Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

ĐỊA DANH

Chợ Đình- Trước đây là một chợ lớn thứ 2 của tỉnh Hà Đông, chỉ nhỏ hơn chợ Đơ của Thị Xã Hà Đông. Chợ chạy dọc làng từ khu vực đài truyền thanh huyện bây giờ xuống cửa chùa Chè. Khu vực Đài TT trước là chợ Trâu, ở đó có những cây bàng cổ thụ. Những ngày chợ phiên dân tứ sứ mang trâu, bò, bê, nghé về bán.
Trước cửa đình nơi đặt đài tưởng niệm bây giờ là cầu 9 gian. Ngày thường đây là nơi họp chợ, dân từ các làng bên đến mua bán hàng hóa. Vào những ngày Lẽ hội, nơi đây dùng vào việc tu soạn lễ trước khi tiến vào đình.
Phía  nam Đình cho xuống tận phố là khu chợ, ở đây có các quầy quán lớn sắp xếp theo khu vực hàng hóa. Cuối chợ đoạn tiếp giáp với đường 22 ( 21B) là chợ lâm sản bán gỗ, tre, nứa, lá gồi….vv.


Đồn Tây- Dấu tích về đồn tây không còn, trước kia nơi đây có một cây đa cổ thụ thuộc xóm làng. Lính tây đóng ở đây án ngữ lối đi lại giữa xóm làng với xóm vàng và xóm chùa. Nền Đồn tây hiện nay là lớp học tiểu học và mầm non thôn, phía sau khu đất nhà ông Đỗ Đặng Huy.

Đất Phủ Nha, Phủ Thành – Nay là khu dân cư xóm mới. Gọi là đất phủ Nha, Phủ Thành có lẽ là bắt nguồn từ năm 1970 – 1976 khi UBHC Huyện Ứng Hòa chọn khu dinh cơ  của các ông ( Nghị ) Đặng Văn Vấn, Đặng Văn Dự làm công sở. Các bộ phận quản lý ngày càng phình ra nên những nhà dân khu vực xung quanh khu dinh cơ phải di rời, hình thành khu xóm mới.

Vườn Tràng- Hiện vẫn là một khu đất nông nghiệp được giao cho thôn Đình Tràng quản lý sau khi thành lập HTX Nông nghiệp  thôn Lương Đình Hoàng. Trước kia là vườn của một trường học, dù không còn dấu tích trường học nhưng hiện còn Văn Quán, mặc dù khu Văn Chỉ nay đã là trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền.
Trong “ Văn chỉ tự điền bi ký “ do Đào Vu Đông Xuyên Nguyễn Xa, Phủ Nha thông sử Ứng Hòa viết vào năm 1845 có câu “ Nguyên tự điền …. Nhất mẫu Lương Xá Hạ” Dịch là “ Ruộng nguyen là của huyện dùng cho việc thờ cúng ở thôn Lương Xá Hạ” mà trước đây thôn Đình Tràng có tên là Lương Xá Hạ.
Bãi Nghiên Mực – Nền cũ của bãi ở phía đông nam làng, nơi đây trước gọi là bãi Nghiên Mực. Vào những năm chiến tranh phá hoại 1965- 1973, dân phố ( Thị trấn) phải sơ tán vào làng. Một người ở phố tên là Đông Thành làm nhà ở trên khu vực bờ sông, cùng thời gian đó người ta phá bãi Nghiên mực, để tiện gọi cho cánh đồng khu vực này thay cho bãi Nghien Mực là cánh Đông Thành.

Đồng Gạo – Tên một cánh đồng phía đông bắc làng, ( Xóm làng) nơi đây người xưa dựng một cái cầu gọi là cầu Gạo. Liền kề đồng Gạo là đồng Khố ( Kho vũ khí) .

Sông Đào - Năm 1926 – 1928 người ta đào một nhánh sông từ Cầu Bầu ( Quảng Nguyên) đến Thanh Ấm – Nối con sông chảy ra hướng Thường Tín với sông Đáy. Sông đào trước kia xanh trong nhiều tôm cá. Thời Pháp chiếm đóng có xây một cầu xi măng qua sông ( Nối Đồn Tây với Phủ Ứng Hòa cũ). Cầu này bị Việt Minh đánh mìn, di tích còn lại là mố cầu dưới lòng sông hướng chính đông làng.

Đồng Cốc – Tên một cánh đồng phía tây bắc làng. Sau cải cách ruộng đất ( 1959-1960) cánh đồng này nhường cho những người dân Thị Trấn Vân Đình ( Thực chất là người trong thôn ra ngoài đường lớn sinh sống )

Bãi Ngô Công ( Ông Rết) – Tương truyền rằng đây là khu đất thiêng. Nhà có phúc mả táng nơi đây sẽ kết phát, con cháu đời sau hưởng phúc lớn và ngược lại nhà vô phúc các đời sau lụn bại.
Bãi Ngô Công không còn nữa, vị trí ở bãi ở phía tây nam nghĩa trang liệt sĩ Thị Trấn Vân đình hiện nay.

Mả Ông Voi- Tương truyền rằng: Một lần Chúa Trịnh cùng Đặng Thị Huệ trên đường từ Hương Sơn về Kinh Thành có dừng chân tại chợ Đình. Chúa buộc voi trước cửa đền thờ Thành Hoàng làng. Voi quậy phá, Thành Hoàng vật voi chết tươi. Chúa bắt dân phải đền voi ( Làm một voi bằng nan to như voi chúa trong nhét đầy tiền ) và chôn voi. Nơi chôn voi chúa bắt dân gọi là Mả Ông Voi. Mả ông voi nằm phía tây bắc làng, ngay phía bắc gần sân vận động Huyện Ứng Hòa.

Nguồn : ST & BS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét