Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

NHÀ THƠ THẾ LỮ





Thế Lữ tên thật là Nguyễn Ðình Lễ hay Nguyễn Thứ Lễ sinh năm 1907 tại Thái Hà Ấp , Hà Nội. Thứ là con thứ hai, Lễ là Lễ để dâng cho Chúa.
Thuở nhỏ Thế Lữ sống tại Lạng Sơn, năm lên chín về Hải Phòng đi học. Những năm ở trường Bonnal, Nguyễn Thứ Lễ hăng hái tham gia các phong trào yêu nước như: Để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu và gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội . Trong số bạn bè thân thiết của Nguyễn Thứ Lễ có Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh ). Năm 1930 khi 'Thanh niên' chuyển thành Đảng cộng sản, Nguyễn Thứ Lễ nói với Nguyễn Văn Cúc là vẫn tán thành lý tưởng cách mạng, nhưng gia đình theo công giáo, không thể gia nhập Đảng
Năm 1930 ông bắt đầu viết truyện ngắn và 1933 viết những bài thơ đầu tiên. Thế Lữ cũng là một người sáng lập ra Tự lực văn đoàn, tham gia viết báo ở trong ban biên tập các tờ báo nổi tiếng đương thời: Phong hoá, Ngày nay, Tinh hoa.
Sự nghiệp thành đạt đầu tiên của Thế Lữ là đã có công 'mở đường' cho trào lưu thơ mới. Năm 1935 ông đã xuất bản tập Mấy Vần Thơ trong đó có những bài thơ nổi tiếng 'Nhớ rừng', 'Tiếng sáo Thiên thai', 'Cây đàn muôn điệu'... đã lôi cuốn được rất nhiều thanh niên, kể cả những người sau này thành danh như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi...
Bút hiệu Lê Ta do ông lấy từ tên Lê Ngã (Lễ-Ngã là Ta). Cụ thân sinh đã đảo lại tên Thứ Lễ thành Thế Lữ, bút hiệu mà ông dùng sau này.
Từ những năm 40, hai nhà phê bình thơ văn Việt Nam nổi tiếng là Hoài Thanh và Hoài Chân đã đánh giá Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam...Nhưng ông vẫn rất khiêm tốn tự 'giữ mình':
Chính Thế Lữ mở đầu cuộc khai phá lĩnh vực viết tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam. Từ Hải Phòng tác giả đã viết những tác phẩm nổi tiếng một thời 'Vàng và máu', 'Bên đường Thiên lôi' 'Gói thuốc lá' v.v. Nhà xuất bản Văn học Việt Nam đã đánh giá 'Người đọc nhận thấy rất rõ ông là người có tài quan sát có óc phân tích sắc sảo và có trí tưởng tượng hết sức phong phú'.
Thế Lữ không chỉ viết báo, làm thơ, viết truyện đường rừng, mà còn là một nhà phê bình văn thơ, giáo dục quần chúng về cách thưởng thức và sáng tác thơ trong các mục như: Tin Thơ, Tin Văn... Vắn. Ông cũng viết những phóng sự khôi hài, châm biếm... Thế Lữ được các nhà phê bình cũng như độc giả rất ngưỡng mộ và được coi là người mở đầu phong trào “Thơ Mới”, một “Thi Bá” đầu tiên về thơ mới. Không phải ai khác Thế Lữ đã khám phá ra tài năng Xuân Diệu.
Ngoài văn thơ, báo chí, Thế Lữ là một người say mê kịch nghệ, bắt đầu diễn kịch từ năm 1927 trong trường học. Ông là một trong những người đi tiên phong và rất có công trong việc xây dựng nền kịch nói ở nước ta, bắt đầu bằng đóng kịch, rồi làm đạo diễn, đào tạo diễn viên... và viết kịch cũng như thành lập ban kịch nói chuyên nghiệp đầu tiên. Hiện nay giới văn nghệ miền Bắc Việt Nam coi Thế Lữ là một Ông Tổ của ngành Kịch Nói.
Thế Lữ đích thân thành lập và điều khiển ban kịch Thế Lữ và ban kịch Anh Vũ từ 1942 tới 1946. Ban kịch Thế Lữ ra đời được xem là 'Ban kịch qui mô đầu tiên của kịch nói Việt Nam' đã tập hợp nhiều nghệ sĩ có tên tuổi ở Hải Phòng, Hà Nội: Lê Đại Thanh, Phạm Văn Khoa, Minh Trâm, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Song Kim (Phạm Thị Nghĩa - Nữ diễn viên Song Kim trong ban kịch đã trở thành người bạn đời thứ hai của ông) v.v.. để thực hiện ước vọng dần dần tạo dựng được một sân khấu kịch nói Việt Nam'.
Năm 1945 trên đường đi biểu diễn ở các địa phương phía Nam, thì cách mạng tháng Tám thành công, Thế Lữ và Ban kịch Anh Vũ đã chuyển hướng về nội dung biểu diễn, phù hợp với hoàn cảnh mới. Trên sân khấu các nghệ sĩ lập bàn thờ tổ quốc, mở đầu bằng bài Tiến quân ca, diễn những vở kịch lịch sử ca ngợi tinh thần yêu nước, bất khuất của những trang oanh liệt: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung v.v.
Hoà bình lập lại, Thế Lữ trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội sân khấu Việt Nam, song ông vẫn tiếp tục sự nghiệp đạo diễn nhiều vở kịch với quy mô lớn hơn, với phong cách làm việc: 'Đòi hỏi rất nghiêm về nghề nghiệp, và cách làm việc ân cần, kiên nhẫn, tỉ mỉ của nhà nghệ sĩ bậc thầy đôí với từng anh em diễn viên'. Với thành phố Cảng,
Sau 1975, Thế Lữ tìm lại được gia đình ở miền Nam và trở về sum họp với bà chánh thất từ 1977 Năm 1989, (ngày 3-6-1989.)Thế Lữ qua đời ở thành phố Hồ Chí Minh, để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với giới văn nghệ sĩ, tri thức và nhân dân ta.
Sẽ lầm lẫn và trở thành kẻ lạc đường khi bước vào thế giới thơ Thế Lữ . Muốn đến với thơ của Thế Lữ ta cần đi một con đường ngược lại. Hãy từ cánh hoa đã nở để đi vào chất nhựa của cây, nói khác đi để tiếp cận thi giới của Thế Lữ phải đi từ cái thực đến cái không thực, rồi khi đã đắm mình trong thế giới của cái không thực ấy ta lại sẽ tìm ra cái thực của tâm hồn nhà thơ.
“Thôi! Hãy để giọng buồn thương ta thán
Cho chúng tôi là một bọn nhạc công
Trăm ngàn năm gảy mãi sợi tơ lòng
Ca những khúc sầu vui tình thiên hạ”.
Thế Lữ đã khiến không ít người lạc đường khi đến với tâm cảnh phức tạp của nhà thơ. Đã có nhiều người cho rằng thơ Thế Lữ là một tiếng buồn vẩn vơ, rằng nhà thơ chỉ tìm quên cuộc đời bằng những ảnh hình mông lung của một cõi thiên thai nào trong mộng nhưng chỉ với riêng bài thơ để đời của Thế Lữ - Nhớ rừng - ta có thể tìm thấy bức chân dung đậm nét nhất của tâm hồn nhà thơ. Ở đây như vừa bộc bạch mà lại như vừa giấu kín một tâm sự.
“...Ta sống mãi trong tình thương nổi nhớ
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hồn núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng...
... Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!...”
Có lẽ ít người biết rằng Thế Lữ còn sáng tác nhiều bài thơ bất hủ, mà một số câu trong đó nay đã trở như những câu ca dao :
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm hổ dễ mấy ai quên”
Hay :
“Anh đi đường anh tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”
Trong trang giới thiệu chân dung nhà thơ chỉ xin mon men tới một góc đời thi sĩ của ông , không có tham vọng với những khía cạnh nghệ thuật khác mà ông đã sứng danh “ cây đa ,cây đề “ trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam.


Thay lời tựa

Thôi! Hãy để giọng buồn thương ta thán,
Cho chúng tôi là một bọn nhạc công,
Trăm ngàn năm nẩy mãi sợi tơ lòng,
Ca những khúc sầu vui, tình thiên hạ.

Chán nản ư? Các anh đừng than thở,
Cứ im đi, rồi bảo cho tôi hay.
Lựa giọng buồn, tôi sẽ vặn trầm giây,
Và gọi gió, gọi thông, lên tiếng họa.

Bên sông đưa khách

(Tặng tác giả "ĐỜI MƯA GIÓ"
( “ …Lòng em như nước Trường Giang ấy,
Sớm tối đưa chàng tới Phúc Châu.
-Lời kỹ nữ “ )


Trời nặng mây mù. Mấy khóm cây
Đứng kia, không biết tỉnh hay say,
Đỗ bờ sông trắng con thuyền bé,
Cạnh lớp lau già, gió lắt lay.

Tôi tiễn đưa anh đến tận thuyền
Để dài thêm hạn cuộc tình duyên;
Thuyền đi, tôi sẽ rời chân lại.
Tôi nhớ tình ta, anh vội quên.

Thuyền khách đi rồi tôi vẫn cho
Lòng tôi theo lái tới phương mô?
Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn.
Không khóc, vì chưng mắt đã khô.

Đâu biết rằng anh cũng chỉ là
Khách chơi giây lát ghé chơi qua;
Rồi thôi, níu áo không tình nữa,
Để mặc tình ai khỏi ước mơ.

Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
Là người mơ ước hão! Than ôi!
Bình-minh chói lói đâu đâu ấy,
Còn chốn lòng riêng u-ám hoài.

Mà biết vô duyên vẫn cứ mong,
Trăm năm ôm mãi khối tình không,
Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách:
Thuyền chẩy bơ vơ đứng với sông.

Nhớ rừng

(Lời con Hổ ở vườn Bách thú,
Tặng Nguyễn Tường Tam)


Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới ?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng ?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật ?
-- Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu ?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ sén, lối phẳng cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông giòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
-- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

Trụy lạc

Rượu ân ái đắm ngây lòng chán nản
Rót tràn đi, rót nữa, tình nhân ơi!
Ta lắng nghe gió thoảng ở bên tai
Có phải chăng vẫn réo lời thống khổ ?

Cứ rót nữa! Bao giờ mê quá độ
Vơ tóc em lau cặp mắt đờ say
Rồi trông ra màu khói thuốc mù bay
Ta chỉ thấy những màu tươi sặc sỡ.

Ồ những tấm thân nõn nà nghiêng ngửa!
Những tràng cười khoái lạc, giọng dòn tan!
Những điệu lẳng lơ, khiêu khích, nồng nàn!
Những khúc hát lả lơi hay uỷ mị!

Hỡi gái giang hồ! Bạn tình ô uế!
Biết chăng em, đó là thú mê tơi,
Để cho ta không thiết đến ngày mai.
Đời ta nữa. - Ngày mai là lúc tỉnh.

Cũng như em, tâm hồn ta đã lạnh
Tự lâu rồi, từ cái thuở xa xăm
Mà ánh sáng chim ca, mà bóng gió âm thầm.
Hay nét hoa tươi hay màu lá rụng

Cũng đủ khiến cho lòng ta rung động.
- Ta ngây thơ như cô gái đương xuân,
Nhưng đến nay, cô ấy trải phong trần
Đã dày dạn, thấy đời thô rõ quá!

Lòng đã tắt không còn tin tưởng nữa,
Thì quên đi, quên hết để say sưa,
Để mê ly trong thú ái ân vờ
Để trốn tránh những ngày giờ trống trải.

Em ơi, ta không dám để lòng ta nhớ lại
Vì đôi phen trong những lúc điên cuồng
Mảnh hồn thơ còn thoi thóp giữa đêm suông
Bắt ta tiếc quãng đời trong trắng mãi.

Tiếng sáo Thiên Thai
Tặng Ngô Bích San
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.

Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không,

Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...

Đêm mưa gió

(Tặng Đỗ Đức Thu)

Ta vừa đắm trong giấc mơ ghê tởm:
Vừa buông tay ôm ấp gái giang hồ.
Đầy xác thịt, đầy tâm hồn còm lợm
Vị chán chường tràn lấn thú cay chua.

Mặc tấm thân lõa lồ say mệt ngủ,
Ta ngồi, đăm nghe ngóng tiếng đêm sâu;
Trên mái ngói cả một trời mưa gió
Vẫn sụt sùi dai dẳng suốt canh thâu,

Suốt canh thâu, đồng hồ treo bức vách
Thong thả đưa, thong thả đếm từng giây,
Rành rọt điểm trong lòng ta tịch mịch
-- Trong lòng ta u tối gió mưa bay.

Ta ngồi đó; mắt van lơn tha thiết
Thầm kêu xin Buồn Nản tránh xa đi;
Gọi khiêu khích, chúi vào trong mải miết,
Để cho lòng tìm lại chút đê mê.

Nhưng đau đớn! -- Tâm-hồn ngao ngán quá
Thú vui tàn. -- Mà giá ngắt như băng,
Trái tim mỏi, không buồn sôi nổi nữa.
-- Ngoài đêm khuya mưa gió vẫn không ngừng...

Bông hoa rừng

(Tặng Đoàn Phú Tứ)

Trèo lên trên đỉnh non cao
Nghe lời chim gọi, gió dào dạt thưa...
Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ,
Cô nàng cao váy ỡm ờ đứng trông,
Tóc cô gió lẳng lơ chòng,
Nắng vàng rỡn cặp má hồng hồng tươi.
Mắt như nước lặng in trời,
Cánh đào thắm nét miệng cười trong mơ.
Khiến ta lòng những say sưa:
"Phải người ta vẫn đợi chờ, đây chăng ?"
Trái tim đếm bước ngập ngừng,
Lại gần ta hỏi ai rằng: "Ai ơi!
Theo đường nước chẩy mây trôi.
Để lòng ra khắp phương trời, ta xem
Ở đây nhắn gió đưa chim,
Ở đâu thiếu nữ trông tìm người yêu.
Tới đây thấy cảnh đìu hiu,
Phải chăng người ở trên đèo mong ta ?"
Bồi hồi, ta đợi lời thưa,
Nhưng cô sơn nữ hững hờ trông mây...
Sóng rờn đôi mắt lung lay,
Tình xuân nồng đượm đôi mày thanh thanh,
Cười duyên đắm đuối trời tình
Lòng ta như muốn tan thành hư không.
Ta ôm thiếu nữ trong lòng:
Người yêu thoắt biến thành bông hoa rừng.

Bông hoa nay vẫn còn hương,
Lòng ta còn vết đau thương, không cùng,
Đính hoa ở một bên lòng,
Ngàn năm tiếc giấc mơ mòng khi xưa.

Yêu

Ta đi thơ thẩn bên vườn mộng,
Em nấp sau hoa khúc khích cười,
Ngừng bước ta còn đương bỡ ngỡ,
Lẳng lơ em ngắt đóa hồng tươi...

Em ném cho lòng ta đón lấy,
Bông hoa phong kín ý yêu đương.
Hay đâu hoa giấu mầm gai sắc
Sướt cạnh lòng ta mấy vết thương.

Yêu em từ đó ta phơi phới,
Sống ở trong nguồn thú đắm say,
Nhưng cũng sống trong đau khổ nữa.
Miệng cười trong lúc nhắm chua cay.

Mưa hoa

Miệng hát, hai tay nhét túi quần,
Tiến lên, ngửa mặt đón mưa xuân,
Vui như đàn trẻ săn theo bướm,
Ta mải mê theo đuổi mấy vần.
Đi qua các phố quên người đông.
Trời rét hay chăng, chẳng bận lòng
Ta thấy tâm hồn đang rạng rỡ,
Tưng bừng muôn cánh bướm hoa tung.
Trông khóm đào, mai bán khắp đường,
Ta cười tưởng nhớ cảnh quê hương
Bồng lai muôn thủa vườn xuân thắm,
Sáng lạn, u huyền, trong khói sương...
Rồi bao hình, sắc, bóng tiên nga
Điêu luyện tô thành nét những thơ;
Bao điệu thiêng liêng tê tái dạo
Chập chờn theo tiếng gió bay qua.
Nửa ở Bồng lai, nửa dưới Trần,
Ta đi, trong lúc cả trời xuân
Nồng say thắm nhuộm mầu thi cảm.
Chợt cánh hoa đào rụng dưới chân.
Lượm hoa, như lượm mấy lời thơ.
Hoa lại từ đâu nhẹ cánh đưa,
Một cánh rũ theo bao cánh khác
Quanh mình tấp tới trận mưa hoa.
Theo lối hoa về rảo bước lên,
Chân đưa lần đến cảnh thần tiên,
Đường cây uốn éo êm đềm phủ,
Tàn lá xanh rờn ánh biếc xuyên...
Gió đưa hoa tới cành hoa lay,
Như quyến theo làn hương đắm say,
Như quyến theo lời tơ trúc nhẹ,
Ái ân tha thiết, vẳng đâu đây.
Đưa bước như vào trong cõi mộng
Đàn, hòa, theo nhịp gót du đương
Ta đi tìm cõi nguồn tươi sáng,
Bỗng hiện trong hoa, bóng một nàng...
Một giai nhân chuốt vẻ yêu kiều,
Áo trắng in mầu ánh ngọc reo,
Nhan sắc như bài thơ tuyệt tác
Mơ màng, âu yếm điệu cao siêu.
Mỉm miệng cười tươi như nắng xuân,
Mắt nhìn lưu luyến bạn thi nhân;
Đưa tay nương vít cành hoa thắm,
Nàng hái từng bông thả xuống dần.
Đem cả tình thơ, với tấm lòng
Yêu mê riêng vẻ đẹp mênh mông,
Đón mầu hoa rụng tay Nương Tử.
Bỗng thấy lòng ta cảm não nùng...
Ô hay! Bao cánh thắm hoa đào
Chẳng ủ lòng ta ấm dịu sao?
Chẳng đủ cho lòng quên khổ não.
Vì đâu réo rắt khúc tiêu tao?
Giở hoa xem lại, ôi kỳ ảo!
Trên cánh nhung tơ những nét huyền
Thầm viết lên mầu năm tháng cũ
Lời thơ ghi những chuyện tình duyên.
Chép lại lời thơ kể chuyện xa,
Biết đâu không phải nỗi lòng ta
Bao lâu kiêu hãnh trong im lặng.
Thấy gió xuân về, cũng thiết tha.

Mấy vần ngây thơ

Tặng Nguyễn Lương Ngọ

TÔI

Suốt đêm thức để trông ai,
Ô kìa ánh lửa đỏ ngời phương đông.
Nhởn nhơ cây núi nhuộm hồng,
Đẹp như cô gái yêu chồng đêm nao?

CÔ MÁN

Đêm qua trăng khóc trên trời,
Để cho nước mắt nó rơi trên cành,
Giọt châu trắng, lá cây xanh,
Anh kia có biết tâm tình tôi chăng?

TÔI

Kìa cô con gái thẩn thơ,
Đứng trên đỉnh núi trông chờ ai đây?
Cỏ bay cái váy cũng bay...
Trên không con nhạn đón mây chập chờn.

CÔ MÁN

Chập chờn con nhạn đón mây,
Cỏ cao đơn gió, tôi đây trông chồng.
Lòng tôi anh biết cùng không?
Ngày tưng bừng cũng lạnh lùng như đêm.

TÔI

Đêm ngày cô những lạnh lùng,
Bởi chưng cô chửa có chồng, như ai.
Hỡi cô con gái kia ơi!
Thôi đừng khóc nữa, kẻo tôi thêm buồn.

CÔ MÁN

Tôi buồn tôi lại buồn thêm,
Tôi trông mây nước tôi thèm duyên tơ.
Mắt tôi, nước mắt như mưa,
Tôi không muốn gạt, tôi chờ ai lau.

TÔI

Ai lau nước mắt cô mình?
Dưới đây duy có một mình ta thôi.
Cầm khăn lòng những bồi hồi,
Lệ ta cũng chửa ai người lau cho.
Thân ta lưu lạc giang hồ,
Giận đời muốn khuất những trò đảo điên,
Để lòng theo đám mây huyền,
Mây đưa ta bước tới miền gió trăng.
Ở đây mây núi, cây rừng,
Nước non thanh sạch cách chừng phồn hoa.
Chim đèo nhắn gió đèo ca,
Du hồn như một giấc mơ không cùng.
Giữa nơi bát ngát mịt mùng,
Tấm lòng thơ cũng nặng lòng ái-ân.
Thân tuy muốn thoát duyên trần,
Nhưng còn vương mối nợ trần muôn năm.
Đờn lòng, ta sắt ta cầm
Lại đây hòa điệu, hòa âm, ta cùng.
Du dương chung khúc mơ mòng...
Mây cao với núi chập trùng kia ơi!

Giục hồn thơ

Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! - Ta buồn lắm!
Nắng gay gắt trên khóm sen không thắm;
Gió thờ ơ không động bóng tàn cây;
Dưới trời xanh, mây quá trắng không bay;
Hồ không sóng phơi mặt gương quá sáng;
Thời gian đứng: sắc hình trơ trẽn dáng,
Lòng ta không âu yếm, không vui tươi,
Không nhớ thương, không sôi nổi. - Than ôi!
Cũng không cả nỗi đắng cay tê tái:
Nàng Thơ ơi, tâm hồn ta trống trải.
Ta đứng đây, lơ láo, hững hờ trông
Cảnh vô duyên không gợn tiếng tơ lòng;
Ta đứng đây, thẫn thờ mơ bóng bạn,
Trông giờ khắc lặng mang niềm ngao ngán,
Ly Tao ơi, nương tử của lòng ta!
Nỡ lòng du, sơ lãng mối tình thơ?

Tìm đâu thấy những phút giây êm ái.
Những phút giây sáng lạn ánh thiêng liêng
Ta cùng ai để tâm hồn mê mải
Tung ngọc châu gieo những khúc thần tiên?
Đâu những buổi non sông cùng lặng lẽ
Đợi tay ta dìu dắt ngón tay ai.
Tạo nên bức tranh tuyệt trần hoàn mỹ
Lên không gian, thâu góp muôn màu tươi?
Vì bạn ơi! Những khúc đờn réo ngọc
Với bức tranh châu chuốt nét thanh cao
Là những bài thơ, nỗi tình cảm xúc
Của lòng ta và của bạn Ly Tao.

Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! - Ta buồn lắm!
Đem lại đây ánh hương hoa say đắm,
Đem lại đây làn sương gió mơ màng,
Đem lại đây, cùng với điệu du dương,
Những tiếng khóc than hay lời cảm khái
Để lòng ta thôi đừng khô héo mãi!
Để cho ta khi ngắm nắng, trông hoa.
Khi đứng bên hồ đón gió đưa qua,
Ta được thấy ánh lòng ta rung động,
Ta được thấy hồn thơ ta gợn sóng,
Thấy miệng cười bạn tiên tử yêu kiều
Và cùng ai chung giấc mộng cao siêu.

Chiều bâng khuâng

Làn gió bên sông lẹ cánh đưa
Nắng chiều tươi nhuộm cảnh trong mơ:
Bóng cây trên cỏ vươn mình ngả;
Tha thướt Nàng Xuân bước thẩn thơ;

Trời biếc én nghe chèo vỗ nước;
Nhớ nhung ai tiếc cánh buồm xa?
Cô hàng đâu biết ta buồn nhỉ,
Đon đả ra chào hỏi khách qua.

Nàng thơ lạnh

Gió bấc giục về, Nương Tử rét
Bạn nghèo không sắm áo nhung tơ,
Sương thu gội mãi trên vai giá
Ta lấy gì đây, đắp dáng Thơ?

Nhan sắc

Trời có những buổi bình minh êm lặng,
Phấn hồng non phơn phớt giải chân mây;
Nhưng cô em có đôi má hây hây,
Làm phai nhạt cả mầu tươi buổi sáng,

Trời có những giải mây huyền thấp thoáng
Như vấn vương lưu luyến quyện lòng ai;
Nhưng khi cô buông áng tóc mây dài
Cho tay gió lướt bên thềm mơn trớn,
Lòng ta cũng chuyển theo làn sóng lượn

Tiếng gọi bên sông


- Tặng Khái Hưng
(Lời chinh phu)


Ta là một khách chinh-phu,
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ.
Mũ lợt bốn bề sương nắng gội,
Phong trần quen biết mặt âu lo.

