Chân dung nhà giáo Nguyễn Thượng Hùng |
Đang là giáo chức thủ đô, thầy tạm biệt Hà Nội phố để về quê dạy học. " người ra đi / đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thầy nắng, lá rơi đầy "... Là tôi mượn ý thơ của thi sĩ nọ thôi chứ thầy tôi về quê vì 2 lý do, chẳng là thơ thì cũng rất là văn : về quê vì rằng phải hương khói trông nom ngôi nhà cũng là nhà thờ ông nội thầy là cụ Nguyễn Thượng Hiền . Xin được nói thêm ngôi nhà thầy đã được Nhà nước xếp hạng di tích . Cụ Nguyễn Thượng Hiền ( 1868- 1925 ) đỗ Hoàng Giáp Tiến sĩ được triều đình vời ra làm Đốc học Ninh Bình và Nam Định . Sau, cụ sáng lập phong trào Đông du cùng cụ Phan Bội Châu mở Đông Kinh nghĩa thục . Cụ là con rể Tôn Thất Thuyết ( phụ chính đại thần ) .
Lý do về quê thứ 2 là thầy về chăm sóc mẹ bị liệt ốm .
Thần tượng của chúng tôi có giọng nói hay, tác phong đứng, đi, ăn mặc, giày dép lúc nào cũng đẹp trang nghiêm, lịch lãm . Chữ viết của thầy cũng vậy, dù là viết bảng hay viết trong sổ cái, sổ con hay sổ ghi đầu bài . Quần áo thầy khi nào cũng phẳng phiu dù ngày ấy chẳng mấy ai có bàn là . Thần tượng của chúng tôi có nụ cười tươi tràn đầy năng lượng dù thầy rất nghiêm khắc . Có lần lớp tôi vào học muộn giờ do mải ham đá bóng ngoài sân cỏ, con gái cũng đi cổ vũ con trai, thầy không mắng vẫn cười . Rồi thầy buổi ấy chia sẻ, giới thiệu chúng tôi đọc sách Những tấm lòng cao cả của nhà văn Edmondo De Amicir và Tuổi mười bảy của Ghec- man Mát-ve-ep, là thầy định hướng cho chúng tôi biết ham thích những điều tốt đẹp và hướng thượng .
Lại có lần, lớp tôi bị ghi sổ đầu bài : " cả lớp 10 C không học bài !!! " do môn lịch sử . Lũ chúng tôi vụ ấy lo thì lo mà quên thì vẫn quên - tuổi choai choai mà . Thầy bước vào lớp với ánh nhìn buồn . Cả lớp im lặng nặng nề lúc lâu . Rồi thầy nói : có phải thực sự các em lười học như vậy không? Mà các em đành lòng ký tên cả lớp vào sổ ? Thực sự các em không còn giải pháp nào chăng, sao không thành thực xin lỗi thầy mà ... nỡ tự bôi nhọ danh dự của mình, của cả lớp như vậy ? . Chúng tôi hôm ấy bàng hoàng và như sực tỉnh ngộ . Thầy đã khai thị cho học trò : rằng các em chẳng thể hồn nhiên qua tuổi trăng rằm(15 ) mãi được, các em đang dần trở thành người lớn có liêm sỉ . Và, chúng tôi đã vươn lên làm người lớn từ buổi ấy !
Tốt nghiệp ra trường, đứa gần đứa xa thầy đi lập nghiệp, thầy vẫn dõi theo các trò . Lâu lắm, về thăm thầy, thầy vẫn biết lớp tôi đứa nào khổ, đứa nào yếu khuyên đến thăm hỏi nhau dù thầy đã đưa bao thế hệ học trò, bao chuyến đò đã sang sông .
Còn nhớ, lớp tôi họp lớp lần đầu sau 16 năm xa , mời thầy đến dự, thầy vui lắm và khuyên chúng tôi ngồi thành vòng tròn, mỗi đứa tự kể về cuộc sống của mình thời gian qua . Bữa ấy đứa nào cũng dốc bầu tâm sự nước mắt chứa chan , mừng tủi vô hạn , đều mở đầu "tự truyện" bằng câu : 16 năm qua, em đã/ tôi đã ... Thật xúc động . Nhờ thầy mà chúng tôi hiểu thương nhau hơn và ngộ ra rằng họp lớp đâu chỉ là vui tếu, bia rượu " dô, dô ! " rồi ai về nhà nấy, lầm lũi tháng ngày ?! Bản thân thầy cuộc sống vất vả nên thầy rèn tính nhẫn nại, là tấm gương chúng tôi soi . Đến tuổi nghỉ hưu, những tưởng được nghỉ ngơi, thầy lại một mình chăm sóc cô- người vợ hiền mắc bạo bệnh . Thương và cảm phục thầy quá . Lớp chúng tôi cùng thầy lần lượt đưa tiễn hai người thân của thầy ra đồng , cảm nhận được tình thương đức hiếu của thầy với người vợ và người mẹ của thầy ...
Về thăm thầy, thăm vườn cây và hoa thầy trồng thấy nụ cười thầy vẫn tươi như xưa, cây hoa vẫn nở xanh thắm , ai bảo thầy không Người Hà Nội phố ? Mới đây, tình cờ tôi đọc được một câu rất hay in trên một tờ lịch ngày : không có quyển sách giáo khoa nào, cũng không có tấm bằng GS, Tiến sĩ nào lại thay thế được nhân cách của một người thầy ! Vâng, thầy chính là thần tượng, là cuốn sách ... của chúng tôi thủa học trò và cả khi đã trưởng thành . Giờ, thầy tôi tuổi 80, vẫn du lịch thắng cảnh, vẫn lướt mạng, vẫn FB, viết bài, chụp hình ... sẻ chia . Đặc biệt, thầy vẫn cẩn trọng không sai một dấu câu hay ngữ pháp dù thầy dạy Toán ; và vẫn nụ cười hóm hỉnh giàu năng lượng gửi đi cho các bạn già và ... cả học trò chúng tôi . Nhớ thầy, nghĩ về thầy, chúng em xin viết đôi dòng tri ân thầy nhân tháng có ngày lễ kỷ niệm các Nhà giáo 20-11.
P/s : ngày nay quê tôi quê thầy, xã Liên Bạt huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây đã trở thành Hà Nội mới rồi . Và, hiện nay, thủ đô Hà Nội vẫn đang có đường phố mang tên Nguyễn Thượng Hiền, là ông nội của thầy tôi- Nguyễn Thượng Hùng .
Tác giả : Đặng Mai Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét