Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một Mẹ thôi- Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nổi thành người

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

MIẾU - QUÁN


 
Quán Hoàng xá nguyên là ngôi miếu cổ. Theo câu đối ở tiền sảnh Đại bái thì miếu dựng từ thời vua Hùng XVII “Viên lập nguyên miếu tự Hùng Duệ Vương dĩ lai”
Thần phả ghi :  “ Tuân lệnh của Hùng Duệ Vương sau hai ngày Quý Minh đêm 5000 tinh binh về trấn giữ ngăn quân Thục. Người Hoa Đình cảm phục ân đức đến xin Người rằng : ” Dĩ uy đức phục chi, thỉnh nhân thử kim đồn vi sở, hậu vi miếu tự “
Sau khi Ngài qua đời, vua sai sứ giả về giúp dân dựng miếu trên đất đóng binh xưa (Nay là bưu điện huyện Ứng Hòa- giữa thị trấn Vân Đình)


Truyền thuyết kể rằng miếu rất thiêng. Dân thôn cầu gì đều ứng nghiệm. Ai đi qua mà không xuống ngựa hạ võng đều bị Ngài phạt tức thì. Miếu tồn tại nơi này đến cuối thế kỷ thứ 18.
Thời chúa Trịnh Sâm ( 1767-1782), một lần chúa cùng Huệ Phi đi thăm Hương Tích, trên đường về có dừng chân nghỉ ở Hoàng Xá.  Voi chúa buộc ở nơi đây, voi quậy phá phóng uế bừa bãi, bị Ngài vật chết tươi.
Dân làng bị Trịnh Sâm phạt vạ ( Xem sự tích mả ông voi )
Miếu phải dời vào giữa làng ngay chợ , cách Đình khoảng 200m ( Trên nền đất nhà ông Đình Thiệu hiện nay ).
Từ ngày miếu chuyến đến nơi này dân làng không thịnh. Các bô lão đồ rằng giữa chốn ồn ào chợ búa Ngài không hài lòng.
Sau khi chọn được kiểu đất” Tống thủy đáo đường, tiền hữu án chẩm, hậu hữu long bào” giống thế đất ngày đầu dựng miếu ở hướng đông nam làng ( Xóm làng bây giờ), khi xin âm dương Ngài chấp thuận, dân làng chuyển miếu lần thứ III.
Việc di chuyển lần này mất 10 năm ( 1869 – 1878) “Cải tạo tân cung Tự Đức Mậu Dần y thủy “. Hiện nay trong cung còn câu đối do thượng thư Dương Lâm cho chữ :” Thập tải miện lưu, vân vũ mãn thiên, tình nhất nhật.
Tam thiên miếu vũ, giang sơn thử địa, hựu thiên thu.”
Lưu truyền lại rằng : Ngày cất nóc trời rất đẹp, đến xin chữ cụ thượng mới cho như vậy, ắt hẳn Ngài ưng ý và phù hộ.
Từ đó dân làng mỗi ngày một thịnh vượng.

Phần chính Quán làm theo kiểu chữ TAM , phía trước là đại bái 5 gian rộng mái thấp, nóc có dấu vuông, cuối bờ nóc có nếp bệ, trông tựa một ngôi chùa của một miền quê hiền hậu. Bên trong có bầy hương án và các nghi trượng phục vụ hành lễ.
Liền sau là trung cung – lầu hình vuông hai tầng tám mái cong , đứng trên bốn cột chính bằng gỗ lim. Bốn bề không có tường bao chỉ có cột xà, mái. Giữa hai tầng mái đều trang trí những bức phù điêu rồng, phượng, hoa lá cách điệu một cách công phu. Các chồng giường, đầu kẻ đều đẽo gọt, họa hình linh vật rồng, li. Giữ các xà ngang chạm hình cúc dây, ống quyển, bầu rựơu túi thơ.
Có thể nói trung cung là một công trình kiến trúc đẹp, cầu kỳ, được dựng trên nền đặt đỉnh trầm.
Bức hoành phi “ Linh quang vị thiên” đã khẳng định ở đây linh thiêng, vẻ vang, sán lạn. Những câu đối trên cột cái tái khẳng định sự linh thiêng của Quán.
Cổ miếu trùng tân, sơn thủy hoát nhiên, hối nhật nguyệt
Thần cao y cựu, trừ tư trường thử, hộ phong vân “
( Nghĩa là : Miếu xưa nhiều lần sang sửa làm mới, núi sông thông thoáng, mặt trăng, mặt trời, trở lại trong sáng hơn.
Nơi Ngài ngự vẫn bên sông nước như xưa, gió mây mãi mãi đẹp muôn đời)




Hậu cung là 3 gian cao, hẹp lòng. Đầu đốc nối vuông giữa nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Phía trước hai tầng mái lượn. Giữa hai mái trang trí gạch hoa sứ. Một kiến trúc thâm nghiêm nhưng lại sáng sủa. Gian giữa, trên bệ có khám và ngai thờ Thánh, Bài vị ghi “ Trung lượng linh diệu định cát thượng đẳng thần”. Hai gian bên có bệ thờ các văn võ bộ hạ của thánh.
Có 3 cửa vào hậu cung. Cửa giữa không để đi, phía ngoài là bức của võng sơn son thếp vàng 4 chữ “ Cung chúc thánh cung”. Hai của hai bên ghi “ Cửu văn, cửu vũ”
Phía trước Đại bái là sân lát gạch rộng,trồng cây cảnh quý. Hai bên sân là tả mạc, hữu mạc. Cùng hàng với hồi tả hữu là hai cột trụ biểu nội nghi môn nối với hai cột trụ biểu lớn phía ngoài.
Tổng thể Quán có kiến trúc truyền thống “ Nội công, ngoại quốc”
 Quán Hoàng Xá nay chỉ còn hậu cung là nguyên vẹn. Đại bái đã xụp, nát phải dỡ bỏ cùng với tả mạc, hữu mạc.
Biết là di tích quý hiếm nhưng dân làng còn rất nhiều việc phải lo toan gánh vác.

Làng Hoàng Xá có nhiều di tích văn hóa.  Đình – xếp hạng DTVH năm 1962), Chùa – (xếp hạng DTVH năm 2001). Dân Hoàng Xá có đến một nửa sinh sống  xa quê, người ở lại mới khá đủ, chưa giầu có nên việc gìn giữ bảo tồn, tránh xuống cấp thêm đã  tốnrất nhiều tiền bạc và công sức. 

Hy vọng một ngày mai con cháu người Hoàng Xá ăn ra làm nên khá giả với niềm tự hào về Quê hương sẽ cùng nhau lập quỹ tôn tạo lại Hoàng Xá một thời vang bóng.


Nguồn : Tư liệu - Trích từ cuốn Địa Chí Văn Hóa Hoàng Xá của nhà giáo Đặng Đình Thiêm
Biên soạn và ảnh - Đỗ Đ. Biên thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét