệ thông suốt.
Nếu
chúng ta biết áp dụng cụ thể lời Phật dạy, không phải thông hết tam
tạng giáo điển mà chỉ một pháp nào đó thôi. Như Phật dạy đếm hơi thở sẽ
cắt đứt những niệm tưởng lăng xăng. Chỉ bảo đếm hơi thở chớ không tu
pháp gì cả. Nếu áp dụng phương pháp đếm hơi thở với một tuệ giác thấy
rõ: “Đây là những lăng xăng loạn tưởng trong tôi, sự chấm dứt những lăng
xăng loạn tưởng trong tôi và
những
phương thức chấm dứt những lăng xăng loạn tưởng trong tôi”. Thấy rõ
ràng như vậy thì không ai dại gì sống với cái lăng xăng mà quên cái tỉnh
sáng của mình. Hướng tu hành của chúng ta là vậy.
“Đây
là ô nhiễm, đây là sự chấm dứt ô nhiễm, đây là con đường chấm dứt ô
nhiễm”. Tôi dẫn lời này để thấy một việc làm bình thường chúng ta có thể
thực hành được, chớ không phải quá khó. Đừng bao giờ mang tư tưởng rằng
đạo lý ấy, tuệ giác ấy, quả chứng ấy là của Phật, Bồ-tát chứ mình không
có phần, không dính dáng gì hết. Không phải như vậy! Phật nói pháp để
chúng sanh tiếp thu và thể nghiệm, chớ đâu phải nói cho chúng ta không
tu được. Phật hiểu rõ là bản thân chúng sanh sẽ đạt được kết quả nếu ứng
dụng tu tập đúng pháp mới nói chứ!
Tôi
tin rằng Phật còn tại thế, Ngài cũng không ngồi nói như chư Tăng bây
giờ. Lời Phật rất giản dị, có khi là sự biểu trưng qua một hình ảnh nào
thôi, nhưng khiến người đương thời nhận hiểu xuyên qua trực giác bản
thân của người đó. Như thế pháp Phật dạy, biểu trưng do Phật thể hiện
mới có giá trị, có tác dụng nâng đỡ, giúp con người hết khổ được vui.
Tâm
Phật đã giải thoát khỏi những dục lậu tức là hết mọi nhiễm ô dục vọng.
Hữu lậu là những ô nhiễm của sự luyến ái thế gian, vô minh lậu là những ô
nhiễm của vô minh. Màng vô minh giải tỏa, trí tuệ phát ra, đêm tối đã
tan, ánh sáng lại đến, Ngài thành đạo. Từ bản thân thể nghiệm, trải qua
quá trình tu chứng, đức Phật mạnh dạn chỉ dạy lại cho chúng ta, vì Ngài
biết mình cũng có những khả năng như thế. Ngài phá tan màng vô minh tăm
tối, vén lên được chân trời tỏ rạng cho chính bản thân mình và tất cả
chúng sanh. Như vậy rõ ràng cái tăm tối trong tâm thức chúng ta hiện nay
có phương thức giải trừ, phiền não đang âm ỉ trong ta có thể bỏ được.
Đạo lý giải thoát đức Phật dạy chúng ta có thể thực hiện được.
Thế
nên chúng ta hãy vững niềm tin phấn đấu, vươn lên để đạt được sở nguyện
giải thoát sanh tử, chấm dứt khổ đau. Khổ theo cái nhìn của đạo Phật
không phải là thiếu ăn thiếu mặc mà khổ là bị còng trói bởi những tiện
nghi dục lạc, những hiện tượng điên đảo. Đây là cái khổ thống thiết, nếu
chúng ta không tỉnh sáng để thoát ra thì không cách gì cởi mở, cắt đứt
được. Nêu lên cuộc đời và giáo lý của đức Phật là chúng tôi hy vọng tất
cả chúng ta cũng sẽ thực hiện được như vậy.
