Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

SƯ CỤ ĐÀM HÂN

Hai năm nữa thì cụ tròn 90 tuổi. Cái bệnh già khiến cái chân cụ rất đau khi phải tọa đài sen, nhưng cụ vẫn cầu kinh niệm phật hàng ngày và chăm lo đến công việc nhà Phật

Gần như cả cuộc đời cụ gắn với ngôi chùa của làng Hoàng Xá và cũng ngần ấy thời gian cụ chăm lo đức tin cho người dân của làng và khách quanh vùng.
7 tuổi cụ đã vào chùa làm chú tiểu. Trước đây chùa nghèo, dân làng cũng nghèo nên chưa biết chữ, chưa thạo đường nghiên mực nhưng cụ đã giúp Sư Mười từ việc đèn nhang đến trông coi 5 sào ruộng trồng lúa sinh nhai của chùa.

Các cụ già làng Hoàng Xá kể lại rằng, thời con gái cụ xinh và trắng trẻo thuộc diện nhất làng. Khăn nâu sòng không thể che được cái long lanh trong đôi mắt tuổi xuân.
Không tham gia dân quân tự vệ nhưng nhà chùa, sân chùa, vườn chùa lại là nơi luyện tập của đội tự vệ Tổng Phương Đình, thậm chí Ủy ban MTTQ huyện Ứng Hòa làm trụ sở. Những bát nước vối thơm mùi gừng cùng với trái cây vườn chùa luôn được Đàm Mười và Đàm Hân dâng cho người cách mạng.
Không biết lời đồn có đúng không về trái tim hướng Thiền của sư thầy Đàm Hân đã thiêu đốt nhiều chàng trai tổng Phương Đình hồi đó.

Trong kháng chiến, giặc Pháp huy động tổng lực mở trận càn Vân Đình. Chùa Chè bị giặc phá, sư cụ Đàm Mười bị giặc giết. Ngày 18 tháng 8 năm Mậu Tí là ngày giỗ của sư tổ Tỷ Siêu Bồ Tát Đàm Mười cũng là ngày giỗ của 42 người dân thôn Hoàng Xá.
Sau ngày giỗ trận Sư Thầy Đàm Hân nhận trọng trách chủ trì chùa Hoàng Xá. Sư Thầy cùng dân làng sửa chữa lại chùa, làm thêm dãy nhà Tổ phía sau Bái Đường làm nơi thờ phật tổ.




                                      ( Gian thờ Tổ )
Năm tháng qua đi với công sức, tài tổ chức của Sư Thầy Đàm Hân cùng với sự đóng góp của dân làng, chùa Hoàng Xá mỗi ngày một khang trang, bề thế. Chùa Hoàng Xá  không phải chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người thôn xóm nói riêng và xã hội nói chung.

Sống giản dị, thiện tâm sư cụ trụ trì Hoàng Xá luôn giữ được “Minh tâm bửu giám “ với đủ  3 điều ” Sự phồn mạc cụ, vô sự mạc tầm, thị phi mạc biện,” (1)

Nền kinh tế thị trường đã len lỏi đến rất nhiều ngôi chùa trong cả nước nhưng phải dừng lại trước câu đối trước Tam Quan
“ Môn ngoại vãng lai nghi thoát tục
Trù tiền xuất nhập yếu thông thiền “ (2)

Cái tên gọi “ Sư cụ Đàm Hân” chắc chỉ ghi trong sách, trong sổ của chính quyền địa phương. Người Hoàng Xá và người địa phương xung quanh chỉ dùng một chữ “ Cụ “ là đủ.
“ Cụ “ không còn là đại từ nhân xưng, tên chung mà đã thành tên riêng của người Hoàng Xá giành cho Cụ, đó cũng là tấm lòng dân làng tri ân Cụ.

Tôi đã từng đến không ít chùa ở nhiều địa phương khác trong nước như “ Yên Tử; Bái Đính; Hương Sơn; Lai Viễn Kiều; Long Sơn…” nhưng mỗi khi về với Chùa Chè tôi cảm thấy lòng mình thanh thản nhất. 


Rất có thể khi đến nơi khác tôi chỉ thấy Phật pháp ở đâu đó rất xa, còn về chùa nhà Phật pháp hiển hiện rất gần. Ở các chùa khác tôi chỉ gặp các vị phật tử ghi “ Công Đức” còn ở chùa làng Cụ trụ trì, áo nâu sồng nhân hậu có thể giúp tôi khai sáng cõi tâm.
Chưa dám nhận là Phật tử, chỉ là một quần chúng của Phật, một người dân của làng Hoàng Xá xin được cám ơn sư cụ Đàm Hân, cụ đã truyền cho con nói riêng và dân làng Hoàng Xá nói chung niềm tin vào cõi Phật và tình yêu với quê hương xóm làng.


(1) “ Khuôn vàng thước ngọc” . “ Việc nhiều đừng sợ, không có việc đừng bày việc ra, đừng nói chuyện thị phi “.
(2) “Lại qua ngoài cổng nên thoát tục
Vào ra trước tự phải thông thiền”

Nguồn : Đỗ Đặng Biên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét