Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

NGHĨA TRANG THÔN NHÀ


Xuống bến ô tô Vân Đình (Cũ) theo lối rẽ vào UB ND Huyện đi theo ngả nào cũng có thể tới viếng thăm nghĩa trang thôn Hoàng Xá.
Gần như như một quy ước của làng, người Hoàng Xá đưa người quá cố về với cõi âm không đưa qua cửa đình. Nhà người quá cố phía bên phải đình, đưa đám đi theo ngả xóm Vàng. Nhà người quá cố phía bên trái đình, đưa đám đi theo ngả xóm Mới.

 
Nghĩa trang thôn Hoàng Xá tọa lạc trên một khu đất rộng. Ngẫm về phong thủy, con mương cái (Thủy lưu) ở phía bắc chảy theo hướng đông tây, phân nhánh dòng chảy mé đông như cánh tay ôm ấp khu vực nghĩa trang đó là Thanh Long (cát). Con đường bên phải phía tây nhu thuận nối với đường đường làng, bọc lấy toàn bộ khu nghĩa trang được coi là Bạch Hổ (Cát). Chính cái âm phần đắc địa đã giúp cho thôn mỗi ngày một hưng thịnh.


Ngược thời gian, đất của làng xưa khá rộng, nên việc an táng và cát táng trước năm 1960 khá tùy tiện, mộ phần của từng gia đình trải đồng ngoài, đồng trong rất khó chăm sóc. Bằng tư duy rất giản đơn” Trần sao âm vậy “ nghĩa trang thôn trở thành một làng của người âm, mặt khác xuất phát từ thực tế, nhu cầu quy tập các ngôi mộ từng gia đình về một nơi để tiện lo chăm sóc, hương khói dần hình thành quần thể mộ chí của từng gia đình đã thuộc cõi âm.

Bắt đầu từ năm 1995 theo quy định của làng các mộ cát táng được xây theo một kích thước quy định, 1 x 0,8 x 1,2 (m), mộ cát táng thường quy tập theo từng khu của mỗi gia đình.
Trong thôn phát động phong trào  “Góp gạch xây nghĩa trang”. Tùy theo gia cảnh, có gia đình cúng tiến cả một miếu thờ, có gia đình cúng tiến chục mét dài tường rào…hay một đoạn đường làm lối đi lại trong khu vực. Tất cả dù ít hay nhiều đều được ghi danh công quả. 

Cổng ngoài vào khu nghĩa trang thôn

Cổng nghĩa trang với câu đối " Phong vũ..
Cổng nghĩa trang mái cong hình cánh diều, hai cột cổng ghi câu đối chữ nho có chú chữ quốc ngữ “ Phong vũ chân linh an lạc tại – Xuân thu hiếu duệ niệm huyèn chi” Dịch nghĩa là : “ Dù gió mưa thế nào mọi linh hồn quá cố cũng được yên vui nghỉ ngơi nơi đây- Quanh năm con cháu hiếu thảo luôn tưởng niệm đến sự huyền diệu của người đã đi xa
Miếu thờ thần linh
Giữa nghĩa trang là ngôi miếu thờ thổ thần, tường ốp đá xanh, nép dưới tán cây bạch đàn. Mái miếu  cong hình thuyền chở linh hồn vào cõi niết bàn.
Ngay gần bên miếu là lò thiêu hương để người trần gửi đồ cúng tiến đến thổ thần trông coi âm phần.

 
Nghĩa trang thôn Hoàng Xá có thể nói là đẹp một cách bình dị, có những ngôi mộ mang kiểu dáng gotic nhưng đại đa số được xây giản đơn, chân chất như con người Hoàng Xá vậy.

Gần như ngày nào cũng có người vào nghĩa trang thắp hương cho người thân quá cố. Đặc biệt những ngày trước và sau Tết, nghĩa trang luôn đông người đến. Một thẻ hương, một bó hoa như sự tri ân của người trần với người âm đã luôn phù hộ độ trì cho người dân Hoàng Xá mỗi ngày một hạnh phúc, ấm no.