Tôi
xin dẫn câu chuyện “Phật là ai?” như thế này. Có một vị theo Bà La Môn
giáo, ở Ấn Độ Bà La Môn giáo là quốc giáo, vị này tên là Dona. Nhân đi
qua đường, thấy trên đất in lại những dấu chân của đức Phật rất đặc
biệt. Ông tìm đến hỏi Phật:
- Thưa Ngài, phải chăng Ngài là một vị trời?
Phật trả lời:
- Không, ta không phải là một vị trời.
- Vậy phải chăng Ngài là một nhạc công ở cõi trời?
Phật trả lời:
- Ta cũng không phải là nhạc công ở cõi trời.
- Ngài là quỷ Saka(1) chăng?
- Không, ta không phải là quỷ Saka.
- Như vậy Ngài là người chăng?
- Không, quả thật ta cũng không phải là người.
- Vậy xin cho biết Ngài là ai?
Đức Phật trả lời:
- Ta là người đã tận diệt hết những pháp trầm luân, những nguyên nhân để tái sinh vào ba cõi.
Nói
tóm lại, đức Phật là người đã tận diệt hết những nguyên nhân đi trong
ba cõi sáu đường. Vì thế nên hỏi làm trời Ngài phủ nhận, làm người Ngài
cũng phủ nhận… Bởi vì Ngài đã giải thoát ra ngoài những hình thức đó.
Qua
đạo lý này chúng ta mới thấy cái siêu việt của đạo Phật. Nó chỉ rõ
nguyên nhân của những sự kiện, những pháp đã hình thành như thế, như
thế. Và sau cùng đức Phật đưa ra con đường để thoát khỏi những sự kiện
đó. Bởi thế nên nói Như Lai đã vượt ngoài Tam giới.
Có lời kệ như thế này:
Như hoa sen đẹp và dễ thương,
Không ô nhiễm bùn nhơ nước đục,
Giữa đám bụi trần ta không vướng chút bợn nhơ,
Như vậy ta là Phật.
Giác
ngộ toàn triệt và giải thoát tất cả. Cuối cùng Ngài trả lời cho chúng
ta như vậy. Như đóa sen đang nở và ngát hương thơm, đóa sen không bị
nhiễm ô bởi nước đục bùn nhơ. Giữa đám bụi trần ta không vướng chút bợn
nhơ, nghĩa là sống giữa bụi trần ai mà không vướng chút bợn nhơ nào hết.
Như vậy ta là Phật, giác ngộ toàn triệt, gỡ tung những mắc mứu lâu nay,
giải thoát hoàn toàn. Đó là điểm thứ hai chúng tôi nêu lên về đạo lý mà
vị giáo chủ của chúng ta đã thực hiện được.
3. Tinh thần tu hành của người Phật tử đối với đạo lý Phật dạy qua con đường Thiền.
Người
tu thiền cũng giống như người học bơi lội. Người học bơi lội được huấn
luyện viên chỉ về phương pháp và kỹ thuật căn bản, sau đó hoàn toàn tùy
thuộc y. Nếu như y không chịu nhảy xuống nước tập bơi thì y không bao
giờ bơi được. Cách học duy nhất là y phải nhảy xuống nước và bắt đầu
thực hành theo lời huấn luyện viên đã dạy. Nếu y chăm chỉ thực hành thì y
có thể trở thành tay bơi cừ khôi. Nếu chỉ học hiểu mà không thực hành
thì làm sao trở thành tay bơi cừ khôi được?
Lời
dạy này bình thường mà rất hiện thực. Chúng ta muốn được giác ngộ, muốn
được thành Phật hay được hết khổ thì phải tu, phải thực hành. Học hiểu
là một giai đoạn không thể thiếu, nhưng hành trì là một giai đoạn quyết
định sự học hiểu của chúng ta. Đường lối trong thiền tông cũng vậy, nếu
chúng ta muốn được giác ngộ thì phải tìm đến ông thầy để lãnh hội lời
chỉ giáo. Sau khi nhận được sự chỉ giáo rồi, quan trọng nhất là phải
thực hành. Qua thực hành chúng ta mới có thể giác ngộ. Thực hành là việc
của chính bản thân mỗi người.
Chúng
ta có duyên gặp được thầy, có kinh điển, có tất cả những trợ duyên cần
thiết để làm thành kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên bản thân chúng ta
không thực hành, chỉ hiểu biết rồi đọc tụng rao giảng, chưa thể nghiệm
thực đối với giáo
lý
Phật dạy, đối với pháp thiền thì chúng ta chưa thể có cái nhìn thấu
suốt được. Đối với pháp tu thiền đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thấu
suốt và thể nghiệm thật. Nếu muốn hết khổ, được giải thoát, có trí tuệ
thì phải thực hành.
Phật
dạy là tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật. Liệu mình có tin một
cách khẳng định như vậy chưa? Đây là điều chúng tôi nêu lên để khẳng
định cho pháp tu, sự hành trì và công phu của chúng ta. Đức Phật cũng là
người, máu Ngài cũng đỏ, nước mắt cũng mặn, thân và tâm Ngài cũng không
khác ta xa lắm. Trước lúc giác ngộ, Ngài cũng có những ưu tư, xung đột
và nghi ngờ. Song nhờ trí tuệ mà Ngài tự đào luyện và khám phá ra Phật
tánh của mình và được giác ngộ. Tất cả chúng ta cũng có khả năng, có
chất liệu đó nhưng liệu xem ta đã quyết tâm phấn đấu chưa? Đây là những
điều cụ thể mà ta không thể nào cất trong tủ khóa kín lại, mong một ngày
nào đó có vị thánh thần đến ban cho mình được thành Phật, được giác
ngộ.
Là
người con Phật, ngày kỷ niệm này tuy cách chúng ta hơn hai ngàn năm
trăm năm nhưng lời dạy và sự thể nghiệm của Ngài còn đó. Nếu chúng ta
chịu làm chịu thể nghiệm thì kết quả y nhiên như vậy. Chúng ta chịu mở
cửa phát huy hướng đến tâm tuệ, nhận khả năng giác ngộ của mình một cách
cụ thể chính xác thì việc thực hiện được sẽ đạt kết quả không nghi.
Trong
đạo Phật rất dè dặt đối với những cái gọi là siêu nghiệm, thần thông.
Vì thần thông có khi nó làm mờ đi trí giác. Ở đây chỉ muốn nói những cái
gì hiện thực trong đời sống của chúng ta. Được sống trong hoàn cảnh này
chúng ta chỉ cố gắng tu thôi. Tu nghĩa là sửa, những gì còn xấu dở
chúng ta loại bỏ nó ra, buông nó đi. Ai chịu sửa là người đó biết tu.
Nếu mình còn cố chấp chưa chịu bỏ cái dở là chưa chịu tu, dù hình thức
bề ngoài đẹp thế nào mà bên trong chưa trừ bỏ các chủng tử nghiệp xấu
cũng chưa phải là tu.
Lời
cuối cùng tôi xin gởi đến quí vị, tất cả chúng ta là con của Phật, quí
kính Phật trong ngày kỷ niệm trọng đại này,dâng lòng thành cúng dường Tam bảo, với tâm nguyện kiên quyết làm theo
lời Phật dạy, bằng cách sửa bỏ những gì không hay. Nỗ lực phát huy định
tỉnh để được sáng suốt, thấy rõ phiền não, sự chấm dứt của phiền não,
sáng suốt thấy rõ những hiện tượng chung quanh, những dây mơ rễ má,
những gì không thật đeo bám quanh ta mà gỡ bỏ hết đi. Chúng ta nhận hiểu
thấu đáo lời dạy của đức Phật để thực hiện giác ngộ được như Ngài. Đó
là người Phật tử biết tu chân chánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét