Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

NHÀ THƠ PHẠM TIẾN DUẬT






Phạm Tiến Duật, tên thật mà cũng là bút danh, sinh ngày 14-1-1941. Quê gốc: thị xã Phú Thọ. Tốt nghiệp đại học sư phạm Vãn, chưa kịp đi dạy ngày nào thì ông nhập ngũ
Mười bốn nãm trong quân đội trong đó tám nãm ở Trường Sơn gắn bó với đoàn vận tải Quang Trung 559. Chính Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và ngược lại Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ.

Phạm Tiến Duật có giọng thơ không giống ai, và cũng khó ai bắt chước được, dù muốn mô phỏng. Khó vì giọng thơ đùa đùa, tinh nghịch, tếu táo nhưng lại đụng vào những miền sâu thẳm của tình cảm con người nó là của một chất tâm hồn chứ không phải chỉ đơn thuần một kiểu cách chữ nghĩa.
Còn với nhà thơ Phạm Tiến Duật, chiến tranh không chỉ để lại những ký ức đầy ắp trong tâm khảm, chiến tranh còn là những thời khắc để ông có được chất liệu tuyệt vời cho những tác phẩm thơ "lấy vần từ nhịp cuộc sống".

Phạm Tiến Duật từng tâm sự.
Trước khi tham gia cuộc chiến, tôi cứ tưởng rằng những kiến thức bao năm học ở ĐH đã đủ giúp mình đủ viết lách nhưng không phải. Chính chất liệu cuộc sống cái thời chiến tranh vừa khốc liệt, vừa lãng mạn đó đã giúp tôi có được những tác phẩm hay. Và lúc này, việc sáng tác thơ không còn theo vần điệu, cú pháp cổ điển nữa mà lấy vần nhịp của cuộc sống thay cho nhịp chữ nghĩa.
Điều đáng nói là Phạm Tiến Duật đã phản ánh chân thật thực tiễn cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ ở Trường Sơn ,cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt mà giọng thơ không bi lụy, xót thương. Cuộc chiến cần những người “ Chính trị viên “ và Phạm Tiến Duật sứng đáng là một người chính trị viên tài ba . Anh đã cùng đồng đội trải qua những thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh chính vì vậy thơ của anh luôn “ là con của trận đánh , của vụ mà của những giọt mồ hôi”

Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà.


Con gái thế thì đoảng quá ? ngủ không rửa chân, nằm mơ thì nói ông ổng nhưng đấy là sự thật , sự thật hiển nhiên. Rửa chân trước khi đi ngủ là việc làm cần thiết rất đỗi bình thường của mọi người nhưng ở đây việc làm tưởng chừng đơn giản ấy có thể phải đổi cả tính mạng . Phá bom là việc làm đối diện với cái chết, không ai nói tài được. Bản năng tự vệ của con người nên phải hồi hộp lo âu là lẽ đương nhiên. Nhưng vì lý tưởng, ý chí đã vượt lên bản năng, họ làm trong một ý thức “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh “ mà không sợ hãi. Đêm về, hoạt động vô thức của vỏ não nỗi sợ hãi bản nãng trỗi dậy thành cơn mê hoảng mà thôi ,để rồi sáng hôm sau lại ra mặt đường tiếp tục phá bom.

Phẩm chất anh hùng cao cả đã thành nếp sống hàng ngày. Chất thơ chân thực, do vậy mà sâu xa, kết tinh từ sự từng trải của tác giả vì vậy thơ Phạm Tiến Duật rất gần với câu nói thường ngày không du dương trau chuốt, thô mộc nhưng đầy đủ thông tin.
Phạm Tiến Duật đặt thông tin nọ cạnh thông tin kia, như ngẫu nhiên, như có sao nói vậy, không bình luận móc nối gì, mà thành ra tình cảm, ra nghĩa lý sự đời

Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng
Về số máy bay rơi và tàu chiến cháy
Nha Khí tượng, tin cơn bão tan
Bộ Nông nghiệp, tình hình vụ cấy...
Trong những tờ trình Thủ tướng ký đọc trong đêm
Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên


Chính cái chất bản tin ấy đã tạo nên thơ: giữa bao nhiêu việc gấp gáp của đời sống chiến tranh, chúng ta vẫn dành sức lo cho lâu dài (bộ sử). Điều đó không chỉ là sự bình tĩnh mà còn là niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Phạm Tiến Duật muốn để sự kiện tự nói. Nhà thơ tinh tế trong quan sát, lại giàu có khi liên tưởng nên mới bắt chi tiết tự nói được như vậy.
Với Phạm Tiến Duật, chi tiết nào của đời cũng có thể thành thơ, từ độ cao vật lý bảy trãm mét, một nghìn mét, tám nghìn mét đến dáng vẻ các loài hoa, loài cây, rồi xe không kính, rồi xoong nồi xủng xoảng, rồi nằm ngửa nằm nghiêng... Không cứ phải mây, gió ,trãng, hoa, tuyết ,núi ,sông mà tất tật đi qua tâm hồn Anh đều thành thơ.

Anh xây dựng nên bài thơ bằng vật liệu thật của đời sống chiến tranh, còn nguyên lấm láp cát bụi chiến hào, không sơ chế tái chế gì, giọng thơ thì tếu, vui, nhưng cảm xúc lại là trữ tình thấm thía, tình cảm sâu và rộng:

Cũng vương tóc rối chân gà
Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây
Cũng quần áo ướt phơi dây
Cũng gàu múc nước. Ô hay, cũng làng


Rất có thể nhiều người không hiểu tại sao khổ thơ trên lại đậm nét một hình ảnh làng quê đến vậy ? Đơn giản là thực tế thôi ,người lính ở Trường Sơn đối mặt với chiến tranh là vậy nhưng dưới tán lá của rừng già Tường sơn vẫn có những ngôi “ Làng “ của họ , mà ở đó có cả tiếng gà gáy chó sủa . Chính điều này khiến giặc Mỹ phải chịu thua trước ý chí chiến thắng của một dân tộc .
Không phải tự dưng có người cho thơ Phạm Tiến Duật có sức mạnh như một sư đoàn! Hoàn toàn có lý! Đấy là sức mạnh khuynh thành khuynh nước của thi nhân, của văn chương. Trên văn đàn, Phạm Tiến Duật đã từng là thần tượng của rất nhiều thế hệ.

Thơ Phạm Tiến Duật cuốn hút số đông. Đấy là tiếng kèn đồng, là chiêng trống, là quân nhạc , là điểm cao 559 trong trùng điệp các nhà thơ có danh và vô danh trong thời kháng chiến với 307, 333, 555
Có lẽ không bao giờ còn có một nhà thơ được tất cả các Uỷ viên Bộ Chính Trị mời cơm khi anh trở về từ chiến trường. Cũng không còn có một nhà thơ nào như Anh được những người lính nói : “ Chúng tôi tựa vào những câu thơ của Phạm Tiến Duật để đi vào mặt trận”. Và như thế, anh đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của một người lính và của một nhà thơ trong chiến tranh.

Có một câu chuyện về những người lính giữ chốt trên một quả đồi ven đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Họ bị bao vây. Những đơn vị ở bên ngoài không thể nào tìm cách tiếp cận được họ ngoài hệ thống liên lạc bằng điện đài. Khi cấp trên hỏi họ cần gì thì họ trả lời : “ Chúng tôi cần thơ Phạm Tiến Duật”. Những người lính trên điểm chốt ấy biết rằng có thể tất cả họ sẽ hy sinh. Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh. Thơ của Phạm Tiến Duật không phải là một bản thánh kinh. Nhưng nó là một là một điều gì đó kỳ lạ của thời điểm ấy.