 Đỗ Đăng Biên


Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

LƯƠN OM LÁ BẦU

Hình mang tính minh họa
Trong cuốn “ Địa chí văn hóa Hoàng Xá “ của nhà giáo Đặng Đình Thiêm, ông viết về một món ăn do người chị của mình nấu mà sau khi thưởng thức xong ông đã phải thốt lên “ Thật là ngây ngất với hương vị quê nhà “ dù rằng ông từng thưởng thức những món ăn chế biến từ nguyên liệu ấy bằng bàn tay nghệ nhân Trung Quốc

Lươn om lá bầu – Đó là món ăn mà cách nấu được truyền lại qua các đời của người Hoàng Xá. Không ai ghi chép một cách cụ thể, bởi lẽ mọi công thức cho một món ăn không có nghĩa nhiều lắm, đó chỉ là phần lượng. Quan trọng hơn cả là cách nấu, bởi đấy mới tạo nên hương vị và sự khác biệt của một món ăn mang cái hồn của nó.

Nói đến món lươn om lá bầu thì nguyên liệu chính phải là lươn và lá bầu.
Lươn dùng chế biến món này nhất thiết phải là lươn trưởng thành, đường kính cỡ 2cm trở lên là được.
Nhớ chọn những con có hai màu rõ rệt: bụng vàng, lưng đen. Thịt chúng sẽ chắc và thơm ngon vì đó là lươn từ ao hồ, bắt lên. Những con có khối lượng quá lớn, mình đen thường là lươn nuôi nên thịt sẽ nhão và không thơm.
Lươn sau khi đã làm thật sạch, để ráo nước rồi mới pha chế.
Trước hết chặt bỏ đầu loại đuôi, sau là mổ phanh lọc xương. Phần thịt lươn lươn lấy sống dao dần nhẹ, cắt khúc khoảng 10 cm
tẩm gia vị để sau gói lá bầu. Đầu, đuôi, xương đem luộc lấy nước trong để om lươn.

Lá bầu chọn lá bánh tẻ (Những lá thứ 3,4 tính từ ngọn) rửa sạch, để ráo nước.

Thịt ba chỉ thái nhỏ chừng ngón tay.
Chọn hai lá 4 xếp dưới, hai lá 3 xếp dưới trên. Thịt lươn đã tẩm ướp cuộn chặt thỏi thịt ba chỉ đặt vào giữa tập lá rồi gói lại. Để khỏi bung ra, cần buộc lại bằng lạt giang hình chữ thập.

Nồi om lươn lá bầu phải là nồi đất nung mới đúng kiểu. Sau khi các gói lươn đã xếp vào trong nồi, tiếp theo là cho nước và quả chua.
Nước cho vào không phải là thứ nước múc đại ở bể là được. Trước tiên là giã một củ nghệ, khi nghệ đã nhiễn, cho vào đó khoảng 2-3 thìa mẻ và nghiền thêm một chút. Nước luộc đầu, đuôi, xương nói trên, chắt lấy nước trong dùng làm nước lọc hỗn hợp nghệ mẻ, nhớ lọc kỹ không để bã nghệ rơi vào nồi om. Lọc chừng săm sắp nước nồi om là đủ.
Quả chua, dùng chế biến món lươn om lá bầu chuẩn nhất phải là trái nhót xanh. Chính cái vị chua chua, ngọt ngọt, chan chát của nó làm cho món này có hương vị thật đặc biệt quyến rũ.

Om lươn đun nhỏ lửa, để không trào, không mất quá nhiều hơi nước. Thời gian đun để có một nồi ngon chừng một canh giờ  mới được. Ngon hơn nữa là phải đun hai lửa. ( Đun được rồi, để nguội rồi đun tiếp lần hai cho sôi là được)

Thưởng thức món này phải là với rượu trắng nấu từ nếp cái hoa vàng, có thời gian lưu đủ bách nhật. Lá bầu tưởng chừng không ăn được vậy mà gói lươn om lên thì tật tuyệt với khó thứ rau nào sánh được.