Vất vả bao từng, chi xá kể?
Gian lao như lửa rèn tâm chí,
Bấy lâu non nước mải xông pha,
Chưa chút dừng chân, chưa lúc nghỉ.

Trong thủa sinh bình, đôi mắt ta
Không hề cho đẫm lệ bao giờ;
Cười phen thất bại, khinh nguy hiểm,
Nện gót vang đường nhịp khúc ca.

Đang độ nam nhi vui trẻ hoài:
Sầu tư bi thiết, gác trên bên tai,
Trái tim chỉ rộn khi căm tức,
Ghét lũ vô thần, giận nỗi đời.

Trong khi lật đật rẻo sông Mê,
Trận gió heo may đuổi nhạn về.
Bụi cuốn đường xa, chinh khách mỏi.
Bỗng nghe tiếng hát vẳng bên kia.

Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền,
Êm như hơi gió thoảng cung tiên,
Cao như thông vút, buồn như liễu:
Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên.

Chinh phu trong dạ nhường tê tái,
Quay gót ta buồn trông trở lại,
Đường vẫn còn xa, còn phải đi,
Song le tiếng hát bên sông gọi:

"Đi đâu vội bấy hỡi ai ơi!
Mà để cho nhau luống ngậm ngùi?
Em trẻ, em son, em lại đẹp.
Sang đây chung hát khúc ca vui!

Hỡi khách! Sang đây với bạn tình.
Vui đi! Đời người mấy xuân xanh?
Ưu tư chi để sầu mây nước,
Kìa cánh hoa đua rỡn trước cành."

Tiếng ái ân kia réo rắt hoài,
Mà lời mây nước giục bên tai.
Đau lòng rứt mối tơ vương vấn,
Nước mắt đầu tiên lã chã rơi.

Vì chưng ta cũng biết yêu đương,
Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường.
Trong lúc non sông mờ cát bụi
Phải đâu là hội kết uyên ương?

Âm thầm từ giã cô thôn nữ,
Cô đứng bên sông không hát nữa,
Lòng ta thổn thức còn đê mê
Nhịp với lòng ai nhường than thở?

Âm thầm ta lại bảo cô rằng:
"Mặt đất mênh mang biết mấy chừng,
Em có yêu ta thì gắng đợi,
Đem lòng mà gửi lên cung trăng.

Ở chốn đường khơi ta nhớ em.
Thì lòng ta sẽ hóa ra chim
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt
Sẽ ngỏ cho nhau thấu nỗi niềm."

Ta đi theo đuổi bước tương-lai.
Để lại bên sông kẻ ngậm ngùi.
Chí nặng bốn phương trời nước rộng,
Từ nay thêm bận nỗi thương ai.

Lời than thở của nàng mỹ thuật

(Tặng Nguyễn Ðỗ Cung)

Em đứng em buồn cạnh khóm lau,
Khóm lau than trước gió đêm thâu,
Gió thâu khóc với trăng thâu quạnh,
Ai biết tình quân em ở đâu?

Than ôi! Mới được mấy thu nay,
Gặp gỡ tình quân giữa cảnh này
Là chốn em quen cười với gió,
Với trăng, với nước, với mây bay...

Hoạ sĩ qua chơi lúc bấy giờ,
Lòng em phơi phới trí ngây thơ:
Em xinh, em đẹp mà không biết,
Không biết vì em, ai ngẩn ngơ.

Lân la khách lạ nên quen,
Rồi ngón tay tình chắp mối duyên.
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.

Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
Tên em là Ðẹp, bạn em là
Bao nhiêu cảnh tượng, muôn hình sắc:
ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa...

Em càng trang điểm để thêm xinh,
Và để màu tươi của ái tình
Ðiểm khắp bầu trời thêm vẻ đẹp!
Hồ kia thêm biếc, núi thêm xanh.

Hay đâu cơn gió lạ đâu đâu
Thổi lại cho em những mối sầu:
Bạn ngọc thưa về, em khắc khoải
Cười nhưng phảng phất nỗi lo âu.