Một bộ phận được phân công chuyển thơ của Phạm Tiến Duật lên điểm chốt đó. Bộ phận này đã tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối và cho thơ Phạm Tiến Duật vào đó rồi bắn lên chốt. Đây là một câu chuyện có thật. Nhưng khi được kể lại, nó đã trở thành huyền thoại. Câu chuyện đó là một hiện thực huyền thoại. Đấy là một hiện thực chứa đựng sự kỳ diệu lộng lẫy của thi ca và đời sống tinh thần của con người ở bất cứ nơi nào trên thế gian này. Nhưng bây giờ, có ai còn xúc động đến lạnh người khi nghe câu chuyện này không ? Bây giờ thi ca nhiều lúc không còn mảy may bóng dáng trong đời sống của quá nhiều người.
Phạm Tiến Duật trở về từ chiến tranh trở về căn phòng nhỏ bé của ông ở Ngõ Yên Thế. Một căn phòng chật chội và thiếu thốn mọi thứ thậm chí lối đi qua căn phòng đó là lối đi để đến một cái nhà vệ sinh của mấy hộ cùng ở trong ngôi nhà đó.

Rất nhiều nhà thơ khác cùng thời Anh đã xây dựng lên một cơ ngơi đàng hoàng và chăm chút cái tổ ấm của họ hơn cả chăm chút thơ ca ,còn Phạm Tiến Duật vẫn trôi lang thang với thơ ca như một đám mây. Đám mây ấy chỉ biết có bầu trời. Đám mây ấy chỉ biết nó đang trôi trong tự do vô tận nhiều lúc như một bản năng khó kìm giữ.

Bây giờ nhiều người vẫn nhắc lại hồi đó, tổ chức đã chuẩn bị đặt anh vào một vị trí rất cao : Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nếu anh chỉ cần nghĩ đến điều đó bằng 50% của các nhà văn nhà thơ khác thì anh có thể ít nhất đã là một thứ trưởng. Nhưng thơ ca và bản tính tự do của một thi sỹ đã kéo ông đi như gió cuốn đám mây trên bầu trời kia. Bản tính của một thi sỹ đích thực đã làm anh quên đi tiền bạc, quên đi nhà cửa, quên đi quyền chức và nhiều lúc quên đi cả vợ con mình.
Trong chiến tranh, con đường của Phạm Tiến Duật đã đi là một con đường thẳng xuyên qua bom đạn, xuyên qua cái chết. Anh đã đi đúng con đường ấy và không hề lạc bước một ngày cho đến ngày chiến thắng.
“ Phạm Tiến Duật là thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh . Nếu chọn một nhà văn Việt Nam để dựng tượng trên đường mòn Hồ Chí Minh thì tôi chọn nhà thơ Phạm Tiến Duật. Mà không chỉ mình tôi chọn ông. Rất nhiều người được hỏi đều chọn ông.” Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều viết về Phạm Tiến Duật với một tấm lòng vừa cảm phục vừa âu yếm như vậy

Bếp lửa nhà mình

Ngày đầu năm em xây bếp mới
Thế là gió mùa đông bắc tạnh rồi em
Chung bếp lửa là chung niềm thao thức
Sợi khói bay nghiêng vẽ dáng em hiền
Cả tuổi thanh xuân anh đốt lửa giữa trời
Cũng là bếp nhưng bếp chung bè bạn
Hết bếp lửa sinh viên, lại lửa rừng cháy sáng
Nấu nồi sắn nồi khoai tập thể, lính ăn chung.

Ngọn lửa ơi, lòng lửa tốt vô cùng
Lửa sinh ra người, lửa sinh ra trái tim rực cháy
Lửa làm bóng tối xa ra và mặt người gần lại
Ngọn lửa nào thân bằng lửa bếp, bạn bè ơi!
Lòng vẫn khát khao đốt lửa giữa trời
Đến với mọi cộng đồng, đến với mọi màu da trên toàn trái đất
Nhưng chỉ bếp nhà mình là ấm nhất
Bởi yêu em, nhân loại thấy yêu thêm.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gío vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngòai trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hòang Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Cô bộ đội ấy đã đi rồi

Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau
Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt

Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay
Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua
Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói

Cả một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa
Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn
Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo
Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè

Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay
Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.