Thiên hạ chế biến rất nhiều món từ lươn, đồng đất nhiều lươn như (Hải Dương, Nghê An) có rất nhiều món “ Đặc sản” về lươn, thậm chí có nơi còn hầm thuốc bắc nhưng chỉ Hoàng Xá mới có món lươn om lá bầu.

Ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, miệng thưởng thức từ những năm của thập kỷ 60 như một sự gìn giữ nét văn hóa của quê hương và cũng mong muốn chia sẻ cho những ai có hứng thú tìm hiểu về ẩm thực vùng miền.

Đỗ Đặng Biên

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

CÂU ĐỐI TRÊN CỘT VÀ TƯỜNG Ở " TRÀ BÀ TỰ "

CÂU ĐỐI GHI Ở 4 CỘT TAM QUAN






CÂU ĐỐI MẶT TRONG CỔNG CHÙA



 

CÂU ĐỐI MẶT NGOÀI CỔNG CHÙA

 

   
CÂU ĐỐI GHI Ở HOÀNG HÀ BẢO THÁP


 



CÂU ĐỐI GHI CỔNG TRONG  CỦA  CHÙA

 

Bản chữ nho chụp từ cuốn LÀNG HOA ĐÌNH của cố Nhà giáo Nguyễn Phúc Tăng



Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

NGÀY GIỖ TRẬN


Anhr có giá trị minh họa - nguồn google.com.vn
64 năm, đó là khoảng thời gian có thể nói là khá dài đối với một đời người.  64 năm từ trẻ sơ sinh nay ít nhất cũng đã lên ông lên bà, cây muỗm kế cổng trường chuyên nay đã thành cổ thụ.
64 năm cũng đã là thời gian đủ để hàn gắn mọi vết thương lòng, vậy mà đã hơn sáu mươi năm trôi qua cứ đến ngày 18 tháng 8 âm lịch với nhiều gia đình người Hoàng Xá vẫn nghi ngút khói hương tưởng nhớ người đã khuất.
Còn nhiều người Hoàng Xá nay chứng kiến trận càn quyết liệt và tàn bạo của thực dân Pháp nhằm vào thôn Hoàng Xá xẩy ra hồi đó…..

Ngày 19/9/1948 một phái đoàn Nam bộ, trên đường lên chiến khu Việt Bắc qua thôn Hoàng Xá. Tỉnh ủy Lưỡng Hà ( Hà Đông – Hà Nội sát nhập từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1948) tổ chức một cuộc mít tinh lớn để chào mừng đoàn.
Kỳ đài dựng tại sân Đình Hoàng Xá. Sau mít tinh, ngay đêm đó phái đoàn Nam bộ rời thôn Hoàng Xá qua Mỹ Đức.

Bằng tin tình báo, giặc Pháp phát hiện sự việc trên nên từ tờ mờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 1948 chúng bất ngờ tập kích thôn Hoàng Xá.
8 máy bay Đacota  đổ 300 quân dù xuống Văn Chỉ Phủ Ứng Hòa và một số vực xung quanh ( Vân Đình, Đình tràng, Lương Xá..). Bộ binh cơ giới khoảng 200 quân với sự yểm trợ của xe tăng và xe bọc thép từ Hà Đông theo đường 21b rầm rập kéo vào.
Địch bao vây toàn bộ thôn, phá kỳ đài dựng hôm trước và tàn sát man rợ dân làng Hoàng Xá và dân vùng lân cận.
Trên 100 người dân đã bị giặc giết hại một cách dã man, rất nhiều người bị chúng bắt làm hàng rào che chắn  để chúng rút sau khi đốt phá nhiều nhà thờ các cửa họ và chùa làng.
Hoàng Xá  bị chúng giết hại tất cả là 42 người - Ngày đó là ngày 20/9/1948 nhằm ngày 18 tháng 8 năm Mậu Tí.
Tù đó về sau và mãi mãi, ngày 18 tháng 8 là ngày giỗ trận của làng.
Năm 1998 sau 50 năm ngày giỗ trận dân thôn đã lập bảng “ CHƯ VỊ CHÂN LINH GIỖ TRẬN THÁNG 8 MẬU TÍ “ đặt tại Chùa Chè.