Rồi bỗng ngày kia em mới hay
Tình quân em đã chán nơi đây,
Chàng đi theo dõi tơ duyên khác.
- Hỡi mộng lòng ơi! Ôi bóng mây!

Nay biết cùng ai ngỏ nỗi niềm?
Tình quân không dám ở cùng em!
Yêu nhau gian khổ còn yêu mãi
Chàng hám vinh hoa mải miệt tìm.

Như nàng Ngọc Nữ ở Thiên Thai
Tiếc mãi chàng Lưu vẫn luyến đời,
Em đứng bên trường ân ái cũ,
Rồi em than khóc, bạn tình ơi!

Rồi ánh trăng kia với gió thâu
Với gương hồ lạnh, với ngàn lau,
Với bao cảnh đẹp vui khi trước,
Ủ rũ vì em nặng khối sầu.

Giây phút chạnh lòng

Tặng tác giả "ĐOẠN TUYỆT"

"Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

"Non nước đang chờ gót lãng du,
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.

"Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

"Rồi có khi nào ngắm bóng mây
Chiều thu đưa lạnh gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;

"Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,
Vẫn để hồn theo người lận đận;
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.

Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?

Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.

Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.

Năm năm theo tiếng gọi lên đường,
Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.
Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại,
Để hồn mơ tới bạn quê hương.

Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
Gác tình duyên cũ chẳng đường trông.
Song le hương khói yêu đương vẫn
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.
Trong lúc gần xa pháo nổ ran.
Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,
Trên đường rộn rã tiếng đua cười,
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.

Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,
Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,
Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,
Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu...

Cát bụi tung trời - Đường vất vả
Còn dài - Nhưng hãy tạm dừng chân,
Tưởng người trong chốn xa xăm ấy
Chẳng biết vui buồn đón xuân?

ST-BS & GT

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

LỄ KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI

Ông Hoàng Xuân Du - CT chi hội NCT thôn đọc diễn văn
Mừng ngày truyền thống NCT


Sáng nay 6/6 tại nhà văn hóa thôn Hoàng Xá hơn 100 cụ cao tuổi đã về dự lễ kỷ niệm “Ngày NCT Việt Nam”.



Ngày NCT Việt Nam được quy định trong Luật Người cao tuổi là ngày Truyền thống NCT Việt Nam thể hiện một tri ân lớp người có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ con cháu về nhân cách, phẩm chất, bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống yêu nước, đồng thời có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.


NCT ngày nay là nhân chứng lịch sử các cuộc kháng chiến trường kì anh dũng của dân tộc để giữ nước và bảo vệ đất nước, đặc biệt là trong hai cuộc chiến đấu thần thánh, vĩ đại nhất trong thế kỉ XX
Ông Nguyễn Gia Khánh Trưởng thôn phát biểu chúc mừng ngày truyền thống NCT 
và thay mặt chính quyền thôn tặng quà cho chi hội NCT



Thôn Hoàng Xá hiện có  252 cụ là hội viên hội người cao tuổi. Rất nhiều trong số các cụ đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, và cũng rất nhiều các cụ ngoài 75 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh không chỉ là chỗ dựa mà thực sự giúp các con các cháu trong việc gia đình, xã hội. Có nhiều cụ vẫn tâm đắc nghiên cứu biên soạn, với mong muốn để lại cho con cháu mai sau những di sản văn hóa.

Ông Sơn - Đọc báo cáo kinh tế chi hội


Chi hội NCT thôn Hoàng Xá luôn làm tốt công tác động viên, thăm hỏi các thành viên của hội  trong lúc ốm đau. Tích cực  đóng góp ý kiến với Ban lãnh đạo thôn trong công tác chỉ đạo, điều hành công việc, gây dựng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, khuyến học, khuyến tài; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng xóm thôn giàu đẹp.











Ông Cao T. Sứ Hát mừng hội nghị

Ông Đức chúc mừng hội nghị






Một vài khuôn mặt NCT thôn tham gia hội nghị


Nhân ngày Ngày NCT Việt Nam xin chúc toàn thể các cụ hai giới ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn, chúc các cụ sức khỏe, trí tuệ, tâm huyết đẻ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước; góp phần giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững quê hương đất nước. 

Đỗ Đ. Biên