Gửi em, cô thanh niên xung phong

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn"

Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đọan đường này các em làm đâu
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Ðất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim
Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Ðường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạc trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?
Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Ðêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường
Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy...
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Ðã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường xá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngòeo trên mặt đất.
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.

Lính mà Em

Em trách Anh gửi thư sao chậm trễ
Em đợi hoài em sẽ giận cho xem
Thư Anh viết bao giờ Anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ,
Lính mà em!

Anh gửi cho Em mấy nhành hoa dại
Để làm quà không về được em ơi
Không dự lễ Nô- En cùng em được
Thôi đừng buồn em nhé,
Lính mà em!

Ngày nghỉ phép Anh cùng Em dạo phố
Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh mỉm cười rồi nói,
Lính mà em!

Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm
Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm
Anh che em khỏi ướt tà áo tím
Anh quen rồi không lạnh,
Lính mà em!

Anh kể em nghe chuyện trong này
Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu
Thư Anh viết chữ mờ nét vụng
Hãy hiểu dùm Anh nhé,
Lính mà em!

Ghét Anh ghê chỉ được tài biện hộ
Làm cho người ta thêm nhớ thương
Em xa lánh những ngày vui trên phố
Để nhớ người hay nói,
Lính mà em!

Nhớ

Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

Trường Sơn đông, Trường Sơn tây

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.

Em thương anh bên tây mùa đông
Bướm khe cạn nước bay lèn đá
Biết lòng Anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.

Ðông sang tây không phải đường như
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵng sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn

May áo mùa xuân

Em ngồi xe chỉ thôi, chứ em không hát
Sáng bình yên nghe Tết đến gần
Anh ngồi nhẩm từng lời câu hát cũ
Ðể thấy cuộc đời đang may áo mùa xuân.
Gió xe chỉ bao nhiêu năm rồi nhỉ
Khâu lại cánh rừng rách áo thuở bom rơi
Trái đất nhọc nhằn còn bao vùng rách rưới
Một việc cơm áo thôi đã nửa kiếp con người.
Thế giới tốt đẹp hơn trong anh, nhờ câu hát ấy
Xe chỉ luồn kim may áo cho chồng
Lỗ kim bé như cửa vào hạnh phúc
Kheo khéo ngón tay em xe gió lúc tàn đông.

Chia ra- Nhập lại

Ở chiến trường nghe tin Bộ Công nghiệp nặng
Đã chia thành, Bộ Luyện kim - Cơ khí và Bộ, Điện - Than.
Anh nằm nhớ Thủ đô và nhớ em khôn xiết
Gió thổi đêm nay hun hút đại ngàn.
Tiểu đoàn bộ binh nghỉ trên bãi khách
Như trên sông, thuyền võng chòng chành,
Anh bạn nằm bên nghe tin vợ đẻ
Cũng bồi hồi trằn trọc như anh.
Rừng xăng lẻ những thân cây lực lưỡng
Đàn ong rừng đập cánh suốt đêm,
Sáng mai ra ong xẻ đàn chia lứa
Những cánh rừng già tổ ong nhiều thêm.
Đêm tản lửa bay đầy đom đóm
Chiến sĩ nằm nói chuyện tương lai.
Chuyện chia Bộ và lập thêm Tổng cục
Chuyện các tỉnh thành sáp nhập nay mai.
Sự vật đang chia ra, sự vật động nhập lại
Như nghĩa đời mãi mãi sinh sôi,
Giục giã lắm những đoàn quân chiến dịch
Ngắn lại chuỗi ngày đất nước chia đôi.
Sáng mai ra gửi lời chào bãi khách
Các mũi tiến quân nhằm phía trước xuyên rừng
Sự vật đang chia ra, sự vật đang nhập lại
Tiếng bồi hồi còn vỗ ở sau lưng.
Khúc hát thanh xuân
Sẽ đến lúc ta trở thành cụ già
Nhưng tới đó hãy hay giờ ta còn trẻ chán.
Bắt chước cụ già không khó lắm
Cụ già bắt chước mình mọi khó làm sao.
Tuổi trẻ ra biển dễ hơn cụ già xuống ao
Ta lội rừng không chồn chân, mà các cụ già ra thăm vườn mỏi gối
Với tuổi trẻ, không có đêm nào gọi là đêm tối
Nắng đã là bạn ta, mưa cũng là bạn ta.
Ta cày mặt đất lên trong ánh nắng chói loà
Ta gieo mạ theo đường chân trời cho lúa mọc
Cười cái cần câu, ta huơ cần trục
Lấy cân tạ ta cân và thước cây số ta đo.
Nhưng ta lấy từng sát-na để tính thì giờ
Tình yêu chứa trong ta bồn chồn biết mấy
Thân thể ta là tòa làu lộng lẫy
Ánh sáng chứa bên trong và tiếng hát tràn đầy.
Ta nguyện là đầu rễ, còn nguyện là ngọn cây
Nơi ta tựa ấy thân cành vững chãi
Tuổi già vui cùng ta mà trẻ lại
Trẻ em nhìn sức vóc ta mà lớn lên.
Nhưng có điều xin bè bạn đừng quên
Chính khúc hát thanh xuân này các cụ già mách bảo
Ta nhẩm lại bỗng thấy mình kiêu ngạo
Nên lại hát tuổi mình ở chính bàn

Nhớ đồng ca –Hát đồng ca

Giọng anh hát nghe hay
Có lần em khen thế.
Nhưng giọng anh đơn lẻ
Sánh sao bằng đồng ca.
Như chiều nào rừng già
Ngả nghiêng cây gió thổi,
Ngả nghiêng người bổi hổi
Nhịp đập tay rền vang.
Nhưng khuôn ngực nhịp nhàng
Người người chung nhịp thở.
Giọng hát tựa vào nhau
Âm thanh càng rực rỡ.
Chưa thuộc thì máy môi
Có kể gì hay dở,
Hát để yêu nhau hơn
Lửa lại truyền thêm lửa.
Thì ấy là đồng ca
Như nhịp đời tuyệt diệu,
Sóng vẫn thường chung điệu.
Gió vẫn thường chung điệu.
Mây trời đồng ca mưa
Đất đồng ca lúa mở
Và đêm xanh vũ trụ
Sao đồng ca ngân hà.
Nay trời đất giao hòa
Mùa màng đang vào vụ,
Bao bước chân đội ngũ
Lại rộn rịp lên đường
Như thuở ấy chiến trường
Cùng bạn bè anh hát,
Ở hội trường vừa về
Lòng vẫn còn ào ạt.
Trước mặt giờ mình em
Riêng minh anh anh hát,
Với bao lòng dào dạt
Thế cũng là đồng ca.

Trước mùa xuân – Điều tôi muốn nói
1
Trước mùa xuân điều tôi muốn nói
Cứ ghìm trong lòng ngực tôi đây.
Giặc trút bom B.52
Hố bom giữa ruộng cày, hố bom trong thành phố.,
Gịăc muốn dựng mùa xuân bằng cây thập tự
Chúng trang trí mùa xuân bằng những dải khăn tang.
Hòa bình hay chiến tranh ? Lá rụng vẫn màu vàng
Giặc mỹ vẫn hình hài giặc Mỹ.
Xuân rộng thế mà nhà tù chật thế
Ôi miền Nam, bao đồng chí đồng bào
Có thể nào yên, có thể nào
Có thể nào quên vết thương đang chảy máu.

2

Trước mùa xuân điều tôi muốn nói
Bỗng gặp chiều nay một cô bé mười lăm,
Em ngồi học bài bên miệng hố bom
Hổ bom trong làng, bên bụi tre xơ xác
Lá tre rụng trên trang bài em học,
Những ngòi bút trời rơi trên tóc trên vai,
Em ngẩng lên, đôi mắt sáng ngời
Se sẽ mùa xuân nào ai dám gọi.