DANH SÁCH CHÂN LINH VÀ TÊN THƯỜNG GỌI

01. Tỉ siêu bồ tát Đàm Mười -  Sư Mười
02. Đặng Tiến Ất (Tỵ)           - Cụ Trường Kỳ
03. Cao Thị Bén                     - Bà Lải
04. Trần Hữu Cánh                - Ông Hai Cánh
05. Đặng Đình Chớp              - Ông Nhỡ Chớp
06. Trần Thị Duộc                  - Bà Lý Gáo
07. Cao Thị Dụng                   - Con gái ông Chù
08. Đặng Thị Đức                   - Bà Hai Thận
09. Đặng Tiến Gầu                  - Ông Gầu lớn
10. Hoàng Hảo                        - Ông Cả Hảo
11. Nguyễn Thị Hảo               - Bà Hai Thu
12. Trần Thị Hoạt                   - Con gái ông Nghi
13. ĐặngThị Hót                     - Bà Hương Ngân
14. Cao Văn Huề                     - Ông Thơ Huề
15. Nguyễn Tất Huyên            - Cụ Lý Hiên
16. Đặng Văn Khánh               - Cụ Lý Gáo
17. Trần Nguyên Khôi             - Cụ Hội Ất
18. Vương Thị Lanh                - Bà Cửu Khuyên
19. Trần Thị Le                        - Bà Cả Cam
20. Đặng Thị Liên                    - Con gái ông Cừ
21. Đặng Thị Liễu                    - Em gái bà Thu
22. Nguyễn Đình Ly                 - Con Bà Lun
23. Đặng Thị Nga                     - Con gái ông Cừ
24. Đặng Đình Nguyên             - Ông Hai Nguyên
25. Nguyễn Gia Nham              - Ông Tư Chanh
26. Cao Văn Nhân                    - Ông Hai Nhân
27. Đặng Hài Nhi                     - Em ông Cừ
28. Nguyễn Thị Nhỡ                - Bà Lý Phấn
29. Đặng Tiến Nuôi                   - Cháu Cụ Gầu
30. Đỗ Thị Nuôi                        - Bà Cả Bạch
31. Đỗ Đặng Quỳ                      - Ông Nhang Khẽo
32. Nguyễn Đình Quỳnh           - Chồng Bà Lun
33. Đào Thị Quyên                  - Bà Năm Thiệu lớn
34. Trần Thị Quýt                    - Vợ Ông Cừ
35. Đặng Văn Sêu                  - Chồng bà Hai Sêu
36. Đặng Đình Thân               - Cụ Lý Thân
37. Nguyễn Thị Thoán            - Bà Cả Bút
38. Hoàng Văn Tuy                - Con cụ Lý Tùy
39. Trần Thị Vẹt                      - Cô Vẹt
40. Đặng Viết Vũ                    - Cụ Hương Hàm
41. Cao Văn Xương               - Cụ Nhì Xương
42. Bà Long Bích                   - Vợ ông Hoàng Bích

Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn Làng Hoa Đình
của cố nhà giáo Nguyễn Phúc Tăng
BS - Đỗ Đặng Biên

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

CUỐN TÔM HOÀNG XÁ


Ảnh chỉ mang tính minh họa ( Nguồn trên NET)
Cuốn tôm – Là món ăn dân giã của nhiều làng quê Việt nam, làm món này mỗi nơi có khác nhau một chút. Ngay như quê tôi cách nhau một cánh đồng vậy mà làng Vân Đình con tôm của họ lại để nguyên cả đầu và mắt, chưa nói các thứ gia giảm.
Món cuốn tôm chế biến theo cách của người Hoàng Xá, có khác chút ít so với nhiều làng quê khác, có điều chỉ một lần thưởng thức thôi, tôi tin rằng mọi người sẽ phải nhớ về nó và dù không thích cái rét của mùa đông miền Bắc nhưng lại mong cho cái lạnh sớm về để có những bữa cuốn tôm đặc biệt chế biến bởi tay người Hoàng Xá.

Mỗi năm cứ vào tiết đầu đông, trên các luống rau thôn Đình tràng, Lương Xá cây hành đã bắt đầu xuống củ, cánh rau mùi non xuất hiện cùng vụ với các ao tát nước bắt cá cũng là thời điểm bắt đầu của món cuốn tôm.
Tại sao phải chờ lâu vậy? và bao giờ thì hết mùa cuốn tôm?

Câu trả lời nằm trong cách chế biến món cuốn tôm của làng Hoàng Xá.

Nguyên liệu chính
Thứ nhất phải có tôm đồng, phải là thứ tôm tự nhiên này chứ không thể dùng các loại tôm nuôi chuyên canh như tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Không cần tôm to quá, bằng ngón út là được nhưng nhất thiết phải tôm tươi ( tôm còn sống).
Tôm mua về cần làm ngay, không được để chết sẽ mất ngon. Sau khi vặt râu, bóc vỏ cứng trên đầu, bỏ túi hoi, rửa sạch, để ráo nước rồi đem rang.
Kỹ thuật rang tôm cũng không rang “ đại” mà phải đúng quy trình trên nguyên tắc vừa mắm muối,(có thêm chút đường) nhiều dầu, nhỏ lửa đun khô kiệt, cuối cùng là rắc bột hạt tiêu. Con tôm sau khi rang phải có màu đỏ, thịt tôm phải săn, đậm và ngọt.
Hành củ không chọn loại hành to cây, to củ loại ấy tốt mã nhưng không ngon đâu. Hành ăn cuốn phải là loại ngắn cây củ nhỏ đúng độ.
Hành chọn sau khi rửa sạch bóc lá bẹ già, xếp bằng phần củ, bó lại từng bó nhỏ cắt đỡ phần lá rồi đem trần.
Trần hành cũng có quy chuẩn của nó, chín quá nó nồng, sống nó hôi, kinh nghiệm là củ hành hơi trong là ổn.
Nổi vị nhất trong món cuốn tôm đương nhiên là vị rau mùi. Thiếu rau khác cũng được nhưng không thể mùi. Những cây mùi mới lớn khoảng 6-10 cm xanh non, rửa kỹ nhưng nhẹ tay để không dập nát là thứ nguyên liệu góp vị đặc trung của món cuốn tôm.
Nguyên liệu chính, đáng ra phải nói đầu tiên là bún . Loại bún ăn cuốn tôm tuyệt nhất là “ Bún con ốc” làm ra bởi người làng Bặt ( Xã Liên Bạt - Ứng Hòa )con bún tròn xoe trũng hoáy. Loại bún này không phổ biến nên có thể thay bằng bún bừa, thậm chí bí quá thì bún rối cũng được.

Thịt lợn để làm món cuốn thường là thịt ba chỉ, thứ thịt có đủ ba chỉ nạc mà không bèo nhèo, bạc nhạc. Thịt luộc chín tới,  thái ngang nhỏ vừa phải đủ cả “ ba chỉ”
Trứng gia cầm ( trứng vịt) tráng mỏng, thái sợi to.
Vẫn còn chưa đủ nếu thiếu rau răm. Hương vị cay, nồng của rau răm tía quyện với mùi, với hành ,tỏi ….tôm, trứng, thịt, thì thật là khó tả nổi.
Rau sống kèm với món cuốn tôm có thể thay lá diếp ngô bằng sà lách, ngoài ra còn thêm  húng láng.
Người không ăn được mỡ có thể thay thế thịt lơn bằng giò, nhưng sẽ mất đi cái vị béo ngậy của mỡ lợn.
Nước chấm cho món này ở Hoàng Xá không cầu kỳ như nhiều nơi khác, có điều phải chọn loại giấm ngon để pha. Hỗn hợp nước chấm từ các nguyên liệu đơn giản ( Tỏi, ớt, đường, nước mắm…vị cà cuống ) tất cả phải vừa phải.
Bổ xung thêm cho món nước chấm này còn một bát xu hào, carot ngâm dấm riêng.
Khi ăn do khẩu vị, mỗi người tự bổ xung thêm ớt, hạt tiêu, chanh..