3

Trước mùa xuân điều tôi muốn nói
Bỗng gặp chiều nay ông già ấy Quảng Bình,
Ngôi nhà vẹo xiêu ông ở một mình
Một nồi nấu cơm và một hầm trú ẩn.
Ba đứa con đi xa
Mà dáng đi như chưa hề lận đận.
Ông giơ bàn tay của tuổi sáu mươi già
Nếu cần chọi thì tay này còn chọi.

4

Trước mùa xuân điều tôi muốn nói
Từ những nẻo đường đất nước tôi đi
Hố bom ư? Những cái đó ra gì
Khi đặt cạnh núi, sông và đồng bằng bát ngát
Cái hùng khí của một thời Sát Thát
Lại nhân lên trong buổi sớm mai nay,
Thế đứng Trường Sơn bền vững nhường này
Đồng chí Tư lệnh ơi, cho tôi vào mặt trận.

ST & BS

2 nhận xét:

  1. Bài " Lính mà em" không phải là thơ của Phạm Tiến Duật đâu

    Trả lờiXóa
  2. …Nhà văn Lý Thụy Ý nói về bài thơ “Lính mà em” của bà đã từng in trên báo “Văn nghệ tiền phong” tại Sài Gòn năm 1967, sau đó in vào tập thơ “Khói lửa” của bà in năm 1972 tại Sài Gòn. Bài thơ này còn in trong tuyển tập : “Thơ tình năm 1975” của miền Nam.
    Bài thơ được hai nhạc sĩ Y Vân và Anh Thy phổ nhạc, Hùng Cường hát và phát đi phát lại trên đài phát thanh nhiều lần...
    Nhưng, lạ lùng thay, bài thơ “Lính mà em” của nhà thơ Lý Thụy Ý lại thấy nằm trong tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật do nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007, tất nhiên là bài thơ mang tên Phạm Tiến Duật

    Cũng xin nói thêm rằng, chỉ có "người ngoài cuộc" là nói Lính mà Em của Phạm Tiến Duật, còn bản thân ông thì không thừa nhận. Trên báo TUỔI TRẺ số ra ngày Chủ nhật- 4-11-2007, trong bài "Một người lính đặc biệt trên đường mòn huyền thoại" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về Phạm Tiến Duật có đoạn:( xin trích nguyên văn )"...Khi tôi đến, ông lấy tập thơ tặng tôi và mở tập thơ ra chỉ cho tôi xem một bài thơ và nói đó không phải là thơ của ông, nhưng vì yêu quí mà những người làm sách đã đưa bài thơ đó vào. Đó là bài "Lính mà Em". Phạm Tiến Duật nói đây là bài thơ của một nhà thơ nào đó của Sài gòn viết trước 1975..."(Nguyễn Quang Thiều).

    NGUYÊN VĂN BÀI THƠ LÍNH MÀ EM CỦA LÝ THỊ Ý:

    Mình trách anh hay hồi âm thư trễ
    -Em đợi hoài! Em sẽ giận cho xem
    Thư anh viết:- Bao giờ anh muốn thế
    Hành quân hoài đấy chứ- Lính mà Em!
    Anh gởi về em mấy cành hoa dại:
    -Để làm quà không về được Noel
    Không đi lễ nửa đêm cùng em gái
    Thôi đừng buồn anh nhé- Lính mà em!
    Anh kể chuyện hành quân nằm sương gối súng
    Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
    Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
    -Hãy hiểu dùm anh nhé- Lính mà Em!
    Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
    Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
    Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
    -Anh quen rồi, không lạnh- Lính mà em
    Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố
    Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
    Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
    Anh cười buồn khẽ nói:- Lính mà em!
    Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
    Làm “người ta” càng thương mến nhiều thêm
    Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
    Để nhớ một người hay nói LÍNH MÀ EM !
    (Khói Lửa 20-1967)

    CÁM ƠN TRIANCUOCDOI đã có nhận xét chính xác,

    Trả lờiXóa