Cách thưởng thức.
Cũng là mỗi nơi mỗi khác, có nơi người ta trải tàu rau diếp ngô (rau xà lách) trên lòng bàn tay. Ðặt vào đó một miếng bún nhỏ chừng độ bằng hai đốt ngón tay, một miếng thịt dọi, một con tôm, một nhánh rau mùi, một nhánh rau thơm, một nhánh rau răm. Thế rồi xúc một thìa con xíu dấm bỗng chưng sột sệt vào giữa. Cuốn tàu rau lại, lấy một nhánh hành củ trần tái quấn quanh, xếp lên đĩa.

Cuốn tôm Hoàng Xá lấy “ con bún ốc “ làm khuôn, trong lòng là cọng răm, cọng mùi, xòe cánh phượng, đậy trên là con tôm đỏ , thỏi thịt ba chỉ , lát trứng vàng, tất cả được cuốn quanh bằng củ hành trần chín tới.
Nhìn lá cuốn tôm của người Hoàng Xá bầy trên đĩa thật quyến rũ, ai đó từng nói rằng lá cuốn tôm Hoàng Xá đẹp như liền chị mớ bẩy mớ ba trong mùa trẩy hội.

Cuốn là món ăn nguội, có thể dùng là thức đưa cay rất hợp khẩu trong những ngày chớm đông hay ra giêng.
Món cuốn tôm ta thưởng thức hòa quyện đủ ngũ hành, ngũ vị. Màu trắng của bún thuộc hành Kim, màu xanh của rau thuộc hành Mộc, màu đỏ của tôm thuộc hành Hỏa,  hành Thổ là màu vàng của trứng, còn nước chấm là đặc trưng của hành Thủy, tất cả hòa quện nhau đủ mặn, ngọt, chua, cay, đắng mà sao ngon đến tuyệt vời.

Thủa sinh thời, mẹ tôi bao giờ cũng làm món cuốn tôm trong bữa cỗ hoá vàng ngày tết. Nó không chỉ là món ngon đổi vị sau những ngày thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh mà còn là cái tâm của người sống nhớ về người quá cố vốn thích món truyền thống của làng,

Đỗ Đặng Biên

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

ÔNG NĂM PHỦNG

Người làng vẫn gọi ông là – Ông Năm Phủng bởi ông là con thứ 5 trong một gia đình dòng họ Đặng Văn. Nhà ông nghèo, đông anh chị em nhưng lại rất hiếu học.
Không mấy ai biết ông đã theo học như thế nào mà có bằng tú tài trong khi cả làng khi ấy chưa ai qua được diplome ( lớp 9). Năm ông đỗ tú tài cả làng kinh ngạc và khâm phục bởi ông là người đầu tiên của làng Hoàng Xá đậu tú tài (Năm 1943).
Thời đó tấm bằng tú tài rất có giá trị để có thành một công chức trong chế độ thực dân, vậy mà ông đã không theo con đường nhẹ nhàng và thênh thang đó.

Tháng 3 năm 1945 một tổ thanh niên cứu quốc ở Hoàng Xá được thành lập gồm 7 người,  ông làm tổ trưởng.  Tổ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Tảo Khê do ông Đỗ Mười phụ trách với nhiệm vụ ban đầu là tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng và xây dựng cơ sở Việt minh ở địa phương.
Tháng 5/1945 ông Đặng Văn Phủng và Nguyễn Tất Quốc của thôn được chọn đi dự lớp huấn luyện quân sự của tỉnh Lưỡng Hà và sau đó trở thành những cán bộ cốt cán đầu tiên của làng tham gia cách mạng.
Tháng 6 năm 1945, sau cuộc diễn thuyết ( Ông Đỗ Mười đăng đàn) tại đình Hoàng xá, ông Đặng Văn Phủng và ông Đặng Đình Viên được chính ông Đỗ Mười đứng ra tổ chức kết nạp vào Đảng cộng sản đông dương. Hai ông cũng là những người đảng viên ĐCS đầu tiên của làng Hoàng Xá.

Ngày 21/8/1945 cùng nhân dân toàn xã và nhiều  nơi trọng của huyện, dân làng Hoàng xá tổ chức mit tinh chào mừng UBND cách mạng lâm thời của huyện. Ông Đặng Văn Phủng tham gia Ủy ban, phụ trách kinh tài.
Sau ngày tổng tuyển cử năm 1946, chi bộ thôn lớn mạnh, do yêu cầu của cách mạng ông Đặng Văn Phủng và các ông Tín, Hào, Viên được chuyển công tác khỏi địa phương.

Ông Đặng Văn Phủng tham gia phục vụ quân đội theo sự phân công của Đảng cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm đại úy QQĐNDVN và thường trú tại khu tập thể quân đội 14b Lý Nam Đế.

Ông là người Hoàng Xá có tới 5 danh hiệu tiên phong:
-        Người đầu tiên của làng có bằng tú tài
-        Người đầu tiên của làng tham gia cách mạng
-        Người đầu tiên của làng tham gia đội tự vệ chiến đấu
-        Người đảng viên ĐCS đầu tiên của làng
-        Người cán bộ đầu tiên của làng tham gia UBND

Nguồn : BS từ nguồn tư liệu của  nhà giáo Nguyễn Phúc Tăng và Đình Thiêm

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

DÒNG HỌ ĐẶNG TIẾN

Theo cuốn Làng Hoa Đình của cụ Nguyễn Phúc Tăng và Cuốn “ Đặng Tiến tộc lưu ký” do cụ Đặng Tiến Hội khởi thảo năm 1996 và hoàn thành năm 1999 thì : Đặng Tiến tộc phả do các cụ nhiều đời ghi lại bằng chữ hán, bắt đầu là cụ Đặng Quý Công tự Thuần Trực, khoảng thế kỷ XV ghi lại theo lời ông nội là cụ Đặng Phúc Thọ kể.

Những dòng đầu trang 1 có câu :” Trần gia chi tôn nhập Đặng, Đinh Tỵ, nhất thiên, tam bách,thất thập thất niên”

Từ Đường Họ Đặng Tiến
Lý giải câu trên có thể như sau : Tháng giêng năm Đinh Tỵ, Trần Duệ Tông tiến đánh vua Chiêm là Chế Bồng Nga. Duệ Tông thua to và tử trận, Chế Bồng Nga tiến đánh và chiếm Thăng Long. Thân nhân của Duệ Tông phải lánh nạn, trong đó có một người về Hoa Đình xin nhập vào họ Đặng. Người này chính là Cụ Đặng Phúc Thọ, khởi tổ của họ Đặng Tiến ngày nay

Khi làm Đình Hoàng Xá (1694) làng có tới 4 cửa họ Đặng. Thời Tự Đức ( 1860-1862) khi sửa Bái Đình trên cột hồi khắc tên những người có công, trong đó có 5 vị thuộc họ Đặng Tiến  ( Đặng Tiến Huyên, Đặng Tiến Khoan,  Đặng Tiến Tuyên, Đặng Tiến Nam.)
Tính theo năm kể từ đời cụ khởi tổ Đặng Phúc Thọ Dòng Họ Đặng Tiến đã có 635 năm tồn tại (1377 – 2012). Nếu bình quân một đời khoảng 25 năm thì dòng họ đã phải có khoảng 25 đời mới hợp lý. Phải chăng có gì còn thiếu sót của tiền nhân nên cháu con đành vui vẻ với những gì do tiền nhân lưu lại.

Trong nhiều điều khẳng định thì có 3 điều cần ghi rõ rằng :
- Dòng Họ Đặng Tiến là một trong những dòng họ lâu đời tại thôn Hoàng xá
- Dòng họ luôn giữ được nề nếp tổ tiên.
- Dòng họ có nhiều đóng góp cùng dân làng xây dựng nên quê hương, mạnh giàu và văn hóa
 Như những câu thơ của cụ Đặng Tiến Hợi viết trong cuốn " Đặng Tiến tộc lưu ký " răn dậy cháu con :
Cứ theo tộc phả mà suy
Tên đệm là gì vẫn Đặng Tiến ta
Ở làng hay thoát ly xa
Vẫn giữ truyền thống nếp nhà tổ tiên
Phụ từ,Tử hiếu, Tôn hiền
Huynh đệ hòa thuận, dưới trên một lòng
Ghi sâu ân đức tổ tông
Bảo nhau con cháu gắng công luyện rèn ...”

Nhà thờ họ Đặng Tiến cũng là nhà ông Đặng Tiến Đức


Ông Đặng Tiến Đức - Trưởng Họ
Nhà thờ Họ Đặng Tiến bị giặc pháp đốt trong trận càn Vân Đình ngày 20 tháng 9 năm 1948 . Cụ Đặng Tiến Ất ( Tỵ) –Trưởng Họ bị giặc bắn. Cho đến nay nơi thờ tổ họ Đặng Tiến được đưa về thờ cúng cùng nơi thờ gia tiên của nhà ông Đặng Tiến Đức – Trưởng họ đời thứ XV






Nguồn : Đặng Tiến Đức
Biên tập : Đ. Đ. Biên


Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Lời cảm tạ




Sau hơn 2 năm chống chọi với bệnh tật hiểm ác, mẹ của chúng tôi Vũ Thị Lan đã vĩnh viễn ra đi vào hồi 20 h 42 ngày 4 tháng 6 năm 2012 (tức ngày 15 tháng 4 năm Nhâm Thìn) hưởng thọ 79 tuổi. Đó là một sự thiếu hụt rất lớn không gì bù đắp được trong đời sống tình cảm và mọi phương diện của đại gia đình chúng tôi

Từ khi mẹ tôi lâm bệnh, đến tận phút cuối cùng của những ngày tang lễ chúng tôi đã nhận được vô vàn sự chia sẻ của mọi người. Thay mặt đại gia đình chúng tôi xin gửi lời vô cùng cảm ơn đến : 
- Huyện ủy, UBND, HĐND, MTTQ, các ban ngành, cơ quan, đoàn thể Huyện Ứng Hòa.
- Đảng ủy, UBND, HĐND, MTTQ, Hội người cao tuổi các ban ngành, cơ quan, đoàn thể Thị trấn Vân Đình - Huyện Ứng Hòa
- Ban lãnh đạo, Chi hội người cao tuổi, Chi hội CCB, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân thôn Hoàng Xá.
- Họ hàng nội ngoại, thông gia.
- Bà con cô bác, anh chị em, các cháu xa gần của xã Liên Bạt, Thị Trấn Vân Đình…
- Phòng QL Đô thị Huyện Ứng Hòa
- Hội đồng ngũ đặc công Huyện Ứng Hòa
- Trường PT cơ sở Thị trấn Vân Đình
- Trường THCS Kiến Hưng Thị xã Hà Đông
- Công ty CP Vận tải & Dịch vụ Hàng Hóa Hà Nội
- Tổ chức hành động viện trợ ( Vương quốc Anh)
- Ngân hàng NN và PT Nam Hà Nội
- Công ty Lan Thành
- Công Ty Trần Anh
- Đài Phát Thanh Huyện Ứng Hòa
- Ngân hàng NN và PT nông thôn Huyện Ứng Hòa
- Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài 
- Sở GD Hà Nội
- Lớp phổ thông của các khóa 1967-1970, 1970-1973, 1972-1975, 1974- 1977, 1977- 1980, 1979- 1982 1981- 1984
- CLB “ Tri ân cuộc đời ”
- CLB “ Tấm lòng bè bạn”
- Hội Cựu học sinh thành phố Erevan
- Hội Cựu học sinh trường MIY
- Hội CB và Đội 15 HTLĐ thành phố Iaroslap
…….
Không biết nói gì hơn trước sự nặng tình nặng nghĩa của mọi người đã ưu ái với gia đình chúng tôi, thay mặt đại gia đình tôi xin được nói lời cảm ơn vì tất cả. Trong lúc tang gia bối rối có điều gì sơ xuất gia đình tôi mong được lượng thứ

Thay mặt toàn thể anh chị em trong đại gia đình.
Trưởng nam
Nguyễn Tất Cường

































Vĩnh biệt bà ngày mai chúng con phải trở lại cuộc sống thường nhật